Vì sao nông dân phải gửi cà phê cho đại lý?

Để có vốn đầu tư cho 1 ha nông sản khác đối với nhiều nông hộ là điều dễ dàng nhưng để đầu tư cho 1 ha cà phê thì đối với nhiều nông hộ là điều vô cùng nan giải. Để giải quyết điều tưởng chừng không thể đó thì đã có các đại lý.

Phần lớn nông hộ đều hướng đến các đại lý vì nơi đây đích thực là bà đỡ của bà con trong sản xuất. Mọi thứ từ phân bón, thuốc sâu, dầu tưới…cho đến cả gạo ăn, bà con đều đến đại lý ký nợ.

>> Đừng biến nông dân thành nhà đầu cơ

Đại lý cà phê vẫn là bà đỡ của người nông dân
Đại lý cà phê vẫn là bà đỡ của người nông dân

Câu hỏi này luật gia Cao Bá Khoát (Hà Nội) đã gọi điện tham khảo trước khi lên THVN trả lời về tình trạng đại lý cà phê tại các huyện Ea H’Leo, Krông Buk, Krông Păc, Ea Kar… thuộc tỉnh ĐakLak liên tục tuyên bố vỡ nợ.

Câu hỏi có thể là rất khó trả lời đối với những nhà nghiên cứu vĩ mô, và những cơ quan hữu trách ở quá xa vùng trồng cà phê, nên không thể hình dung được vì sao? Nhưng với người nông dân vùng trồng cà phê và các cấp chính quyền địa phương (huyện, xã) thì xin không cần phải giải thích nhiều !

Để góp phần nào cùng giải quyết cái sự “rất khó trả lời” nêu trên, và mong muốn có một chuyển đổi thực sự về cơ chế hỗ trợ, cơ chế giám sát việc thực thi các chủ trương, chính sách đối với người nông dân hiện nay, cũng như để có những dự định mang tính chiến lược của Nhà nước trong tương lai, tạo động lực cho người nông dân gắn bó hơn với đồng ruộng của mình hơn nên người viết cần có ý kiến :

Nguyên nhân của mọi nguyên nhân là thiếu vốn sản xuất

Trước năm 1975, cây cà phê là cây của nhà giàu, chỉ có các đồn điền của tư sản, Tây thực dân cùng tướng lĩnh Sài Gòn và một số hộ dân các vùng Công giáo làm kinh tế vườn là chủ yếu.

Diện tích cà phê Robusta trồng tập trung tại Buôn Ma Thuột, một ít trồng tại vùng Cư Kuin, Đắk Mil và Buôn Hồ…thuộc địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Tỉnh Lâm Đồng chỉ tập trung trồng cà phê Arabica tại các vùng như Di Linh, Bảo Lộc. Phần lớn nông dân bấy giờ khi nông nhàn chỉ biết đi làm thuê cho chủ đồn điền hoặc là đi “mót” cà phê sau vụ hái (xin hiểu rõ là sau vụ hái chứ đi mót như thời bây giờ thì các ông cai ra lệnh bắn chết tại chỗ mà không thể kiện ai, vì ở các đồn điền đều có tháp canh trên cao và được trang bị súng).

Sau năm 1975, chính quyền cách mạng thực hiện chủ trương “cải tạo nông, công thương nghiệp XHCN”, Toàn bộ vườn cà phê có diện tích từ 5 ha trở lên phải tập trung vào Nông trường Quốc doanh, số diện tích nhỏ còn lại thì vào Hợp tác xã Nông nghiệp.

Tổng diện tích cà phê toàn vùng thuộc Đắk Lắk có khoản 54.000 ha, sản lượng hàng năm đạt khoảng gần 70.00 tấn cà phê nhân. Năm 1986, tỉnh Đắk Lắk chủ trương phát triển mạnh diện tích cây cà phê, coi là cây mũi nhọn trong chiến lược phát triển kinh tế của địa phương, từ cơ sở đó mới có đà để phát triển cây cà phê trong nông hộ tại hầu hết các huyện thị.

