Tin buồn

ICO dự báo niên vụ cà phê toàn cầu 2010-2011 sẽ giảm về lượng và giá

Tổ chức Cà phê quốc tế (ICO) dự báo sản lượng cà phê toàn cầu trong niên vụ 2010-2011 sẽ đạt 133 đến 135 triệu bao (bao 60 kg). Trước đó, trong niên vụ 2009-2010 (vừa kết thúc vào cuối tháng 6/2010) đạt mức 120,6 triệu bao, giảm 5,8% so với sản lượng niên vụ 2008-2009.

> Xuất khẩu cà phê: Cảnh giác “đòn gió”

coffee-beans

Tiêu thụ cà phê toàn cầu giảm

Người đứng đầu cơ quan sản xuất hàng đầu của Ấn Độ cho biết, sản lượng cà phê của Ấn Độ trong niên vụ 2010-2011 dự kiến sẽ giảm 5-6% do mưa gió mùa sớm và côn trùng tấn công gây hại vùng trọng điểm sản xuất. Ủy ban Cà phê Ấn Độ cho biết nước này dự kiến sản xuất khoảng 289 nghìn tấn cà phê trong niên vụ tới, bắt đầu vào tháng 10, trong đó 2/3 sản lượng cà phê sẽ được xuất khẩu.

Hiệp hội Cà phê Indonesia cho rằng sản lượng cà phê nước này có thể giảm 9% trong năm nay bởi mưa lớn. Mưa trái mùa và nặng hạt trong năm nay đã khiến hoạt động thu hoạch bị lùi lại đến tháng 7 thay vì tháng 5 như thường lệ. Thời tiết ẩm ướt còn cản trở quá trình phơi hạt của người dân, làm giảm chất lượng nhân cà phê. Hiệp hội Cà phê Indonesia, quốc gia sản xuất cà phê Robusta lớn thứ 2 thế giới sau Việt Nam, nhận định có thể chỉ đạt sản lượng 500 nghìn tấn trong năm nay, thấp hơn so với 550 nghìn tấn ước đạt trong năm 2009.

Sản lượng cà phê ở Colombia dự kiến sẽ hồi phục mạnh mẽ trong năm nay về quanh mức 10 triệu bao, sau khi sản lượng của nước này trong năm 2009 giảm xuống mức 7,8 triệu bao, mức thấp kỷ lục trong hơn 3 thập kỷ qua do ảnh hưởng của hạn hán và chương trình thay mới cây cà phê của Chính phủ. Tuy nhiên, mưa lớn ở các khu vực trồng cà phê chủ chốt trong thời gian qua có thể ảnh hưởng xấu đến quá trình ra hoa và làm giảm sản lượng của niên vụ 2011. Trung tâm Nghiên cứu Cà phê Quốc gia (Cenicafe) của Colombia cho biết, mưa trong tháng 8 ở các vùng trồng cà phê quan trọng cao hơn rất nhiều so với thường lệ, có nơi cao tới gấp 3 lần. Trong 8 tháng đầu năm nay, Colombia đã sản xuất 5,4 triệu bao cà phê, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước. Người trồng cà phê nước này cần đạt thêm 4,6 triệu bao trong 4 tháng còn lại của năm mới có thể hoàn thành mục tiêu đề ra.

Hầu hết các nước Trung Mỹ đều đạt sản lượng thấp hơn trong niên vụ 2009-2010 bởi thời tiết xấu và lượng phân bón cho cây giảm. Tuy nhiên, việc giá cà phê Arabica đã đạt mức cao nhất 13 năm ngay trong đầu tháng 9 (nguồn cung khan hiếm và những lo lắng điều kiện thời tiết khô nóng tại Braxin sẽ làm sản lượng giảm) đã khuyến khích người dân Trung Mỹ tăng đầu tư cho vụ cà phê mới và sản lượng được dự báo chắc chắn tăng trong vụ tới. Costa Rica dự tính sẽ tăng 11% sản lượng cà phê trong niên vụ 2010-2011 nhờ diện tích trồng cà phê tăng, chương trình thay mới cây cà phê già cỗi cho thu hoạch lần đầu, kết hợp với chính sách ưu đãi về lãi suất cho vay của chính phủ.

