Tin buồn

Ký gửi cà phê – Những lỗ hổng chết người

Những vụ vỡ nợ cà phê ở Tây Nguyên mấy năm trở lại đây và những vụ vỡ nợ vừa xảy ra tại huyện Đăk Mil, tỉnh Đăk Nông, đều có chung những “lỗ hổng” chết người.

Điều lạ là những “lỗ hổng” dễ nhận thấy, vẫn cứ tồn tại suốt hàng chục năm mà không được bịt lại. Và vì những” lỗ hổng” không được bịt lại, các đại lý cứ mọc lên để rồi vỡ nợ, cuốn theo tài sản của hàng ngàn nông dân.

Khi chứng từ cho đại lý quyền “tùy thích”

Tờ giấy như trong bức ảnh dưới đây là thứ chị Hoàng Thị Yến, thôn Thuận Thành, xã Thuận An, huyện Đăk Mil, tỉnh Đăk Nông gọi là “hóa đơn ký gửi cà phê”, nhận về sau khi đã giao cho đại lý Lan Diệu 5 tấn sản phẩm. Đây cũng là chứng cứ duy nhất để khi đến đại lý, hoặc căng thẳng hơn là phải ra tòa, chị đưa ra để đòi nợ.

Giấy như thế này cũng là mẫu chung, được hầu hết các đại lý cà phê ở Đăk Lăk và Đăk Nông phát hành, giao cho nông dân sau khi nhận cà phê của họ. Một tấn, chục tấn, hay vài chục tấn, đều nhận những mảnh giấy như nhau, chỉ khác nội dung về cân lượng.

Mảnh giấy không có chữ “ký gửi” nào, nên việc doanh nghiệp có tuân thủ những quy định về ký gửi hàng hóa hay không là việc “tùy tâm”. Tờ giấy cũng không có bất cứ một nội dung ràng buộc nào, nên để cà phê tại kho hay bán đi để kinh doanh việc khác cũng là tùy ý của đại lý.

hoa don ky gui ca phe
Hóa đơn ký gửi cà phê

Điều tối thiểu nữa thường có trong các giấy biên nhận tiền hay các giao dịch hàng hóa, đó là thời hạn thanh toán, thì ở giấy này cũng… không có. Điều này có nghĩa là nông dân có thể gửi cà phê ở đại lý vô thời hạn. Đại lý cũng có thể giữ số hàng hóa này… vô thời hạn.

Tại xã Thuận An, nơi có nhiều đại lý vỡ nợ nhất huyện Đăk Mil, ông Doãn Thạnh, Phó trưởng công an xã đã “nói thẳng” một sự thật rằng, cà phê sau khi gửi vào đại lý, đại lý sẽ dùng để “xoay vòng”. Điều này cũng nghĩa là chính quyền địa phương biết và ngầm công nhận sự “tùy thích” của đại lý.

Vì thế, hơn 40 đại lý vỡ nợ ở Đăk Lăk mấy năm gần đây, gần chục đại lý ở Đăk Mil vỡ nợ lần này, hàng ngàn nông dân bị mất sản phẩm, đã không thể trông chờ gì nhiều ở các cơ quan quản lý mà chỉ có thể trông chờ sự “tùy tâm” của các con nợ. Và cũng vì thế, đại lý cà phê Lan Diệu, Lan Thông ở Đăk Mil mới có thể bình tĩnh, thậm chí mắng chủ nợ rằng: “Làm gì ghê vậy, từ từ tôi trả”.

Đối với những chủ nợ làm căng “tới bến”, thì đại lý tung ra một chiêu khác, đó là viết giấy gán bất động sản. Đây chính là cách mà Đại lý Thu Điền đã thực hiện với chủ nợ là chị Hoàng Thị Yến ở thôn Thuận Thành, xã Thuận An, huyện Đăk Mil. Chỉ có điều, giấy ấy chỉ có giá trị làm “bùa an thần”, không có tính pháp lý. Nó không kèm theo “sổ đỏ” và chứng thực của chính quyền địa phương. Và như thế, cùng một mảnh đất, đại lý có thể viết thành 100 giấy gán nợ, trả cho 100 người!

giay gan no bds
Giấy gán bất động sản không một chút giá trị

Khi lòng tin xây dựng từ ảo giác

Không phải bỗng dưng mà nông dân ở Đăk Mil và nhiều huyện khác ở Đăk Lăk, có thể an lòng gửi cà phê vào đại lý và chỉ nhận về một tấm giấy gần như vô tri. Họ chỉ gửi, khi đã được doanh nghiệp thế chấp một thứ gọi là “uy tín”.

