Tin buồn

Trị bệnh “vỡ nợ” cà phê: Liều thuốc đang nằm trong tay BCEC?

Đa số cà phê ký gửi ở Tây Nguyên cho phép doanh nghiệp sử dụng “tùy tâm – tùy ý – tùy thích”, nên chuyện vỡ nợ là điều tất yếu.

Bài liên quan đến chủ đề này:

Những đại lý… từ trên trời rơi xuống!

Khi tiếp nhận tài liệu của một số đại lý cà phê vỡ nợ ở huyện Đak Mil, tỉnh Đăk Nông, chúng tôi đã đến Văn phòng luật sư THT, Trung tâm văn hóa tỉnh Đắk Lắk, để nhờ phân tích những lỗ hổng trong các chứng từ này.

Ngoài chỉ ra các thiếu sót rất nguy hiểm trong giao dịch, cho phép đại lý tùy tâm, tùy ý, tùy thích quyết định tài sản của nông dân, các luật sư còn đặt vấn đề: Các đại lý này là thành viên của công ty cà phê nào? Theo các luật sư, việc này là rất quan trọng, bởi phải là đại lý thật sự, mới có thể xem xét một cách thấu đáo trách nhiệm của đại lý, của doanh nghiệp.

Luật sư Tạ Quang Tòng, Văn phòng Luật sư THT phân tích: “Làm đại lý thật thì phải có một hợp đồng đại lý. Cơ quan chủ quản của đại lý phải chịu trách nhiệm về đại lý của mình. Tuy nhiên, các đại lý này có làm đại lý cho ai không? Hay là họ dựng lên một cái gọi là đại lý. Có gì để đảm bảo cho giao dịch với người dân được thực hiện một cách chặt chẽ từ đầu đến cuối? Có điều, gửi vào là nhanh nhất, nhưng lấy ra thì không biết đến bao giờ”.

Thực tế là có rất ít cơ sở thu mua cà phê ở Đắk Lắk và Đắk Nông làm đại lý chính thức cho một doanh nghiệp nào đó và tuân thủ các quy trình làm đại lý như quy định của pháp luật.

Đa phần các cơ sở này coi khái niệm “đại lý” như thứ từ trên trời rơi xuống, đem lắp lên bảng hiệu, lên chứng từ của mình, mà không cần tuân thủ các quy định liên quan đến việc mở đại lý.

Vỡ nợ cà phê, Đại lý cà phê Lan Diệu
Nông dân gửi hàng cho đại lý “trên trời” và… đi đòi nợ

Và tất nhiên, các đại lý chẳng tội gì phải làm cái việc thừa ấy, vì không tuân quy định, “đại lý” của mình vẫn hoạt động bình thường, vẫn vô tư nhận cà phê ký gửi của nông dân.

Trải nghiệm từ những “thân chủ” của mình – tức là các nạn nhân của vỡ nợ cà phê muốn khởi kiện, đòi lại tài sản, Luật sư Tạ Quang Tòng cho rằng, mức độ rủi ro trong giao dịch ký gửi này quá cao. “không cần phải kinh doanh khó khăn, không cần cà phê trượt giá, chỉ cần chủ đại lý thua một canh bạc, trượt một “kèo” cá độ, thì tài sản của nông dân đã có thể “coi như xong” – ông Tòng cho hay.

Lợi nhuận cám dỗ, không ai tuyệt đối đáng tin

Không chỉ các luật sư mới nhìn thấy những nguy cơ trong giao dịch ký gửi cà phê hiện nay. Các doanh nhân cũng tự thấy môi trường giao dịch này thật sự không ổn.

Phó Giám đốc Công ty TNHH Anh Minh, 1 trong 3 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê lớn nhất tỉnh Đắk Lắk, ông Phan Hùng Anh, cho rằng các đại lý luôn chịu sự cám dỗ rất lớn bởi yếu tố lợi nhuận. Bất kỳ doanh nghiệp nào, dù lớn, nhỏ, hay hộ cá thể mà nhận cà phê ký gửi của nông dân một cách tự do, thì việc lạm dụng, như đầu cơ, “đánh quả” là điều khó tránh khỏi. Và vì thế, sớm muộn cũng lại dẫn chuyện nông dân mất tài sản vì đại lý, doanh nghiệp vỡ nợ. Và cũng vì vậy, không doanh nghiệp nào là tuyệt đối đáng tin để nông dân ký gửi tài sản của mình.