Theo các thông tin cơ bản cung cấp bởi các thành viên của ICO, tiêu thụ cà phê toàn cầu trong năm tài chính 2009 ước đạt 129,1 triệu bao, giảm 1,2% so với mức 130,7 triệu bao năm 2008. Tiêu thụ cà phê toàn cầu giảm là do mức tiêu dùng thấp tại một số quốc gia nhập khẩu, đặc biệt là tại châu Âu và các thị trường mới nổi. Trong khi đó, tiêu thụ tại các quốc gia xuất khẩu cà phê tiếp tục tăng.

Theo báo cáo của ICO, Braxin vẫn duy trì vị trí là quốc gia đứng đầu về tiêu dùng cà phê trong năm 2009, với mức tiêu dùng bình quân đầu người đạt 5,69 kg. Tiếp theo sau là các nước Honduras, Venezuela, Costa Rica và Cộng hòa Dominican.

Xuất khẩu và giá cà phê đều giảm

Về xuất khẩu, theo ICO, xuất khẩu cà phê thế giới trong 10 tháng đầu niên vụ 2009-2010 (tháng 10/09 – tháng 7/10) đã giảm 5,2% so với cùng kỳ niên vụ trước, xuống 78,5 triệu bao. Trong đó, xuất khẩu loại cà phê Colombia dịu (Colombian Milds) giảm mạnh nhất trong thời gian qua với mức giảm 22% so với cùng kỳ niên vụ trước. Xuất khẩu loại cà phê tự nhiên của Braxin (Brazilian Naturals) và cà phê Robusta cũng giảm lần lượt 3,1% và 6,3%. Sự sụt giảm trong xuất khẩu cà phê Robusta chủ yếu là do xuất khẩu của Việt Nam – quốc gia sản xuất cà phê Robusta lớn nhất thế giới giảm từ 15,5 triệu bao trong niên vụ 2008-2009 xuống còn 12,8 triệu bao trong niên vụ 2009/10, tương đương mức giảm 17,3%.

Theo số liệu của Hội đồng xuất khẩu Cà phê Braxin (Cecafe), xuất khẩu cà phê của nước này trong tháng 8 đã tăng 12,1% về khối lượng và tăng 34,1% về giá trị so với cùng kỳ năm trước, đạt 2,77 triệu bao với giá trị xuất khẩu đạt 474,4 triệu USD. Tính chung 8 tháng đầu năm 2010, Braxin đã xuất khẩu 19,6 triệu bao cà phê, giảm nhẹ so với 19,686 triệu bao cùng kỳ năm ngoái nhưng giá trị xuất khẩu tăng 16%, đạt 3,106 tỷ USD do giá cà phê hạt phục hồi mạnh trong các tháng gần đây. Tổng giám đốc của Cecafe dự tính rằng nếu giá cà phê tiếp tục duy trì như hiện nay thì tổng giá trị xuất khẩu cà phê của Braxin trong năm 2010 có thể đạt mức 5 tỷ USD.

Còn tại Ấn Độ từ tháng 1 đến tháng 7/2010, xuất khẩu cà phê đã tăng 3% lên 178 nghìn tấn sau khi sản lượng cà phê nội địa tăng cao so với 116 nghìn tấn trong cùng kỳ năm 2009. Giá cà phê Robusta trên sàn giao dịch Luân Đôn đã đạt mức cao nhất trong 13 năm qua vào ngày 31/7, đạt mức 1.810 USD/tấn đối với kỳ hạn giao tháng 9 và mức 1.829 USD/tấn đối với kỳ hạn giao tháng 11. Mức giá cao này tiếp tục được duy trì cho đến cuối tháng 8, thị trường mới có sự điều chỉnh giảm tương đối mạnh trong các phiên giao dịch ngày 25 và 26/8 do các quỹ đầu cơ đẩy mạnh bán ra.

