Có cần người dẫn đường hay bạn đủ sức tự đi?

Thời gian gần đây, chúng ta gặp rất nhiều câu hỏi và bài viết đầy bức xúc về vấn đề: Dự báo của nhà nước đưa ra với độ tin cậy là quá thấp? Liệu doanh nghiệp có “nhúng tay” vào kết quả của dự báo này? Doanh nghiệp được chỉ định thu mua tạm trữ thì không vay được vốn…v.v. Nông dân thì đã cực nhọc một nắng hai sương nay còn phải rối đầu bởi không biết phải tin ai nghe ai. Quan điểm thì nhiều, tranh cãi cũng không thiếu nhưng giải quyết vấn đề thì vẫn còn bỏ ngỏ.

Nhân ngày nông nhàn ngồi bờ ao uống chén trà, tôi đã có dịp “nghĩ mình-nghĩ ta” nên cũng xin viết đôi dòng tạm gọi là mổ xẻ vấn đề này. Cũng xin nói rằng quan điểm cá nhân ắt hẳn có nhiều thiết sót, nếu có gì mạo muội xin bà con góp ý dùm.

Trước tiên chúng ta cần xem xét quan điểm của những người có liên quan

Theo tôi thấy thì có 3 nhóm người liên quan:

  1. Nông dân : liên quan quyền lợi trực tiếp
  2. Nhà nước : liên quan tới trách nhiệm và nhiệm vụ lo cho nông dân
  3. Những doanh nghiệp thu mua : liên quan quyền lợi gián tiếp

Quan điểm của nông dân

Hạt cà phê là mồ hôi, là công sức cũng có thể gọi là ‘xương máu’ của cả gia đình chắt chiu một nắng hai sương đầu tư cả năm trời. Vì vậy nông dân ai cũng muốn bán được với GIÁ CAO NHẤT (Không biết bao nhiêu là cao nhất, xin lỗi nếu nói theo kiểu lòng tham vô đáy thì cũng không sai). Dĩ nhiên cái điều mong muốn này là vô cùng hợp lý và vô cùng chính đáng. Laba tôi chỉ tập hợp ý kiến, bà con còn quan điểm nào khác thì bổ xung nhe.

Quan điểm của nhà nước

Nhà nước vô cùng trăn trở khi biết rằng chi phí để sản xuất ra 1kg cà phê trung bình cũng phải mất 20-21 ngàn. Nhưng giá cà phê chỉ có 22-23ngàn/kg thì coi như nông dân chỉ “bỏ công nuôi miệng”, “lấy công làm lời”. Và TRONG ĐIỀU KIỆN NÀY (có nhiều lý do để bàn) thì nhà nước cũng chỉ mong sao bà con bán được giá 26-27 là tốt rồi. Trung bình mỗi hộ thu 2-3 tấn/năm thì ngoài ‘bỏ công nuôi miệng’ ra cũng có thể bỏ túi 15-20 triệu đồng. Và so với những nông dân ngành khác đã là nông dân ‘hạng sang’ rồi.

Quan điểm của doanh nghiệp

Doanh nghiệp chỉ có mối quan tâm đó là kiếm lời (tôi không nói doanh nghiệp do nhà nước lập ra để thông qua đó điều tiết vĩ mô, theo tôi biết thì trong lĩnh vực cà phê chưa có). Cho dù có thực hiện chỉ đạo của nhà nước thì kiếm lời vẫn là mục tiêu hàng đầu. Lợi nhuận của các doanh nghiệp dạng này chỉ là từ mua rẻ-bán đắt.

Đầu tiên mời bà con xem cái sơ đồ do Laba tui vẽ để tóm lượt 3 quan điểm trên:


Mối quan hệ lợi ích giữa các bên liên quan
Mối quan hệ lợi ích giữa các bên liên quan

Suy nghĩ về 2 quan điểm của nhà nước và nông dân, chúng ta thấy rằng ai cũng đúng, ai cũng hợp lý cả. Tuy nhiên ở đây lại có sự “lệch pha” giữa hai “kì vọng”. Kì vọng của nhà nước là cố định theo thời điểm còn còn kì vọng của nông dân là bất định. Khi thị trường biến động thì sự lệch pha này là quá lớn và đây chính là vấn đề gây tranh cãi.

