Hãi hùng mục kích lò sản xuất “cà phê bẩn”

Khi mẻ bắp, đậu nành đã được rang cháy đen, anh nhân công lực lưỡng khiêng đổ tất ra nền nhà. Hóa chất màu nâu được xịt lên và dùng cuốc trộn đều. Sau đó, hỗn hợp bắp + đậu cháy + hương liệu được đưa vào máy trộn, “hô biến” thành… cà phê.

Xem thêm: Bột bắp + đậu nành cháy + hương liệu = cà phê

Vào lò sản xuất “cà phê”

Các huyện ngoại thành của TPHCM như Củ Chi, Bình Chánh và những vùng giáp ranh như Long An, Đồng Nai… có nhiều lò chế biến cà phê tư nhân tự phát mọc lên như nấm. Bằng những ngón nghề “tuyệt chiêu”, các cơ sở này đã “hô biến” hỗn hợp bắp, đậu nành, hương liệu thành sản phẩm mà những “tín đồ” của nó hay gọi là sản phẩm “khơi nguồn sáng tạo”.

“Trăm nghe không bằng một thấy”, chúng tôi thật sự “hãi hùng” khi chứng kiến “cụm liên hợp sản xuất cà phê” của ông T.H trong một con hẻm sâu hun hút thuộc phường Tân Hoà, TP Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai.

cà phê giả
Đường vào cơ sở sản xuất cà phê nhéch nhác, dơ bẩn với nhiều can đựng hương liệu vứt lăn lóc

Thương hiệu cà phê T.H của ông chủ cùng tên có mặt ở nhiều quán cà phê trên địa bàn và vùng phụ cận. Những tưởng với số lượng sản phẩm bán ra trên thị trường “khủng” thì cơ sở của nó phải đàng hoàng, bề thế tương xứng. Trái lại, đó là một “lò” hoạt động “chui” trong con hẻm sâu, tuềnh toàng, mất vệ sinh và luôn hắc mùi khó chịu.

Sau cánh cổng nhỏ xíu, là một khung cảnh vắng vẻ. Chúng tôi đi qua những đống rác, vỏ chai, bình nhựa vứt bỏ la liệt. Bà chủ dẫn chúng tôi vào phía bên trong, một cảnh tấp nập của lò sản xuất cà phê hiện ra. 4 nhân công, 3 lò sấy, 2 máy trộn hoạt động liên tục. Tiếng động cơ kêu tạch tạch, bụi mù. Các nhân công đeo khẩu trang kín mít, làm việc luôn tay. Lẫn trong không gian ô nhiễm, bụi bặm là mùi hương ngào ngạt của các loại hóa chất, hương liệu và mùi khét cháy mà ngửi lâu một chút là thấy nồng nặc.

Anh H. cho biết gia đình anh làm nghề này đã hơn chục năm nay. Khi đã có chỗ đứng trên thị trường, cơ sở này chỉ sản xuất để bỏ mối cho các chỗ quen. Thông thường, cơ sở T.H cung cấp cà phê thành phẩm nhưng cũng có nhiều khách hàng đem sẵn nguyên liệu: bắp, đậu nành đến nhờ anh H rang rồi họ chế biến theo cách của họ. Cũng có người đem bắp, đậu đến nhờ rang và pha chế luôn vì họ có bắp, đậu mà không có hương liệu pha chế hoặc “tay nghề” yếu. Anh H cho biết: “Đa phần các chủ quán muốn mình chế biến cà phê theo hàm lượng sao cho phù hợp với “gu” mà khách của họ thích”.

Công thức pha chế tùy theo giá cả

Tôi bảo muốn đặt cà phê giá 40.000 đồng/kg. “Khách Sài Gòn uống cà phê như chạy sô. Họ uống rồi họ đi. Có ai mà ngồi cả ngày để thưởng thức đâu. Tôi muốn rẻ hơn”, tôi nói. Ban đầu, anh H. lắc đầu nguầy nguậy. Suy nghĩ chút, anh H nói: “Ô kê. Nhưng 50 – 50 nhé”. Giải thích cho vẻ mặt ngơ ngác của tôi, anh H. bảo: “Nghĩa là 50 bắp, 50 đậu nành thì mới phù hợp với giá đó. Tôi nói thật, công thức pha chế dao động tùy thích thì cũng đến mức đó chứ chơi đậu hoặc bắp không mà trộn với phụ gia thì khó uống lắm”. Tôi đặt vấn đề muốn làm bằng đậu mà không có bắp với giá 40.000 đồng/kg, anh H. từ chối ngay: “Công cốc à? Một ký đậu nành giờ đã hơn 15.000 đồng rồi.Thêm phụ gia vào nữa thì chắc tui dẹp lò này quá”.