Nói là cây trồng của nhà giàu là không ngoa, hãy làm thử một phép tính cộng cho chi phí của 1 ha cà phê/năm hiện nay thì sẽ thấy ngay:

  • Phân bón : Bình quân 2,5 tấn/ha tương ứng : 15.000.000đ
  • Dầu tưới : Bình quân 3,5 lần X 150 lít/lần : tương ứng 7.400.000đ.
  • Công làm cành : 2 lần/ năm tương ứng : 2.500.000đ.
  • Nhân công chăm sóc : 15.000.000đ (tính cả tiền ăn, ở, quần áo, đi lại, thuốc men, đau ốm).
  • Công hái và chế biến : 60 công X 80.000đ/ngày công tương ứng :4.800.000đ

Sơ bộ đã là 42.000.000đ/ha, chưa tính khấu hao vườn cây, thuốc trừ sâu, khấu hao máy móc thiết bị, công quản lý…

Với mức đầu tư như trên sẽ có sản lượng cà phê nhân thu về bình quân là 3 tấn, giá bán khi vào vụ ước khoảng 25.000đ/kg, tổng thu là 75.000.000đ, trừ đi chi phí đầu tư là 42.000.000đ thì còn khoảng 33.000.000đ/ năm.

Với mức lợi nhuận này để chi tiêu cho một gia đình có 5 nhân khẩu thì bình quân một khẩu là 500.000đ/ tháng, bao ồm ăn, ở, chi tiêu, quần áo, học hành, lễ, tết…thì với nông dân là một số tiền rất lớn thử hỏi làm sao không thiếu vốn ? đó là chưa kể các khoản phải nộp cho các công ty, nông trường cà phê nếu là hộ nhận khoán.

Thiếu vốn thì phải vay

Phần lớn người nông dân chỉ có mảnh vườn, lô rẫy, thường thì không biết và không quen với các thủ tục và giấy tờ.

Muốn vay Ngân hàng thì phải đi làm thủ tục xin vay, lập dự án vay, báo cáo hiệu quả vốn vay và khả năng trả nợ, các thế chấp và cam kết trả nợ… phải mời cán bộ Ngân hàng đến thẩm định vườn cây, tài sản thế chấp….

Vay khó là thế nhưng vẫn phải vay! Đến ngày 31/12 hàng năm là phải bán tống bán tháo để trả nợ, xui rủi gặp mưa kéo dài thì phải vay nóng để trả nợ, và không phải ai cũng vay được.

Vì Ngân hàng cũng là một doanh nghiệp, họ phải tính làm sao cho chi phí thấp nhất (giảm nhân sự khảo sát, lập thủ tục, quản lý khách vay, đôn đốc thu nợ…) và đạt hiệu quả cao nhất. Họ cho một doanh nghiệp vay tiền tỷ thì rất đơn giản, nhưng cũng với tiến tỷ đó nếu cho nông dân vay thì ít chi cũng phải làm thủ tục cho 100 hộ (100 bộ hồ sơ). Đây là vấn đề nan giải, chính là một trong những nguyên nhân mà các chính sách ưu đãi của Nhà nước thường không đến được với nông dân .

Không vay được Ngân hàng thì phải vay bên ngoài

Phần lớn nông hộ đều hướng đến các đại lý, vì nơi đây đích thực là bà đỡ của bà con trong sản xuất.

Mọi thứ từ phân bón, thuốc sâu, dầu tưới… cho đến cả gạo ăn, bà con đều đến đại lý ký nợ. Vừa đáp ứng kịp thời vụ lại khỏi phải lập thủ tục rườm rà, nhiêu khê.

Tất nhiên khi đến mùa thu hái bà con phải mang cà phê đến trả nợ, nếu không thì vụ tiếp theo ai mà cho vay. Số cà phê còn dự trữ thì cứ ký gửi vào, cũng chỉ cần chữ ký vào sổ tay hoặc chỉ ký với nhau bằng…miệng, lại tiện lợi là không phải xây kho hay chứa trong nhà vừa chật chội vừa khỏi lo bị trộm cắp.

Vậy đó, không có gì là ”rất khó hiểu” .

Xem tiếp: Sự hình thành các đại lý cà phê.

