Câu chuyện cà phê – Hồi 1: Tranh chấp sau cổ phần hóa

Câu hỏi tại sao Việt Nam trồng và xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới nhưng bao năm qua, người nông dân trồng cà phê vẫn nghèo? Câu trả lời có nhiều nhưng câu chuyện của một doanh nghiệp xuất khẩu cà phê dưới đây phần nào thể hiện điều đó.

Xem thêm:

Hồi 1: Tranh chấp sau cổ phần hóa

Ngay sau khi Công ty I., một công ty nhà nước nổi tiếng về xuất khẩu cà phê ở Tây Nguyên, cổ phần hoá vào tháng 4 năm ngoái thì các cơ quan chức năng tỉnh Dak Lak và nhiều báo đài trong nước liên tục nhận được nhiều đơn thư nặc danh mà những người am hiểu công ty đều cho rằng đó là cuộc tranh chấp quyền lực không giống ai, thay vì kiện ra toà án như thường thấy ở các công ty cổ phần.

Thực ra, theo lời một quan chức cấp tỉnh, nơi công ty I. đứng chân, trước khi cổ phần hoá, vào năm 2006, cũng đã xuất hiện một số đơn thư nặc danh, kể cả có danh nhưng đa phần là nặc danh, gửi tới các cơ quan khối chính quyền, tố cáo lẫn nhau, đổ lỗi cho nhau các thương vụ làm ăn từ thời xa lắc, xa lơ và Thanh tra Nhà nước tỉnh đã vào cuộc để làm rõ trắng đen trước khi cổ phần hoá. Toàn bộ hồ sơ, tài liệu kinh doanh của công ty từ năm 1998 tới năm 2006 đều đã được kết luận trong kết quả thanh tra và chính quyền tỉnh đã cho phép công ty cổ phần hoá với vốn điều lệ 35 tỷ đồng, trong đó nhà nước nắm giữ 47% vốn điều lệ, tương đương 16,45 tỷ đồng, bán cho cán bộ công nhân viên 5 tỷ đồng, bán đấu giá công khai ra bên ngoài 980.000 cổ phiếu, tức 9,8 tỷ đồng mệnh giá và còn lại bán cho các nhà đầu tư chiến lược.

Trong phiên phát hành cổ phiếu lần đầu vào tháng 3 năm ngoái, đã có 225 nhà đầu tư tham gia đấu giá mua cổ phiếu của công ty và công ty đã bán 100% cổ phiếu theo quy định ra công chúng có giá bình quân 35.100 đồng/cổ phiếu so với giá khởi điểm 10.500 đồng. Tuy nhiên, sau khi đấu giá lần đầu và đại hội cổ đông bầu ra ông giám đốc công ty khi còn là doanh nghiệp nhà nước, làm Chủ tịch hội đồng quản trị kiểm Tổng giám đốc Công ty cổ phần I. và  “cuộc chiến đơn thư” mới bắt đầu.

Thông thường, sau khi cổ phần hoá, các cuộc tranh chấp quyền lực ở các công ty thường diễn ra ở toà án, đằng này, đơn thư tố cáo nặc danh liên tục gửi tới các cơ quan chính quyền, kể cả với công an. Một chuyên viên văn phòng Uỷ ban nhân tỉnh, nói vui: “Nếu đem cân các đơn thư về công ty trong vài tháng qua thì có lẽ trọng lượng tính bằng ký”. Tất nhiên, bây giờ đã là công ty cổ phần, không còn là doanh nghiệp nhà nước trực thuộc tỉnh nên với các đơn thư tố cáo nặc danh thì văn phòng cất vào tủ, còn có danh thì chuyển sang toà án địa phương và chẳng toà án nào giải quyết các loại đơn thưa tố cáo nhằm triệt hạ uy tín chứ nội dung thì quá cũ, đã có kết luận của các cơ quan chức năng trước khi cổ phần hoá.

Nội dung đơn thư nặc danh cũng khá phong phú, từ tố cáo cả những chuyện thua lỗ trong kinh doanh của các thương vụ các năm trước khi còn là doanh nghiệp nhà nước, tới tố cáo chuyện công ty cử cán bộ đi học ngắn hạn một khoá đào tạo ở nước ngoài cho tới cả chuyện tố cáo ban lãnh đạo công ty tham gia đấu giá mua cổ phiếu với số tiền lớn nhưng vui nhất có lẽ là chuyện tố cáo công ty tham gia giao dịch qua sàn giao dịch cà phê ở London.

