Y5Cafe phát động phong trào diệt ve sầu

Trong bài viết “Cộng đồng Y5Cafe cùng nhau bàn cách diệt ve sầu !” chúng ta đã cùng bàn luận và đã đưa ra được rất nhiều ý kiến diệt ve sầu. Hôm nay Y5Cafe xin giới thiệu bài viết của anh Lê@, xem như phát súng mở màn cho phong trào tiêu diệt ve sầu bởi nay là thời điểm thích hợp nhất để bà con nông dân cà phê chung tay diệt ve sầu.

Xem thêm bài: Cộng đồng Y5Cafe cùng nhau bàn cách diệt ve sầu !

Ve sầu hại cà phê
Ve sầu là mối họa lớn của người trồng cà phê

Nguyên nhân của sự phá hoại

Vào mùa này, đi đâu ta cũng nghe tiếng ve kêu râm ran, tiếng ve như nhắc nhớ các cô cậu học trò, rồi đây sẽ xa trường lớp, xa thầy cô, xa bạn bè; nhiều người xa quê luôn không thể nguôi ngoai trong lòng khi nghe tiếng ve đâu đó vang lên…có lẽ đó là nguyên nhân chính mà chúng ta luôn gọi là “ve sầu” ?

Ve sầu trong tiếng Anh là Dry Flies (Ruồi khô), nguyên nhân của nó là do dân Nam Mỹ nhìn thấy các xác khô của con ve trên cây sau khi lột xác từ ấu trùng để trở thành con ve trưởng thành.

Ve sầu là một siêu họ côn trùng, có vòng đời từ một ấu trùng để thành một con ve trưởng thành thường từ 2 đến 5 năm, ve sầu đang làm khổ bà con nông dân cà phê mình là loài Magicicada có vòng đời thường là 17 năm, đôi khi là 13 năm.

“Tháng 3 mùa con ong đi lấy mật” chính là lúc ve sầu hoạt động, ấu trùng từ dưới đất chui lên cây, lột xác để trở thành con ve trưởng thành và bay đi tìm bạn đời, tiếng kêu veve là của con ve đực dụ con ve cái, sau khi giao phối ve cái sẽ đào một rãnh trên cây để đẻ trứng, ve cái đẻ trứng nhiều lần mà tổng số trứng một con ve cái đẻ ra vào khoảng 200 trứng, đời sống của chú ve chỉ kéo dài được 1 tháng sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ duy trì nòi giống của mình và chỉ sau 6 đến 8 tuần lễ thì trứng sẽ nở thành ấu trùng và rơi xuống đất, ấu trùng đào đất để ẩn mình ở độ sâu từ 0,3 đến 2,5 m, ấu trùng cắn hút nhựa rễ cây suốt 17 năm sau mới lên lại cành cây để lột xác thành ve.

Nhiều năm nay ve sầu đã phá hoại không biết bao nhiêu vườn cà phê đang sung sức, làm thiệt hại không biết bao nhiêu mà kể, bà con nông dân đã tìm mọi biện pháp để tận diệt nhưng không xong, các nhà nghiên cứu về hóa chất cũng đành bó tay vì không tìm ra được thuốc chữa, nhiều nhà “lãnh đạo học” thường đặt ra câu hỏi 5W để lập báo cáo là What: Cái gì, Why: Tại sao, When: Khi nào, Where: Ở đâu và Who: Do ai?…Câu trả lời là do chính mình, mình không tôn trọng quy luật tự nhiên, không biết nhà nghiên cứu vĩ đại nào (Who) cho ra và phổ biến một loại hoá chất trộn với mỡ xay để bôi lên cây diệt kiến, sau một thời gian không còn tìm thấy chú kiến nào nên trứng ve tha hồ mà nở ra thành ấu trùng chui vào lòng đất cắn rễ cà phê. Ve sầu phát triển đến mức mỗi khi vào vườn thì nhận lấy những hạt chất thải của ve mà tưởng như mưa, ve bay tông vào người ngã lăn ra đầy mặt đất .

