Thị trường phái sinh cà phê là gì?

Bài 1: Khái niệm các công cụ của thị trường cà phê phái sinh

1. Khái niệm thị trường phái sinh

Thị trường phái sính (derivatives market) là nơi diễn ra các ký kết và thực hiện gioa dịch các sản phẩm phái sinh.

Sản phẩm phái sinh là một sản phẩm tài chính mà kết quả của nó được tạo ra từ kết quả của sản phẩm khác hay còn gọi là tài sản cơ sở (tài sản cơ sở có thể là trái phiếu, cổ phiếu, tiền tệ hoặc hàng hóa). Giá trị tài sản phái sinh được xác định dựa trên sự biến động giá trị của tài sản cơ sở.

Công cụ tài chính phái sinh được sử dụng để chuyển nhượng rủi ro không mong muốn cho các đối tác là những người có rủi ro được bù đắp hoặc muốn thừa nhận rủi ro đó.

2. Các loại phái sinh cà phê cơ bản

Thị trường cà phê phái sinh bao gồm các hợp đồng cơ bản như: hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng tương lai, hợp đồng quyền chọn và hợp đồng hoán đổi

Hợp đồng kỳ hạn (forward contract)

* Khái niệm: Hợp đồng kỳ hạn là hợp đồng được ký kết giữa người mua và người bán tại thời điểm hiện tại nhưng việc thực hiện hợp đồng lại diễn ra ở một thời điểm trong tương lai. Giá trị của hợp đồng kỳ hạn chỉ được giao nhận vào ngày đáo hạn hợp đồng, không có khoản chi trả nào được thực hiện vào ngày ký kết hoặc trong thời hạn hợp đồng.

* Đặc điểm:

– Thực hiện qua thị trường phi chính thức (OTC);

– Không phải theo chuẩn của thị trường riêng biệt; điều khoản thỏa thuận linh hoạt;

– Rủi ro thanh khoản cao vì các bên tham gia khó có thể bán được hợp đồng;

– Rủi ro thanh toán cao vì khi đáo hạn hai bên sẽ giao dịch với mức giá đã được xác định trước, cho dù giá thị trường cao hơn hay thấp hơn giá xác định trong hợp đồng;

– Hợp đồng kỳ hạn thường được thực hiện dựa trên quan hệ thân tín, tin tưởng giữa các bên.

Hợp đồng tương lai (futures contract)

Khái niệm: Hợp đồng tương lai là hợp đồng kỳ hạn đã được tiêu chuẩn hóa và được giao dịch trên sàn giao dịch. Giá trị hợp đồng được điều chỉnh theo thị trường hàng ngày, trong đó khoản lỗ của một bên được chi trả cho bên còn lại.

Đặc điểm:

– Hợp đồng được giao dịch tại sở giao dịch thông qua trung gian là các nhà môi giới;

– Các điều khoản trong hợp đồng tương lai được tiêu chuẩn hóa;

– Hợp đồng tương lai phải có ký quỹ như nhau đối với cả người bán và người mua;

– Đa số hợp đồng tương lai đều được thanh lý trước thời hạn.

Hợp đồng quyền chọn (option contract)

Khái niệm: Quyền chọn là một hợp đồng giữa người mua và người bán trong đó người mua quyền, nhưng không phải nghĩa vụ, để mua hoặc bán một tài sản nào đó trong tương lai với giá đã đồng ý vào ngày thỏa thuận. Người mua quyền trả cho người bán một số tiền gọi là phí mua quyền, hay còn gọi là giá của quyền chọn.

Đặc điểm:

– Phân loại: theo loại quyền gồm quyền chọn mua (call option) và quyền chọn bán (put option); theo kiểu hợp đồng gồm quyền chọn kiểu Mỹ và quyền chọn kiểu Châu Âu;

– Hợp đồng quyền chọn được giao dịch trên thị trường chính thức và phi chính thức.

Hợp đồng hoán đổi (swap contract)

Khái niệm: Hợp đồng hoán đổi là chuỗi các hỳ hạn được thanh toán đều đặn tại nhiều ngày khác nhau trong tương lai với mức giá đã được thỏa thuận giữa hai bên. Các hoán đổi thông thường không có các thanh toán bằng tiền mặt giữa hai bên, do đó các hoán đổi có giá trị ban đầu bằng 0.

Đặc điểm:

– Các hợp đồng hoán đổi được thực hiện theo nguyên tắc bù trừ sẽ giúp giảm rủi ro tín dụng bằng cách cắt giảm khối lượng đồng tiền thanh toán giữa hai bên;

Trong 4 loại hợp đồng nêu trên thì hợp đồng cà phê tương lai là phổ biến nhất, hiện tại được giao dịch tại 2 sàn lớn trên thế giới là sàn ICE ở New York và sàn Liffe NYSE ở London.

Hợp đồng cà phê tương lai là hợp đồng ràng buộc được tiêu chuẩn hóa để giao hoặc nhận một khối lượng và loại cà phê riêng biệt tại một thời điểm xác định trong tương lai với một mức giá đã được thống nhất. Người mua hợp đồng có nghĩa vụ nhận hàng cà phê theo các điều khoản hợp đồng vào một ngày xác định, trong khi người bán có nghĩa vụ giao cà phê.