Từ phần lớn là tiền bán cà phê của dân gửi, cộng với một phần nhỏ là lợi nhuận từ những năm kinh doanh thuận lợi, nhiều doanh nghiệp, đại lý ở Đăk Lăk, Đăk Nông có đội xe tải tiền tỷ, nhiều xe hơi sang trọng, hàng trăm mét đất mặt đường ngay trung tâm, cơ sở kinh doanh khang trang, rộng lớn.

Những đại lý bé hơn, không có những tài sản kếch xù thì uy tín được xây dựng từ những pha “chơi đẹp”. Họ sẵn sàng cho nông dân vay vài chục, thậm chí vài trăm triệu đồng để giải quyết việc gấp mà không tính lãi. Gộp chung ngần ấy thứ, đã tạo nên một ảo giác về sự an toàn.

Ngoài chuyên gia của các ngân hàng, chỉ có những người dân ở sát đại lý, sành sỏi trong kinh doanh, mới có thể tránh bị sự hào nhoáng của các chủ đại lý này đánh lừa.

Anh Trần Quốc Phúc, phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ, ổ vỡ nợ lớn nhất tỉnh Đăk Lăk, với 2 “con nợ khủng” là Chung Đào và Tính Nên, nhận định: “Người ta phát triển quá nóng. Có nghĩa là họ quá nóng vội, tìm mọi cách để phát triển. Bất cứ cái gì của người ta cũng đều đi vay. Nhưng người ta có thể dùng số tiền đi vay đó để xây nhà cho chính họ, mua ô tô vài tỷ để đi, chứ người ta không có phương án đầu tư khả thi để đưa đến lợi nhuận”.

Phần lớn người trồng cà phê còn lại không đủ tỉnh để nhận ra ảo giác này. Thêm vào đó, họ còn dễ sa vào một thứ nguy hiểm khác, đó là tâm lý đám đông. Một người dám gửi sẽ có hai người, rồi 4 người, và đám đông cứ tăng lên theo cấp số nhân. Các nguyên tắc an toàn hầu như bị quên lãng.

Anh Nguyễn Đức Giáp, ở thôn Trường Hà, xã Ea Hồ, huyện Krông Năng, một nạn nhân của vỡ nợ cà phê cho biết: “Mọi người cũng nghĩ, nếu mà vỡ nợ thì mình có thể bị mất trắng. Thế nhưng người ta làm ăn lớn, với lại cũng vì tin tưởng và nhiều người gửi nên mình cũng gửi theo”.

Khi đại lý không biến mất, chỉ biến tướng

Nếu doanh nghiệp, đại lý cà phê “biến mất” thì mọi việc đã dễ dàng. Ngành tư pháp sẽ quy họ vào tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, hoặc “lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Thế nhưng tuyệt đại đa số các đại lý đã vỡ nợ không “dại dột” chọn con đường này. Họ điềm tĩnh xuất hiện trước nông dân, thừa nhận vỡ nợ và khất nợ. Và nông dân không còn con đường nào khác là đợi những lời khất này trở thành hiện thực.

Vấn đề đặt ra là sau khi vỡ nợ không còn ai dám tin, dám ký gửi cà phê nữa, thì doanh nghiệp cũng khó duy trì kinh doanh, không lấy đâu ra lợi nhuận, nợ của nông dân biến thành món nợ vô thời hạn.

Một số người mới nghe sự việc đã bức xúc: Sao không kiện ra tòa? Nhưng việc ấy vô tác dụng.

Sau nhiều vụ xử kiện, thẩm phán Trần Ngọc Anh – Chánh án TAND huyện Krông Năng – phân tích: “Khởi kiện dân sự để đòi tiền những doanh nghiệp, đại lý vỡ nợ thì cũng như không, vì con nợ đã tẩu tán hết tài sản”.

“Tẩu tán tài sản” là một trong các cách nói về mưu mẹo để các đại lý chiếm đoạt tài sản. Ngành ngân hàng có cách gọi khác đủ ý nghĩa hơn là “biến tướng tài sản”.

Vì nhà cửa, đất đai (mua bằng tiền bán cà phê của dân) thì không thể tẩu tán được, các đại lý đã cho con cháu, họ hàng đứng tên. Điều đó, nhiều khi được làm từ rất lâu trước khi vỡ nợ.

Đến thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đăk Lăk, có thể thấy ngay những “biến tướng” khổng lồ gây chướng mắt. Doanh nghiệp TNTM Tính Nên, đại lý cà phê lớn nhất tại đây, trước khi vỡ nợ, đã thành lập hẳn một công ty bất động sản, xây dựng hẳn một trung tâm vui chơi giải trí, trên một khu đất vàng giữa lòng thị xã được mang những cái tên khác nhau, và người ta dễ dàng biết gốc gác của nó qua cái mở ngoặc đơn phía sau. Ví dụ như “Trung tâm giải trí An Nguyên Gia” (Tính Nên).