Cũng xin đừng hỏi Why? mà phải trả lời ngay là do chúng ta đã tận diệt hết thiên địch; Thiên địch theo định nghĩa của Wikipedia là các loài sinh vật được sử dụng để diệt trừ các sâu bệnh hại, bảo vệ mùa màng, các loài thiên địch thường là chuồn chuồn, bọ ba khoan, chim sâu…và kiến vàng. Thiên địch còn có nghĩa là “ Kẻ thù tự nhiên của sâu hại”

Kinh nghiệm diệt ve sầu

Xác định nguyên nhân chính của sự tàn phá do ve sầu gây ra là do chúng ta đã diệt hết kiến vàng nên không còn ai ăn trứng ve sầu, thì nay chúng ta phải nuôi lại kiến và tận diệt ve sầu; muốn nuôi lại kiến vàng thì phải đi tìm tổ kiến vàng mang về vườn mình nuôi.

Theo kinh nghiệm nhiều vùng thì bà con vào các khu có cây rậm, có nhiều hơi ẩm nơi đó sẽ có nhiều tổ kiến vàng, nhẹ tay cắt nguyên cành cây có tổ kiến bỏ vào túi ni lông mang về thả ở vườn mình, để kiến vàng ở lại và phát triển thì lúc mang kiến về nên cho thêm tí thịt mỡ treo trên cành cây; kiến sẽ ăn trứng ve, tiêu diệt kiến đen cũng như rệp sáp…

Cho đến nay, chưa có tài liệu hay công trình nghiên cứu nào đánh giá rằng ve sầu có lợi cho mùa màng, chỉ thấy có hại nên cần phải diệt ve, hiện đang là thời điểm thích hợp nhất để diệt ve sầu vì vòng đời của ve sầu trưởng thành là chỉ sống 1 tháng để giao phối và đẻ trứng, diệt ve khi mà nó chưa kịp đẻ trứng là hiệu quả nhất, bằng cách ban đêm chúng ta thắp đèn (đèn điện, đèn bình ắc quy, đèn dầu) hoặc đốt lửa…tạo ánh sáng để ve xông vào và ta cứ việc bắt sống, ban ngày có thể dùng vợt (tự chế) để bắt ve trên cây…ve sầu còn là món khoái khẩu của dân nhậu, ve sầu rửa sạch ngắt cánh phi hành dầu để chiên vàng, thêm vào ít rau thơm và đậu phụng rang giã nhỏ cùng bánh tráng nướng là tuyệt chiêu mà chỉ có nông dân ta mới có, vì chưa ai thấy nhà hàng sang trọng nào ghi tên món ve sầu trong menu của họ.

Hãy nhanh chân lên, vì thời gian của mùa ve sầu đẻ trứng không còn nhiều, chúng ta làm liên tục và kiên trì trong nhiều năm thì chắc rằng ve sầu không còn là nỗi lo mà chỉ còn là tiếng ca đầy ắp kỷ niệm, làm thư thái tâm hồn ta vào những trưa hè oi bức.

Lê@ (Giacaphe.com)

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. nongdan

    Mình cũng đã suy nghĩ như vậy lâu rồi, nhưng không phải chỉ là kiến vàng mà cả các loài kiến khác, vì mình thấy như thế này, những vườn bà con dùng thuốc diệt kiến để hái cho khỏi bị kến cắn thì y như rằng các vườn này ve tàn sát thấy rỏ, trước đây bà con dùng thuốc diệt kiến( thuốc bột trộn với mỡ heo hoặc sữa bôi lên thân cây cà phê, kiến chết sạch, vỏ cây cà phê chỗ bôi thuốc cũng khô luôn, nặng nữa là khô cành hoặc chết luôn câ cà phê, vì vậy bà con không nên dùng thuốc diệt kiến nữa!

    1. Kinh Vu

      Kiến cắn mình không chết, cho nên thà mà để kiến cắn mình, chứ không thà để ve cắn cà phê, mình chết.