Trên thị trường New York, giá cà phê Arabica trong phiên giao dịch ngày 25/8 có sự điều chỉnh giảm mạnh nhất trong quý III này với mức giảm 10% so với mức 182 USD cent/lb đạt được ngay trong phiên giao dịch trước đó. Phiên giao dịch ngày 20/9, giá cà phê Arabica đã trải qua phiên giảm mạnh nhất trong tháng bởi thông tin mưa sẽ xuất hiện trở lại trên các cánh đồng cà phê ở phía Tây Braxin vào cuối tháng 9 làm giảm nỗi lo sản lượng sụt giảm ở quốc gia sản xuất cà phê lớn nhất thế giới. Đóng cửa phiên 20/9, giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 12 giảm 7,35 cent, tương đương 3,9% xuống 181,95 USD cent/lb.

Giá cà phê thế giới tăng trở lại trong phiên giao dịch ngày 27/9 do nhu cầu đầu tư cao trong bối cảnh lo ngại lạm phát gia tăng bởi chính sách nới lỏng tiền tệ của Mỹ. Giá cà phê Arabica trên thị trường New York còn được hỗ trợ bởi các nhà đầu tư vẫn đang theo dõi sát sao tình hình ở Braxin khi thời tiết khô nóng được dự báo vẫn chưa dứt hoàn toàn tại các khu vực trồng cà phê ở bang Sao Paulo và Minas Gerais. Tuy nhiên, giới giao dịch cho rằng thị trường sẽ sớm điều chỉnh giảm bởi không có thông tin về khả năng thiếu hụt nguồn cung trong niên vụ 2010-2011.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. ROCA

    Tất cả đều là dự báo!
    Giá cà phê hoàn toàn nằm trong tay bọn tài phiệt đầu cơ.
    Giá lên hoặc xuống đều do bọn này quyết định để tìm kiếm lợi nhuận đến mức tối đa (quy luật).
    Còn nông dân thì phải đoán mò ăn theo để quyết định thời điểm bán ra mà mình nghĩ là có lợi.
    Sản lượng toàn cầu 2010-2011 : 135 triệu bao x 60kg/bao = 8.100.000 tấn.
    Mức giá bình quân giữa Robusta và Arabica khoảng 2.500 USD/ tấn.
    Vậy 8.100.000 tấn x 2.500 USD/ tấn = 20.250.000.000 USD (20 tỷ đô la Mỹ)
    Chỉ cần một nhóm tài phiệt có vốn khoảng 5 tỷ USD thì sẽ làm mưa làm gió trên thị trường cà phê ngay. (Chỉ một mình Billgate thôi đã chi ra 1 tỷ USD để làm từ thiện rồi!)