Và cũng vì thế, nông dân cứ phải ngậm đắng nuốt cay dài dài, tự mình chịu cảnh khốn khó, còn con nợ vẫn nhơn nhơn giàu sang.

>> Vì sao nông dân phải gửi cà phê cho đại lý?

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Thuận Hoà

    Đoc câu : (Sau nhiều vụ xử kiện, thẩm phán Trần Ngọc Anh – Chánh án TAND huyện Krông Năng – phân tích: “Khởi kiện dân sự để đòi tiền những doanh nghiệp, đại lý vỡ nợ thì cũng như không, vì con nợ đã tẩu tán hết tài sản”) Mình thấy xót cho nhiều nông dân quá.! Giả sử đưa ra pháp luật điều tra nguồn gốc các tài sản được nghi ngờ có liên quan tới các đại lý được biến đổi sang cho con cháu hay người thân một cách hợp pháp thì cũng nên tìm hiểu đơn vị cơ quan nào đã ký xác nhận và nó được thực hiện từ giai đoạn nào. Nếu nằm trong thời gian mà đại lý đó có cùng thời điểm sau thời hạn xác nhận ký gửi cafe của nông dân có nghĩa tài sản họ đã biến tướng kia đều có nguồn gốc của các hộ ký gửi? Việc chiếm đoạt tài sản với lý do vỡ nợ rồi để từ từ chi trả cho các nông dân hàng loạt xảy ra liên tục mà các cấp chính quyền cũng không hề có biện pháp thì người dân cũng nên đặt dấu hỏi? Liệu có điều gì uẩn khúc phía đằng sau đó chăng. Mình đưa ra một lý lẽ rất cùn đời chẳng hạn bà con bị đại lý chiếm đoạt tài sản thì kinh tế họ sẽ khốn khó và họ túng thiếu cùng quẫn dẫn đến tình trang trộm cướp để kiếm sống- Thuê người xử đẹp các người nhà hay liên quan đến các chủ đại lý cafe thì xã hội sẽ ra sao. Điều này các cấp chính quyền nên nghiêm túc nhìn nhận lại cách làm trong thời gian sớm nhất để tránh cho nhiều điều đáng tiếc có thể xảy ra.

  2. Nông Cà

    Trong kiểu làm ăn sau thì an toàn:
    Đối với nông dân ký gửi cà phê:
    – Chịu phí bảo quản lưu kho, theo số lượng và thời gian lưu kho cho đại lý.
    – Khi cần bán thì bán hàng ký gửi này trực tiếp cho đại lý và nhận tiền theo thời giá.
    Đối với đại lý nhận ký gửi:
    – Xây kho tàng để bảo quản hàng cà phê ký gửi và nhận phí ký gửi từ nông dân. (có thể không thu phí)
    – Được ưu tiên quyền mua hàng khi nông dân quyết định bán số hàng ký gửi.
    Tuy nhiên, vì đại lý tham lời nên vội bán hàng ký gửi khi cho rằng hàng giá đang cao, kỳ vọng trong tương lai sẽ xuống khi nông dân chốt giá bán hàng. Thực tế giá tăng nên đại lý lỗ lớn, mất khả năng thanh toán! (trừ trường hợp cố tình lừa đảo)
    Hiện nay không có đại lý nào chịu làm ăn an toàn kiểu trên nên rủi ro là khó tránh khỏi!

  3. VNS_BOOKBOOK

    Các bác nói đại lý nào khi nhận cà ký gửi của dân đều có lòng tham và bán cà của đân để sử dụng vào mục đích khác là không chính xác. Tôi kinh doanh cà phê từ 1998 đến nay và hàng năm vẫn nhận ký gửi dăm bảy trăm tấn và cũng chưa bao giờ tôi có ý định bán cà của dân để chiếm dụng vốn và để rồi tuyên bố phá sản như những đại lý khác.

    1. công tum agri

      Bác nói chuẩn. Bên Kon Tum rất ít vụ vỡ nợ do bán khống cà của dân… Vì chả ai dại phá nồi cơm của mình.