    2. nông dân 1/2

      Đọc xong bài viết của bác Lê@ mới thấy tác dụng của kiến.
      Từ thực tế vườn cà phê nhà tôi, tôi muốn chia sẻ một chút kinh nghiệm với bà con:
      Cách đây 5 năm, nhà tôi cũng đã từng diệt kiến để hái cà phê, sau khi diệt thì không còn sống sót loại kiến nào, ve sầu xuất hiện rất nhiều; 03 vụ gần đây tôi không cào lá dưới gốc nên loại kiến vàng (kiến cỏ) làm tổ ở hầu hết các gốc cà phê (loại kiến này chỉ sống ở dưới đất, rất ít leo lên cây nên không ảnh hưởng đến việc thu hái cà phê) và kết quả là ve sầu cũng không còn đáng lo ngại. Chúc bà con thành công.

  2. Hoàng Xuân Hải

    Đọc qua bài viết của Bác Lê @ mình thấy cũng hợp lý, để mình thử áp dụng nhé. Hy vọng Bác Lê@ có nhiều bài viết về chủ đề này.

  3. v3dalat

    Có nhà khoa học nào đó thiết kế máy diệt sâu bướm hại cây trồng đó. Thiết kế cái lồng sắt với mạng điện giống cái vợt ruồi điện, nhưng lỗ thưa hơn. Bên trong để bóng đèn sáng. Ve, bướm, mối cánh cứ thấy đèn sáng là lao vào, nổ đèn đẹt chết đầy, hôm sau ra hót về cho gà ăn. Chứ bắt sống thì mỏi tay chết, mà chỉ bắt được 1 lúc, sao mà tận diệt được.

  4. NGHUYEN HUU THANG

    Mình đã làm cà phê từ năm 1972 cho một sở cà phê cá nhân (sở Thanh Thanh) tại Đức Trọng, Lâm Đồng, khi giải phóng thì tan rã, cho đến năm 1984 tôi trở lại trồng cà phê cho đến nay. Nếu tôi nhớ ko nhầm thì ve sầu tàn phá nặng nhất là vào năm 2008-2009 rất nhiều hecta ở tỉnh Lâm Đồng.
    vậy cho mình xin hỏi vào năm nào thì ve sầu bùng phát trở lại như năm 2008-2009 nhỉ?
    Mong ai hiểu được trả lời giúp mình, mình xin cảm ơn trước vậy ! (vì mình không am hiểu về khoa học cho lắm xin thông cảm nhé.)

  5. tăng việt ngọc

    Ve Sầu là món khoái khẩu của em, có bác nào rảnh thì đến Dak Nông em sẽ chiêu đãi các bác một bữa ra trò. Vừa ngon, vừa góp phần tiêu diệt ve sầu bảo vệ mùa màng, vừa chữa được bệnh thấp khớp.

    1. NGO THUAN

      Theo mình cách diệt ve sầu tốt nhất là bạn nên dùng keo diệt chuột. Ban đầu bạn nên mua một cuốn băng ni lông buộc quanh thân cà phê sau do bôi một lớp keo mỏng lên ni lông. Như vậy bạn đã bắt được đám ve sầu ngay từ lúc chúng bò lên mặt đất. Chi phí khoảng 700 ngàn trên 1 ha.

  6. Võ Duy Hảo

    Ban đêm ấu trùng sẽ leo lên cây để lột xác để thành ve. Bắt vào thời điểm này thì làm mồi nhậu mới ngon chứ để ve mọc cánh và chuyển từ màu trắng qua màu nâu thì ăn mất ngon các bác ạ. Xin lưu ý có người do cơ địa không dung nạp nên khi ăn xong có thể nổi mề đay đó.

  7. bò tót đực

    Mình thấy rằng khu nào còn nhiều chim (bồ chao chẳng hạn) thì không bị ve sầu hại cây trồng, kiến thì đốt đau thật.