Có nên tin tưởng vào nguời dẫn đường hay bạn đã đủ sức tự đi ?

Bà con hình dung mô hình trên như bản đồ một cuộc chiến tranh biên giới vậy đó: Cái đường loằng ngoằn màu đỏ là biên giới trước khi có chiến tranh.

  • Nông dân với khí thế là phải lấn cái biên giới tới vị trí số 3 mới ‘đáng công’. Nhưng nông dân cũng không biết vị trí số 3 cách mốc số 1 là bao xa, nói chung là cứ đánh hết sức.
  • Nhà nước vừa như quân đồng minh vừa là người chỉ huy.
  • Một cuộc họp quân sự cấp cao diễn ra, mà trọng tâm là bàn bạc đưa vào sử dụng một vũ khí mới. Nên lưu ý là vũ khí này hoàn toàn mới với ta, chưa sử dụng trước đó bao giờ. Đó là “Bỏ ra 5 ngàn tỉ mua 200 ngàn tấn càphê để dự trữ” nhằm giáng một đòn cho bọn xâm lăng lấn chiếm biên giới biết thế nào là lễ độ. Các nhà “quân sự cấp cao” đủ thành phần được triệu tập để tham mưu, sau khi nghiên cứu vũ khí kĩ càng, các nhà quân sự đều thống nhất là với số vũ khí này thì chỉ đuổi được địch tới mốc số 2. Nhà quân sự liều lĩnh nhất thời điểm đó cũng không dám quả quyết đủ sức đánh qua quá mốc số 2 là mấy.
  • Nhưng người tính không bằng trời tính, đến khi lâm trận, địch chưa đánh đã bỏ chạy-chưa xác định được nguyên nhân bỏ chạy là do ta giăng cờ gióng trống nên địch sợ hay do nguyên nhân khách quan hay do cả hai. Nói chung biên giới tự động được mở rộng tới vị trí số 2 mà ta chỉ mới tốn có mấy viên đạn. Thế là “đạn dược” dư, trong khi nông dân thì vốn sẵn là dư ‘chí khí’ mà cũng bởi “tất đất-tất vàng” để mất cho địch thì đau hơn cắt tiết, đâm ra trách chỉ huy kiểu như “Anh là một chỉ huy tồi”, “Anh không có tâm”, “anh không có tầm”, “Anh bị địch mua chuộc”, “Anh là lính hai mang” v.v…
  • Người chỉ huy rơi vào cảnh tình ngay lý gian, với nhiệm vụ đất nước giao phó là cắm cờ trên cột mốc số 2 thì dù sao anh đã làm được, nhưng với kì vọng của đồng đội, của đồng chí thì anh đã không hoàn thành. Nhưng anh không thể trách người đồng đội, đồng chí, người lính của mình. Kể cả trong suy nghĩ thì người chỉ huy cũng không dám ước gì cho chiến tranh xảy ra để chứng minh là mình đúng.

Tới đây tôi để mở không tự trả lời câu hỏi : chúng ta có nên tin tưởng và đi theo người dẫn đường hay không ?

Bởi vì đây là sự lựa chọn, cần sự độc lập quyết định của các bạn :

