Tin buồn

Người nông dân vẫn có thu nhập cao từ cây cà phê

Lao động bằng chân tay bao giờ cũng vất vả, phải lam lũ sớm nắng chiều mưa. Nhưng không phải vì thế mà nghỉ rằng lao động trí óc lại không vất vả tí nào.


Cây cà phê vẫn đem lại nguồn thu nhập cao cho người nông dân

Chúng ta ai cũng nghỉ, ai cũng nói nhiều… rằng người nông dân bao giờ cũng là người vất vả… Tôi đồng ý về điều này, nhưng cũng đừng chỉ nghỉ rằng họ là người khổ duy nhất trên đời này. Tôi thấy thật ra, làm cà phê cũng đâu vất vả lắm và mặc dù Nhà nước có mua tạm trữ cà phê hay không, tôi thấy làm cà phê vẫn đem lại nguồn thu nhập cao cho người nông dân so với trồng các loại cây khác. Trồng cà phê có nhiều chỗ để học hỏi và vẫn dễ làm hơn bất cứ ngành nghề nào khác…

Tôi ở một xã của huyện Krông Búk – Đắk Lắk, nơi đây trồng cà phê rất nhiều và người dân sống chủ yếu cũng bằng nguồn thu từ cà phê. Theo kinh nghiệm trồng cà phê trong hơn chục năm nay, tôi thấy bình quân 1 ha đầu tư cao lắm cũng chỉ chừng 35 triệu và 1ha nếu chăm tốt cũng đem về ít nhất cũng phải 3,5 tấn nhân xô trở lên. So với giá cà phê niên vụ 2009 – 2010: 23.500 đồng/kg, thì 3,5 x 23.500 = 82.250.000 đồng. Cộng trừ nhân chia các loại vẫn còn dư (lợi nhuận) hơn 47 triệu đồng.

Vậy tại sao cứ phải than van rằng người nông dân là người cực khổ nhất… đấy mới chỉ là nguồn thu từ cà phê, chưa kể việc trồng thêm nhiều cây ăn trái xen vào cây cà phê, nuôi cá, gia súc, gia cầm… sẽ có rất nhiều nguồn thu khác nhau, mà đó lại là những nguồn thu thường xuyên nữa.

Nước ta đã gia nhập WTO vì vậy mọi biến động giá cả trên thế giới đều bị ảnh hưởng đến giá cả nội địa, nếu không muốn vi phạm những cam kết. Chứ chưa nói gì đến chất lượng cà phê do chúng ta sản xuất ra. VN mình đứng thứ 2 thế giới về sản lượng cà phê nhưng về chất lượng thì sao???? Vấn đề không phải là Nhà nước hỗ trợ bao nhiều nghàn/kg, mà chúng ta hãy tính chi phí/đơn vị diện tích. Để có được cách lựa chọn tốt nhất….

Nếu bài viết này có làm phật lòng ai…thì mong bà con thông cảm! Tôi thấy bà con kêu ca nhiều quá nên… mới nêu ra những nhận định trên.

Bài viết được gửi bởi anh. Y Nhất Kpă
Địa chỉ: Krông Búk – Đắk Lắk
Email: [email protected]
—————————————–
Y5cafe rất cám ơn những thông tin từ bài viết mà anh Nhất đã chia sẽ cùng bà con.
Hãy chia sẽ câu chuyện của bà con đến với cộng đồng.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Đỗ Hương

    Cám ơn anh đã có nhận định như trên đối với người dân trồng cà phê. Nó có vẻ mang đến sự lạc quan cho người nghe, nhưng em lại có suy nghĩ sâu thêm về vấn đề anh nói.

    Theo như cách tính trên của anh, sau 1 năm lao động, mỗi gia đình được dư 47 triệu/ ha/ năm. Chúng ta bắt đầu với bài toán như thế này:

    Gia đình này có 5 người (bố, mẹ, chị gái và 2 em trai). Bố mẹ làm nông, chị gái và anh trai đầu đang học đại học, người con trai út học lớp 10

    1 năm thu được 47 triệu, tương đương 3.92 triệu/ tháng. Như vậy chia theo đầu người mỗi người được 0.78 triệu/ tháng.

    Theo anh nghĩ với con số như trên cuộc sống của họ có được cho vào danh sách những người có thu nhập cao không?