  8. Hoài Bảo

    Rất đồng tình với các cách diệt ve sầu của các bác. Ở quê tôi (Đạ Huoai – Lâm Đồng) mấy năm trước đây ve sầu hại cây trồng nhiều lắm. Nhưng bà con ở đây phát động phong trào bắt ve sầu về làm mồi nhậu nhờ thế mà đến vài năm gần đây ve sầu ít đi hẳn, bây giờ tìm bắt ve sầu rất khó. Cách bắt này đơn giản mà hiệu quả xin cung cấp để bà con tham khảo.
    Đến mùa ve sấu hóa vũ (lột xác). Cứ vào tầm 8 giờ tối dùng đèn bin soi vào các gốc cây trong vườn sẽ thấy ấu trung leo lên cây lột sát. Cứ thế mà bà con ta nhặt (cả ấu trùng và ve mới lột).
    Ve non và ấu trùng khi thu về bà con rữa sạch, ngắt bỏ cánh, chần qua nước sôi có pha muối loãng. Phi một ít hành, nhớ dùng dầu ăn ít thôi vì ve non rất béo, xào cho chín (có thể xào đến giòn) tùy theo sở thích từng người. Dọn ra và xúc với bánh tráng, có thêm xị đế nữa thì rất tuyệt cú mèo. Những người mới ăn lần đầu nên ăn vài con trước xem thử có bị dị ứng không đã (thường dị ứng gây ngứa khó chịu chứ không hề gì). Nếu ai đã ăn món này một lần thì lần sau khó mà bỏ qua. Ve sầu non ngon gấp mấy lần dế nuôi mà đã từng quảng cáo rầm rộ tại các nhà hàng.
    Nếu ve bắt được ít mà người dùng nhiều bà con có thể sơ chế qua như ở trên sau đó băm nhuyễn, xào sơ qua rồi nấu cháo, cháo này rất tốt cho trẻ em và người già.
    Ve sầu non là món ăn rất bổ dưỡng, tốt cho sức khỏe và có chất an thần vì thế rất tốt cho những người khó ngủ, mất ngủ. Vì thế những người này mà được dùng bữa khuya bằng ve sầu thì không có gì tốt bằng.
    Trên đây là những kinh nghiệm mà chúng tôt đã sử dụng rất có hiệu quả. Hiện ờ chỗ tôi ve sầu đã giảm rất nhiều, ý không muốn nói là gần như hết hẳn chỉ qua 4 năm áp dụng phương pháp này. Chúc bà con thành công trong việc chống ve sầu cho vườn mình.

  9. lâm tặc

    Tôi thấy ở mấy cây Mãng cầu kiến vàng nhiều lắm mà.
    Còn dùng thuốc kiến tôi thấy cà phê có bị sao đâu. Các bác dùng mỡ heo trộn với thuốc kiến mà bôi lên cây bị khô cành là đúng rồi. Tôi dùng thuốc kiến pha với sữa ông thọ, cá lòng tong xay nhuyễn cho vào bình phun thuốc sâu 16 lít cà phun thắng lên lá, mỗi cây một tý là OK.

  10. tieuphong

    Trước đây có loại thuốc Nấm xanh, Nấm trắng để trị ve sầu, nay có loại vi nấm 3 màu nghe nói dùng rất hiệu quả, bà con sử dụng thử xem.

  11. nông dân 1/2

    Nghe món ve sầu qua cách chế biến của Hoài Bảo thì hấp dẫn đấy, nhưng không biết có thật sự bổ béo như nói không. Mà lấy cơ sở nào cho rằng nó có chất an thần tốt cho giấc ngủ? Hay ăn vào rồi lại chở đi cấp cứu vì bị ngộ độc như một số trường hợp tôi đã chứng kiến, bổ đâu chưa biết nhưng tôi thấy mấy trường hợp đó thì tôi xin kiếu.

    1. Hoài Bảo

      Chào Bác Nông dân 1/2. Cách chế biến của Hoài Bảo là một thực tế Bảo và bà con ở chổ Bảo đã sử dụng nhiều năm rồi. Đây là vấn đề Bảo đưa ra để bà con tham khảo thôi. Bác cứ thử sẽ rõ. Còn vần đề trong ve sầu có chất an thần hay không thì Bảo cũng xin nói thêm: Vỏ ve sầu (sau khi ve sầu lột xác để lại) các nhà đông y gọi là vị thuốc ” Kiền sầu”. Kiến sầu có công dụng an thần dùng điều trị trong các chứng mất ngũ và tâm thần bất an. Riêng ve Sầu non trong thực tế chúng tôi sử dụng theo phương pháp trên đã cải thiện rất nhiều đối với những người khó ngủ. Đây là thực tế của bản thân mong các bác tham khảo và có ý kiến phản hồi.

