Tin buồn

Cây cà phê đang xanh trên vùng cao huyện Lạc Sơn

ca-phe-lac-son
Cây cà phê đang xanh tốt tại Lạc Sơn

Từ năm 2007, công ty CP cà phê Thái Hòa Hòa Bình ( gọi tắt là công ty Thái Hòa – thuộc tập đoàn Thái Hòa) triển khai Dự án phát triển vùng nguyên liệu cà phê tại các xã vùng cao Ngọc Lâu, Ngọc Sơn, Tân Mỹ…của huyện Lạc Sơn, theo hình thức nông dân dùng đất để góp cổ phần vào công ty. Đây là mô hình mới thể hiện sự sáng tạo trong thực hiện mối liên kết “Bốn nhà” để việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đạt hiệu quả hơn, được nông dân địa phương đồng tình ủng hộ. Theo đó cây cà phê ngày một xanh thêm trên vùng cao của huyện Lạc Sơn.

Xem thêm: Yên Bái: Cà phê Catimo về… mo

Khi chúng tôi đến, cuộc họp giữa lãnh đạo Công ty Thái Hòa với đội ngũ cán bộ cốt cán của xã Ngọc Lâu (từ bí thư chi bộ, trưởng xóm trở lên) bàn việc : “Nông dân góp đất làm vốn cổ phần vào công ty để phát triển vùng  nguyên liệu cà phê” đang được thảo luận sôi nổi. Các ý kiến đều ủng hộ chủ trương của công ty nhưng vẫn còn băn khoăn, vì chưa hiểu rõ về “cổ phần hóa” và sau này có bị ép giá khi mua vật tư phân bón hoặc bán sản phẩm cho công ty hay không?.

Giám đốc Ngô Thanh Hùng giải đáp rành rẽ từng thắc mắc của bà con : – “Cổ phân hóa”  bà con nên hiểu một cách đơn giản là mọi người cùng góp vốn vào công ty để sản xuất cà phê; vốn. Công ty bỏ vốn đầu tư cây giống, phân bón (khoảng 80 triệu đồng/ha cà phê), kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm. Còn người dân thì góp đất, khi đó sẽ là thành viên của công ty, được hưởng các chế độ theo quy định, được bố trí làm việc theo khả năng của từng người trên tinh thần “ai làm nhiều thì được hưởng nhiều”.

Sau 7 năm khi vườn cà phê đã phát triển ổn định nếu người dân có nhu cầu nhận lại vườn thì công ty sẽ chuyển giao lại khi công ty đã khấu trừ cổ phần. Người dân có trách nhiệm trả dần vốn đầu tư cho công ty trong thời gian 3 – 5 năm và bán sản phẩm cho công ty, được công ty tiếp tục cung ứng các loại vật tư phân bón phù hợp cho việc chăm sóc cây cà phê. Trước mắt, công ty sẽ tổ chức sẽ tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cà phê cho người dân trong vùng dự án, tiếp nhận lao động vào làm việc tại công ty.

Được biết để chuẩn bị cho việc cổ phần hóa, từ năm 2008, Công ty Thái Hòa đã thuê đất của địa phương và trồng được gần 150ha cà phê giống Catimo F7, chăm bón bằng phân hữu cơ vi sinh và phòng bệnh bằng dầu thảo dược. Những vườn cà phê này được coi là mô hình trình diễn để nông dân địa phương kiểm chứng, so sánh với việc trồng ngô, sắn. Kết quả ban đầu khá khả quan, mới hơn một năm mà cây cà phê đã cao gần một mét.

Nhiều cây đang ra hoa lần đầu, sang năm 2010 cho thu hoạch quả bói dự báo năng suất có thể đạt khoảng 5 – 8 tấn/ha. Cũng trong khoảng thời gian này đã có gần 1000 lượt lao động vào làm việc tại công ty với thu nhập 50 nghìn – 60 nghìn đồng/ngày công. Nhiều người nhận khoán thu nhập đạt tới 100 nghìn đồng/công. Đồng thời tổ chức cho 40 lao động ở các xã trong vùng dự án đi tham quan học tập kỹ thuật trồng cà phê ở những tập đoàn sản xuất lớn.

Từ thực tế này cho thấy việc, Công ty Thái Hòa xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu cà phê tại các xã vùng cao huyện Lạc Sơn là hướng đi đúng, có tác dụng quyết định đến chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại địa phương theo hướng CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn. Theo Chủ tịch  UBND xã Ngọc Lâu Bùi Trọng Tây thì: thổ nhưỡng khí hậu các xã vùng cao Lạc Sơn hợp với cây cà phê, trước đây được người Pháp trồng.