    Có thể tôi lấy 1 ví dụ hơi khắt khe, nhưng nó hầu như phổ biến ở chỗ tôi.

    Không phải than phiền hay kêu ca nhiều, mà chúng ta phải nhìn nhận đó là một thực tế.

  2. Authentic Farmer

    Cần gì phải trực tiếp tay mình trồng mới gọi là làm cà phê, chỉ cần mạnh dạn đầu tư, đầu tư đúng lúc, đúng nhu cầu và biết tận dụng lao động nhàn rỗi trong dân thì trực tiếp làm hay gián tiếp đều là thu nhập chính đáng và vẫn được gọi là người trồng cà phê đấy bạn ạ.

    Có thế không được xếp vào những người có thu nhập cao, nhưng dẫu sao 01 lao động mà kiếm được chừng đấy thì cũng gọi là cao.

    Ở đây chỉ là 01 lao động. Mà cuộc sống đâu phải chỉ trồng cà phê và lệ thuộc hoàn toàn vào cây cà phê, nếu vậy gọi là chưa “bền vững”. Chứ còn như bạn Hương nói 02 vợ chồng mà làm mỗi cà phê và có mỗi 01 ha thì thực sự mà nói quá nhàn rỗi.

    Vì vậy, cà phê là nguồn thu chính và chủ yếu nhưng đừng xem thường những nguồn thu thường xuyên từ việc chăn nuôi gia súc, gia cầm và từ việc trồng xen mít, bơ…

    Như vây, 47 triệu mà cộng với các khoản thường xuyên kia thì sao???? không đủ nuôi con cái ăn học à????
    Cảm ơn các bạn đã quan tâm đến bài viết này!

  3. Nguyễn Thịnh

    Xin chào bà con,
    Lời đầu tiên Thịnh còi xin được cám ơn anh Y Nhất Kpă đã chia sẽ cùng bà con những kinh nghiệm trong quá trình canh tác cà phê của mình.

    Thông tin trên bài viết là những kinh nghiệm thực tế mà tác giả đã trải qua trong suốt quá trình canh tác cà phê của mình, Thịnh còi rất mong muốn bà con tôn trọng và góp ý chân thành để chúng ta cùng có một cái nhìn rõ ràng hơn về đời sống của người nông dân.

    Rất vui vì nhận được sự quan tâm của bà con cho bài viết của anh Y Nhất Kpă, bài viết mới được đăng không lâu nhưng Thịnh còi đã nhận được khá nhiều phản hồi góp ý cho bài viết. Tuy nhiên rất tiếc là hầu hết trong số đó là những phản hồi với lời lẽ không mấy lịch sự và chưa tôn trọng người viết. Những phản hồi như vậy Thịnh còi xin được phép ẩn đi và không cho hiển thị ở đây.

    Rất mong bà con rút kinh nghiệm, và coi Y5cafe là ngôi nhà chung để cùng chung tây xây dựng để cộng đồng Y5cafe ngày một tốt hơn, hữu ích hơn.

    Cám ơn bà con đã lắng nghe và góp ý

    Kính mến: Nguyễn Thịnh

  4. lê hùng thái

    Ô cái đất của ông Y Nhất Kpă sao mà tốt thế!
    Bỏ chừng đó phân mà sao lấy cho được 3 tấn rưỡi cà nhân, hả ông ơi? Nó cho ra 3.5 tấn nhân tương đương mười mấy tấn tươi mà bỏ có 1 tấn 7 phân hóa học bao gồm cả phân lân (hiệu suất có 14-15% P2O5), SA (21%N)…thì cái đất của ông cực kỳ tốt. Ở Lâm đồng tôi mà bón kiểu đó thì năm sau chặt cây mà làm chổi chà.
    Ơ mà ông tự hái mười mấy tấn cà phê tươi à? Không thấy ông tính công hái?
    Công phơi phong, cào đảo (cái này coi vậy mà nhiều à!) cho tới khi thuê xay ra nhân nữa chứ.
    Vậy chổ ông làm thuận lợi quá. Ông cho địa chỉ tôi về làm hàng xóm với nhé.
    Thiên thời, địa lợi, nhân hòa cái nào cũng OK hết.
    Riêng cái khoản nhân hòa là tôi quá thích. Công làm cỏ, bấm cành cũng chỉ 50 ngàn / công. Chổ tôi cứ chém 80 ngàn mà tới mùa hái không thèm làm công nhật, cứ 500 đồng/kg tươi mà tính. Không thì tự mà hái.
    Cắt cành mà ông tính 12 công/Ha thì có nước …cưởi ngựa xem hoa.