Tác giả: Lê@

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Trần Hoàng

    Tui cũng hiểu ít nhiều về vấn đề nông dân và đại lý. Đại lý như một ngân hàng nhỏ ở địa phương. Công ty tui cho đại lý nợ tiền phân, các ông ty khác cũng thế. Các đại lý không đủ tiền để trang trải hết được, chủ yếu là ngân hàng cấp vốn, công ty bán nợ rồi lấy tiền đó cho Nông dân vay, cty tui không tính lãi xuất nhưng đại lý thì tính lãi xuất khá cao từ 2%-3%/tháng. Thế mà Nông dân còn cám ơn, mang ơn suốt đời. Tội nghiệp cho người nghèo kiếp đi vay.

    Trong mỗi đợt phá sản có người mất đến tiền tỉ đấy, những người này chắc không nghèo. Nhờ bác Lê @ giải thích giùm.

    1. Damri

      “Công ty tui”. Nghe ngọt ghê. Chắc cty ông in được tiền nhỉ?
      Mấy cty bán phân hay cho thiếu là bà con cần phải cảnh giác. Đừng thấy rẻ mà ham rồi lại tiêu thụ hàng giả, kém chất lượng đó bà con.

  2. As

    Đọc bài viết này, tôi cảm nhận được sâu sắc những gì mà bà con nông dân phải gánh chịu nếu chẳng may gởi cà phê ở đại lý và đại lý vỡ nợ. Bản thân mình cũng là 1 người dân đã từng đi gởi cà phê ở đại lý và cũng từng là đại lý nhận ký gởi cà phê của bà con nông dân. Nói như anh Trần Hoàng trên rất đúng. Nông dân gởi cà phê ở đại lý phải chịu lãi suất khá cao mà còn phải cảm ơn đại lý và đôi khi còn mang tư tưởng mang ơn suốt đời nữa. Tại sao như vậy! chắc hẵn vẫn còn nhiều lý do khác mà chúng ta cần phải mổ xẻ ở đây.
    Trước tiên As xin nói về người nông dân gởi cà phê tại đại lý. Tại sao họ gởi!….
    Và tại sao đại lý nhận ký gởi cà phê của nông dân và nhiều đại lý vỡ nợ ……
    Xin lỗi bà con vì bận công việc nên As tạm thời chỉ nêu ra những vấn đề để thảo luận, dĩ nhiên As sẽ cố gắng nói ra những suy nghĩ của mình 1 cách sơm nhất để chúng ta cùng suy ngẫm. Thành thật xin lỗi bà con vì sự bất tiện này. Chúc bà con có 1 vụ mùa bội thu. Hẹn gặp lại sớm nhất.

  3. phạm đình đạt

    Bác Lê@ viết đúng quá, nhất là đoạn phân tích nông dân thiếu vốn. Tôi cũng làm cà phê, cũng rơi vào cái vòng đi vay đó. Đi vay Ông ngân hàng thì luôn luôn bị cảm giác ấm ức, mà tính tới tính lui số tiền cầm được trên tay đã bị lãi đến 2% rồi. Thường phải cảm ơn đại lý thôi, nội phân bón họ chỉ tính giá gốc với lãi suất 1,5%, còn vay tiền thì lãi suất từ 2% đến 3%, rất nhanh gọn và thân tình.
    Những rủi ro đáng tiếc xảy ra, để tránh và phòng, chắc phải chờ bài phân tich tiêp theo của bác Lê@ thôi.

  4. Nông dân nghèo

    Không có đại lý. Nông dân nghèo chưa bao giờ nghĩ đến điều này vì đại lý là cái phao cứu sinh cho gia đình những lúc ngặt nghèo.
    Đại lý là ngân hàng ở nông thôn chứ không phải là Ngân hàng NN&PTNT. Khi có cà phê thì đem ra gửi đại lý như là vật thế chấp. Và niềm tin cũng bắt đầu từ cà phê thế chấp mà mọi giao dịch với đại lý vô cùng dễ dàng, thuận tiện.
    Đến Ngân hàng thì lãi suất thấp hơn. Nhưng thủ tục rườm rà phức tạp đi đi lại lại tiêu tốn rất nhiều thời gian rồi hạch xách đủ điều nếu không có “trà phí” như bác Lê@ nói mà cộng lại thì cũng như lãi suất của đại lý (có khi còn mặc cảm nhục nhã khi phải chầu chực như ăn mày, vì mình vay thì mình trả lãi mà).
    Cám ơn bác Lê@ đã nói hộ tâm tư bà con.