Quan điểm này được Luật sư Tạ Quang Tòng chia sẻ bằng một thực tế: Không phải đại lý tự do mới vỡ nợ. “Tôi đã từng tiếp nhận một trường hợp đại lý chỉ định đàng hoàng, đã làm sai nguyên tắc, không chuyển cà phê ký gửi của dân về công ty mẹ; tự ý đầu cơ, rồi thất bại, vỡ nợ. Nhưng nông dân cũng có đòi được tài sản đâu” – ông Tòng dẫn chứng.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Chủ nhiệm HTX Minh An, huyện Đắk Mil, Đắk Nông (từng nhận cà phê ký gửi và vỡ nợ cách đây mấy năm), cũng thừa nhận: Kiểu hoạt động của các doanh nghiệp cà phê hiện nay rất không ổn. Ông Nguyễn Văn Toàn cho biết: “Ký gửi hàng là một bất cập. Thiếu vốn, nhà cung ứng đã phải bán hàng ký gửi của dân để hoạt động. Giá cả bấp bênh làm nhà cung ứng thua lỗ, nông dân mất tài sản. Nếu không có biện pháp quản lý chặt chẽ, đổi mới thì các đại lý sẽ tiếp tục đi vào đường hầm không lối thoát”.

BCEC: Liều thuốc “3 trong 1”?

Trong cảnh “dầu sôi lửa bỏng” của vỡ nợ cà phê, mọi người lại nhìn tới Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Thuột (BCEC) mà cám cảnh. Được đầu tư hàng chục tỷ đồng, tọa lạc tại thủ phủ cà phê của Việt Nam, gánh trên vai kỳ vọng hiện đại hoá giao dịch cà phê ở Việt Nam, nhưng sau hơn 3 năm đi vào hoạt động, lượng giao dịch qua trung tâm vẫn gần như là điều điều bí mật. Bí mật, bởi nếu công bố ra, sự quá ít ỏi của những giao dịch khiến người ta thấy ngượng.

8.000m2 kho, 5.000m2 nhà xưởng (tổng công suất tương đương 150.000 tấn/năm) đang bị… nhện giăng. Sự hỗ trợ tài chính của Techcombank, hỗ trợ kỹ thuật của Cafe Control, hầu như chưa được dùng đến. Chọn lựa “đổi mới hay là chết”, đang thúc vào lưng trung tâm này.

Giám đốc BCEC, ông Nguyễn Tuấn Hà nói rằng, đổi mới mà BCEC cần là đổi mới về cơ chế, liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của trung tâm và hoạt động giao dịch cà phê nói chung. Cơ chế này phải do Trung ương đề ra thì mới đủ sức nặng pháp lý để cộng đồng cà phê công nhận. Thế nhưng hiện nay, Trung tâm vẫn do tỉnh quản lý. Mà tỉnh ban hành cơ chế thì không đủ sức thuyết phục.

Và vì thế, thị phần cà phê ký gửi vẫn thuộc về các đại lý cấp thôn, cấp xã, cấp huyện; tình trạng đại lý vỡ nợ-nông dân trắng tay vẫn dai dẳng đến tận bây giờ.

Theo ông Phan Hùng Anh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Anh Minh, sự bất lực của BCEC là vô cùng lãng phí và đáng tiếc, vì đơn vị này đang nắm giữ liều thuốc trị bệnh “tùy tâm-tùy ý- tùy thích” của các doanh nghiệp và đại lý cà phê.

“BCEC là đơn vị Nhà nước, là trung tâm môi giới, nên nó không bị cám dỗ bởi lợi nhuận, mức độ đáng tin là gần như tuyệt đối. BCEC còn được Techcombank bảo lãnh tài chính, nên có thể cho nông dân ký gửi được vay vốn, nên cũng rất thuận lợi”, ông Phan Hùng Anh đánh giá.