      1. Nguyễn Vịnh

        Hình như bạn có nhầm lẫn chăng?
        -Vỏ ve sầu trong Y học phương Đông lẫn Y học Dân tộc đều gọi là : Thuyền thoái, thiền y, có tác dụng “trấn kinh an thần”, chủ trị về kinh lạc, (Phụ nữ có thai tuyệt đối ko được đụng đến). Cũng không biết @nông dân 1/2 chứng kiến ngộ độc phải chở đi cấp cứu ở đâu? Trong y văn không thấy nói tới có tính độc.
        -Ve sầu chiên dòn là món nhậu khoái khẩu, ngon hơn cả dế nhiều. Dân làm rẫy cà phê, tiêu, điều… mà chưa nhậu ve sầu chiên dòn thì thật là đáng tiếc!

      2. Tạ Ngọc Hải

        Thật tiếc quá, đang đi học không được bắt tay thực hiện, các bác nói nghe thèm quá cơ

  12. tăng việt ngọc

    Các bác cứ làm như tôi ấy. Vào google và gõ tác dụng của ve sầu, sau đó in ra và kèm theo menu chế biến món ve sầu. Đảm bảo sang năm sẽ không còn tiếng ve sầu nữa. Các bác cứ phát cho dân nhậu, đảm bảo thành công.
    Tôi đồng ý với bác Nguyễn Vịnh, bác có khẩu vị giống tôi về món ve sầu.
    Lưu ý: Bác nào bị dị ứng ve sầu thì không nên ăn con non còn con già thì cứ “vô tư xơi”

  13. bò tót đực

    Như vậy thì nên nuôi ve sầu và nhậu. Em đang lo lắng về cái vườn cà phê nhà em đây, em không biết cách nào là đúng đắn và hiệu quả kinh tế. Em đang nghĩ nuôi tắc kè bán hoang dã để nó diệt ve sầu nhưng chẳng thực tiễn được.

  14. sir Duonghung

    Cảm ơn bác Lê@ nhiều…! Nhưng cũng khổ thật đấy, không trừ được ve sầu lại bị kiến vàng đốt cũng đau đây.

  15. vanbinh14

    Tôi thấy nếu vườn cà phê mà kiến nhiều thì khó làm lắm, đặc biệt là mùa thu hoạch. Kiểu này muốn diệt anh ve sầu phải nhậu nhiều mới dược, nhậu nhiều quá thì cũng mệt đấy các bác ah.

  16. Lê@

    Ta không sợ kiến cắn, vì Kiến Vàng là bạn chí cốt của nhà nông; muốn không bị kiến cắn thì trước khi vào khu vực có kiến để tiả cành hoặc thu hái , ta cần chịu khó tìm tổ kiến rồi nhẹ tạy cắt cả tổ bỏ vào bao đem đến góc vườn khác nơi mà ta chưa cần làm đến hoặc đã làm qua rồi thả ra, kiến vẫn ở quanh ta và giúp ta diệt côn trùng có hại rất hiệu quả; Ở Nam bộ nhiếu bà con trồng cây ăn trái còn nuôi kiếng vàng nhằm giúp cho trái chín ngon và ngọt hơn.
    Mùa này ve sầu đẻ trứng , xin đừng diệt kiến vàng nhé, cố công tí thôi sẽ không lo bị ve sầu phá hoại.
    Chúc bà con thành công.