  5. Kinh Vu

    Bài của Anh Lê viết thật là đúng với thực tế, thật không có gì để nói thêm nữa, muốn giải quyết một vấn đề thiết nghĩ chúng ta phải nhìn vào bản chất của vấn đề trước. Điều này chẳng phải lỗi tại ai, nhưng mà để giải quyết cho rốt ráo thì chắc chỉ có Nhà Nước vào cuộc mới làm nổi.
    Có một câu chuyện cười ra nước mắt kể rằng: Có một đoàn thủy thủ bị chìm tàu, trong đêm tối mênh mông không xác định được phương hướng, may mắn sao bọn họ vớ được một cái gì không biết đang nổi lềnh bềnh và cứ thế mà trôi dạt.
    Một hôm họ trông thấy một chiếc tàu to và cố bơi về phía ấy, những người trên tàu trông thấy một đám người nổi trôi đang bám trên cái gì nhiều góc cạnh cũng muốn cứu, nhưng khi nhìn kỹ thì họ xác định đó là quả thủy lôi, họ la lớn “hãy thả quả thủy lôi đó ra chúng tôi sẽ cứu, nếu không chúng tôi cũng sẽ nổ cùng quý vị, đó là vật nguy hiểm” và họ cứ lấy sào để đẩy đám thủy thủ ra xa. Những người trên quả thủy lôi thì đã mệt lả rồi, họ biết nếu họ mà thả quả thủy lôi ra để chờ đợi sự cứu viện thì họ sẽ chết ngay lập tức.
    Họ trả lời rằng, chúng tôi không biết nó là vật gì, nhưng nhờ nó mà chúng tôi sống sót cho đến tận hôm nay, chúng tôi chưa thể thả nó ra được.
    Muốn biết chuyện đó hồi sau thế nào, chúng ta hãy chờ đợi sẽ rõ. Hoặc có ai cao kiến xin hiến kế…

  6. doreamon

    Làm kdoanh chẳng ai muốn bể nợ cả. Con gà hơn nhau tiếng gáy mà. Bể nợ có nhiều nguyên nhân, do chủ quan và do khách quan đưa đến. Có 1 nguyên nhân đại lý bể nợ là do người dân đưa lại. Như ở trên có nói nhiều đại lý nhỏ là cái phao cứu sinh cho dân nghèo. Đại lý cà phê giàu cũng nhờ dân mà nghèo, bể nợ cũng vì dân. Những lúc mùa về nhờ dân bán cà mới có lợi nhuận, hết mùa là nuôi dân hết cà. Thiếu vốn nhưng đại lý phải đầu tư tiền, vật tư phân bón, bằng chốt cà phê cho dân. Gặp mất mùa, người dân ko trả được hoặc có người nợ cà phê hoặc tiền ù lỳ ko chịu trả thì đại lý nhỏ phải choàng nợ hoặc phải bán cà phê để trả cho đại lý lớn hơn. Thực tế đại lý nhỏ là người ở giữa cũng phải vay vốn ngân hàng hoặc vay vốn ngoài của những người dân có của dư, hoặc nợ của đại lý lớn hơn để đầu tư cho người thiếu vốn. Vì là người cửa giữa kiếm lời nên khi sự cố xãy ra mà muốn giữ uy tín thì đại lý phải trả. Gặp đại lý giàu thì ko sao, gặp đại lý nghèo thì phải lấy cà phê gửi kho của người khác bán để trả nợ. Nếu cà phê lên giá thì đại lý bị lỗ phải phá sản. Đầu tư mà ko thu hồi được thì đúng là nguyên nhân gây thiệt hại rất lớn. Tôi viết ra mong bà con nên thông cảm cho đại lý nếu họ đã giúp mình những lúc khó khăn thì đến lúc mùa về thì mình cũng nên thanh toán sòng phẳng cho đại lý để người ta còn có vốn để tái kinh doanh có hiệu quả.

