Yên Bái: Cà phê Catimo về… mo

mo-hinh-ca-phe-tai-yen-bai
Gia cảnh một hộ xã Xuân Lai sau Chương trình trồng cà phê

Chương trình trồng cà phê Catimo ở tỉnh Yên Bái đã tan tành mây khói, hàng chục tỷ đồng bị chôn vùi xuống đất, hàng chục hộ nông dân khuynh gia bại sản vì cây cà phê. Chuyện cũ không ai muốn nhắc lại, nhưng vị đắng của cà phê thì chưa tan. Đấy là khi nhiều vị Chủ tịch xã phải ra hầu toà, còn một số người dân thì bị mất đất…

Chương trình cà phê Catimo của tỉnh Yên Bái được khởi động từ năm 1993, năm 1995 diện tích ban đầu chỉ có 452 ha, đến năm 2000 diện tích cà phê của Yên Bái đã là 1.772,4 ha. Có tài liệu thống kê diện tích năm cao nhất trên 3.000ha. Cây cà phê Catimo được nói ở hầu hết các hội nghị, được triển khai tới từng hộ, từng người. Cứ theo cách nói của lãnh đạo tỉnh Yên Bái lúc bấy giờ, thì người trồng cà phê Catimo sắp giàu đến nơi rồi. Có người còn cao hứng ví cây cà phê Catimo là “Công chúa Catimo”.

Tỉnh Yên Bái khi đó bừng bừng khí thế, đứng ở đâu, ngồi chỗ nào người ta cũng bàn tới cây cà phê Catimo. Công ty cà phê Yên Bái được thành lập, một vị tiến sĩ- PGĐ Sở NN-PTNT được bổ nhiệm làm GĐ Cty, để đưa cây “làm giàu” lên thành “một ngành kinh tế mũi nhọn”. Thật khó mà tưởng tượng nổi, chỉ sau mấy năm từ chỗ háo hức, hăm hở rồi tới hụt hẫng, khi cây cà phê Catimo chính thức về…mo, đúng như NNVN đã dự báo. Hàng ngàn ha cà phê mặc dù được người dân bỏ công chăm sóc, chả hiểu vì sao lại không ra quả, cây nào ra được quả thì lại lưa thưa, chín không đều y như giống cà phê…đực, người dân dù xót xa nhưng đành lòng chặt làm củi, ký nợ với ngân hàng.

Ông Hoàng Tương Lai- đương nhiệm Bí thư Đảng ủy xã Xuân Lai, huyện Yên Bình thở dài: Gia đình tôi khi đó khó khăn lắm, vợ bị bệnh suy tim, con còn nhỏ chẳng làm ăn gì được. Nhưng mình là Bí thư, không trồng cà phê nói dân không nghe. Tỉnh chỉ đạo: Đây là loại cây trồng mới, có giá trị kinh tế cao, cán bộ đảng viên phải gương mẫu làm trước để người dân học tập làm theo. Gia đình tôi mặc dù khó khăn, tôi cũng trồng 0,5 ha. Còn những cán bộ khác trồng 2-3 ha, ví như Chủ tịch xã Lương Văn Minh trồng 2 ha, Bí thư Đoàn xã Nông Cao Dương trồng 2 ha, kế toán xã Phạm Văn Khai trồng 3 ha…Gia đình nào có đất trong vùng qui hoạch trồng cà phê mà không trồng sẽ điều cho hộ khác. Xã Xuân Lai là một xã vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn mà còn trồng được 60 ha là điều không thể tưởng tượng nổi.

Người trồng cà phê Catimo có thể nói là “rất sướng”, bởi trồng thứ cây “làm giàu” được ngân sách tỉnh trả lãi suất nếu vay vốn ngân hàng, Cty đưa giống, phân bón và các loại vật tư khác tới tận nơi, người dân các xã cứ tới các điểm đã thông báo để nhận cây giống và vật tư, cán bộ xã ký nợ thay, khi nào được thu hoạch Cty Cà phê sẽ trích một phần tiền bán sản phẩm để trả cho đơn vị cung cấp vật tư.

Chương trình cà phê Catimo của Yên Bái đến năm 2004 đổ vỡ tan tành, theo Niên giám Thống kê tỉnh Yên Bái đến năm 2004, diện tích cây cà phê Catimo chỉ còn 357 ha, đến nay thì chẳng ai muốn nhắc tới cây cà phê Catimo cho đau đầu. Tuy nhiên những Chủ tịch xã đã ký vào bản Hợp đồng kinh tế mua vật tư thì dắt tay nhau ra hầu toà.