Trong một lá đơn nặc danh gửi tới chính quyền tỉnh và báo chí địa phương, đã đã tố cáo công ty tham gia “thương vụ mua bán cà phê trên Internet lỗ 18 tỷ đồng: rơi vào túi ai? Điều cần phải được làm rõ là ai, tổ chức nào đã “thắng” các thương vụ mua bán qua mạng?”. Thì ra là vào cuối năm 2004, được sự cho phép của Bộ Thương mại cũ (nay là Bộ Công Thương) và Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) đứng ra làm đầu mối giao dịch cà phê với các sàn giao dịch nông sản quốc tế, mà ở đây là sàn giao dịch cà phê robusta ở London có tên LIFFE. Hiệp hội Cà phê và Ca cao Việt Nam (Vicofa) đã chọn công ty I.làm doanh nghiệp đi tiên phong trong các nhà xuất khẩu cà phê của Việt Nam, đứng ra giao dịch với LIFFE, thông qua Techcombank. Lúc đó cả Vicofa lẫn công ty I. đều xem đây là giao dịch thử nghiệm với phương châm sử dụng giao dịch kỳ hạn ở thị trường quốc tế như một công cụ phòng chống rủi ro do đột biến về giá cho xuất khẩu cà phê thật. Sau khi công ty I. tham gia giao dịch kỳ hạn, hàng chục doanh nghiệp xuất khẩu cà phê khác cùng tham gia làm cơ sở  cho Chính phủ ban hành nghị định số 158/2006/NĐ-CP vào ngày 28-12-2006, quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hoá qua sở giao dịch hàng hoá, trong đó có các sàn giao dịch nước ngoài.

Chuyện kinh doanh bị tố cáo đã đành mà ngay cả những chuyện cỏn con như công ty cử một nhân viên ra nước ngoài tham gia một khoá đào tạo ngắn hạn về kinh doanh giao dịch cà phê từ năm 2003 cũng bị lôi ra, gửi tới cả cơ quan công an. Chi phí cả khoá học 3.000 đô la Mỹ và đơn thư tố cáo cho rằng việc chi như vậy là sai. Đến mức ông Phó giám đốc Sở Tài chính tỉnh phải có công văn phản hồi, khẳng định chi phí đào tạo, bồi dưỡng nâng cao tay nghề, năng lực quản lý cho cán bộ, nhân viên doanh nghiệp được công ty I. hạch toán vào chi phí kinh doanh là đúng với quy định của nhà nước. Tuy nhiên không hiểu sao, cơ quan công an cũng vào cuộc kiểm tra mà vốn việc này chỉ cần hỏi Cục Thuế cấp tỉnh về thanh quyết toán thuế hàng năm là được. Một cán bộ Sở Tài chính tỉnh than phiền, những việc cỏn con như vậy mà công an cũng tham gia càng làm cho hoạt động kinh doanh của công ty sau cổ phần càng thêm khó khăn, do dư luận ở địa phương cứ thấy công an làm việc là nghĩ tới sai phạm. Rồi ngay cả chuyện một số cán bộ lãnh đạo công ty, ngoài được mua cổ phần ưu đãi theo quy định, khi tham gia đấu giá mua cổ phiếu bán ra công chúng, cũng bị tố cáo là “tiền mua cổ phiếu đó ở đâu mà có”.

Công ty I. từng một thời là doanh nghiệp xuất khẩu cà phê hàng đầu Việt Nam, được thành lập từ năm 1977 và người trồng cà phê ở Tây Nguyên ai cũng đều có thể thừa nhận chính công ty này đã đóng góp lớn cho việc trồng và xuất khẩu cà phê ở vùng này. Thời hoàng kim, ngoài đầu tư trồng và thu mua, xuất khẩu cà phê, công ty I. cũng như bao công ty nhà nước khác ở Tây Nguyên còn được hưởng nhiều đặc quyền trong xuất nhập khẩu các mặt hàng có hạn ngạch như phân bón, xăng dầu, hạt nhựa, doanh số có năm lên tới cả ngàn tỷ đồng và chi nhánh của công ty hiện diện khắp các đô thị lớn.

Tuy nhiên, ai cũng biết doanh nghiệp nhà nước cấp tỉnh trước đây thường có những khoản đầu tư, những dự án mà tính hiệu quả kinh tế thì thấp nhưng tính chính trị theo yêu cầu của chính quyền địa phương thì nhiều nên vài năm gần đây, việc sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước ở các tỉnh thường chậm chạp vì vướng phải các khoản đầu tư “ném tiền” ngày trước.