Anh H. thắc mắc là trên Sài Gòn cũng có nhiều lò sản xuất và bỏ mối mà sao tôi lại xuống đến Đồng Nai. “Quán anh đang lấy giá bao nhiêu?”, anh H. hỏi. Tôi nói 60.000 đồng/kg. “Vậy là 7 bắp + 1,5 đậu + 1,5 cà rồi. Có khi là 7 bắp + 3 đậu đó” – anh H. nói luôn. Tôi thắc mắc: “Sao biết hay vậy?”. Anh H. cười: “Dân trong nghề mà…”.

sản xuất cà phê
Công đoạn trộn hat bắp và tẩm hóa chất sau khi rang

Trong khi ông chủ đang nói chuyện với chúng tôi thì các nhân công vẫn lặng lẽ làm việc cật lực. Bụi và mùi khét của bắp, đậu bị rang cháy bốc ra nồng nặc. Anh H bảo một nhân viên: “Mớ bắp đó là của bà Chín đó. Cho cháy thêm chút nữa đi. Bà này thích đắng”.

Cà phê giả
Nền nhà dơ bẩn

Khi mẻ bắp rang cháy đen vừa ra lò, 2 nhân công liền khiêng đổ ụp xuống nền nhà. Nhanh như sóc, chị nhân công khác quay sang góc bên thùng phuy lấy can nhựa có chất lỏng màu trắng bên trong đổ ập vào mớ bắp, đậu. Khói bốc lên nghi ngút. Anh nhân công cầm cuốc, xẻng xáo qua xáo lại giống như phu hồ trộn xi măng, cát trước khi bơm nước vào.

Tiếp đến, một can nhựa có chất lỏng màu nâu cũng được đổ vào. Sau khi trộn đều, các nhân công tiếp tục cào dồn hết vào chậu trước khi cho vào máy trộn. Vừa khởi động máy quay ly tâm, anh H đổ từng bịch chất tạo dính caramel, đường hóa học và muối vào và cho máy trộn đều.

Chỉ vài phút sau, hỗn hợp đậu + bắp + hương liệu trên được “hô biến” thành cà phê. Tại đây, các bao cà phê đã được chuẩn bị sẵn để đóng gói thành phẩm trước khi tung ra thị trường. Chúng tôi còn thấy rất nhiều bịch loại 5kg dùng đựng bắp, đậu nành đã pha chế để bán cho các quán tự xay hoặc pha vào cà phê tuỳ theo nhu cầu…

Tôi hỏi: “Sản xuất cà phê thì tha hồ uống nhỉ?”. Anh H cho biết hiếm khi uống loại này, muốn uống thì anh xay riêng cà phê, bột bắp, đậu tùy thích chứ không dùng hương liệu. “Uống linh tinh có mà chết”, anh H. vô tư nói.

Trong bài trước, chúng tôi có nhắc đến ông Nguyễn T.C ở Biên Hòa, một “tay” lão luyện trong nghề pha chế cà phê nhưng không chịu làm theo yêu cầu “phi đạo đức” của các ông chủ. Ông C. cho biết, nguyên nhân của việc ngày càng xuất hiện nhiều cơ sở sản xuất chế biến cà phê bởi việc đầu tư trang thiết bị không tốn kém lắm. Chỉ cần 10 triệu đồng là có ngay cái bồn để sấy bắp, đậu nành. Chiếc cối xay cũng với giá từ 1,5 đến 8 triệu thì một ngày có thể xay trên 200kg nguyên liệu. Vì vậy, chỉ cần khoảng 20 triệu đồng với cái cối xay và bồn sấy là có thể làm một thương hiệu cà phê “cỏn con” mà lợi nhuận đem lại rất nhiều.

Vì máy móc đơn giả nên các lò sản xuất này chỉ cần một địa điểm nhỏ hẹp như sản xuất trong nhà thì khó có cơ quan chức năng nào kiểm tra, phát hiện. Chính vì vậy, việc sản xuất lén lút và lạm dụng hương liệu ngày càng làm cho thị trường cà phê bị thả nổi.

Trong khi đó, anh H cho biết, làm cà phê bột chỉ lời bình thường. Muốn phất nhanh thì làm cà phê hòa tan mà vốn đầu tư cũng không nhiều.

