Nông dân chờ bán lúa

Bất chấp việc Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) triển khai cho các doanh nghiệp hội viên mua lúa tạm trữ quy ra gạo 1 triệu tấn, giá lúa Đông xuân tại các tỉnh ĐBSCL vẫn tiếp tục rớt giá.

Tạm trữ chưa nâng đỡ giá lúa
Thông tin VFA sẽ mua lúa tạm trữ được ông Phạm Văn Bảy, Phó chủ tịch VFA nói với báo chí từ ngày 5-2, nhân gặp gỡ cuối năm giữa VFA và báo chí tại Tổng công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2). Lúc ấy, dù giá lúa đang có xu hướng giảm nhưng vẫn còn cao so với mức giá sàn mà ông Bảy lẫn ông Nguyễn Thọ Trí, Phó tổng giám đốc Vinafood 2 công bố là 4.000 đồng/kg lúa khô tại cửa kho của doanh nghiệp.

Ngay sau Tết Nguyên đán, giá lúa tiếp tục giảm và cuối tháng 2, lúc này VFA khẳng định lại lần nữa với kế hoạch chi tiết là 30 doanh nghiệp hội viên tham gia mua lúa tạm trữ, với giá sàn 4.000 đồng/kg.

Hôm 2-3, tại hội nghị tổng kết xuất khẩu gạo 2009 và triển khai mua vào lúa gạo hàng hoá vụ đông xuân 2009 – 2010 do VFA tổ chức tại An Giang, một lần nữa, việc mua lúa tạm trữ được mang ra mổ xẻ. Trong khi các quan chức và doanh nghiệp ngồi lại với nhau để mổ xẻ tại sao Bộ Tài chính chưa công bố giá sàn mua lúa mà VFA lại chọn giá sàn là 4.000 đồng và cơ sở để áp đặt giá này thì ngoài thị trường, lúa nông dân thu hoạch được đang bị ế, giá thì giảm, thương lái thì chưa muốn mua vì còn phải xem động tĩnh của các nhà xuất khẩu.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang, giá lúa phẩm cấp thấp IR 50404 hiện còn 4.000 đồng/kg nhưng khó bán, các giống lúa tốt hơn như OM 2514, OM 1490 hay OMCS 2000 có giá 4.100-4.500 đồng/kg. Lúa thơm, nếp có giá khá hơn nhưng cũng xê dịch 4.400-5.300 đồng/kg.

Giá sàn sản xuất lúa vụ Đông xuân hồi đầu tháng 2 VFA cho là 2.500 đồng/kg, có doanh nghiệp bảo là 2.200 đồng/kg nhưng có địa phương thì cho rằng giá thành lúa ở địa phương mình lên tới 3.500-3.900 đồng/kg. Nếu căn cứ theo quy định Chính phủ nông dân phải có tỷ suất lợi nhuận tối thiểu 30% thì những địa phương công bố giá thành 3.500-3.900 đồng/kg, giá sàn mà doanh nghiệp mua phải cao hơn nhiều so với giá mà các doanh nghiệp hội viên VFA mua 4.000 đồng/kg.

Tại Đồng Tháp, Long An hay Tiền Giang, nông dân thu hoạch lúa Đông xuân khó bán là câu chuyện có thật, bởi thương lái chưa dám mua và doanh nghiệp thì chờ đợi Bộ Tài chính ban hành giá sàn, những động thái này càng đẩy giá lúa xuống thấp, nhiều vùng xa, sâu thương lái chỉ chấp nhận mua 3.700-3.800 đồng/kg, trong khi thu hoạch lúa Đông xuân đang rộ.

Ông Bảy cho rằng doanh nghiệp mua gạo tạm trữ sẽ không lo bị lỗ vì sau lần điều chỉnh tỷ giá đô la Mỹ mới đây, doanh nghiệp xuất khẩu có lợi hơn và từ đầu năm đến nay các nước châu Phi đang chờ vụ lúa đông xuân của Việt Nam kết thúc để mua vào.

Năm ngoái, nhiếu ý kiến phản đối VFA khi các doanh nghiệp hội viên công bố mua theo giá sàn 3.800 đồng/kg lúa Hè thu nhưng nông dân bán cho thương lái thấp hơn nhiều, té ra đó là giá mà doanh nghiệp mua tại cửa kho, tức mua của thương lái chứ không phải mua của nông dân.