  17. Đức Thành

    Tôi cho rằng ý tưởng của Anh Bò Tót về việc nuôi tắc kè bán hoang dã là rất hay đó. Tắc kè sẽ giúp chúng ta tiêu diệt sâu bọ gây hại trong đó có cả ấu trùng ve sầu vì thức ăn của tắc kè chủ yếu là côn trùng và các động vật chân khớp nhỏ, chúng ta sẽ hạn chế được thuốc trừ sâu.
    Ngoài ra ta cũng có thể thu hoạch tắc kè để bán cho các tiệm thuốc bắc, nhà hàng quán nhậu hoặc những người muốn mua ngâm rượu. Kỹ thuật nuôi và nguồn giống thì có rất nhiều trên google rồi. Không biết Anh đã thực hiện ý tưởng đó chưa, có kinh nghiệm gì chia sẽ cho bà con cùng xem nhé.

  18. Nathan Delvale

    Theo tôi thì ve sầu là một loại khó trị nhất, nó nằm trong đất ít nhất cũng 20-30cm dưới đất nên chẳng có loại thuốc nào xông hơi mạnh như vậy. Ngoài ra số lượng ve sầu là rất lớn, giả sử các bác có phong trào bắt ve sầu cũng chẳng được bao nhiêu. Nên tôi nghĩ ve sầu nằm ở đất hại rễ cà thì mình phải tìm cách khác cho cà phê bị ve sầu hại ăn phân bón như những cây khỏe vậy:
    – Không nên diệt kiến là điều đầu tiên phải làm (cái này khá quan trọng đấy). đồng nghĩa với việc hạn chế dùng thuốc rãi gốc diệt ve (diệt luôn kiến và sv có ích khác nữa)
    – Không nên cào hết lá ở gốc cf có ve sầu như vậy làm cho vê sầu lan nhiều hơn, ngoài ra gặp nắng nên rất thích hợp cho ve gây hại nhiều hơn.
    – Biện pháp hiệu quả theo như tôi thấy bây giờ là nên tủ gốc cf vào mùa nắng (ve hại nhiều vào mùa nắng mà), bón nhiều phân vi sinh, phân chuồng cho cf để cây phát triển bộ rễ (chăm sóc bộ rễ), ngoài ra trong các loại phân vi sinh cũng có nhiều thành phần sinh vật có hại cho ve sầu nên việc làm này rất cần thiết. HẠN CHẾ BÓN PHÂN HÓA HỌC.
    Song song với việc đó chúng ta nên cung cấp dinh dưỡng cho cf ăn qua lá là điều tất yếu (rễ yếu cây không ăn được phân). Chúng ta làm như vậy trong 3 năm sẽ giảm được lượng ve sầu trong đất mà cây cf vẫn cho năng suất.
    chúc các chú, các bác làm ăn thành công!

  19. ChuotRung

    Vườn cà phê của tôi mấy năm gần đây không còn ve sầu nữa. (…) nhưng Y5 xóa phản hồi, tôi không trình bày nữa. Bây giờ tôi nói cách phòng không cho ve sầu có cơ hội đẻ trứng mà tôi đã áp dụng có hiệu quả trên vườn nhà.
    Dùng thuốc LENFOS 50EC (thuốc diệt mối) chai 01 lít giá 275.000 đ pha 40 ml cho bình 16 l phun ướt đều trên thân cây chính,01 năm phun 01 lần, trước mùa hè.

  20. hoang thang

    Tội thấy những người dùng phân nước loại nước thải cuả nhà máy bột ngọt thì cũng diệt ve sầu hiệu quả hay dùng phân vi sinh đạc biệt là phân sông lam333 cũng diệt va rất hữu hiệu