  5. nguyễn xuân thịnh

    tôi thấy năng suất đó có cao quá không như ở eakar tôi thì 3.5 tấn trên ha thì hình như hơi ít thì phải và anh cũng phải tính đến thời tiết như hiện nay chứ đâu có thuận lợi lắm đâu.và còn tùy chất lượng cà phê từng vùng nữa không phải năm nào cũng được mùa.còn nếu mình mạnh dạn đầu tư thì cũng được nhưng anh ơi khổ nỗi không có vốn mà đi vay thì ………cũng hơi nhiều nhỉ.nhưng tóm lại cây cafe ko để nông dân mình chết đói.

  6. Nguyễn Đình Nhượng

    Làm cà phê tuy cùng địa bàn Tây nguyên nhưng mỗi địa phương mỗi khác nên chi phí nào có giống nhau! Tôi ở Gia lai được biết có nhiều địa bàn trồng cà phê như Ia Sao, Đức Cơ,Chư Prông,Chư Sê,Đak Đoa,Măng Yang…và năng suất của từng địa bàn là rất khác nhau.

    Nhưng nhìn chung để có năng suất bình quân 3,5T/ha thì mức đầu tư phải tương ứng và theo cá nhân tôi hằng năm phải đầu tư trung bình 50 triệu/ha.NÓI trung bình vì tuỳ theo vườn rẫy,có rẫy đồi thấp có vườn đồi cao,xa đương ống;rồi đi lại tốn kém,nhân công cũng cò kè nữa.

    Tôi đòng ý cách tính của 1 độc giả trên diễn đàn phản hồi bài viết của tác giả Y Nhất Kpă.Có thể giá thành t/giả nêu đúng với vùng tác giả từng sinh sống nhưng không có nghĩa rằng nó đúng với mọi nơi.Mong Kpă hiểu cho lòng “nông”dân,không nhịn được nếu vấn đề bạn nêu làm họ thêm bối rối.

  7. Pham Minh Thanh

    Chi phí đầu tư 1 ha tất cả hết 35triệu đồng như anh Y nhấtKpă thì chỉ năng suất cho 1 tấn/ ha thôi. Vậy nếu đạt 1 tấn thì thu nhập chỉ 23.500.000đ chứ không có 87 triệu như anh tính đâu.

    Bởi chỉ riêng công thu hoạch cho 1 tấn nhân cũng chi phí hết 2 triệu đồng, chua tính đến công phơi và chi phí say sát, vận chuyển nữa. Theo sự tính toán của nhiều nơi, nhiều vùng trên Tây nguyên, mức bình quân chung cho 1 ha đạt năng suất 3- 3.5 tấn nhân đều từ 50 triệu đồng trở lên. Còn 1 lao động mà sản xuất được 1 ha không phải thuê nhân công thì trở lại thời kỳ bao cấp, có cây mà không có quả.

    Mong mọi người hãy tính ký mọi công lao động và tất cả các chi phí đầu vào, kể cả khấu hao dụng cụ lao động thì còn nhiều hơn đó. Giá thành thấp nhất cũng phải 25.000đ/kg với năng suất 3 tấn nhân /ha.

  8. Pham Minh Thanh

    Authentic farmer- một người nước ngoài chăng?

    Vậy thì nông dân VN chúng tôi nhất quá rồi chắc? Hãy quan sát thật kỹ người làm cà phê và cuộc sống của gia đình họ để có cái nhìn tương đối chính xác.

    Tôi nghĩ,không hẵn bạn đã nói sai, nhưng vin vào “số liệu”của Y NHÂT KPĂ rồi cho rằng đó là lợi nhuận ròng trên 1 HA là chưa thoả đáng. Lại nữa, 1LĐ/HA là lao động nặng lắm rồi đó bạn ạ. Nhớ rằng hiện nay lao động trong các cơ quan hành chính chỉ làm việc có 40 giờ/tuần thôi!

    Nông dân cũng nghĩ ngơi giải trí nhằm phục hồi sức khoẻ,tái tạo sức lao động như mọi thành phần khác trong xã hội chứ phải không các bạn?