Năm 1990, khi thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nông dân Ngọc Lâu đã nghĩ tới và trồng được 10ha nhưng không có đầu ra cho sản phẩm, trong khi đó trồng ngô, sắn lại kém hiệu quả nên đời sống của nông dân Ngọc Lâu chưa khá lên được. Việc trở lại với cây cà phê theo dự án của Công ty Thái Hòa không chỉ giúp địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng mà còn tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận với tiến bộ kỹ thuật và tác phong làm việc công nghiệp ngay trên đồng đất quê hương, góp phần xóa đói giảm nghèo và làm giầu bằng chính sức lao động của mình. Trước mắt, Ngọc Lâu sẽ huy động hơn 200ha đất đồi, rừng nghèo sang trồng cà phê theo hình thức góp vốn vào Công ty Thái Hòa.

Việc triển khai dự án ở các xã Ngọc Sơn, Tân Mỹ cũng sôi động không kém và xem ra tiến độ còn khẩn trương hơn nhiều. Dẫn chúng tôi đi thăm vườn cà phê đang bén rễ hồi xanh, ông trưởng xóm Bói (xã Ngọc Sơn) Bùi Văn Phanh cho biết: Đã có 47 hộ dân trong xóm góp 13ha đất vào công ty để trồng cà phê. Công ty đầu tư toàn bộ giống, phân bón, làm đất và hướng dẫn kỹ thuật trồng canh tác. Người dân được lợi nhiều thứ từ dự án này nên rất yên tâm và phấn khởi, nhất là khi thấy cây cà phê mỗi ngày một lớn.

Giám đốc Ngô Thanh Hùng cho biết:  Mục tiêu phấn đấu của công ty là xây dựng vùng nguyên liệu cà phê tại các xã vùng cao huyện Lạc Sơn với khoảng 850ha cà phê và 1000ha cà phê nhân dân gắn với du lịch sinh thái mang bản sắc văn hóa Mường nhằm thu hút khách du lịch và tạo ra vùng cà phê có thương hiệu riêng, có giá trị xuất khẩu cao. Công ty cũng đã nghĩ tới việc xây dựng khu công nghiệp sản xuất, chế biến cà phê liên hoàn, tiêu thụ toàn bộ sản lượng cà phê cho các tỉnh khu vực phía Bắc. Trong mùa mưa này, công ty sẽ trồng thêm 110ha cà phê nữa. Hiện lượng giống đã được chuẩn bị đúng, đủ theo kế hoạch.

Đây là mô hình mới nên Công ty Thái Hòa cũng như người dân không khỏi lúng túng trong trình tự, thủ tục khi thực hiện góp vốn cổ phần bằng đất. Vì vậy, họ mong muốn các cấp chính quyền và các ngành chức năng sớm có những văn bản hướng dẫn cụ thể nhằm bảo đảm tính pháp lý, bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp và nông dân trong hình thức cổ phần còn mới mẻ này. Và cũng là tạo điều kiện bền vững cho cây cà phê ngày càng thêm xanh trên vùng cao Lạc Sơn.

 

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Công nhân Công Ty Cà Phê Phước an- Đac lak

    Góp đất góp vốn để liên doanh , liên kết , hay cổ phần 2,3, hay đa thành viên đã nhiều công ty ( Kể cả công ty quốc doanh ) , tập thể , tổ chức , cá nhân trong xuất nông nghiệp nói chung và trong lĩnh vực trồng ,sản xuất , kinh doanh , chế biến cà phê nói riêng ,chúng tôi là những người vừa quản lí , sản xuất , trang trại nhiều với quy mô đã hơn 20 năm nay chưa thấy thành công .Mà theo quy luật chung . . . Phần thiệt thòi thuộc về người nông dân , mất đất , mất tiền , và treo nợ nhiều gia đình trả trong nhiều thế hệ chưa chắc đã hết .Mà điển hình là Công ty cà phê Phước an chèn ép công nhân trong mọi sự liên doanh ,góp vốn đổi mới cây trồng . Liên doanh , lên kết góp vốn trồng 984 Ha cà phê từ năm 1995 với các hộ nông dân khu vưc xã cư né – huyện krong buk và xã eanam – huyện eahleo hộ nông dân mất vốn góp từ 95 dến 98 là 40 triệu đồng /Ha,Một số bà con dân tộc eede ở các buôn drao , tâng , kô mất cả đất . . . khởi đầu thì phấn khởi ,náo nức , khi giẫm chân vào rồi thì bị chèn ép , lợi dụng . . . nếu không theo thì theo quy chế thu hồi ,không bồi thường .Vừa qua thanh tra , kiểm tra , cán bộ Tỉnh , huyện về họp với hơn 400 Hộ nông dân ở các buôn trên hứa giải quyết song chỉ là hứa thôi . . .Nhìn xa ra thì dự án trồng catimo ở các tỉnh phía bắc . . . đưa nông dân vào con đường nợ nần .Hiện tại , trước mắt và lâu dài ai được lợi trong các vụ liên doanh này chắc mọi người đã hiểu .

  2. hasam đồng nai

    ý kiến trên tôi rất đồng tình, lợi ích thì chỉ thuộc về công ty thôi, còn nông dân thì sẽ chịu thiệt.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

79