  21. Trần Tiến Dũng

    Xin chào các bác!
    Đúng như tác giả đã đề cập, diệt vê sầu rất khó vì ấu trùng của ve sầu sống sâu trong tầng đất từ 0,3m đến 2,5m (tức là rễ cà phê đến đâu thì nó sống đến đó để chích hút rễ). Như vậy ngoài biện pháp bắt thủ công (hiệu quả không triệt để), dùng các thuốc BVTV bằng hóa học thì không thể nào ngấm sâu xuống được (tới 2,5m), hay dùng thiên địch như kiến, tắc kề, … thì cũng chưa đem lại hiệu quả triệt để mấy. Ngoài những cách diệt Ve sầu như đã nêu còn một cách diệt rất hiệu quả đó là dùng chế phẩm sinh học Nấm Trắng-Nấm Xanh hay Vi nấm 3 màu. Mấy năm trước vườn cà phê nhà tôi ve sầu nhiều vô kể (tức là cào lớp lá trên mặt đất thì thấy vô số lỗ của Ve sầu). Trước đó tôi cũng đã trị đủ cách nhưng hiệu quả không cao, vô tình tôi đi vào Siêu thị Nông nghiệp ở TP Pleiku để xem thì tôi thấy có sản phẩm Nấm trắng-Nấm xanh ghi đặc tri ve sầu, tôi mua về làm thử theo hướng dẫn trên bao bì thì kết quả khoảng 1 tháng sau Ve sầu chết trắng vườm mọc lên thành nấm trên miệng hang của ve sầu. Thấy vậy bà con xung quang trong vùng của tôi đã làm theo cho đến bây giờ Ve sầu ở vùng của tôi đã hết hẳn.( bỏ Nấm trắng- Nấm xanh năm trước nhưng đến năm sau Ve sầu vẫn còn chết).Đây là cách diệt Ve sầu hiệu quả mà không độc hại với con người và môi trường, chúc bà con tìm mua đúng sản phẩm và diệt Ve sầu thành công.

  22. Truongdung

    Tôi ở Đắk Lắk. Có bác nào biết ở ĐL chỗ nào họ bán chế phẩm vi nấm 3 màu không. Tôi tìm mãi mà không ở đâu có bán. Nếu được tôi rất biết ơn, vì vườn cà phê của nhà đang bị ve sầu phá hoại nhiều quá tôi thật không biết làm sao để diệt được ve đây.

  23. Phan van luyen

    Bác nói cũng đúng nhưng em ăn có 4-5 con gì đó mà ngứa không chịu được, ngứa muốn tắm nước sôi luôn.

  24. changngo_hokbitji

    Bác ơi cho em hỏi con kiến vàng mà bác đang nói tới có phải là con kiến mà người ta hay gọi là kiến bống không? Hay là con kiến loại khác vậy bác?
    Tình hình là vườn nhà em cũng rất là nhiều ve sầu mà chưa tìm được phương pháp nào hiệu quả nhất để diệt. Có người nói nên dùng thuốc nhưng mà loại thuốc họ giới thiệu cho mình độc quá cao (người đi phun xong về ói mửa tùm lum đó là đã bảo hộ kỹ càng) vậy nên em chưa biết nên dùng cách gì nữa. Theo quan sát sơ bộ thì từ năm 2009 số lượng còn ít nhưng đến năm nay (2013) thì nhiều hơn cỡ khoảng 3-4 lần rồi.
    Làm như anh Lê@ cũng hay đó nhưng khi nào em nghỉ học mới thử được. Còn như bác Trần Tiến Dũng thì bác mua ở đâu vậy? Bác có thể nói rõ địa chỉ và giá cả không cho mọi người tham khảo với.

  25. Trần Tiến Dũng

    Như tôi đã nói là vô tình tôi tìm thấy và mua được sản phẩm Nấm trắng-Nấm xanh ở Siêu thị nông nghiệp Sài Gòn ở trên đường Trường Chinh TP Pleiku, tỉnh Gia Lai. Giá khoảng từ 55.000 đ đến 60.000 đ/kg. Chúc bạn tìm mua được sản phẩm và diệt ve sầu thành công.

  26. bùi duy khanh

    Có tài liệu khoa học nào chứng minh ve sầu hút nhựa của rễ cây làm hại cây cà phê xin tác giả cho độc giả biết với, theo tôi chớ vội kết án cho ve sầu khi chưa có đủ cơ sở khoa học vững vàng, để dẫn đến việc tận diệt ve sầu, làm mất cân bằng sinh học, gây nên tình trạng gậy ông đập lưng ông. Tôi chưa tán thành việc kết luận ve sầu là kẻ thù của người trồng cà phê!