  9. Lương Văn Hùng

    Cần hiểu đúng về công việc làm cà phê

    Chào anh Y Nhất Kpă, tôi khổng phải là một người nông dân trực tiếp trồng cà phê tôi cũng không biết liệu anh xuất thân từ đâu? công việc chính của anh hiện nay là gì và tôi càng khó hiểu hơn khi có một bài viết như vậy.

    Tất nhiên xã hội phân công công tác mỗi người mỗi nghề Việt Nam ta còn nghèo làm gì cũng vất vả nhưng người nông dân một nắng hai sương công việc ngoài trời phải tiếp và thường xuyên với mưa nắng lại không làm chủ được giá cả đầu ra của mình nên lúc nào cũng là người thiệt thòi nhất.

    Riêng với ngành cà phê đặc thù ở vùng đồi núi, công việc nặng nhọc thêm bội phần và không hiểu anh lấy thông tin ở đâu mà nói…. vậy 35 triệu làm sao mà đủ chi phí cho một ha cà phê được từ phân bón , thuốc trừ sâu, tưới nước nhất lại gặp phải năm hạn như năm nay còn nhân công chăm sóc thu hái nữa chứ… có nơi lại còn đất cát, đất cằn v.v…

    Một ha cà pjê phải mất 2 người làm trong một năm tính công bèo bọt nhất đã mất 30 triệu rồi thế thì lãi ở đâu Tôi không hiểu làm sao anh lại có một bài viết đáng trách như vậy. Hy vọng lần sau anh sẽ có suy nghĩ kỹ hơn trước khi viết bài

    —————–
    Lương Văn Hùng
    Xuân Mai – Chương – Mỹ Hà Nội
    Điện thoại: 0947262067
    Email: [email protected]

  10. Nguyen hong quan

    có thật là anh đã từng làm caffe không

    anh hãy tính lại đi,cứ cho 1ha lợi nhuận 45.500tr/1 năm. Bây h gia đình anh trồng caffe có 4 người,anh vợ anh và 2 con,nếu lấy 45.500tr đó chia ra cho từng tháng thì mỗi tháng đc 4tr.

    Với 4tr đó chia bình quân đầu người thì được bao nhiêu,có phải mỗi người 1 triệu không đó là chỉ tính ăn rồi ở nhà làm caffe, không có học hành hay gì hết 1tr có phải là thu nhập khá không hả anh
    ———————————-

    Họ tên: Nguyen hong quan
    Số điện thoại: 05003890686
    Địa chỉ: Daklak
    Email: [email protected]

  11. Phạm Văn Lợi

    Bài viết đúng là không hiểu về trồng cà: chỉ biết đánh giá trong tầm nhìn hạn hẹp.
    3,5 tấn/ha là con số siêu năng suất. Chỗ em chỉ dc 1/3 năng suất đó thôi. Dân trồng cà thường có đời sống tự cung tự cấp. Tức là thức ăn hàng ngày tự kiếm được trồng được, nuôi được, cà phê 1 năm mới thu hoạch được tiền cục thì trang trải đủ đằng (trả tiền phân, thuốc trừ sâu, cỏ, trả nợ,….) là vừa hết! so với công sức bỏ ra thì thu về không đáng. Nhưng ở quê không trồng thì làm gì? nhiều nhà còn chẳng có đất mà trồng. Bà con nông dân sự thật khổ, cày như trâu mà vẫn khổ. nghèo lắm các bác ạ!
    Người lời do trồng cà chỉ những hộ có vốn có đất nhiều và nơi đó sản lượng cao chớ mặt bằng chung thì đào đâu ra????