Đa số hợp đồng cà phê tương lai không bao giờ dẫn đến việc giao hoặc nhận hàng cà phê thực. Thay vào đó, người nắm giữ hợp đồng thanh khoản trạng thái của mình bằng các thực hiện các giao dịch bù trừ trong thị trường. Người mua bán hợp đồng họ đã mua và người bán mua lại hợp đồng, loại bỏ các nghĩa vụ giao hàng.

[ Nên xem: Tên gọi cho hợp đồng và thị trường kỳ hạn chuẩn (futures contract) ]

Ký quỹ cho hợp đồng cà phê tương lai

Để đảm bảo thực hiện hợp đồng, sở giao dịch yêu cầu người tham gia thị trường thanh toán tiền ký quỹ ban đầu và phát sinh. Tiền ký quỹ ban đầu là tiền nạp cọc để đảm bảo người tham gia thị trường sẽ thực hiện các nghĩa vụ tài chính theo hợp đồng của mình.

Đòn bẫy

Điểm hấp dẫn của giao dịch cà phê tương lai đối với nhà đầu tư là đòn bẫy. Vì các giao dịch tương lai không yêu cầu thanh toán trước đầy đủ (chỉ cần tiền ký quỹ mà thôi) nên người mua hợp đồng cà phê tương lai có thể thu được khoản lời lớn nhờ cam kết đòn bẫy. Giả sử một nhà đầu tư có thể mua hợp đồng cà phê arabica tương lai (mỗi hợp đồng là 37.500 lb) với số tiền ký quỹ là 3.000 USD. Nếu nhà đầu tư mua một hợp đồng với mức giá 150 cents/lb (tốn 56.250 USD cho hợp đồng) và bán hợp đồng khi giá cà phê arabica chạm mức 165 cents/lb, thì nhà đầu tư đó sẽ thu lời 5.625 USD (15 cents x 37.500 lb = 5.625 USD) – một kết quả bằng 187,5% so với mức ký quỹ ban đầu khi trạng thái được thanh khoản.

Đó chính là đòn bẫy, nó có thể là công cụ đầu tư quyền năng. Tất nhiên đòn bẫy có cả mặt trái của nó. Nếu giá cà phê dao động ngược hướng kỳ vọng thì nhà đầu tư có thể mất toàn bộ số tiền ký quỹ và nhiều hơn thế nữa nếu không tuân thủ quy tắc và kỷ luật giao dịch thông thường.

Bài 2: Lịch sử phát triển thị trường cà phê phái sinh trên thế giới

Giới thiệu sự ra đời thị trường phái sinh hàng hóa

Những thành công đạt được từ việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp đã thúc đẩy lượng hàng hóa nông sản tăng trưởng nhanh chóng. Hàng hóa không chỉ đáp ứng dủ lượng cầu của một lãnh thổ, mà còn hướng đến xuất khẩu nguồn hàng dồi dào sang các vùng miền, quốc gia khác. Tuy nhiên, do những hạn chế về khả năng tìm kiếm nơi tiêu thu, thu hoạch theo mùa, hàng hóa cung ứng ồ ạt trên thị trường trong khoảng thời gian ngắn đã khiến cho người sản xuất luôn rơi vào trạng thái bị động về giá cả, gây thiệt hại cho cả bên cung và bên cầu.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa nông sản trên thị trường, người sản xuất và nhà kinh doanh đã chủ động gặp nhau trước mỗi mùa vụ để thỏa thuận giá cả, khối lượng, chất lượng, thời điểm giao hàng cụ thể trong tương lai. Song ban đầu những thỏa thuận này vẫn còn rất đơn giản, nhỏ lẻ, không có tính quy chuẩn rõ ràng, cụ thể.

Năm 1848, Sàn Thương mại Chicago (Chicago Board of Trade – CBOT) được thành lập hướng tới mục đích tiêu thụ ngũ cốc bằng cách chuẩn hóa số lượng, chất lượng và phát triển các hợp đồng dài hạn về mua bán ngũ cốc. Hợp đồng kỳ hạn được giao dịch trong giai đoạn đầu tiên này. Năm 1865, sàn CBOT chính thức triển khai các hợp đồng được tiêu chuẩn hóa, được gọi là hợp đồng tương lai (futures).

Thị trường phái sinh hàng hóa ra đời là một hệ quả tất yếu của nền kinh tế thị trường, là sự đa dạng hóa hình thức giao thương và mậu dịch tự do quốc tế. Những sản phẩm của thị trường phái sinh được ứng dụng rộng khắp trên toàn cầu, mang đến những lợi ích tích cực, tạo điều kiện thuận lợi trong lưu thông hàng hóa nông sản nói riêng và các hàng hóa khác trong lĩnh vực công nghiệp, tài chính nói chung. Hàng hóa phái sinh đã góp phần giảm thiểu rủi ro, chuyển rủi ro từ người sản xuất sang thị trường, giúp bên cung ứng yên tâm, tập trung chuyên môn để sản xuất.