  27. trần văn đoán

    Bùi Duy Khanh à thực tế ve sầu mật độ cao nó đào hang dày đặc ở trong rễ cà phê đứt rễ là điều chắc vì qua nhiều năm làm cà, cây cà bị ve dục lỗ nhiều là quả cà phê chín non do bị đứt rễ. Và một điều tai hại là ve sầu mật độ cao bám vào thân cây đái làm cây thúi vỏ, cây cà đó bị hư không thuốc chữa. Nhà tôi đã bị hư phải nhổ bỏ nhiều và tôi dùng vi nấm nay đã an toàn

  28. thanhtungdalat

    Em tán thành bác Đoán nói. Vì ve sầu hạn chế mức thấp thì có cân bằng. Thế nhưng mật độ cao và nấp hẳn dưới bộ rễ đào hang hốc rất nhiều. Bộ rễ nhiễm trùng tạo điều kiện tuyến trùng chui vào hại cà. Diệt ve sầu là biện pháp cấp bách.
    Diệt ve trên cà phê thì vẫn còn cây khác ve trú ngụ.
    Cây cà với dân làm cà ko khác đứa con.
    Bác khanh nói ko có tài liệu nói ve hại cà là hơi sai lầm rồi.
    Cân bằng sinh học tôi đc nhà trường dạy trc đây là cân bằng loài ở mức độ thích hợp. Quá nhiều thì buộc hạn chế đó bác à

  29. Hoàng Du

    Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của bạn Trần Tiến Dũng là nên sử dụng nấm trắng nấm xanh để diệt ve sầu bởi đây là chế phẩm sinh học thân thiện với môi trường, đồng thời hiệu lực lâu dài do nấm phát tán. Tuy nhiên tôi cũng xin bổ sung thêm một phương pháp cũng rất hiệu quả. Như chúng ta đã biết, sau khi vũ hoá ve sầu cặp đôi rồi đào hang vào thân cây để đẻ trứng. Sau một thời gian trứng nở rồi chui xuống đất. Đây là thời kì gây hại của ấu trùng ve sầu. Càng lâu thì chúng chui xuống càng sâu, do vậy dùng thuốc hoá học hiệu quả thấp. Nắm đặc điểm trên ta chọn thời điểm ve sầu đẻ trứng để tiêu diệt( Sau khi chúng cặp đôi 1 thời gian). Dùng Butin + với dầu khoáng SKpray ( mỗi loại giảm xuông1/2 liều lượng) phun đẫm vào thân, cành cà phê , kể cả thân cây che bóng. Trứng ve sầu bị nhiễm các hoạt chất trên sẽ bị ung không nở thành ấu trùng được do vậy hiệu quả phòng trừ cao, ngăn chặn từ gốc. Đồng thời sau 1 thời gian chúng ta dùng nấm trắng-nấm xanh để tiêu diệt tiếp ấu trùng trong đất.Kết hợp diệt cả trứng và ấu trùng thì hiệu quả mới cao. Còn như ý kiến của anh Lê@ thì thực tế khó mà đi bắt(bẫy) ve sầu được. Xin các bác áp dụng thử và cho ý kiến.

  30. longxomlongxomcho

    Cách này hiệu quả hơn .vì ve thường tập trung vào những gốc cây lớn như điều, mit sầu riêng…. Chúng kêu đinh tai nhức óc
    – ta mua 1 lon keo dính chuột không có thì dùng tạm miếng dán chuột nhưng phải cắt và dùng chỉ buộc quộn tròn vào đoạn que nhỏ khoảng gang tay sao cho mặt keo dính bên ngoài sau đó buộc vào cây sào dai
    -khi nghe chỗ nào ve kêu nhiều ta đến dùng sào có gắn keo chuột rà từ từ dưới cánh lên đầu cánh ve sẽ dính thành tầm 10 con ta hạ sào xuống gỡ ra rồi bắt tiếp sau đó ngâm ve dính keo vào xô nước bứt cánh cho gà ăn. Tương tự như vậy ta quệt keo trong loong thì đơn giản hơn chúc các bác thành công mỹ mãn và trở thành dũng sỹ diệt VE

Tin đã đăng

Tin mới nhất

102