Ông H., Tổng giám đốc công ty, thừa nhận ông làm giám đốc từ năm 2003 và từ đó tới nay, ông cùng hàng trăm con người của công ty chỉ lo giảm các khoản nợ phải trả, nợ phải trả xuống dần do vay vốn ngân hàng đầu tư thiếu hiệu quả của các thời giám đốc trước, thu các khoản nợ khó thu từ số tiền đã đầu tư cho nông dân, trang trại, đại lý cà phê. Nên cũng giống như nhiều doanh nghiệp nhà nước ở các tỉnh, khi tiến hành cổ phần hoá công ty I, gặp nhiều khó khăn khi đánh giá tài sản, tính toán các khoản công nợ phải thu, nợ phải trả, do vậy mà tiến trình cổ phần hoá của công ty mất gần 16 tháng trời. Trong thời gian này, các hoạt động của công ty gặp nhiều khó khăn. Còn nay, mới chuyển sang cổ phần, người lao động chưa kịp mừng thì đơn thư tố cáo cứ đều đặn gửi tới các nơi, càng làm cho các đối tác của công ty chẳng dám làm ăn, đại lý thì không dám cung cấp cà phê, ngân hàng cũng e dè, thậm chí khách hàng nhập khẩu nước ngoài cũng biết tới các tranh chấp vụn vặt này.

“Nay mới chuyển qua công ty cổ phần, người lao động chỉ mong muốn công ty yên ổn làm ăn”, ông mong muốn và từ chối nói cụ thể những ai đã đứng đằng sau cuộc tranh chấp “nặc danh” này. Còn một vị lãnh đạo tỉnh khi tiếp xúc với người viết, nói: “Bóng dáng tranh chấp kiểu công ty I. hiện diện khá nhiều ở tỉnh khi công ty nhà nước chuyển qua cổ phần. Họ không khiếu nại ở toà mà thay vào đó là gửi đơn thư nặc danh tới cơ quan chính quyền, kể cả báo chí, để triệt hạ uy tín đối thủ”.

Xem tiếp: Hồi 2:  Biến công ty nhà nước thành công ty gia đình

Hồng Văn

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Hoàng

    Cái tiêu đề và nội dung bài viết chả ăn nhập gì với nhau.
    Đọc cứ như phóng sự điều tra, việc công ty lờ (l.) như bài báo của anh H.V kể trên là chuyện bình thường ở huyện, có mà đầy.

    Nội bộ công ty đấu đá nhau là chuyện quá hằng ngày, cả ngay chuyện các công ty xnk cà phê Việt Nam giành giựt, đấm đá nhau cũng quá bình thường.
    Câu hỏi của anh “vì sao dân cà phê vẫn nghèo” e chỉ qua câu chuyện đó thôi khó lòng mà giải thích được.
    Cái căn nguyên còn sâu xa và rắc rối lắm lắm.

    vài lời chân tình cũng vì dân cà phê, mong anh có nhiều đóng góp để dân cà phê tụi tui được có ngày mở mày mở mặt.

  2. Lê Vĩnh Nguyên

    Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thực sự là một cộc cách mạng trong một doanh nghiệp cụ thể, tiến hành CPH chính là gột bỏ tất cả các sâu mọt về vốn, tài chính và điều quan trọng hơn là con người.
    Chúng ta sống quá lâu với môi trường mà những người có tâm, có tài bị đẩy ra ngoài hooặc bị cô lập ở một góc nào đó vì “chú mày không thể tồn tại cùng các anh trên một sàn diễn”, và những kẻ tay không bắt giặc sống chủ yếu là nịnh bợ cấp trên, đè nén cấp dưới, lấy tiền doanh nghiệp để cung phụng người có quyền đế được quyền, giữ ghế cho đến chết mà không cần biết doanh nghiệp sẽ đi về đâu… thì khi CPH những sâu mọt này không còn môi trường sốn, do vậy chuyện đơn thư kiện tụng diễn ra là điều tất nhiên; Vấn đề là người cầm bút nói gì và nà lãnh đạo hành động như thế nào cho phải với đạo lý và trách nhiệm,
    Thế thôi, anh HV ạ.

  3. lycafebanme

    Vì sao VN là nước xúât khẩu café nhất nhì thế giới mà dân café không giàu nổi ?? Tôi cũng có nghi vấn như tác giả vậy ! Qua bài viết thì tôi có thể có 1 câu trả lời như thế này:
    Vì dân VN mình mắc bệnh “ghen ăn tức ở” !?? Không đồng lòng vì sự nghiệp chung của cộng đồng mà ngồi đó nhòm ngó, ganh ghét, tỵ hiềm rồi chọc gậy bánh xe ! Thử hỏi như vậy làm sao phát triển nổi ? Dùng thủ đọan để triệt hạ uy tín đối thủ ! Đó là cách làm của những kẻ kém tài kém đức ! Mình muốn vươn lên thì đạp người ta xuống !Dẫm đạp lên nhau ! Như vậy, cuối cùng cứ tòan đấu đá, làm ăn gì mà giàu nổi !?? Từ đó đưa đến kinh tế kém phát triển ! Đó là thực trạng của các doanh nghiệp VN nói chung. Muốn VN phát triển và sánh bằng các nước phát triển trên thế giới thì tôi nghĩ chắc phải dùng biện pháp Brain Wash (tẩy não) mấy ông có đầu óc triệt hạ đối thủ bằng cách không lành mạnh như vậy thì mới mong ngành café phát triển nói riêng và kinh tế VN phát triển nói chung.