  7. trandantien

    Như thế còn đỡ đó bà con ạ. Được mùa thì ko sao. Còn mất mùa thì sẽ ra sao đây. Là người nông dân phải khổ thôi chứ biết làm sao được. Mong nhà nước tìm cách hỗ trợ người nông dân chúng tôi một nắng hai sương.

  8. Tien Dung

    Tôi đi thực tế với nông dân rất là nhiều, với nhiều vùng trông cà phê khác nhau trên địa bàn Tây nguyên. Với bài viết trên tôi rất ủng hộ nhưng với chi phí như bài viết tính thì còn sơ sài với người nông dân chi phí để có được một kg cà phê Rxô phải bỏ ra chi phí ít nhất là 25.000 đ/kg. Với giá tại thời điểm này thì nông dân có lãi, nhưng với giá như đầu vụ cà phê 2009-2010 thì nông dân lỗ nhiều. Mà với giá bán như vậy thì làm sao nông dân bù đủ chi phí, mà không bù đủ chi phí thì nông dân lấy vốn đâu ra mà tài đầu tư, buộc phải vay nợ để tái sản xuất đó là điều tất yếu. Nhưng một nghịch lý hiện nay mà chính sách thuế còn làm cản trở cho nông dân, đó là nông dân khi bán cà phê hay gửi kho cho các doanh nghiệp lớn có uy tín hay nói cách khác là cho các nhà xuất khẩu thì khi vận chuyển ra khỏi địa bàn Huyện thì không được? Đây là một nghịch lý rất lớn, Nhà nước thì khuyến khích nông dân bán trực tiếp cho các nhà xuất khẩu, bỏ qua khâu trung gian để được giá cao thì lại không được. Mà gửi kho cho các đại lý nhỏ lẽ hay không mạnh về tài chính thì bị bể nợ, dẩn đến nông dân trong thời gian qua bị xù nợ rất nhiều.
    Với suy nghĩ này tôi muốn nông dân hảy tìm mọi cách nếu có gửi cà phê thì cũng nên tìm các nhà xuất khẩu lớn có uy tín gửi cà phê thì tránh được rủi ro. Còn vận chuyển như thế nào thì các tổ chức chính quyền tại địa phương phải tạo điều kiện hết sức cho người nông dân. Vì nông dân khi vận chuyển cà phê bán hoặc gửi kho trong địa bàn Tỉnh thì đâu có sai với luật thuế GTGT đâu!

    1. lenambh08

      Đại lý là con tàu chở hàng cho người dân tới các nhà xuất khẩu lớn và con tàu này lấy phí rất cao và rủi ro cũng rất lớn nhưng người dân cũng phải đi anh Dung ah. Bởi vì lượng cà của các hộ dân rất ít họ không đi đón hàng cho dân được buộc chúng ta phải chở đi xa lắm, bất tiện lắm. cà để trong nhà sợ mất cắp, sợ hao hụt, sợ hư hỏng thôi thì cho ra đại lý ta gửi đó ta ứng ít tiền về đầu tư, cà để đó chờ giá cao ta chốt. Tiện không quá tiện thế là ta gửi thôi. Hôm sau tôi sẽ tâm sự tiếp….

  9. Trng Dũng

    Ngân hàng No và PTNT có tên gọi như vậy nhưng họ chưa thực sự góp phần phát triển nông thôn vì sự nhũng nhiễu của cán bộ ngân hàng. Nông dân có sổ đỏ 1 ha cà phê trị giá thực tế tối thiểu cũng phải 300 triệu đồng, mổi năm thu bình quân 3 tấn nhân, được khoảng 75-80 triệu đồng. nhưng cầm sổ đất này đi vay NHNo &PTNT tối đa chỉ được 50 triệu đồng, thủ tục vay thì rất nhiêu khê khó khăn, phức tạp nếu không có “trà phí”.
    Ngành ngân hàng cần phải có chính sách cụ thể hợp lí hơn: Với sổ đỏ 1ha càphê thì cho dân vay ít nhất là 70 triệu đồng với lãi suất ưu đãi 1%/tháng thì ngânhàng không bao giờ sợ ko thu hồi được nợ và người dân cũng không phải dựa vào đại lý nữa. thủ tục cho vay cũng phải nhanh gọn, không cần phải thẩm định. Người dân cứ cầm sổ lên ký giấy tờ xong là cầm 70 triệu đ về. Đây là chính sách hỗ trợ tích cực nhất của nhà nước cho nông dân trồng cà phê.