  12. lenhatminh

    Có lẽ tác giả bài viết chỉ là ở nơi người dân trồng nhiều cafe chứ anh ta không phải là người trồng cafe,không có nhiều kiến thức về cây cà phê.tôi tính thế này cho anh ta thấy thứ nhất :mỗi một ha cafe trung bình là 1100 gốc,mỗi năm đầu tư hết 10.000 tiền phân hữư cơ,và 4kg phân vô cơ ,cộng với tiền làm cỏ bỏ phân ,sửa cành ,thu hái ,tưới nước (30 tiếng cho một ha x 80.000/h ),riêng sửa cành từ 4 đến 6 công cho một sào x với 70.000 đến 80.000 cho một công (tuỳ vùng) rồi tiền thuốc trừ sâu,trừ nấm …vv…dưới đây là chi phí bình quân thấp nhất:
    -sửa cành 50c x 80.000 = 4.000.000/lần x 2 lần
    -tưới nước:30h x 80.000 =2.400.000/lần x 2 lần
    -phân hữu cơ: 10.000 x 1100 gốc=11.000.000/ha
    -thuốc trừ sâu,nấm phun 1 lần = 1.000.000/ha x 2 lần
    -phân vô cơ 4tan x 6.000.000 = 24.000.000/ha
    rồi công làm cỏ,bỏ phân ,thu hái,xay,phơi,làm bồn,cào lá bẻ chồi…nói chung mức đầu tư thấp nhất cũng phải 70 triệu/ha
    tổng thu như tác giả nói là 3,5t/ha x2300/kg =80.500.000,nếu co biến đổi về giá thì người nông dân còn đươc chút ít (biến đổi đi lên )còn không thì thử hỏi xem họ ăn gì ? đó là tiền vốn tự bỏ ra không phải vay tiền ngân hàng,còn nếu vay tiền ngân hàng nữa thì sao.?chưa nói hạn hán rồi sương muối ,cafe trổ bông gặp mưa…còn việc chăn nuôi và trồng thêm những cây khác chỉ là phụ thu, và đó cũng chỉ là cách làm ăn manh mún,không hợp với xu thế thời đại ….thôi tôi chỉ có một vài suy nghĩ như vậy rất mong tác giả bài viết cộng ,trừ ,nhân ,chia, cho đúng lại dùm bà con ,và nếu sau này tác giả có may mắn được làm cán bộ,thì cũng nên gần gũi nông dân hơn ..để thấy được nỗi vất vả một nắng 2 sương của họ.chứ đừng ngồi đếm cua trong lỗ….kính bút
    nhật minh

  13. thanhha

    Kính chào bà con
    theo tôi thì ý kiến của anh Y nhất kpă cũng có phần đúng . Đó là về chi phí đầu tư khoảng 35 triệu/ha.
    nhưng về năng suất cà phê 3.5tấn /ha là không hợp lý nếu tính bình quân.có lẻ là năng suất vườn cà phê nhà anh ấy
    năng xuất bình quân ở Việt Nam khoảng 2.5/ha. nếu 1 gia đình 4 người có 2ha mỗi năm thu 5tấn/ 2ha
    5t * 23000= 115triệu
    chi phí chăm sóc 70triệu
    còn 45triệu
    bình quân chi phi cho gia đình là 5triệu *12tháng=60triệu
    lấy đâu 15triệu đắp vô

  14. Nông dân nghèo

    Rất vui vì ý kiến của anh Y Nhất đã đem lại một chút lạc quan cho nông dân cafe trong thời điểm hiện tại mặc dầu còn nhiều bạn chưa đồng tình. Theo tôi thì cách tính của anh đúng nhưng chưa đủ. Và ý kiến tranh cải đa phần dựa trên đặc điểm của gia đình và địa phương. Các bạn thử tính trên đơn vị 1ha thử xem, tính dúng tính đủ. Ở chỗ tôi đa số mỗi gia đình bình quân 1ha nên ngoài chăm sóc cafe còn nhiều thời gian rãnh, phải làm những công việc khác để tăng thêm thu nhập.Nếu chỉ chăm cafe thì không đủ trang trải cho gia đình. Mà tôi thấy đi làm thêm rất nhiều thời gian! Vùng đất ở chỗ anh ấy tốt (nên bỏ ít phân) có tiếng ở ĐakLak nên 3,5t/ha là phổ biến. Còn anh tính đầu tư thì hình như anh ko tính công lao động của gia đình mà chỉ mới tính công thuê mượn.
    Mùa hạn năm nay tôi phải thuê bơm nước chống hạn 55.000đ/h đấy các bạn ạ. Về cơ bản tôi cũng ko đồng tình với cách tính của anh. Nhưng rất cám ơn niềm lạc quan anh đã đem lại cho chính tôi.

  15. Duy Linh

    Đọc xong bài viết này tôi cảm thấy bức xúc quá. Gia đình tôi hiện đang ở xã Chukpo, huyện krong buk, mẹ làm giáo viên, ba làm rẫy, 3 chị e học đại học. chị thì học xong cách đây 4 năm rồi, năm nay tôi ra trường, còn đứa e mới học năm 2.