  4. Nguyen Thị Mèn (BMT)

    Bạn Hoàng thân mến!

    Đúng như bạn nghĩ, tranh chấp ở một công ty cà phê thì thoạt đầu nhìn nó chẳng liên quan gì tới ngành cà phê của Việt Nam hay thu nhập của người nông dân.

    Tuy nhiên, nếu bạn đứng trên góc độ vĩ mô, xem chuỗi giá trị hàng hóa của cà phê ở tất cả các khâu từ trồng tới xuất khẩu hay chế biến thì sẽ khác. Giả định Việt Nam chỉ xuất khẩu sản phẩm cuối cùng là cà phê nhân (thực tế gần như vậy) thì nhà nông trồng cà phê là 1 công đoạn đầu và nhà xuất khẩu là công đoạn cuối cùng. Tất cả các công đoạn này nó liên quan mật thiết với nhau và tác động lẫn nhau. Nếu các nhà xuất khẩu chỉ lo đấu giá, giành giật lẫn nhau thì nó sẽ tác động ngược trở lại tới thu nhập của người nông dân bạn à.

  5. Nguyễn Nghĩa

    Theo như lời anh Nguyên thì ngành cà phê nước nhà và tất cả các ngành kinh tế mũi nhọn khác không có đường cứu chửa rồi. và ở cái đất nước này không có chổ cho người tài.

    Giờ nghẫm lại câu nói:
    “Đừng tự hào vì nước ta nghèo mà vẫn rất nhiều người giỏi, mà hãy xấu hổ vì người ta rất giỏi mà đất nước vẫn nghèo”
    thấy sao đúng quá.

  6. HoangNhuTranAnh (BMT)

    Bản thân tôi xuất thân từ gia đình làm nông nghiệp, chính xác là trồng cây cà phê,tôi thấy rằng nguyên nhân là:
    1.Chúng ta sản xuất nông nghiệp theo phong cách nông nghiệp.Tai sao noi vậy,
    -Những năm trước đây, giá cà phê cao ngất,dân tình đổ xô đi phá rừng trồng cà phê dẫn đến tình trạng cung vượt quá cầu.
    -Người trồng cà phê chỉ mang tính chất tự phát,kiến thức về chăm sóc cây cà phê rất hạn chế
    2.Ý kiến của bạn licafebanme

  7. AQ chính truyện

    Bài viết rất đúng với thực trạng hiện nay của các công ty cà phê quốc doanh, trong đó có công ty nơi tôi đang làm việc. Bài viết này không hiểu sao, tay sếp của tôi cứ ngỡ là viết về mình nên truy tìm ai viết và ai cung cấp thông tin cho người viết. Chắc có lẽ cho mấy tay này mượn truyện AQ chính truyện để đọc vì bóng dáng của mình thấp thoáng đâu đó trong bài viết.

  8. TranChau

    “Đừng tự hào vì nước ta nghèo mà vẫn rất nhiều người giỏi, mà hãy xấu hổ vì người ta rất giỏi mà đất nước vẫn nghèo”
    Câu này của anh Nguyễn Nghĩa hay quá !!! Đúng quá rồi còn gì !!! Nước ta có rất nhiều người tài nhưng vẫn không giàu lên được là vì người tài không có đất dụng võ. Những nghiên cứu phát minh của họ luôn bị những tên sâu bọ xuyên tạc, đả phá ! Như vậy, riết rồi không còn ai muốn phát minh hay tìm tòi ra những điều mới mẻ nữa !!!!!

  9. Ko Tên

    Tối hôm qua, tại nhà hàng Lion (sư tử) nổi tiếng ở Sài Gòn, cạnh khách sạn Caravell nổi tiếng thế giới đã diễn ra một bữa tiệc linh đình của giới kinh doanh cà phê thuộc công ty I. Phần lớn thực khách đến từ BMT, nhiều người gắn cả đời với nghề trồng và kinh doanh cà phê, có người giàu lên, nhà ở BMT nhưng mua nhiều biệt thự, đất đai ở Sài Gòn cũng có mặt, có người thì cựu lãnh đạo trong quá khứ, người thì đương nhiệm.

    Điều đáng quan tâm là cả hai phe, phe kiện tụng và phe bảo hoàng đều có mặt tại bữa tiệc này. NHững chiếc xe hơi đất tiền, xe tay ga bóng loáng, những váy áo hàng hiệu mà nhìn vào chẳng ai nghĩ rằng họ đang kinh doanh cà phê, nông dân đang khốn khổ vì cà phê rớt giá.

    Buồn phải không anh Thịnh Còi???

Tin đã đăng

Tin mới nhất

78