  1. Nếu anh là nguời nông dân có đủ điều kiện tiếp cận thông tin, anh có thể tự mình đưa ra những nhận định và dự báo và anh cảm thấy tự tin tin tưởng vào nhận định của mình thì anh nên tự đi. Anh tin phía bên kia vị trí số 2 không có địch thì anh nên đi và anh chịu trách nhiệm bản thân về điều đó. Dĩ nhiên anh có thể rủ thêm bà con, bạn bè, hàng xóm đi cùng. Cảnh báo chung vẫn là có địch bên kia mốc số 2. Nhà nước chỉ bảo đảm bảo vệ người dân ở bên trái cột mốc số 2 này.
  2. Còn nếu, anh là người nông dân không có điều kiện tiếp cận thông tin, thông tin hàng ngày anh có được là từ “Nghe người ta nói…” mà không đủ độ tin cậy thì anh nên tin tưởng vào người dẫn đường mà anh cho là đáng tin cậy nhất. Người đáng tin cậy nhất có thể là nhà nước hoặc ông đã chọn phương án phía trên. Dĩ nhiên ngoài nhà nước và ông hàng xóm trên thì còn rất nhiều “người cho tin” khác nhưng 2 ông này vẫn là đáng tin cậy nhất. Bởi vì việc lựa chọn phương án tự đi đối với anh là hành động rủi ro nhất.

Nhà nước bảo vệ chỉ mang tính tương đối và tối thiểu

Nhìn lại mô hình ta thấy, nhà nước đứng cùng nông dân giúp nông dân chống lại những áp lực để có thể bán được giá 26-27. Nhà nước đã đẩy anh qua ngưỡng 26-27 đó, nếu anh là nông dân “khoẻ”, anh đủ gan góc, anh đủ sức chiến đấu tiếp với doanh nghiệp thì anh chiến đấu với họ để có giá cao hơn và khi đó nhà nước không can thiệp. Nếu anh chỉ dựa vào sức đẩy của nhà nước thì tới đó là phải chấp nhận.

Vì, nhìn từ góc độ nhà nước thì doanh nghiệp hay nông dân đều là “con dân” của mình, đều phải bình đẳng đều phải được bảo vệ. Các bạn dễ dàng thấy rằng nếu nông dân nào cũng bán được giá tối đa ở vị trí số 3 thì không còn doanh nghiệp nào thu mua cà phê cả. Vì đã phá sản hết rồi hoặc chuyển qua lĩnh vực khác làm có lời hơn hoặc bỏ doanh nghiệp về trồng cà phê. Vì vậy nhà nước là người trung gian để trung hoà mối xung đột lợi ích này.

Nhìn vào sơ đồ ta cũng thấy, hiện nay nhà nước không thể nhờ nông dân làm dự báo, cũng không thể nhờ Yếu tố bên ngoài làm dự báo. Vì vậy chỉ còn nhà nước tự làm dự báo hoặc phối hợp với doanh nghiệp để làm dự báo. Tôi nghĩ nếu một ngày nào đó nông dân ta ai cũng giỏi, cũng tinh thông về thị trường thì nhà nước sẽ nhờ nông dân làm dự báo. Và tôi có thể cam đoan dự báo do nông dân khi đó làm sẽ được “phóng đại” lên một tí. Còn hiện nay doanh nghiệp phối hợp làm dự báo thì chuyện dự báo bị “ép xuống” một tí cũng dễ hiểu. Nếu nông dân cũng hiểu điều này thì căn cứ ai làm dự báo mình “trừ hao” hoặc “cộng thêm” một tí là vừa.

Nhưng ở đây, tôi không bàn một dự báo hiện nay có bị “mua chuộc”, “áp lực”…từ những doanh nghiệp hay không? Vì chúng ta không đủ cơ sở để nói rằng một dự báo của nhà nước đưa ra cho nông dân đã bị các doanh nghiệp, nhà đầu cơ “áp lực”, “nhúng tay” làm sai lệch.

Nhưng tôi nghĩ nhà nước khi phối hợp với doanh nghiệp để làm dự báo thì nhà nước “dư sức” nhìn thấy nguy cơ này. Bởi vì nó quá rõ ràng nên nó chỉ còn là một nguy cơ nhỏ, doanh nghiệp sẽ không dám dùng ‘vải thưa để che mắt thánh’.

Vì sao doanh nghiệp không vay được vốn để thu mua tạm trữ ?

