Tin buồn

Nhà nông đón khách du lịch quốc tế

Trong khi ở nhiều nơi, người ta bỏ ra cả một nguồn vốn lớn để kinh doanh du lịch mà hiệu quả vẫn không cao thì ở vùng quê Lâm Hà (Lâm Ðồng), một huyện thuần nông, những nhà nông đã biết tạo nên những sản phẩm du lịch độc đáo.

Cùng cơ sở ươm tơ Cường Hoàn mỗi tháng đón khoảng 3.000 khách du lịch quốc tế ở thị trấn Nam Ban là gia đình ông Nguyễn Văn Lộc ở thôn 2 – xã Mê Linh nuôi chồn, trồng nấm, làm du lịch…

Cà phê chồn Lâm Hà, Lâm Đồng
ông Nguyễn Văn Lộc

Ngôi nhà khang trang giữa vườn cà-phê sum suê tấp nập khách du lịch nước ngoài với hướng dẫn viên các hãng lữ hành quốc tế. Khi cha con ông chủ Nguyễn Văn Lộc tiễn đoàn mô-tô hơn mười chiếc rời nhà thì cũng là lúc chiếc xe 40 chỗ ngồi đỗ lại cho du khách tỏa xuống. Khách đến nơi, như là người nhà thật sự, các hướng dẫn viên không cần hỏi chủ đã dẫn khách vào trong, nơi đó có lò nấu rượu, chuồng nuôi chồn và trại trồng nấm. Vui chân, tôi theo một cặp vợ chồng người Úc để “khám phá lại” cuộc khám phá của họ.

Hai ông bà Thô-mát lăm lăm máy ảnh chụp lấy chụp để, hỏi chuyện say sưa. Họ muốn tìm hiểu về quy trình làm rượu rồi đến chuyện con chồn đã làm thế nào mà cho ra được cà-phê chồn. Khi đã hiểu hết mọi chuyện, hai ông bà ra ghế ngồi. Trước mặt họ là chai rượu gạo trong suốt và hai ly cà-phê chồn pha phin nhỏ giọt tý tách. Hỏi chuyện ông Thô-mát: Ông thấy rượu và cà-phê thế nào?” Ngon tuyệt vời!… Thấy ngon hơn hẳn bởi được chứng kiến toàn bộ quy trình cho ra sản phẩm. Tất cả đều làm bằng tay và rất sạch…”.

Gia đình ông Nguyễn Văn Lộc là một nông gia thật sự. Sau gợi chuyện của tôi, dòng hồi ức của ông về những ngày gian khó tràn về. Từ năm 1976, sau ngày giã từ quê hương Ninh Bình đưa gia đình vào Lâm Ðồng lập nghiệp, ông Nguyễn Văn Lộc đã trải qua nhiều chặng trong cuộc gian nan tìm kiếm một mô hình kinh tế cho gia đình. Ông đã làm chủ nhiệm hợp tác xã, làm cán bộ địa chính… rồi sau đó trở về làm vườn, nuôi lợn. Cách đây mấy năm, ông Lộc chợt nghĩ: Tại sao nhà mình nằm trên tuyến đường du lịch từ Ðà Lạt đi rừng nguyên sinh Tà Nung, thác Voi trong cả hành trình khám phá Tây Nguyên, lại không làm du lịch. Làm du lịch, với nhà nông thì nên chọn sản phẩm gì? Việc đầu tiên, ông nhớ đến nghề nấu rượu truyền thống ở quê nhà Kim Sơn (Ninh Bình). Ông Lộc bắt đầu dựng lò nấu rượu. Quy trình nấu rượu gạo thì người Việt Nam ai cũng hiểu chút ít, nhưng với khách nước ngoài thì họ còn lạ lẫm. Nắm bắt tâm lý đó, ông Lộc hình thành một quy trình khép kín cho việc ra đời “thương hiệu” Kiết Tường Tửu: từ cách chọn các loại nguyên liệu, chọn nước nấu cơm, đến công đoạn ủ men, quá trình nấu rượu và cho ra sản phẩm. Rượu của ông Lộc là “rượu sạch”. Sạch từ đầu vào cho đến đầu ra, du khách được chứng kiến và kiểm chứng. Gạo có chọn lọc, nước nấu cơm ủ rượu được kiểm tra độ an toàn, men lấy từ Nam Ðịnh có đăng ký chất lượng và giấy phép kinh doanh, chất đốt bằng vỏ cà-phê vườn và nồng độ rượu do khách tự đo từ tỷ trọng kế…