Một cán bộ quản lý thị trường cho biết, việc xử lý các cơ sở vi phạm hết sức khó khăn vì đặc thù của loại “lò” này có thể hoạt động sản xuất, chế biến trong nhà. Khi hoạt động, chủ nhà đóng cửa im ỉm, không khai báo thì khó mà biết được. Nếu đột nhập vào được hay bị phát hiện thì chủ nhà nói chỉ sấy để uống thì không có cơ sở để xử lý.

Xem thêm: Cà phê trộn – từ nguyên nhân khách quan đến sự hám lợi

Còn nữa…

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Pong drang

    Uống cafe kiểu này thì có ngày chết nhỉ? Đúng là vì tiền mà việc gì họ cũng có thể làm… Bà con uống cafe không lẽ không biết được mùi vị của nó sao? hãy mua cafe có thương hiệu về pha uống, còn uống ở quán thấy ngon lần sau mới uống tiếp, nếu chỉ uống chơi chơi không cần biết mùi vị, chất lượng thế nào thì nên kêu thứ khác mà uống cho đỡ độc hại nhé bà con. Không biết là dân Tây Nguyên có bị uống thứ cafe này không nhỉ?

    1. NTG

      Giá thành 1 kg cà phê hiện nay khoảng 70 ngàn đồng . Muốn có lãi thì ít nhất phải bán 90 ngàn đồng
      ( chi phí cố định, chi phí nhân viên ,phí vận chuyển , hoa hồng cho đại lý , hổ trợ bàn ghế cho quán …) . Nhưng hầu hết các quán cà phê đều không chấp nhận giá nầy.Đa số các quán bình dân ở tp. HCM chỉ chấp nhận lấy giá từ 40 đến 65 ngàn đồng /kg thì khi vào quán uống cái gọi là cà phê có phải là cà phê không thì bạn biết rối.Một điều nữa là cà phê nguyên chất rất khó bán ngoài lý do về giá còn do người uống đã quen uống đậu và bắp rồi nên luôn chê cà phê nguyên chất dù mùi vị cà phê quả thật rất tuyệt vời.Một điều sai lầm nửa là đa số người tiêu dùng cho rằng các thương hiệu cà phê lớn ở VN không dùng đậu và hóa chất.Tôi có thể khẳng định rằng tất cả họ đều có sd hóa chất và có dùng chất độn.
      NTG

      1. Tiến Thọ

        Sao lại khẳng định chắc nịch như vậy, tại Việt Nam, vẫn có thương hiệu cà phê không sử dụng hóa chất và chất độn đấy NTG ạ!

      2. NTG

        Thế bạn Tiến Thọ nêu tên công ty đó xem nào. Lưu ý với bạn là tất cả các dòng sản phẩm của công ty đó chứ không phải chỉ 1 hay 2 dòng sp thôi nhé.
        NTG

  2. Duc Phan

    Thật may mắn vì mình còn được uống cà phê ‘zin’… tự sản tự cấp.
    Những người này đang làm mất thương hiệu cà phê của Việt Nam, đặc biệt cà phê Ban Mê Thuột, làm ảnh hưởng đến kinh tế người trồng, sản xuất cà phê, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng… Cần phải có biện pháp kịp thời của cơ quan chức năng.

  3. Nông Văn Dân

    Sao mà ông cán bộ quản lý thị trường cho rằng : “việc xử lý các cơ sở vi phạm hết sức khó khăn vì đặc thù của loại “lò” này có thể hoạt động sản xuất, chế biến trong nhà” . Thế sao mà nhà báo lại đột kích được, còn chụp được cả hình nữa . Vì lợi nhuận của bản thân họ mà làm việc PHI ĐẠO ĐỨC ảnh hưởng đến thương hiệu cà phê Việt. Mong các cơ quan chức năng sớm vào cuộc .

  4. Tiến Thọ

    Ngay cả hãng cà phê có tiếng (lành/dữ) như Trung Nguyên cũng có dám đảm bảo cà phê của mình không độn, không sử dụng hương liệu đâu.

  5. Người bên lề

    Các bạn đòi hỏi cà phê không sử dụng hương liệu? vậy có cực đoan không?
    Tôi thấy hương liệu bây giờ gần như đã đi vào tất cả mọi loại thực phẩm giành cho con người hết rồi! Là xu thế sử dụng để chế biến thực phẩm hiện nay rồi!
    Các bạn thử lấy bao bì 1 gói bánh kẹo hay 1 hộp giấy Vinamilk đọc xem có hương liệu không rồi hãy yêu cầu.