Ông Nông Phúc Dậu – Chủ tịch xã Xuân Lai cho biết: Tôi đã ba lần Toà án huyện Yên Bình gọi ra giải quyết về số tiền mua phân bón của Cty Vật tư nông nghiệp Yên Bái, nay là Cty VTTH Cửu Long Vinashin cho dự án cà phê những năm trước đây mà đồng chí chủ tịch nhiệm kỳ trước đã ký với họ. Số tiền hàng 13,246 triệu, tiền lãi là 28,371 triệu, tổng cộng 41,617 triệu. Số vật tư bà con lấy về trồng cà phê không được thu hoạch, bây giờ Toà bắt UBND xã trả thay. Xã Xuân Lai là xã đặc biệt khó khăn biết lấy gì mà trả? Còn các hộ đã nhận vật tư đều những là hộ nghèo, họ cũng chả có gì để trả. Mấy năm trồng cà phê, không được thu hoạch, sức họ đã kiệt lắm rồi…

Giống như ông Dậu, Chủ tịch xã Cảm Nhân ông Nguyễn Đình Đề cũng bị Toà gọi, số tiền mà Toà buộc UBND xã Cảm Nhân phải trả cho Cty Vinashin là 68,822 triệu, trong đó tiền gốc là 27,364 triệu, tiền lãi là 41,457 triệu. Ông Nguyễn Văn Vấn- Chủ tịch UBND xã Phúc An cũng bị gọi ra toà, số tiền UBND xã Phúc An buộc phải trả cho Cty Vinashin là 69,104 triệu, trong đó tiền gốc là 24,738 triệu, tiền lãi 44,365 triệu. Chủ tịch một số xã huyện Lục Yên cũng đã bị Toà án gọi với lý do tương tự như vậy.

Ông Nguyễn Xuân Hùng, dân tộc Nùng thôn Yên Phú xã Xuân Lai cay đắng cho biết: Nhà tôi có 1ha đất nằm trong vùng qui hoạch trồng cà phê, gia đình tôi khi ấy có 3 cái con, nhà neo người chẳng thể làm cà phê được, nên phải để đất cho ông Bàn Văn Nguyên, thôn Đèo Quân ra trồng. Cây cà phê chết rồi, nhưng đất của gia đình tôi bây giờ ông Nguyên vẫn canh tác. Nghe nói ông Nguyên làm đã sổ đỏ, nên tôi đành chịu…Ông Hùng thở than: nhà chỉ có hơn 3 sào ruộng, đất chả có, kiếm được việc gì thì làm, cả nhà đan rọ tôm bác ạ.

Nguyễn Thịnh
Theo Nông Nghiệp

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. công nhân công ty cà phê Phươc an - đak lăk

    Đây là phi vụ kinh doanh 100 % thắng lợi chỉ có lời không bao giờ lỗ của các đại gia bán cây giống và các dịch vụ đồng hành của các đại gia dựa trên sự kém hiểu biết và mong muốn cải thiện kinh tế của nông dân ở các vùng sâu vùng xa .Chúng tôi chỉ đưa ra một vụ kinh doanh thực tế tương tự mà chúng tôi chính là những khổ chủ các đây 7 năm .Công ty cà phê Phước an Đăk lawk thuộc sở hữu nhà nước, Năm 2003 dụ dỗ , ép buộc những công nhân đang làm ăn với mình trên các hình thưc nhận khoán ( nộp sản phẩm công ty chịu 1 số khoản chi phí ), đấu thầu ( Khoán nộp sản phẩm nhiều năm ) , liên doanh góp vốn ngay từ khi trồng mới . . . với trên 2000 ha cà phê .rải khắp các tỉnh đăk lawk , gia lai , lâm đồng , đăk nông Công ty kết hợp với công ty Donatechko phát động góp vốn với chủ nhận khoán trồng xen sầu riêng trong toàn bộ diện tích cà phê ( 1 ha khoảng hơn 120 cây/ha ) .Giá thành 1 cây giống khoảng trên dưới 5000 đồng – giá đưa vào góp vốn 32000 = 35000 đồng/cây .Đối tác không phải bỏ tiền chỉ kí nhận nợ và bỏ vốn là nhân công .Sau 3 năm ( theo lí thuyết trên 5 năm cây sầu riêng mới cho trái ) công ty ép buộc công nhân phải mua lại 100 % giá trị đã đầu tư trồng sầu riêng trên vườn cây mà mình quản lí không không cần quan tâm trên vườn cây đó thực tế còn sống bao nhiêu ( Không mua không được ). sau khi mua nợ xong đa số phá hết trồng lại cà phê – Số còn lại chắc gì đẫ ra hoa kết trái như mong muốn . Ai được , ai mất !!! Mục đích của sự liên doanh này là gì ? ??? và còn nhiều phi vụ của Công ty đánh vào tâm lí của công nhân muốn cải thiện thu nhập , không thích ( Hoặc là không có) bỏ tiền ra để đầu tư ,chỉ cần kí là sẽ có thu nhập trong tương lai không lường được âm mưu của đối tác gạt bỏ giữa đường , ôm món nợ của sự liên doanh mà mình luôn nằm ở trạng thái giật dây bị động . Bán cây giống , vật tư phân bón , và hưởng lợi các dịch vụ đồng hành . . . không sai chút nào , những dự án làm nghèo dân , nghèo nước .

Tin đã đăng

Tin mới nhất

84