Nghề nuôi chồn lấy… cà phê chất lượng cao

Đắk Lắk xuất hiện một nghề mới, nuôi chồn lấy… cà phê, hay còn gọi là đặc sản cà phê chồn, có giá khá cao.

Chồn để nuôi lấy cà phê phải là chồn hương, còn gọi là cầy vòi đốm, thuộc họ Cầy, được phân bổ rải rác ở các nước vùng Đông Nam Á và loại chồn này rất thích ăn quả cà phê chín.

Hai anh em Nguyễn Giang Nam, Nguyễn Quốc Khánh, ở xã Krông Búk (huyện Krông Pách) nuôi 40 con chồn hương, qua hai niên vụ cà phê (2007-2008, 2008-2009) đã thu được gần 1 tấn cà phê chồn.

50 con chồn hương cũng được anh Hoàng Mạnh Cường, khối 8, phường Tân Tiến (thành phố Buôn Ma Thuột) nuôi, qua hai niên vụ thu được 1,5 tạ cà phê chồn.

Theo những người nuôi trên, cà phê mua, hoặc thu hái ngoài vườn phải thật chín, rửa thật sạch mới cho chồn ăn. Đặc biệt, chỉ chọn những con chồn khỏe mạnh, hệ tiêu hóa tốt mới cho ăn quả cà phê chín vì có như vậy hạt cà phê chồn thải ra mới có chất lượng.

Một năm, sản phẩm cà phê chồn chỉ thu được gần 3 tháng (từ tháng 11 đến tháng 1 năm sau) theo thời vụ của mùa cà phê chín.

Anh Cường cho biết, sản phẩm cà phê chồn hương nuôi chất lượng không thua kém cà phê chồn nhặt ngoài tự nhiên.

Giá bán một kg cà phê chồn hiện nay trên 1 triệu đồng, trong khi đó cà phê nhân bình thường chỉ dao động từ 24.500 đến 25.200 đồng/kg. Tuy nhiên, điều khó khăn nhất hiện nay là khâu tiêu thụ vì khách hàng chưa biết đến.

Hai anh em Giang Nam, Quốc Khánh chỉ mới tiêu thụ được 2 tạ, còn gần 8 tạ cà phê chồn phải đóng bao hút chân không chờ khách hàng.

Việc chủ động quảng bá, tiếp thị, giới thiệu sản phẩm cà phê chồn “thứ thiệt” này đến với khách hàng trong, ngoài nước là việc quan trọng hiện nay nhằm tạo điều kiện nhân rộng các mô hình chăn nuôi mới này để tăng thêm nguồn thu nhập cho người dân.

Xem chuyên đề: Việt Nam đã có cà phê chồn?

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

79