Vấn đề bây giờ là khắc phục những bất cập trong tổ chức bộ máy, cụ thể là phải thành lập các thành viên môi giới tại cơ sở, giống như các đại lý cà phê bây giờ, để nhận cà phê ký gửi của nông dân. Điểm khác là các đơn vị môi giới này được cấp chứng nhận thành viên, chịu sự quản lý toàn diện, và hoạt động theo quy trình mà BCEC xây dựng. Mặt khác, cần nghiêm cấm hoạt động nhận ký gửi một cách tự do như các đại lý hiện nay.

Ông Phan Hùng Anh đề xuất: “Cần nghiêm cấm các doanh nghiệp, hộ kinh doanh không phải là thành viên của BCEC, tức là chỉ BCEC mới là đơn vị có chức năng nhận ký gửi. Các doanh nghiệp không là thành viên, không có chứng nhận thì không được nhận. Đề nghị bà con nông dân chỉ đem ký gửi tại BCEC hoặc các đại lý thành viên ở cấp huyện, xã. Khi bà con đem đến, sẽ được cấp một cuốn sổ. Và chỉ cần cầm sổ đó, bà con có thể tới Trung tâm hoặc các đơn vị thành viên bán sản phẩm và nhận tiền bất kỳ lúc nào”.

Giữa đề xuất và hiện thực hóa đề xuất là một khoảng cách xa. Nhưng nếu được quan tâm, đây sẽ là liều thuốc trị được cả 3 bệnh: Sự ốm yếu của BCEC, sự tùy tiện của giao dịch ký gửi cà phê, tạo sự thuận tiện và an toàn rất cao cho nông dân trong việc bán, ký gửi sản phẩm và vay vốn trên cơ sở ký gửi sản phẩm của mình, chấm dứt những trận “bão vỡ nợ cà phê” như đã từng xảy ra.

Xem thêm: Cách thức giao dịch kỳ hạn cà phê robusta trên sàn Buôn Ma Thuột

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Trường Tùng DakNong

    Gửi cà vào BCEC phải tốn phí, làm gì có chuyện gửi không. Nhưng khi cần bán cũng khó đấy thủ tục rườm rà, nếu thủ tục sơ hở có ngày mất cà chẳng chơi. Tốt nhất xây kho cất kỹ khi cần thì bán chẳng lệ thuộc ai.

  2. Cafe đen

    Nói bậy, không thể nghiêm cấm ai được. Thị trường tự do, chủ hàng muốn gửi cho ai là quyền của chủ hàng. Tại sao cứ giữ mãi tư tưởng cửa quyền, quan liêu bao cấp vậy nhỉ?

    Vấn đề còn lại là tại sao nông dân lại gửi cho đại lý mà không gửi cho BEC? Có bao giờ các vị ở BEC chịu khó suy nghĩ và tìm ra giải pháp cụ thể nào chưa?

    Tại sao các vị không chịu tìm hiểu tâm lý nông dân? Hay họ không phải là đối tượng để các vị nhắm đến!

  3. Nguyễn Tri

    Hàng tháng tôi trade khoảng 50 tấn Robusta ở sàn nước ngoài, muốn ủng hộ sàn trong nước BCEC cũng không được, bởi vì tôi là một nhà đầu cơ, việc phải có cafe ký quỹ trên sàn BCEC là bất khả thi. Tiếc thật!

    1. nguyên

      Sau khi ký quỹ bằng tiền mặt (mở tài khoản) thì ở sàn nước ngoài nhà đầu tư có thể chọn lựa mua đón hoặc bán khống tùy theo nhận định và mục tiêu của mình, điều này tạo nên thanh khoản rất cao. Còn ở BCEC hình như người ta phân loại nhà đầu tư thành nhóm như thành viên đăng ký bán, thành viên đăng ký mua, thành viên kinh doanh… trong đó thành viên đăng ký bán phải ký quỹ bằng cà phê. Theo tôi đây là nút thắt làm sàn ế ẩm và không mấy nhà đàu tư tham gia, thanh khoản trên sàn kém.