Theo tôi nhà nước điều tiết phải thực hiện theo kiểu rót nước thừa từ trong ly ra, phải rót từ từ, phải vừa rót vừa đong chứ không phải đổ cái ào. Và cũng không biết thừa bao nhiêu nước nên không có nghĩa là xài hết 5ngàn tỉ. Cho nên không có nghĩa 5ngàn tỉ, mỗi công ty lên ngân hàng rút vài trăm tỉ về mua cà phê ngày 1 ngày 2 là xong. Tôi nghĩ làm vậy chắc có đại loạn.

Như ta cũng đã thấy, địch nghe tiếng trống chưa lâm trận đã bỏ chạy, nên “đạn dược” dư không thể đem ra xài sai mục đích. Cho nên việc không cho một số doanh nghiệp vay vì lý do vướng nợ chỉ là cái cớ. Bởi vì một kế hoạch của nhà nước khi đưa ra thì đã phải tính đến cái điều căn bản này ngay từ đầu. Tôi cho rằng nhà nước thì có thừa pháp chế để thu hồi nợ khi cho anh vay vốn kể cả anh đã nợ bao nhiêu trước đó.

Bên cạnh đó chúng ta thấy doanh nghiệp thu mua “kêu gào” khi nào ? Khi mà giá đã có dấu hiệu đi lên và họ nhận ra rằng cơ hội đang tuột khỏi tầm tay của mình nên họ kêu gào. Thời gian đầu không thấy ai kêu ca mặc dù nhà nước vẫn rót vốn từ từ theo chủ trương là bởi vì doanh nghiệp còn chần chờ theo “tâm lý con buôn” đại loại như “Giá còn hạ đợi thêm tí nữa hãy mua”, “kế hoạch còn lâu đợi thời điểm gần cuối hãy mua”. Và cũng theo kế hoạch thì đợt giải ngân chính là rơi vào thời điểm tháng 6. Nhưng có lẽ người tính thì không bằng trời tính.

Và cuối cùng là, địch tuy đã chạy “mất dép” từ lâu rồi nhưng ta vẫn phải gõ trống, khua chiêng, nhưng mà kì thực thì vũ khí đang thu về. Tỉnh lập lại danh sách các doanh nghiệp để trình lên chính phủ xin cho vay, kì thực hành động đó chẳng qua là ‘chỉ Trương Tam mắng Lão Tứ’. Kiểu như kế Vu hồi trong Tam Thập Lục kế vậy thôi.

Chúc bà con sức khỏe,
Laba cafe
Email: [email protected]

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. bilamsao

    Bây giờ chúng ta không nên suy xét tiếp vấn đề của đợt thu mua tạm trữ lần này. Xem như đây là lần đầu tiên chúng ta mua cà phê tạm trữ và thất bại, khối lượng thu mua không được là bao, tiền thu mua tạm trữ giải ngân quá ít. Nhưng vụ tới thì mọi chuyện sẽ KHÔNG THỂ NHƯ VỤ TRƯỚC. Vụ mùa tới chúng ta có sản lượng cà phê đạt kỷ lục từ trước tới nay.Tới thời điểm này có thể kết luận chắc chắn chúng ta có sản lượng kỷ lục, chất lượng sẽ phụ thuộc vào khâu thu hoạch. Tuần trước bilamsao dự đoán là 20-22 triệu bao. Tuần này bilamsao tôi xin đưa ra dự báo cuối cùng của mình khi đợt phân thứ 2 hầu hết bà con đã hoàn thành , quả đã bắt đầu bước vào giai đoạn nhân cứng. Sản lượng năm nay là từ 21-23 triệu bao. Để đảm bảo giá không bị ép khi vào thu hoạch rộ (mùa thu hoạch năm nay có thể sẽ gặp mưa nhiều, việc phơi cà sẽ rất khó khăn, nông dân ta sẽ bán cà phê tươi nhiều vì không đủ sân phơi). Đảm bảo cho nông dân có lãi, chúng ta cần mua tạm trữ ngay từ đầu vụ khoảng 7 triệu bao. Giá thu mua tính cho thời điểm hiện tại là khoảng 30.000/kg. Cần khoảng 12 ngàn 600 tỉ đồng.

