Đăk Nông: Huyện ra thông báo “khó hiểu”, DN khốn khó

Sau thông báo của huyện Đắk Glong (Đắk Nông) về việc không công nhận một diện tích đất lớn của Công ty Nam Thuận trong việc đền bù dự án Thuỷ điện Đồng Nai 3 đã khiến công ty này rơi vào cảnh khốn đốn.

Tranh chấp đất đai ở Đaknông
Khu đất 30,6ha của Công ty Nam Thuận.

Bài 1. Đất có nguồn gốc rõ ràng

Nguồn cơ sự việc

“Sự việc đã kéo dài mấy năm nay nhưng các cơ quan chức năng vẫn chưa hề đưa ra một kết luận chính thức, đây là đất hợp pháp của chúng tôi tại sao lại không được đền bù, còn o ép đủ đường. Chúng tôi sẽ kiện đến cùng nếu như địa phương không giải quyết thỏa đáng”, ông Lê Khắc Thuận Giám đốc Công ty Nam Thuận bức xúc bày tỏ.

Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin sơ lược về nôi dung vụ việc và trích đăng một đoạn trong đơn gửi các cơ quan chức năng của ông Lê Khắc Thuận.

Thực hiện quyết định số 3078/QĐ-UB ngày 22/12/1998 và quyết định số 1293/QĐ-UB ngày 3/7/200 của UBND tỉnh Đắk Lắk về việc phê duyệt dự án khả thi đầu tư phát triển cây cao su, cà phê tại Lâm trường Quảng Khê.

khieu-nai-o-daknong
Ông Lê Khắc Thuận đang trao đổi với PV.

Ngày 20/1/1998, Giám đốc Lâm trường Quảng Khê đã làm giấy cam kết giao 500ha đất của ông Thuận liên doanh, liên kết thực hiện dự án trên, giai đoạn 1(1998-2000-2007) là 200ha không tính đường sá, nhà cửa, sân phơi, đường lô, đường ranh, hồ đập, giai đoạn 2 giao tiếp 300ha còn lại.

Ngày 22/9/1998, Lâm trường Quảng Khê – Đắk Glong – Đắk Nông và tôi đã thỏa thuận hợp đồng liên doanh, liên kết số 06/HĐLDLK về việc giao 200ha đất của dự án và biên bản bàn giao đất có chính quyền địa phương xác nhận để tôi thực hiện dự án trên.

Sau khi các bên ký kết hợp đồng, Công ty Nam Thuận đã huy động vốn tổ chức khai hoang và trồng được 145ha cà phê, 52ha cây keo lai, cây xoan, 48ha cây lát hoa, luồng, cây bản địa… đầu tư làm 12Km đường cấp phối, 25KM đường giao thông nội bộ, đường băng cản lữa, đắp 2 đập chính chứa nước và nhiều đập phụ để phục vụ tưới tiêu cho vùng dự án, đầu tư nhà làm việc, nhà bảo vệ, chòi canh, giếng nước, bể sinh hoạt chuồng trại chăn nuôi, dự án đang phát triển mạnh mẽ và tiến triển tốt.

Ngày 26/9/2007, UBND tỉnh Đắk Nông có quyết định 1267/QĐ-UBND về việc thu hồi tổng thể 1.195,88ha đất của các chủ sử dụng đất thuộc khu vực xây dựng tái định canh, định cư công trình Thủy điện Đồng Nai 3-4, trong đó có diện tích Công ty Nam Thuận đang quản lý sản xuất kinh doanh 214ha, diện tích còn lại 30,6ha cà phê và một số tài sản trên đất cho công ty Nam Thuận tái định, canh định cư

Ngày 5/8/2008, Xí nghiệp Lâm nghiệp Quảng Khê, Công ty Nam Thuận và Ban đền bù tái định cư thuộc ban quản lý Thủy điện 6 đã có văn bản đồng ý để lại diện tích 30,6ha đất cà phê của công ty Nam Thuận để làm tái định canh, định cư cho số công nhân của công ty Nam Thuận bị di chuyển tại dự án thu hồi 214,6ha đất để ổn định đời sống sản xuất, nuôi con ăn học là đúng theo các Nghị định hướng dẫn của Chính phủ và công văn chỉ đạo số 23 của UBND tỉnh Đắk Nông.

Các loại cây đã được ông Thuận trồng lên
Các loại cây đã được ông Thuận trồng lên

Ngày 22/7/2009, UBND tỉnh Đắk Nông lại tiếp tục có quyết định 1092/QĐ-UBND về việc thu hồi hết diện tích 30,6ha đất trước đây đã thống nhất để lại cho công ty Nam Thuận phục vụ cho việc tái định canh, định cư cho công nhân.

