Tin buồn

Sao lại phạt nông dân?

Trước thông tin nông dân có thể bị phạt do sử dụng phân bón giả, phân bón kém chất lượng, tôi đã vào trang web của Cục trồng trọt để đọc dự thảo 2 “Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phân bón” để tìm hiểu rõ hơn. Xin có vài ý kiến về dự thảo nghị định này.

Xem thêm: Làm phân bón giả: Chỉ 30 tháng tù!

Điều 14 khoản 1 quy định: “phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân sử dụng các loại phân bón không có tên trong danh mục phân bón hoặc không có chứng nhận đăng ký khảo nghiệm đối với phân bón mới”.

Điều 14 khoản 2 quy định: “phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân sử dụng phân bón gây ô nhiễm môi trường và không đảm bảo an toàn thực phẩm”.

Điều 3 khoản 4 giải thích: “sử dụng phân bón” là quá trình đưa phân bón ra dùng trong sản xuất và trong các hoạt động kinh doanh.

Chỉ có nông dân thực hiện quá trình đưa phân bón ra dùng trong sản xuất, tức là những cá nhân sử dụng phân bón. Vậy Điều 14 khoản 1 và khoản 2 xử phạt nông dân nếu nông dân bón phân “không có tên trong danh mục phân bón hoặc không có chứng nhận đăng ký khảo nghiệm đối với phân bón mới”.

Đây là điều hết sức vô lý. Làm sao nông dân có thể theo dõi danh mục phân bón và chứng nhận đăng ký khảo nghiệm? Làm sao phân biệt được phân bón giả, phân bón kém phẩm chất? Điều khoản này đã biến nông dân từ nạn nhân trở thành người vi phạm.

Không nông dân nào (nếu biết) lại đi mua phân bón không có trong danh mục, phân bón không đăng ký khảo nghiệm. Thế nên, việc một quan chức Cục Trồng trọt lý giải “mức xử phạt đối với người sử dụng sẽ buộc họ phải kiểm soát nguồn cung cấp” là không hợp lý (1). Tại sao không treo thưởng cho nông dân để họ tích cực “kiểm soát nguồn cung cấp” mà lại phạt họ vì mục đích này?

Vì vậy, xin bỏ những điều khoản xử phạt người sử dụng phân bón là nông dân. Còn muốn phạt người sử dụng trong hoạt động kinh doanh thì phải quy định khác.

Khi nông dân sử dụng phân bón giả, phân bón kém chất lượng, ngoài việc mất tiền mua phân, họ còn bị thiệt hại thu nhập do năng suất cây trồng bị giảm. Thế nhưng trong dự thảo, thiệt hại thu nhập này không thấy được đề cập.

Do dự thảo nghị định không quy định mức độ bồi thường thiệt hại, nên muốn được bồi thường nông dân phải kiện ra tòa. Khi đọc bài: Nông dân kiện phân bón giả: Con kiến kiện ai? (2), tôi thấy việc đòi bồi thường thiệt hại của nông dân chúng tôi không phải là điều dễ dàng.

Việc chứng minh thiệt hại do sử dụng phân bón giả, phân bón kém chất lượng rất khó khăn, nông dân không thể làm được. Tôi lấy thí dụ trong việc trồng lúa. Khi sử dụng phân bón giả, phân bón kém chất lượng, cây lúa sẽ phát triển kém, dẫn đến năng suất giảm. Thế nhưng, năng suất giảm bao nhiêu thì chúng tôi không thể chứng minh, muốn biết chỉ có cách tương đối là dùng năng suất của ruộng bên cạnh sử dụng phân bón thật làm đối chứng. Cách này phải đợi đến thu hoạch lúa và có nhiều yếu tố không chính xác.

Vì vậy, việc “luật yêu cầu muốn được bồi thường 100 triệu đồng, nông dân phải chứng minh thực tế đúng là thiệt hại 100 triệu đồng” (2) là gây khó cho nông dân. Đợi đến thu hoạch mới chứng minh được một cách tương đối thì có khi người làm phân bón giả đã trốn mất. Nông dân không thể chứng minh thiệt hại (mà thiệt hại này chắc chắn có). Vậy các nhà làm luật phải nghiên cứu, tìm ra thiệt hại của nông dân cho mỗi loại cây trồng khi sử dụng một bao phân bón giả, phân bón kém chất lượng, rồi quy định mức bồi thường hợp lý cho mỗi bao phân bón giả, phân bón kém chất lượng.