  2. bilamsao

    Với bài viết của bạn Bala ở trên tôi chỉ có đính chính một chút thôi. Câu người tính không bằng trời tính nói ở đây hơi không chính xác. Chúng ta biết sản lượng cà phê của quốc gia xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới Brazil thấp hơn năm ngoái (vì năm ngoái họ được mùa rồi). Từ Would Cup 1994 đến nay chúng ta thấy cà phê luôn tăng vào dịp này. Vậy mà lại giải ngân vào giữa Would Cup. Phải chăng chúng ta không có các nhà phân tích cung cầu cà phê chuyên nghiệp? Phải chăng chúng ta được chèo lái bởi người không có kinh nghiệm hay là người chỉ biết lợi cho riêng mình? Thu mua tạm trữ đã quyết làm là phải ngay từ đầu vụ, phải dự đoán cung cầu chính xác! Cà phê là thứ vật chất có thật, sản lượng có thể cân đo đong đếm được, không phải là tâm linh mà nói bói hên xui may rủi ở đây.

  3. le xuan nam

    Theo ý kiến cá nhân của tôi : Nên có một quy trình hướng dân nông dân và doanh nghiệp tìm hiểu về phân tích thị trường , cùng với những ý kiến của chuyên gia trong nghành để nông dân và doanh nghiệp có một định hướng trong quyết định của mình ,kinh tế thị trường rất phức tạp và nhạy cảm vì vậy ở cấp độ các chuyên gia phải có phương pháp tiếp cận rồi đưa ra những thuật ngữ đơn giản nhất mô tả được quá trình phân tích thị trường cũng như xu hướng của thế giới .Vì bản thân doanh nghiệp cũng như nông dân kiến thức chuyên môn chưa được sâu, Nên các ban nghành liên quan cần sâu sát hơn nũa trong việc truyền thông kiến thức cho mọi người.

  4. dien

    theo tôi, nhà nước nên cho nông dân vay tiền ngay khi bắt đầu vào vụ thu hoạch, hiệu quả hơn là cho doanh nghiệp vay tạm trữ .

  5. Phạm Hùng Sơn

    Bài viết của bạn Laba cafe thật thú vị. Cái việc mô hình hóa vấn đề Cafe như bạn rất hay. Hình như bạn không chỉ là “nông dân thứ thiệt” đâu nhỉ? Bài viết của bạn như là của một nhà phân tích chuyên nghiệp ấy. Đọc bài của bạn tôi rất thích. Chỉ có một chi tiết trong bài viết của bạn làm tôi còn băn khoăn, chưa thật đồng tình lắm. Bạn viết: “Các bạn dễ dàng thấy rằng nếu nông dân nào cũng bán được giá tối đa ở vị trí số 3 thì không còn doanh nghiệp nào thu mua cà phê cả. Vì đã phá sản hết rồi hoặc chuyển qua lĩnh vực khác làm có lời hơn hoặc bỏ doanh nghiệp về trồng cà phê.” Có thể nông dân bán được giá tối đa ở vị trí số 3 mà doanh nghiệp vẫn có lợi chứ? Nói như cha ông ta “nước nổi thì bèo nổi”, vấn đề ở chỗ doanh nghiệp kinh doanh chân chính, biết cân nhắc giữa giá mua và bán, biết chọn đúng thời điểm để mua, bán thì công việc kinh doanh vẫn ổn. Cũng vì vậy nên mới có mô hình kết hợp giữa 4 nhà: Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp trong sản xuất nông nghiệp chứ?
    Ngoài chi tiết trên thì nói chung tôi rất tâm đắc với bài viết của bạn. Mong được làm quen với bạn. Email của tôi: [email protected]
    Chào bạn và tất cả bà con!

Tin đã đăng

Tin mới nhất

83