Sàn giao dịch cà phê phái sinh đầu tiên trên thế giới

Sàn giao dịch cà phê, đường và cacao (CSCE) là sàn giao dịch cà phê, đường và cacao tương lai và quyền chọn đầu tiên trên thế giới, được thành lập vào năm 1882 với tên gọi Sàn giao dịch cà phê tại thành phố New York.

Hợp đồng đường tương lai được cho phép năm 1914, và vào ngày 28/9/1979 Sàn giao dịch cà phê và đường New York đã hợp nhất với Sàn giao dịch cacao New York (được thành lập năm 1925) trở thành Sàn CSCE. Vào năm 1998, CSCE hợp nhất với Sàn giao dịch cotton New York là công ty con của Sàn Thương mại New York (NYBOT).

Sàn CSCE hoạt động như đơn vị độc lập của Sàn NYBOT cho phép giao dich hợp đồng tương lai và quyền chọn đối với cà phê, đường, cacao và chỉ số hàng hóa S&P. Vào tháng 01/2007, Sàn NYBOT đã hợp nhất với Sàn giao dịch Liên lục địa (IntercontinentalExchange -ICE) tại New York và trở thành công ty con của Sàn ICE.

Các sàn giao dịch cà phê phái sinh quốc tế có uy tín

– Sàn giao dịch Liên lục địa tại New York (ICE) giao dịch chủ yếu cà phê arabica;

– Sàn giao dịch Tương lai và Quyền chọn Tài chính Quốc tế London (London International Finacial Futures and Options Exchange – Liffe) là một phần của tập đoàn Euronext, giao dịch chủ yếu cà phê robusta;

– Sàn giao dịch Tương lai Brazil (Brazilian Mercantile and Futures Exchange – BM&F);

– Sàn giao dịch Hàng hóa Singapore (Singapore Commodity Exchange – SICOM);

– Sàn giao dịch Ngũ cốc Tokyo (Tokyo Grain Exchange – TGE).

Đối với cà phê arabica, nơi giao dịch nhiều nhất là sàn ICE ở New York, còn đối với cà phê robusta, sàn Liffe ở London là nơi giao dịch các hợp đồng phái sinh nhiều nhất. Giá tương lai niêm yết trên các sàn đều khác nhau, tùy thuộc vào cung cầu của từng thị trường.

Nguyên tắc định giá cà phê

Khi các hợp đồng tương lai đến hạn, giá giao dịch chính thức (giá FOB – Freight on Board) sẽ bằng giá tương lai trên sàn, cộng tới (premium) hoặc trừ lùi (discount) với một khoảng chênh lệch, được gọi là nguyên tắc định giá theo cơ sở chênh lệch (differentials). Khoảng chênh lệch này có thể là chi phí vận chuyển từ nước xuất khẩu đến nước nhập khẩu hoặc cũng có thể là chi phí giảm trừ do chất lượng kém và các khoản chi phí khác theo thỏa thuận.

Nguyên tắc định giá này được áp dụng với hầu hết các loại cà phê trên thế giới, ngoại trừ một số loại cà phê đặc biệt. Ví dụ trong giao dịch tương lai mà đối tượng hợp đồng là cà phê có xuất xứ từ Kenya, loại cà phê được đánh giá có phẩm chất tuyệt hảo nhất, sẽ được xác lập thông qua hệ thống đấu giá quốc gia, sau đó sẽ được điều chỉnh lại trong lần giao dịch tiếp theo dựa trên nguyên tắc cơ sở chệnh lệch.

[ Xem thêm: Giá trừ lùi trong mua bán cà phê là gì, và cách tính như thế nào? ]

Đặc điểm hợp đồng cà phê tương lai sàn ICE

Sàn ICE yêu cầu giao cà phê arabica thuần sản xuất tại Trung và Nam Mỹ, các nước Châu Á và Châu Phi hoặc cà phê arabica chưa thuần từ Ethiopia.

Đơn vị giao dịch: 37.500 lb (xấp xỉ 250 bao)

Giờ giao dịch: 3:30 – 14:00 giờ New York (Giờ Việt Nam: 03:30 chiều ngày hôm nay đến 02:00 sáng hôm sau)

Định giá: cents/lb

Hợp đồng giao theo tháng: tháng 3, tháng 5, tháng 7, tháng 9, tháng 12

Giao động giá tối thiểu: 5/100 cent/lb, tương đương 18,75 USD mỗi hợp đồng.


Đặc điểm hợp đồng cà phê tương lai sàn Liffe

Đơn vị giao dịch: 10 tấn

Giờ giao dịch: 09:00 – 17:30 giờ London (04:00 chiều đến 12:30 đêm)

Định giá: USD/tấn

Hợp đồng giao theo tháng: tháng 1, tháng 3, tháng 5, tháng 9, tháng 11

Giao động giá tối thiểu: 1 USD/tấn hay 10 USD mỗi hợp đồng

Theo HNH

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

79