Sản phẩm thứ hai của ông Nguyễn Văn Lộc chính là cà-phê chồn. Tức là cà-phê chế biến từ phân chồn, do con chồn ăn hạt cà-phê (có chọn lọc) và tiêu hóa ra (nguyên hạt). Cà-phê này có hương vị rất lạ, bởi được trải qua môi trường có tiết xạ hương từ ngũ tạng con chồn. Khách du lịch nước ngoài từ lâu đã nghe tiếng thức uống lạ lẫm và hấp dẫn này ở Việt Nam, nhưng họ ít có cơ hội thưởng thức. Những năm qua, ông Lộc đi tìm nguồn nguyên liệu khắp vùng và bảo đảm lúc nào cũng có đủ. Thế nhưng, không dừng lại đó, cách đây ít lâu, ông đi tìm mua chồn giống và hoàn tất thủ tục pháp lý trong việc nuôi chồn. Hiện bố con ông đã bắt đầu có một chuồng nuôi chồn với mười con ban đầu. Ông tạo cho chồn một không gian hoang dã để chúng phát triển tự nhiên. Và tất nhiên, những con chồn của ông Lộc trong thời gian tới sẽ nhận nhiệm vụ “ăn hạt cà-phê” và cho ra sản phẩm…

Chỉ với lò nấu rượu, trại trồng nấm và cà-phê chồn, mỗi ngày nhà ông Lộc cũng đón được khoảng trăm khách, có ngày cao điểm lên tới 200 khách du lịch nước ngoài. Nhân lực chỉ là hai ông bà với vợ chồng người con cả. Ðiểm đến này không bán vé tham quan, khách vào ra tùy ý. Hiệu quả kinh tế nhà ông thu được chính là qua việc bán rượu và những ly cà-phê chồn. Hỏi chuyện thu nhập, ông chỉ cười. Anh cán bộ xã đi cùng nói nhỏ với tôi: “Thu hằng năm cả tỷ đồng đấy!”. Một nông dân chưa học hết cấp hai ngồi phân tích cho tôi nghe về tâm lý, thói quen và những đặc điểm của khách du lịch quốc tế. Ông cũng mở mạng in-tơ-nét cho tôi tham khảo những cảm xúc và ghi nhận của khách du lịch và đánh giá của các hãng lữ hành đối với sản phẩm của gia đình ông. “Tôi đang hoàn tất thủ tục đăng ký cho nhãn hiệu cà-phê chồn và rượu Kiết Tường. Ðã có một số doanh nhân ở Nhật Bản, Hàn Quốc đặt vấn đề tiêu thụ sản phẩm của nhà tôi với số lượng lớn”, ông Lộc bộc bạch.

Từ câu chuyện làm ăn của nông dân Nguyễn Văn Lộc, thiết nghĩ, nếu chịu khó tìm tòi, tư duy năng động, thì ở trên mọi miền đất nước mình, nông dân làm kinh tế kiểu như gia đình ông không phải là khó lắm.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Nguyễn Vịnh

    Bài báo viết tạm được. Nếu có một số chi tiết nhà báo tham khảo thêm về mặt chuyên môn để được chính xác và đầy đủ hơn sẽ không bị biến thành những hạt sạn cho người đọc.
    Rất hoan nghênh và đáng để cổ vũ cho cơ sở Cường Hoàn.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

82