Thiết nghĩ, luật pháp phải bảo vệ lợi ích của nông dân. Khi phát hiện phân bón giả, phân bón kém chất lượng, nông dân chỉ cần mang hóa đơn mua phân hoặc vỏ bao đến cơ quan chức năng, người làm giả phải bồi thường mỗi bao theo hóa đơn hoặc theo số lượng vỏ bao với số tiền theo quy định, nông dân không cần phải làm thêm bất cứ thủ tục nào nữa. Bắt nông dân phải chứng minh thiệt hại với thủ tục rườm rà như hiện nay là yếu kém của các nhà làm luật.

Cần phải định nghĩa rõ ràng thế nào là phân bón giả, thế nào là phân bón kém chất lượng. Theo tôi, nếu hàm lượng dinh dưỡng 1 trong 3 chất chính N, P, K thiếu từ 0,5 đến 30% là phân kém chất lượng, nếu trên 30% là phân giả. Vì không thể vô tình làm thiếu đến 30% hàm lượng dinh dưỡng. Ngoài xử phạt tiền, nên xử phạt tù giam tội làm phân giả để tăng thêm tính răn đe.

Điều 4 khoản 5 trong dự thảo nghị định quá khó hiểu. Tôi không biết tại sao dự thảo lại quy định làm phân bón giả, phân bón kém chất lượng mà không bị xử phạt? Thế nào là “tình thế cấp thiết”? Thế nào là “phòng vệ chính đáng”? Thế nào là sự kiện bất ngờ? Mắc bệnh tâm thần thì làm sao biết làm phân giả?

Điều 7 khoản 1 mục b quy định: “mức phạt tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý sản suất, kinh doanh phân bón từ 500.000 đồng đến 100.000.000 đồng”. Như vậy có thể hiểu mức phạt cao nhất là 100.000.000 đồng.

Trong khi đó, điều 12 khoản 3 quy định: “phạt tiền từ bốn đến năm lần giá trị lô hàng đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh phân bón chất lượng kém, phân bón không đạt công bố tiêu chuẩn áp dụng đối với lô hàng phân bón có giá trị trên 500.000.000 đồng”. Như vậy, mức phạt cao nhất là 2 tỉ rưỡi đồng. Hai điều khoản vừa nêu có mâu thuẫn với nhau hay không? Theo tôi, không nên quy định mức phạt tối đa, vì mức phạt phải tùy thuộc vào mức độ vi phạm. Thí dụ việc làm giả 1.000 tấn phân bán được 12 tỉ đồng (3), nếu chỉ phạt tối đa 100.000.000 đồng là không hợp lý.
Người làm phân bón giả, phân bón kém chất lượng là vì hám lợi. Nghị định phải làm sao cho người hám lợi thấy không được lợi thì họ không làm. Vậy mức xử phạt phải đủ mạnh, sao cho dù có làm phân bón giả, phân bón kém chất lượng trong nhiều năm, thì khi bị phát hiện, số tiền lợi bất chính thu được không đủ để bồi thường, thì người ta sẽ không dám làm phân bón giả, phân bón kém chất lượng.

Cần phải thêm một số điều kiện để được đăng ký sản xuất phân bón, để các ngành chức năng dễ quản lý, và khi vi phạm có khả năng bồi thường. Tránh tình trạng chỉ có len, xuổng và nhà kho xập xệ mà cũng được đăng ký là nhà sản xuất phân như một số báo phản ảnh.
Điều mà nông dân chúng tôi mong muốn là luật pháp ngăn ngừa được nạn làm phân bón giả, phân bón kém chất lượng. Nông dân được bồi thường thiệt hại do phân bón giả, phân bón kém chất lượng gây ra một cách nhanh chóng và chính xác. Không nên để nông dân không biết phải dựa vào đâu để đòi bồi thường thiệt hại.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. bang