    Nhà có khoảng 2.5ha caphe, nhưng nói thật tôi thấy gia đình vất vả vô cùng, hết vay rồi mượn để trang trải cho gia đình, cuộc sống mà, đâu phải êm đẹp từ đầu đến cuối để tiền chỉ mua phân bón, chăm sóc cho caphe…tính toán chi tiêu xong một năm, nhìn lại lời lãi mà mủi lòng thậm chí vẫn còn nợ.

    nói thực tôi là con nhà nông nhưng ít phải lam lũ vì nó nhưng đủ thấu hiểu thế nào là nhà nông, một nắng hai sương, lượm lặt từng hạt caphe…Tôi không biết người viết bài này đã từng nắm trên tay hạt caphe chưa mà viết bài như vậy…nông dân caphe trăm ngàn khổ, đừng cưởi ngựa xem hoa nhé…

  16. bilamsao

    Làm 1 đến 2ha thì mức lãi có thể cao hơn một chút nhưng làm trên 3ha xem có được như thế ko? Nếu diện tích càng nhiều thì chi phí đầu tư, nhân công… càng lớn, cà phê ko đồng đều nữa. Nên các nông trường, chủ trang trại sẽ ko có lời bằng những hộ cá thể. Nếu chỉ đem những gia đình có năng suất cao đi so sánh với một mặt bằng chung là ko hợp lí. Tôi cho rằng ý kiến trên chỉ dựa vào 1 vườn cà có năng xuất, ít diện tích. Ko thể nói làm cà phê có lời nhiều được.

  17. Nam Thành Đạt

    Cái ông Y Nhất Kpă này có lẽ là người không bình thường bà con ơi. Lâu lâu ông ấy là viết một bài nổ như thế đấy. Tôi nhớ rằng năm ngoái ông ta cũng viết một bài tương tự. Thông cảm đi. Cà phê thì hết, mà giá thì lên, nên tiếc của nói sàm.

  18. Hoàng Lan

    Là một người con lớn lên ở đất Dak Lak năm nay tròn 25 năm. Và vườn cafe nhà tôi cũng tròn chừng ấy năm. Gia đình tôi là một gia đình thuần nông. Ba tôi cùng gia đình đã gắng bó với cây cafe 25 năm.
    Những gì mà bài viết này mang đến cũng có cái đúng đó là trồng cafe mang lại thu nhập cao hơn những cây trồng khác. Đó là điều tôi không phủ nhận.
    Nhưng người nông dân làm cafe thật sự vất vả, một năm có 365 ngày thì ba tôi đi làm cũng gần hết 335 ngày (30 ngày còn lại dành cho đi đám cưới, đám dỗ & nghỉ Tết) còn lại ngày nào cũng làm dù nắng hay mưa. Những ngày mưa tầm tả đội mưa đi đào hố, bón phân, mùa nắng gắt sau Tết thì phải tưới cafe, tưới ngày tưới đêm cho kịp. Ôi..! Tôi không than thay ba mình mà tôi chỉ nói sự thật, ông là một nông dân chăm chỉ nhất mà tôi thấy. Chăm sóc gần 3ha cafe trong suốt 25 năm qua quả là không đơn giản chút nào.
    Sống với cây cafe và cùng nó trải qua bao thăng trầm, những năm 1996-1999 giá cafe rất cao, rồi sau đó tôi nhớ có giai đoạn kinh khủng nhất là 4000đ/1kg cafe nhân.
    Nhưng cho dù thế nào thì gia đình tôi cũng gắng bó với cây cafe cho đến bây giờ.
    Cuộc sống đã thay đổi rất nhiều, nhà tôi từ một ngôi nhà tranh (lợp bằng lá tranh) giờ cũng đã xây 1 ngôi nhà khang trang. Đó cũng là tình hình chung của những người dân quê tôi.
    Tôi sống ở một xã có diện tích cafe lớn nhất huyện Krông Năng, gần huyện Krông Buk của tác giả bài viết này thôi.
    Chúc cho những người nông dân gắng liền với cây cafe luôn có sức khỏe. Thân chào.!
    Hoàng Lan

Tin đã đăng

Tin mới nhất

79