Như vây, có thể nói rằng đất của Công Ty Nam Thuận đã hợp pháp có giấy tờ chứng thực hẳn hoi, không phải là ngẫu nhiên khai hoang, phá rừng…

Tuy nhiên, không hiểu làm sao các cơ quan chức năng lại làm việc thiếu tinh thần trách nhiệm, quan liêu, mờ ám gây ra hàng loạt hậu quả nghiêm trọng làm khốn khổ cho chủ đất.

Song với việc làm sai trái đó, ông Đàm Quang Trung lại ra thông báo cho công ty Nam Thuận là không có quyền khiếu nại, và không được thực hiện quyền khiếu nại, liệu đây là quyết định đúng hay cố tình chặt chém doanh nghiệm cho đến chết mới thôi?

Triệt tiêu đường sống của doanh nghiệp?

Sau khi dự án khả thi chuyển đổi mục đích đất rừng sang trồng mới cà phê, cao su và một số cây công nghiệp khác, được các cơ quan chức năng và UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt diện tích 500h của dự án.

Lúc này, Lâm trường Quảng Khê đã làm đã làm cam kết giao cho ông Thuận sử dụng để thực hiện dự án, trong quá trình này Lâm trường sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để ông Thuận hoàn thành nhiệm vụ.

Hai bên cũng đã cam kết với nhau thực hiện đúng nội dung trên, bên nào vi phạm bên đó phải chịu trách nhiệm, Bản cam kết này do đích thân Giám đốc Lâm Trường Quảng Khê ông Nguyễn Đình Trọng ký ngày 20/1/1998.

Ngày 5/8/2008, Công ty Nam Thuận, Lâm trường Quảng Khê, Ban đền bù Thủy điện Đồng Nai 3 có làm việc về vấn đề diện tích giải tỏa mặt bằng.

Trong biên bản này ghi rõ, tổng diện tích giải tỏa là 214,6ha, diện tích đường là 2,44ha đất sản xuất là 211,66ha, theo ranh giới cụ thể đã được vạch trên bản đồ mặt bằng hiện trang khai hoang phục hóa trồng mới cây cao su năm 1998, và bản vẽ tuyến mốc thi công khai hoang phục hóa trồng mới cây cà phê tại tiểu khu 1028-1031 của Lâm trường Quảng Khê.

Diện tích còn lại trên bản đồ không giải tỏa là 30,6ha nêu trên của lâm trường đã giao cho công ty Nam Thuận tiếp tục kinh doanh sản xuất, việc xác định diện tích giải tỏa là xác định trên bản đồ kết hợp với định vị hiện trường cụ thể.

Tuy nhiên, sau khi UBND tỉnh Đắk Nông ra quyết định 1092/QĐ-UBND thu hồi tiếp diện tích 30,6ha này, Công ty Nam Thuận lại không được đền bù đất và tài sản trên đất.

Thậm chí điều không thể ngờ là ông Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong lại ra một thông báo mới nhất cho rằng diện tích này không phải là của Công ty Nam Thuận.

Trong thông báo gửi Công ty Nam Thuận về việc không thu lý hồ sơ khiếu kiện do ông Đàm Quang Trung, Chủ tịch UBND huyện ký ngày 6/9/2011 về việc trả lời về nội dung khiếu nại UBND huyện Đắk Glong thu hồi đất của các hộ dân nhận đất liên kết với Lâm trường mà Công ty Nam Thuận nhận là đất của công nhân công ty Nam Thuận nhưng không cấp đất tái định canh, định cư.

Căn cứ nội dung khiếu nại, theo quy định tại điều 2 nghị định 136/2001/NĐ-CP ngày 14/1/2006 của Chính phủ, Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong không thụ lý giải quyết khiếu nại của Công ty Nam Thuận, vì Công ty Nam Thuận không có quyền khiếu nại và không đủ điều kiện thực hiện quyền khiếu nại.

Nếu như chiếu theo quyết định này thì các quyết định trước kia do UBND tỉnh, Lâm trường Quảng Khê… đồng ý cho Công ty Nam Thuận sử dụng đất thực hiện dự án vô hình chung trở thành đống giấy loại chỉ với một thông báo của “ông trời con” (Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong, Đàm Quang Trung).

Chỉ vì một quyết định chủ quan và quan liêu, hậu quả là ông Trung đã đẩy Công ty Nam Thuận vào bước đường cùng, có thể sẽ suy kiệt về kinh tế, gây ra kiện cáo kéo dài rất khó giải quyết.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

82