Gần như toàn bộ các nhà xuất khẩu gạo hiện nay, dù có hay không có nhà máy xay xát, lau bóng gạo thì vai trò mua gom lúa gạo thuộc về tầng lớp thương lái, đại lý chứ không có doanh nghiệp nào có hệ thống thu mua lúa chân rết. Do vậy, năm nay VFA cho rằng sẽ tổ chức thí điểm một số doanh nghiệp mạnh là gom các thương lái vệ tinh của mình vào một hệ thống để thương lái mua lúa đúng theo giá sàn, còn nhà máy mua lúa của thương lái theo giá sàn và cộng thêm ít chi phí xem như công vận chuyển, đi mua.

Dường như việc tổ chức thương lái thành hệ thống thu mua lúa gạo không hề là chuyện đơn giản (nếu dễ dàng thì doanh nghiệp đã làm bao năm qua), nên hiện không thấy VFA nhắc tới, bởi vướng nhiều thứ như thương lái có thể là nhà cung cấp lúa cho nhiều doanh nghiệp xuất khẩu chứ không phải một, rồi hóa đơn chứng từ và đa phần thương lái không có tư cách pháp nhân, không có hóa đơn hay tài khoản để thanh toán khi bán lúa cho nhà xuất khẩu.

Xuất khẩu là nguyên nhân?
Phải nói rằng hiếm có năm nào tồn kho năm ngoái chuyển sang nhiều như năm nay, hơn 1 triệu tấn gạo. Vụ lúa Đông xuân năm nay, theo VFA, có chừng 3 triệu tấn gạo hàng hóa thì 6 tháng đầu năm nay, ĐBSCL có 4 triệu tấn gạo hàng hóa, chưa kể gạo Campuchia nhập sang nhiều hay ít khó lòng đoán được. Thế nhưng, tới hết tháng 2, hợp đồng được ký chỉ có 2,5 triệu tấn, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó phần lớn là hợp đồng tập trung cấp Chính phủ.

Theo Bộ Công Thương thì 2 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo cả nước được 704.000 tấn với với kim ngạch 333 triệu đô la Mỹ, đơn giá gạo bình quân thì tăng 70-80 đô la Mỹ/tấn so với cùng kỳ nhưng do sản lượng bán thua so với cùng kỳ năm ngoái gần 300.000 tấn, là lý do đẩy giá lúa trong nước giảm.

Theo VFA, quí 1 này cả nước xuất khẩu được 1,1 – 1,2 triệu tấn, như vậy thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước (quí 1 năm ngoái xuất gần 1,6 triệu tấn).

Theo ông Bảy, hiện Philippines thì đã ký mua của Việt Nam hơn 1,6 triệu tấn và nước này có thể mua nữa nhưng cũng có thể không. Indonesia có thể mua gạo của Việt Nam nhưng nếu mua thì cũng cuối quí 2. Cuba thì gần như năm nào cũng mua nhưng lại mua trả chậm. Ấn Độ còn tồn kho 24,3 triệu tấn (mức tồn an toàn của Ấn Độ là 27 triệu tấn), do vậy, nếu nước đông dân thứ 2 thế giới có mua gạo thì là mua để tăng lượng tồn kho, mua để quân bình giá chứ không phải vì thiếu gạo.

“Đầu ra của hạt gạo năm nay phập phòng, khó đoán, các nước có khả năng nhâp khẩu gạo thì không vội mua, chờ xem thị trường, giá cả, mùa vụ”, ông Bảy nhận định.

Theo Báo cáo thường niên ngành hàng gạo năm 2009 của Viện Chính sách chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, châu Á với những thị trường truyền thống như Philippines, Malaysia, Indonesia sẽ vẫn là những thị trường tiềm năng cho xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm nay.

Tuy nhiên, viện này cho rằng Việt Nam cũng cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu hơn nữa nhằm giảm sự phụ thuộc vào các đối tác truyền thống cũng như các hợp đồng xuất khẩu do Chính phủ mở đường. Do đó, cần có một cơ chế xuất khẩu gạo mang tính khuyến khích hơn để các doanh nghiệp có thể phát huy khả năng, tìm kiếm thị trường và đối tác mới để xuất khẩu gạo với mức giá có lợi nhất.