  4. Nghiện caphe

    Việc các đại lý càphe vỡ nợ đã xảy ra nhiều năm nay, hiện tại Đăk Mil vẫn đang xảy ra, nhưng các cơ quan chức năng vẫn chưa có biện pháp nào giải quyết quyền lợi cho nông dân. Ngược lại, nông dân ta vẫn mù quáng tin vào các đại lý. Theo tôi, tốt nhất “có bò phải nên làm chuồng” đừng dại dột giao tài sản của mình cho người khác…

  5. nguyen minh

    Nếu nói như Thẩm phán Trần Ngọc Anh – Chánh án TAND huyện Krông Năng thì trong tương lai có rất nhiều Doanh Nghiệp “bắt chước” phá sản nữa, vậy ai khổ đây, Nông Dân hay Doanh Nghiệp? Pháp luật phớt lờ… Bó tay !

  6. vinamaca

    Thực ra tòa án cố tình hiểu sai vấn đề. Vấn đề ở đây là hợp đồng gửi hàng hóa, nếu bị mất cắp thì là chuyện khác, đằng này mang hàng của người ta đi bán “rồi tuyên bố phá sản” chưa được sự đồng ý của chủ hàng là hành vi ” lợi dụng lòng tin chiếm đoạt tài sản” vẫn có thể khép vào tội hình sự. Để ví dụ một trường hợp tương tự cho bà con dễ hiểu: tôi có cái nhà nhờ người trông hộ, hay nhờ trung tâm môi giới nhà đất bán hộ, nhưng người ta mang đi bán và thu tiền và tuyên bố phá sản thì chắc chắn người đó bị đi tù là cái chắc.

  7. phan văn minh

    Mình ở Cư Kpo Krong Buk, nay cà phê lên giá 40 ngàn muốn bán mà chẳng được các đại lý mua cà phê trong khu vực ai cũng bảo hết tiền. Vậy bạn nào biết chỗ nào mua cà phê đạt tiêu chuẩn thì chỉ cho mình biết với, bởi dân xứ mình cùng cảnh ngộ như mình. Chẳng biết bán ở đâu, đi xa thì vận chuyển khó khăn, người mua rong tận nhà thì mua chưa có tiền nên chẳng muốn bán cho họ. Chỗ nào mua được mong các bạn chỉ giùm. Xin cảm ơn!

    1. Nông dân cà phê

      Ở chỗ tôi đa số đại lý cũng không có tiền ngay, mà giá lên 40 thì nhà nào cũng lo chốt giá (để đến chiều sợ giá lại xuống) thôi thì không có tiền cũng bán đại thôi, bán được giá 40 là mừng rồi, còn tiền thì lấy sau (ít nhất là 1 tháng sau mới lấy được, bà con cứ xác định tư tưởng như vậy đi). Bây giờ chẳng có đại lý nào đạt tiêu chuẩn cả, tin nhau là chính. Các đại lý trên còn có phiếu nhập kho làm chứng từ chứ như tôi đây chẳng có 1 cái gì hết (chỉ có cuốn sổ của đại lý ghi chép số lượng thôi) hiện tại tôi như đang ngồi trên đống lửa vì chưa lấy được tiền, càng đòi nợ nhiều thì đại lý càng không trả, mình chuyển qua chiêu năn nỉ họ mới trả được ít. Làm ra hạt cà phê đã khổ, lấy tiền bán cà phê về còn khổ hơn rất nhiều.

  8. lam

    Ngân hàng nên mua (hoặc thuê) lại kho của cà phê Tây Nguyên, để dân gửi cà vào và ai cần tiền thì cho vay lại là hợp lý nhất, bà con đồng ý không?

    1. công tum agri

      Cho vay BĐS chôn chặt ko chạy đi đâu đc mà ngân hàng còn bị úp sọt nữa là ôm hàng nông sản. Bác quả hài hước (mấy em tín dụng + ban giám đốc + ban thẩm định có biết hạt cà nó ra làm sao… có tâm huyết với hạt cà mới làm nghề nhận ký gửi đc, ngoại đạo làm 1 năm là đứt cước).

  9. Hienle

    Mình nghe ngân hàng HD Bank Daklak mở dịch vụ ký gởi cà phê, miển phí lưu kho trong 3 tháng đầu, đồng thời được vay ưu dãi 70% giá trị lô hàng ký gởi. Mình nghĩ đây là cách giử sản phẩm tương đối an toàn cho bà con nông dân chúng ta, bà con hãy liên hệ tìm hiểu thêm nhé.

  10. k duông

    Bây giờ mà agribank biết cách tận dụng thay vì cho vay thế chấp bằng sổ đỏ, thì nên xây kho bãi cho bà con nông dân vay thế chấp bằng cà phê, và nhận ký gửi cà phê cho nông dân thì lợi nhuận sẽ tăng cao, đừng vì một số bộ phận biến chất cho vay lại quả dẫn đến nợ xấu, không có khả năng chi trả của một số doanh nghiệp lừa đảo.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

86