  10. Văn Hùng

    Cháu thấy bác Dũng nói rất hợp lí, chính sách hỗ trợ tích cực nhất của nhà nước cho nông dân trồng cà phê là cho nông dân vay vốn qua Ngân Hàng. Lưu ý cần phải xem xét lại hình thức cho vay của ngân hàng để tránh làm khó dễ cho người nông dân như (quá nhiều giấy tờ thủ tục, hoặc đã nộp hồ sơ vay tiền cho ngân hàng rồi mà chờ mãi chẳng vay được tiền). Nhà nước cũng cần phải quản lý bộ máy ngân hàng một cách tích cực chống tham nhũng, có nhiều cán bộ ngân hàng đã hành dân gây khó dễ rất nhiều cho dân, ngang nhiên ra giá hoa hồng một cách trắng trợn,….. lấy ví dụ ngay trong gia đình cháu : năm ngoái gia đình cháu cần tiền trả nợ và lo cho mấy anh em cháu đi học ĐH bố mẹ cháu cũng phải mang sổ đỏ lên ngân hàng để vay. Sau khi chạy đi chạy lại làm giấy tờ cực khổ (bố mẹ cháu trình độ văn hóa không cao nên mỗi khi làm giấy tờ thủ tục gì là rất khó khăn lại còn bị hạch sách đủ thứ) cuối cùng cũng xong để nộp lên ngân hàng và được ngân hàng cử người xuống gia đình để khảo sát. Gia đình cháu có được 1,5ha cà phê kinh doanh vậy mà để vay được 100 triệu thì phải cho họ 3 triệu gọi là tiền bồi dưỡng, do hoàn cảnh khó khăn nên bố cháu buộc phải đồng ý. Nhưng đang lúc túng thiếu thì làm gì có 3 triệu mà cho, tiếp đó bố cháu nói mấy bữa sau đưa tiền có được không ? (tất nhiên là không rồi). Một ông nhanh mắt thấy 2 cây cảnh trước cửa nhà khá đẹp ngỏ ý xin (2 cây cảnh đó trị giá không dưới 3 triệu) tiếc lắm nhưng cũng phải đồng ý vì mình đang cần người ta mà. Sau khi đãi 2 vị khách sộp bữa cơm chờ xe vào chở cây đi, xe tới thế là 3 bố con cháu và chú hàng xóm lại phải tận tay khênh cây lên xe còn 2 người đó thì đứng nhìn, hận và buồn lắm nhưng cố chịu. Lúc khênh cây do nặng quá nên đòn chống bị gãy đè lên chân bố thế là bị đau mấy ngày. Thương bố mà muốn chảy cả nước mắt. Thế đó vừa phải cho lại vừa phải cám ơn người ta nữa. Số phận người nghèo thật quá khổ.

    1. Lê Nguyên

      Cháu nên thông cảm cho mấy chú cán bộ NH, để có được vị trí đó thì các chú ấy cũng phải “bỏ vốn ra đầu tư”. Bây giờ mà các chú ấy có ngữa tay cầm của nhà cháu 3 triệu thì coi như là mới thu lại tiền lẻ thôi. Tất cả đều gói gọn trong “luật đời” hết cháu ạ.
      Cháu gắng học cho giỏi, biết đâu trong cái đám làm cho cháu phải ứa nước mắt đó ngày mai sẽ làm cho cháu hãnh diện ngẩn cao đầu với thiên hạ.
      Nhiệm vụ của cháu bây giờ là phải cố học cho thật tốt để đền đáp công lao của bố mẹ, bỏ quên những chuyện ko vui của quá khứ đi để hướng về tương lai.
      Ngày mai mặt trời lại sáng, hy vọng cuộc sống của bà con nông dân mình sẽ khá hơn, cháu nhỉ !

Tin đã đăng

Tin mới nhất

87