Hồng Văn

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Lê Đức Dũng

    Lúa tôi bỗng dưng muốn khóc
    Khổ thân lúa tôi quá các bác ơi! Bản thân lúa tôi sinh ra và lớn lên là để phục vụ cho bất kỳ ai có mặt trên đất nước này vậy mà không mấy ai đoái hoài thương hại.
    Chỉ có bác nông mới là người thương tôi cưu mang tôi, chăm sóc tôi từng li từng tí, từ lúc tôi ra đời cho đến khi tôi thành “nô lệ dinh dưỡng” hằng ngày cho người khác.
    Tôi thật sự đau lòng khi tôi nhìn lại quãng đời mà tôi đã từng tồn tại, lúc mới sinh tôi phải chống chọi với biết bao điều khó khăn, nay bệnh này mai bệnh khác. Nhỏ bệnh theo nhỏ, lớn bệnh theo lớn, nào là bệnh “thối cổ dé” nào là “bệnh vàng lá”, lem lép hạt…chưa kể tới các loại sâu rầy như: sâu cuốn lá, sâu đụt than, sâu ống, rồi bọ trỉ, rầy nâu… Ôi thôi không biết sau kể xiết, nhưng bệnh nào bác nông tôi đều lo cho tôi hết cả, chưa tính đến lúc mưa gió, lũ lụt làm cho thân tôi đổ xập cũng bị thất mùa. Tội nhất là bác nông là người chịu thiệt hại nhiều nhất, nhưng bác lúc nào cũng ở bên tôi lo cho tôi từng chút một. Nhưng rồi sau hơn 3 tháng thăng trầm cuối cùng tôi cũng trưởng thành và đã đến lúc tôi phải chia tay bác nông để ra đi làm “nô lệ dinh dưỡng” cho người khác. Nhưng trước khi làm nô lệ tôi phải trải qua một trận hành xác (máy xay xát) họ lột hết lớp da ngoài của tôi, để lộ thân hình trắng nõn nà rồi mới tới phần ăn thịt tôi. Không sao! Cuộc đời họ hàng tôi là phải thế, chỉ tôi nghiệp bác nông của tôi phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt, cháy da sạm mặt vì tôi mà cuối cùng đổi lấy những đồng tiền thù lao ít ỏi vì bán tôi không được giá mỗi khi được trúng mùa. Mà phải chi bác nông muốn làm giàu làm có gì đâu, chỉ mong sau cuộc sống đỡ hơn, hay khá hơn một chúc mà thôi!.Cuộc đời thật trớ trêu thay, khi người ta cần thì bằng mọi giá người ta tạo hoặc sắm cho bằng được bất kể sinh mạng, tiền, vật chất… có tốn hao cỡ nào cũng không sao? Nhưng đằng này thì ngược lại, mọi người trên đất nước này đều phải cần tôi hầu như hằng ngày, tôi dám chắc như vậy! Nhưng khi chưa tới mùa tôi thì tôi lại có giá, có nhiều người hỏi mua, bởi lúc chưa tới mùa tôi thì bác nông lấy đâu ra tôi mà bán. Còn khi đến lúc được mùa, thu hoạch rộ (tất cả ĐBSCL thu hoạch tôi) thì ngoảnh mặt quay lưng, lúc đó kiếm cớ ém giá bác nông, chê tôi nào là tôi xấu, tôi bị lem, tôi không vàng như những vùng khác. Nào là đang rớt giá sợ mua tôi vào bị lỗ, điệp khúc này cứ tái diễn từ nhiều năm nay. Chính phủ vừa ký quyết định cho Bộ Tài chính mua thêm 50.000 tấn tôi để dự trữ, tạo cho tôi có giá bình ổn nhưng thực tế thì không thể tăng giá tôi trở lại.Nhiều bác nông cứ than trời trách đất, có bác nhà nhiều người ruộng thì ít cuộc sống quanh năm nhờ có tôi. Có bác mỗi khi vào mùa vụ, bác đi vay ngân hàng lấy vốn mua phân, thuốc chăm sóc cho tôi, sau khi thu hoạch bán tôi trả lãi ngân hàng, nhưng tôi bị mất giá nên nhiều bác nông không dám bán tôi vì sợ bị lỗ. Rồi cũng có bác thu hoạch tôi xong, bán tôi lỗ không đủ trả ngân hàng đành khất nợ đợi vụ sau trả. Nhưng khi cần vốn làm vụ sau mà sổ đỏ (QSDĐ) thì còn nằm trong ngân hàng nên vay nóng ở bên ngoài với lãi suất rất cao, rồi tôi bị rớt giá bán tôi không đủ trả nợ cuối cùng bị xiết nợ đành bán đất (QSDĐ) rồi đi làm thuê cho người khác. Nhìn các bác nông vì tôi mà có bác phải tán gia bại sản, tôi muốn rơi nước mắt. Tôi thật sự muốn giúp các bác nông lắm nhưng không biết giúp bằng cách nào?, Thôi thì cứ để cho mấy ông lãnh đạo cứ suy nghĩ tìm cách giúp các bác nông, nếu được dòng họ lúa chúng tôi thật biết ơn vô cùng !!!Lê Đức Dũng

Tin đã đăng

Tin mới nhất

77