    .Theo tôi mục đích của các tổ chức phân bón giả là lợi nhuận thì các nhà quản lí phải có hình thức phạt như thế nào đó để họ không nhìn thấy lợi nhuận kể cả trước mắt hay lâu dài nếu họ theo con đường đó kết hợp cả truy cứu trách nhiệm hình sự .Chuyện trên giấy là vậy – còn chuyện thực tế nhiều khi tổ chức cá nhân sx phân bón giả,kém chất lượng lại mong các nhà quản lí đến kt định kì . . . Ở VN đi nhờ người khác bảo vệ mình mà để lấy được tiền của mình về thì tốn kém lắm .Ai không tin cứ về các thôn ,xóm,làng mà tìm hiểu – được vạ má sưng – Nhiều cảnh cười ra nước mắt – kể lừa đảo mình cùng với người đại diện pháp luật của mình ăn uống nhậu nhẹt , phong bì phong bao . . . còn mình ngồi ngoài chờ hẹn . . . Nông dân mà nông dân thời đổi mới chứ không phải thời chiến tranh (thời chiến tranh còn có ông bạn công nhân liên minh với mình ) thiệt thòi cực khổ cay đáng trăm bề .Nông dân làm gì có thứ bảy,chủ nhật , ngày lễ đa số là như vậy . . . Là đố tượng các nhà bán lẻ hàng hóa dễ lừa nhất . . . bao chuyện dở khóc dở cười .Bây giờ vừa bị lừa , vừa bị phạt nữa thì chắc là hết đường sống !!! .

  2. Sơn

    bất cập, và hết sức phi lý.
    Nếu nhà nước quản lý chặt các cơ sở sản xuất phân bón, để ko còn nạn phân giả, phân đểu thì lấy gì cho chúng tôi sài mà phạt.

  3. trần hoàng

    Nếu không phạt nông dân thì mấy ông thanh tra ngành nông nghiệp , bảo vệ thực vật , chế biến nông lâm sản , sống và làm việc thế nào? Họ phải nghĩ ra một việc gì đó chứ .Trước đây thì họ phải thanh tra các doanh nghiệp kinh doanh sản xuất chế biến nông lâm sản , nhưng các loại doanh gia này thừa sức đối phó với các ngài trong mọi tình thế, mọi hoàn cảnh ,bằng mọi biện pháp, tại bất cứ ở đâu , bất cứ thời gian nào. Nông dân là người dễ bị phạt nhất, bảo sao làm vậy. Vào nhà nào cũng được, lập biên bản bắt họ ký vào , không ký được thì in dấu tay, bảo đảm chắc chắn 100%, vì chẳng có phân bón nào bảo đảm đúng với tiêu chuẩn đăng ký đâu.Là nông dân là phải cam chịu phạt mà, chỉ đến khi phạt mà không sống nổi thì người ta mới phản ứng mà thôi. cứ phạt mạnh đi.

  4. nguyễn thị thái

    qua thông tin nông dân sẽ bị phạt khi sử dụng phân bón giả. là một nông dân tôi rất lấy làm tiếc khi một cơ quan trung ương tham mưu cho nhà nước , chính phủ lại đưa ra một chủ trương không được hơp lòng dân.khi nhà nước dang phải dựa vào dân ,lấy dân làm gốc. ta thử nghĩ xem,khi một người nông dân phải vất vã với ruộng dồng bán mặt cho dất bán lưng cho trời, với một đời sống nhọc nhằn thiếu thốn trăm bề.thì làm sao họ có thể phung phí những đồng tiền tạo ra bằng mồ hôi ,công sức đó, hơn nửa họ phải chịu một hinh phạt kèm theo . Vậy theo tôi vấn đề là nhà nước phải có biện pháp bảo vệ người dân,để toàn dân và cùng cả hệ thống chính trị tham gia đấu tranh phòng chống nạn buôn bán, sản xuất phân bón giả.Cần thông báo số.điện thoại đường dây nóng .Động viên khen thưởng kịp thời những người tố giác các hành vi sai trái, và trừng trị nghiêm khắc bọn sản xuất buôn bán phân giả theo đúng pháp luật . và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng các cơ sở vi phạm.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

82