Tin buồn

Khác nhau giữa Brazil trữ hàng và tôi trữ hàng

Giacaphe.com xin giới thiệu những câu hỏi từ bạn đọc Le Son Tinh gởi đến và được tác giả Nguyễn Quang Bình trả lời, nhận thấy đây là ý kiến cần phổ biến, xin giới thiệu đến bạn đọc như sau:

Câu hỏi: Tôi đã mua một lượng cà phê kha khá đầu vụ giá hơi bị cao 41 triệu đồng/tấn. Bây giờ giá này bán không được vì lỗ. Xin hỏi: Braxin giữ hàng đến 10 năm mới bán, sao mình không kiên trì giữ chừng 2 năm?

Trả lời: Chào bạn LE SON TINH,

Hành động trữ hàng là như nhau nhưng bản chất khác nhau.

Vừa qua, Bộ Nông nghiệp Brazil thất bại trong việc đấu thầu bán ra lô hàng gần 3.000 tấn. Thực chất hàng ấy là hàng trữ hàng năm như chính phủ ta trữ gạo nhằm mục đích “an ninh lương thực”. Mỗi năm, Brazil tiêu thụ trên 20 triệu bao, nên chính phủ nước này buộc phải có chính sách trữ cà phê để bảo đảm “an ninh cà phê”.

Nên, cứ hàng năm, họ đưa ra những lô hàng tồn trữ lâu nhất và bán cho các hãng rang xay nội địa để sản xuất cà phê hòa tan. Năm nay bị chê có thể do chất lượng xuống cấp, giá gọi ban đầu cao, thị trường nội địa còn nhiều hàng, thủ tục nhận hàng nhiêu khê, giá đã cao nhưng có thể phải trả tiền “chấm phẩy”…như tại nhiều nước tham nhũng…Xin lưu ý rằng những lý giải trên đều mang tính chất giả thiết chứ hoàn toán không khẳng định. Đây có khi là một phép thử của Bộ NN Brazil về hàng tồn trong tay tư nhân trong nước.

Thường thì hàng dạng này theo chính sách “an ninh ẩm thực” không mang tính chất đầu cơ và giá cả không quan trọng. Kho bãi của họ cực chuẩn nên hàng trữ được lâu (chưa biết có khi người ta còn luân chuyển số lượng hàng để bảo đảm lượng thì vẫn như thế nhưng chất lượng thì luôn mới).

Còn hàng trữ của bạn là hàng kinh doanh, bạn trữ nhằm mục tiêu giá cao hơn. Do vậy, loại hàng trữ này sẽ là tồn kho “động” tức bạn sẽ bán khi đạt kỳ vọng, thậm chí có khi bạn quyết định bán lỗ nếu như người khác bán ra nhiều gây sức ép trên giá, gây tâm lý hoảng loạn làm bạn phải “bung”.

Nên xem: Có nên ôm cà phê, vay tiền để đầu tư và chờ giá cao

Nên, thị trường hiểu rằng thế nào bạn cũng bán hàng trữ. Nhưng nếu họ còn hàng hay có một chỗ khác bán giá thấp hơn, họ sẽ không mua cho đến khi thật cần.

Có lẽ chính vì vậy mà người mua chưa mặn mà và chịu đợi cho đến khi “hàng ra nhiều giá thấp”.

Xin nói rằng nhờ vậy mới có thị trường: bên bán thích bán giá cao nên trữ hàng, bên mua thích mua giá thấp khi người bán hết sức chịu đựng.

Giữa hai lực lượng này, có một lực lượng khác là nông dân: khi cần tiền họ bán một ít chỉ đủ trang trải. Nhưng nếu khi bên mua quá cần chấp nhận mua giá cao, nông dân được lợi. Khi bên bán “chịu hết nỗi” bung hàng, giá rớt, nông dân phải gánh chịu.

Xem thêm: Cách để người nông dân bán cà phê với giá mong muốn?

Nguyễn Quang Bình

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Bien Ho

    Bài này anh Bình viết trả lời cho người hỏi quá hay vì tác giả có nghiên cứu kỷ về thị trường cà phê của VN cũng như Brazil . Đồng thời đây cũng là câu trả lời cho những ai đang tham gia thị trường cà phê hiện nay để hiểu và ứng xử trong kinh doanh . Riêng tôi néu anh len đợt này sẽ mời anh cháo Gà có them thịt bò nữa .

  2. nguyễn văn viễn

    Kính :…..
    Mình dự trữ hàng là để chờ giá cao lên để bán, nhưng trữ hàng sẽ tốn phí trữ hàng, lãi suất, bảo quản….vậy so với giá mong đợi thì các phí này bằng với mức lợi nhuận thu được tức là ta hoà. Vậy lên trữ hàng hãy dùng vào mục đích dự trữ bắt buộc tương đương như hình thức dự trữ chiến lược của nhà nước, còn hàng hoá vẫn phải luân chuyển để sinh ra lợi nhuận. Còn trữ không mà không luân chuyển mà mang tính cất giữ thì cần phải tính toán nếu mức lợi nhuận trông đợi lớn hơn các phí phải trang trải hay và hoặc các khoản lợi thu được nếu qui ra tiền mặt thì nên trữ còn nếu tương đương hoặc lợi nhuận âm thì cần nên xem xét!
    Kính;
    Nguyễn Văn Viễn

Tin đã đăng

Tin mới nhất

84