  4. Thuận Hoà

    Việc quy kết các đại lý làm đại diện cho công ty nào là xét thấy không cần thiết bởi một khi họ đã trưng cái bảng hiệu THU MUA CÀ PHÊ lên là đã có sự đồng ý của các cấp chính quyền, có hồ sơ và được cấp phép đóng thuế cho nhà nước rồi. Một khi sự việc xảy ra các cấp chính quyền quản lý cũng có phần trách nhiệm (nhưng là nhỏ). Việc ký gửi cho các đại lý không nên nhất thiết là đại lý nào mà là do hợp đồng ký gửi của hai bên có chặt chẽ hay không. Việc xảy ra hậu quả thì căn cứ vào mức vi phạm mà pháp luật cần nghiêm trị đúng người đúng tội, tránh giải quyết dây dưa kéo dài. Nếu cảm thấy đại lý không thể có khả năng chi trả thì các chủ nợ có thể cùng tự quyết xử theo cảm tính có thể cho qua có thể cho đứt luôn thì tuỳ. Cái này mình nói rất thật vì phải có vài vụ điển hình như thế mới mong sớm chấm dứt tình trạng dây chuyền kiểu vô lý này.
    Hiện tại theo xu hướng chung của XH ngày nay thì chỉ cần bạn có chút vốn liếng, quen biết và xã giao để làm thủ tục hồ sơ thành lập CTy TNHH là nghiễm nhiên bạn đã là một GIÁM ĐỐC to, rồi được các ngân hàng nhẹ nhàng trong việc xét duyệt cho vay tùy thích đem về mua xe con – xây nhà lầu – xây xưởng …. Rồi kinh doanh không đủ lãi chi trả thế là vỡ nợ tuyên bố phá sản. Mà khi vỡ nợ họ lại không xù của nhà nước vì lo bị đi tù hay bị thu hồi tài sản truy nguyên nguồn gốc nên họ đã lấy tài sản của các hộ nông dân đem chết thay cho họ. Khi đưa ra luật pháp họ chỉ mạnh miệng hứa sẽ trả khi có điều kiện kinh tế, thế rồi bà con cứ việc chờ mỏi cổ. Pháp luật coi như đứng giữa đã giải quyết ổn thỏa một vụ việc kiểu như cho chìm xuồng. Nói chung chỉ một câu nhắn nhủ mọi người là ta có tài sản ta giữ theo kiểu của ta, cố gắng tìm nơi tốt nhất an toàn nhất mà gửi. Nếu bị xù nhắm khả năng nợ khó đòi thì nên tự giải quyết theo cách riêng của mình. Thân

  5. phamvanloi2608

    Thật ra gửi cà phê ở đại lý (uy tín) rất có lợi cho người dân. Nhưng vài năm trở lại đây các đại lý liên tục giở chiêu bùng chạy khiến cho rất nhiều bà con phải trắng tay. Nên vậy tôi khuyên bà con có cà thì nên xây kho để cất trữ cà phê. Không nên mạo hiểm…

  6. PHAN VĂN MINH

    Theo tôi ông Phan hùng Anh nói cần nghiêm cấm các doanh nghiệp hộ kinh doanh không phải thành viên của BCEC. Chỉ BCEC mới là đơn vị đủ chức năng ký gửi, vậy tại sao từ trước đến nay không đưa vào hoạt động để người dân trồng cà phê khỏi phải lao đao.
    Cà phê là đời sống thực thụ của nhân dân Tây nguyên, Nhà nước nên có giải pháp cụ thể để người dân yên tâm sản xuất.

  7. dinh xuân eatul

    Nói cho đúng thì gữi cà ở đại lý là một thuận lợi rất lớn cho bà con nông dân và những nhà đầu cơ nhỏ lẽ. Nhưng sự tham lam của một số đại lý và sự dễ dãi của bà con nông dân do thiếu hiểu biết về pháp luật vô tình đã tạo cơ hội cho bọn lừa đảo hành hoành mà không bị cơ quan pháp luật trừng trị.
    Cơ quan nhà nước chỉ biết cấp phép và thu thuế còn không bao giờ kiểm tra hoạt động mua bán của đại lý. Cũng chưa bao giờ cảnh báo cho người dân biết để cảnh giác đề phòng, để khi sự việc xảy ra nông dân trắng tay bọn lừa đảo nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật thậm chí còn đi chổ khác lừa tiếp. Thật tình không hiểu ai là người giúp chúng ta đây.