  2. Trần vĩnh Bửu

    Bạn ROCA nói vậy là hơi quá. Bạn vẫn chưa hiểu được những hoạt động của các nhà đầu cơ. Tôi đồng ý với bạn giá cà phê hiện nay chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi các nhà đầu cơ. Nhưng đầu cơ như thế nào cũng có cái quy luật của nó. Chưa hẳn bạn có thật nhiều tiền là bạn muốn làm giá như thế nào cũng được.
    Theo quan hệ cung cầu thì trên thị trường có người bán thì phải có người mua. Những nhà đầu cơ cũng vậy, có người đầu cơ giá lên nhưng cũng có người đầu cơ giá xuống.
    Tôi cho ví dụ :
    Anh là một nhà đầu cơ giá lên, thì buộc anh phải có lượng tiền nhiều để mua hàng với giá cao nhằm kích thích những nhà đầu tư khác vô mua theo. Đến một lúc nào đó giá giá đủ cao anh sẽ đẩy hàng ra để kiếm lợi nhuận. Tuy nhiên, mọi chuyện không đơn giản như thế. Tôi đặc tình huống anh dùng tiền của anh để mua làm tăng cầu, làm giá tăng lên thời điểm này anh giữ một lượng hàng lớn với giá cao. Đúng theo nghĩa giá cả thì anh đang lợi, tuy nhiên cái anh giữ không phải là tiền mà là hàng hóa. Anh phải bán ra để quy đổi thành tiền, nhưng với khối lượng lớn như vậy anh bán ra liệu ai giám mua với giá cao? như thế không những anh tôn công tốn sức là giá tăng rồi lại đẩy giá xuống hay sao? Cuối cùng anh cũng chăn có lợi nhuận mà còn bị lỗ nữa.
    Như vậy các nhà đầu cơ họ phải làm gì để tác động lên giá?
    Theo tôi biết, bất cứ thị trường hàng hóa nào cũng đều có nhu cầu thật và nhu câu ảo. Những nhà đầu cơ là những người có nhu câu ảo. Tuy nhiên, cái ảo không thể nào quyết định cái thật. Riêng đối với hàng hóa là nông sản thì nguôn cũng vẫn là yếu tố cốt yếu ảnh hưởng đến giá cả. Các nhà đầu cơ họ cũng dựa vào biến động của nguồn cung để đầu cơ giá lên hay giá xuống. Để chứng minh cho cái lập luận này tôi cho ví dụ sau:
    Anh là nhà đầu cơ giá lên, trước hết anh phải dự đoán chắc chắn rằn mùa vụ vừa rồi mất mùa, dẩn đế nguồn cung thấp hơn so với cầu, đó là yếu tốt làm giá thực tế tăng hoàn toàn không bị tác động bởi nhà đầu cơ. Vậy anh có tiền nhiều anh sẽ mua một lượng hàng vào để kiếm lợi nhuận. Nếu anh không phải là nhà đầu cơ anh vẫn có lợi nhuận khi giá thực tế tăng. Nhưng anh là nhà đầu cơ anh sẽ tiếp tục dùng tiền ảo để mua vào làm giá ảo tăng. Đồng thời cùng với tâm lý mùa vụ vừa rồi mất màu hàng khang hiếm các nhà đầu tư thật để sản xuất họ sợ khang hiếm nguồn cung nên mua vào để trữ. Thế là tạo ra được một nguồn cầu mới có thể để cho các nhà đâu cơ cung hàng. Còn nếu thị trường được mùa mà anh đầu cơ giá lên liệu có nguồn cầu mới nào để người đầu cơ cung hàng mình đã mua không? Dù anh là nàh đầu cơ mạnh như thế nào cũng phải đi theo đúng quy luật cũng nó, đồng thời không chỉ có mình anh là nhà đâu cơ mà có rất rất nhiều nhà đầu cơ khác. Anh mạnh cở nào cũng không thể một giáo một gươm đối đầu với hàng ngàn quân địch được. Cách duy nhất để tồn tại là anh phải đầu hàng và hành động theo quy luật…..
    Nếu có sai sót gì mong mọi người chỉ điểm thêm!

    1. Thắng Lợi

      Hay lắm! nhưng chỉ là lý thuyết theo sách vở bài bản thôi. Cái quy luật bao trùm là … không theo quy luật nào cả, đó mới là thị trường.
      Dù sao giá cà phê vẫn tăng.

      1. cuba

        Môt quy luật đúng tuyệt đối là các quy luật đều tương đối !
        Các người vỗ ngực nắm chắc các quy luật đều ” chết ” bất đắc kỳ tử !

  3. Nguyen thuy

    Dien dan la nham muc dich dem lai y kien de ba con nong dan hieu va biet lua chon thoi diem tot de co loi,cac ong noi the khong khac gi tu ton kien thuc hieu biet,ma nhung thu cac ong noi khong nen ban o day, khac nguoi lam.

    Mong bạn sử dụng tiếng Việt có đầy đủ dấu. Xin cám ơn. BQT

  4. thoa.dilinh

    Tôi có chút suy nghĩ hơi giống bạn ROCA. Bà con nông dân trồng cà phê niên vụ này được giá là mừng rồi. Làm cách nào cho cây cà phê có năng suất, có chất lượng, sử dụng phân bón đúng thời vụ.

  5. miipro

    Theo tôi thấy tất cả các mặt hàng nông sản đều tăng giá thì giá cà phê cũng không ngoại trừ. Như vậy bà con cứ hi vọng đi rồi giá cà phê cũng lên trên 40 ngàn thôi, quan trọng là không nóng vội.

  6. Nguyễn Văn A

    Liệu ra tết giá cà phê có tăng không trong khi đây là thời điểm tích trữ cà phê của nhiều người.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

84