Người trồng cà phê lâu nay đói no hay giàu có đều lệ thuộc vào giá xuất khẩu, thực tế đó không ai có thể chối cãi. Biết vậy mà sao chúng ta cứ lòng vòng ; hôm nay có bài học này, vụ sau có bài học tiếp theo nhưng không có bài học nào làm người nông dân bớt khổ.
Cũng do lệ thuộc vào giá xuất khẩu nên trên cùng một mảnh đất, bà con mình cứ chuyển đổi cây trồng. Thua cà phê bà con chuyển qua trồng tiêu, thua tiêu chuyển trồng điều, thua điều chuyển trồng cao su… và cứ thế lẩn quẩn mãi!
Xem thêm: Cà phê – tạm trữ là “tự trảm”
Sự cần thiết phải có sự can thiệp của Nhà nước
Những năm gần đây, nhờ có sự chỉ đạo kiên quyết của Chính phủ và chính quyền các cấp để làm hạn chế trồng mới, ổn định diện tích, tập trung thâm canh cho năng suất cao…, người nông dân lại gắn bó với cây trồng dù cuộc sống còn khó khăn. Và gần đây, chương trình phát triển cà phê bền vững của UTZ nhằm nâng cao chất lượng cà phê Việt Nam đaz đã được nhiều nông hộ hưởng ứng.
Nông dân là thế, mưu sinh trên đôi chân đất với đôi vai trần và vì tương lai của con em mình, họ luôn là những người gương mẫu nhất trong việc chấp hành các chủ trương chính sách, họ là những người làm ra sản phẩm góp phần tích cực vào phát triển nền kinh tế, sản phẩm của họ làm ra hàng năm đã mang về cho đất nước hàng tỷ đôla, nhưng họ luôn là những người chịu nhiều thua thiệt, nhất là điều kiện sống như điện – đường – trường – trạm. Những chính sách ưu đãi của Nhà nước đến với họ thật quá khó, ví như họ được ưu đãi vay vốn đế mua máy nông nghiệp nhưng thử hỏi có bao nhiêu hộ được vay ?
Trên thực tế, bất kỳ một nền kinh tế nào phát triển ổn định đều có “bàn tay hữu hình của Nhà nước” , không chỉ Việt Nam mà tất cả các nước trên thế giới, kể cả các nước giàu có như Mỹ hay Nhât Bản. Muốn ngành cà phê Việt Nam phát triển bền vững thì “bàn tay hữu hình” phải thật sự đến với nông dân trồng cà phê. Do vậy, cần phải nhìn thẳng vào thực tế để biết được nông dân cần những gì và Nhà nước mong muốn gì ở họ. Cái trước hết và nhìn thấy ngay là sản xuất phải có hiệu quả, phải có tích lũy để tái đầu tư. Từ lâu nay người nông dân “nhắm mắt làm liều” vì giá phân bón, giá vật tư cây trồng, giá xăng – dầu – điện phục vụ nhu cầu tưới, giá nhân công…người nông dân đâu có chủ động biết được là bao nhiêu mà dự trù tính toán ! giá bán cà phê lại càng mù khơi, doanh nghiệp phán sao thì biết vậy ; đến mùa thu hái thì bị trộm cắp…! vậy làm sao mà chờ cho cà phê chín đều để có chất lượng, vv và vv.
Từ thực tế trên, để có được một sự ổn định bền vững tương đối và lâu dài, để có chất lượng cà phê tốt hơn và người trồng cà phê có cuộc sống khá hơn thì phải có một chính sách thật cụ thể và đồng bộ từ Trung ương đến Địa phương, cần có cả hệ thống chính trị vào cuộc chứ xin đừng đưa ra những giải pháp tạm thời mang tính chửa cháy như vừa qua.
Là một nông dân thực thụ, và là người có nhiều năm tham gia vào thị trường cà phê, người viết xin đưa ra ý kiến của mình để có sự nghiên cứu, phán xét một cách chân thành và đầy trách nhiệm của các cơ quan quyền lực của Nhà nước và xã hội, đó là :
- Cần đi sâu phân tích nguyên nhân nào mà nông dân phải gửi cà phê cho đại lý để rồi trắng tay?
- Cần làm rõ giá trị tài sản vườn cây của công nhân, nông dân liên kết, hợp đồng trong các nông trường, công ty cà phê để xác định quyền sở hữu tài sản của mỗi bên, làm cơ sở để những người chăm sóc trực tiếp được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước.
- Ai tạo ra mối liên kết của Nông dân trong khu vực sản xuất,
- Mối quan hệ giữa Hội nông dân tại địa phương ( huyện, xã ) với người nông dân liên kết, hợp đồng trong các nông trường, công ty cà phê.
- Trách nhiệm của các cơ quan nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu khoa học mới, tiến bộ vào sản xuất cà phê,
- Bảo đảm an ninh trật tự trong khu vực sản xuất.
- Mối quan hệ giữa các nhà cung ứng, tiêu thụ với nông hộ và trách nhiệm của các cơ quan thực thi pháp luật.
- Nhà nước cần có chính sách hổ trợ vốn cho doanh nghiệp và cho nông hộ trên nguyên tắc phải bảo toàn vốn của Nhà nước,…
Kỳ sau xin đưa ra chính kiến của mình một cách chi tiết cho từng vấn đề cụ thể.
>> Sung sướng gì khi phải làm người nông dân trồng cà phê
Kính chúc bà con khỏe.
Lê@
Xin chào anh Le@. Các bài viết của anh tôi đã đọc hết và tôi cảm nhận anh là một người vừa làm cafe vừa kinh doanh cafe thì phải? Anh viết những bài trên quả thật anh hiểu khá rõ về sx, kd cafe và tôi mong anh viết những bài đăng tiếp theo.