  8. Cà phê Đắng

    Chiêu bài này là của công ty TNHH Anh Minh thì phải? Trước đây tập đoàn Thái Hòa cũng vào giữ hàng gửi kho cho BCEC cũng được hô hào là cứu cánh cho nông dân gửi cà phê. Hôm nay Thái Hòa đã “ra đi mà không bảo gì nhau”…
    Cũng may là tỉnh Đắk Lắk chua có công văn lệnh cho dân gửi cà phê như ý kiến của Ông HÙNG ANH và nếu dân gửi vào nhiều thì Thái Hòa hôm nay đâu có nợ ngân hàng phải không các bác? Khi mà chim sẻ mà muốn làm như đại bàng thì để cho thượng đế phán quyết chứ trung ương cũng bó tay…

  9. tiêu chín

    Sao lắm người tính sai vậy chứ, của mình mang giao cho trời, chắc nhà ko có kho cất cà nên phải mang đến đại lý cất dùm ngờ đâu… đây là bài học đắc giá của nhiều năm nay, cần học nữa và học mãi. Đổ mồ hôi sôi nước mắt mới tạo được kg cà mong bà con cần cảnh gác nhiều hơn nữa, chính mình chưa tin được mình sao phải đi tin vào người ta chứ, còn lại tin vào 1 tờ phiếu quá đơn giản, tội nghiệp quá thật là chẳng cái dại nào bằng cái dại nào.

  10. phan văn minh

    Người trồng cà phê đổ mồ hôi sôi nước mắt nhưng bị bọn lừa đảo chiếm đoạt dân không làm được gì thì xử kiểu binladen, khi đã trắng tay thì cần gì.

  11. vibrationsensor

    Đem caphe đi gởi chẳng khác nào “mang trứng giao cho ác”. Tôi cũng từng chót dại rồi, tự trách mình ngu cũng đã muộn …

  12. gia hoa

    Tất cả cũng là do quan điểm kinh doanh kiểu cũ, không có đạo đức kinh doanh, ông nào bỏ vốn của mình ra thử coi có tiếc không, còn vốn chùa thì ngu gì mà không xài, không mượn bỏ túi riêng. Theo ý riêng của tui cứ để DNNN vào làm ăn, cơ chế thoáng, không rườm rà thủ tục thì các nước sẽ nhảy vào thị trường mình thôi. Đồng lời khi ra sản phẩm của họ gấp chục lần giá đầu vào mà. Chừng nào DN trong nước không còn làm ăn ẩu tả làm mất uy tín thì mới ngóc đầu lên được, các bác nhớ lại vụ điều năm rồi sẽ rõ. Còn DN mình cứ xây kho để hàng cho chắc ăn. Họ làm giá cho cùng rồi cũng phải chịu thua mình thôi, VN mình có truyền thống gan góc anh hùng mà, sự sống cái chết còn chưa sợ huống chi mấy cái lẻ tẻ giá lên giá xuống. Mình cứ chờ đến gần EURO xem thử NN có phải mua hay không? Chẳng lẽ vừa xem bóng đá vừa uống trà đá hay sao, trong COCACOLA cũng có cafe mà…

  13. baby93

    Mình đang làm một đề tài nghiên cứu về sàn giao dịch cà phê. Hiện nay thấy sàn giao dịch cà phê vẫn còn vắng khách trong khi tham gia vào sàn thì có nhiều lợi ích cho người dân. Mọi người có thể cho mình xin ý kiến vì sao người dân không muốn tham gia vào sàn này ko?
    Cảm ơn rất nhiều.

  14. đồng thái

    Hôm trước mình đọc không kỹ, có bạn nào đọc kỹ giải thích hộ cho mình biết là những vụ vỡ nợ như những đại lý cở như Lan Diệu trong hình có khác biệt với vụ bà gì gửi 18000 tấn cho công ty rồi đi kiện không?
    BCEC ơi, ai là kẻ đáng tin?

Tin đã đăng

Tin mới nhất

81