  6. Thanh Tam - Cư Kuin

    Tôi cũng rất hay uống cà phê ở quán vào các buổi sáng đi làm nhưng mà chẳng phân biệt được đâu là cà phê thật và đâu là cà phê đểu như bài báo nói trên cả. Vậy làm sao để phân biệt và tránh uống phải cà phê ko đảo đảm chất lượng nhỉ?

    1. NGT

      Để phân biệt cà phê đối với người nầy thì dể nhưng với người khác thì vô cùng khó khăn. Mình không phải là chuyên gia nhưng do có làm cà phê nên đưa ra một vài điều mình biết.
      1. Nếu là cà phê bột đóng gói thì rất dể phân biệt : 1 gói cà phê nguyên chất to hơn từ 1.5 đến 2 lần gói cà phê dỏm cùng khối lượng.
      2. Về màu sắc nước : cà phê nguyên chất có màu cánh gián hoặc nâu đậm . Nếu nó có màu đen thì đôi khi cũng không trộn đậu hay bắp mà do có ướp caramel (Chất nầy được phép dùng trong thực phẩm).
      3.Về độ sánh thì cà phê nguyên chất không sánh (keo) bằng cà phê qua tẩm ướp nên thường bị chê lỏng.
      4. Bọt cà phê nguyên chất có bọt màu vàng rất đều và đẹp.Nhưng bọt nầy sẽ tan nhanh và chỉ xuất hiện khi ta dùng muỗng khoáy lên. Còn bọt không tan thì đích thị là hóa chất.
      5. Mùi : cà phê tự nhiên có hai loại chính có mùi đặc trưng nhưng rất khó diỄn tà bằng lời. Cơ bàn là nó có mùi thơm thoang thoảng, nhẹ nhàng. Khi uống ta cảm nhận được cả bằng miệng và mũi. Khi đã quen uống cà phê nguyên chất rồi thì tự nhiên sẽ không uống được đậu, bắp nữa.
      6.Vị : đậm đà (sở dỉ nhiều người cho rằng cà phê nguyên chất không đậm đà có thể là do nhìn nước cà phê có vẻ không đậm đặc, giống như bột đậu bắp được pha nước thứ 2). Vị đắng, chát vừa phải và tùy thuộc vào cách rang.
      Trên đây là vài ý kiến chủ quan của tôi . Nếu có sai sót mong mọi người thông cảm. Mong có thêm nhiều kinh nghiệm từ mọi người.

  7. Phạm Huy

    Báo đăng lên tôi mới thấy được rằng, thiệt là oái ăm cho những cơ sở sản xuất cà phê kiểu ”dị hợp” như thế này: công thức thì khá lạ đấy cộng thêm caramen (chất lỏng màu đèn) gây một căn bệnh ung thư tiềm ẩn. Nhưng hiện giờ trên thị trường cà phê thì hàng ngàn cơ sở chế biến như thế này, ngay cả Buôn Ma Thuột hay ở một số tỉnh lẻ nữa, chúng ta chỉ biết nhìn mà không phản ánh hay… bắt tận tay được chúng. Các bạn có nghĩ rằng hằng ngày các bạn uống là thứ cà phê đó không? Các bạn biết đấy nhưng dậm chân mà chịu đựng vì thế giới càng phát triển, khoa học lại càng tiên tiến thì nhiều mánh khóe của con người lại càng thêm ”mới lạ, sáng tạo”. Thậm chí cả rau muống, mì chính, các thực phẩm chức năng khác… đều là chất hóa học…
    Chẳng lẽ chúng ta 1 ngày chúng ta không ăn gì hết vì biết tất cả đều bị chế biến thành chất độc hại. Đó là tùy thuộc vào sự nhận thức của chúng ta trong việc tìm kiếm hay mua những thực phẩm hữu ích cho sức khỏe. Mánh khóe thì nhiều đấy nhưng tôi khuyên bạn nên theo bản thân mình, cần thêm được những thông tin từ những chuyên gia tư vấn thực phẩm góp ý thêm. Theo tôi nghĩ vì giá cả cà phê hiện giờ đang tăng + chi phí đắt đỏ, tôi nghĩ họ phải dùng biện pháp này để đỡ đi 1 phần nào đó. Tôi mong liên đoàn cà phê VN đưa ra những lời nhận xét cho những việc làm và hành động ở trên đây, giúp cho họ hiểu được sự sai trái trong hành động để họ khắc phục những sái trái ấy mà kịp thời sửa đổi theo hướng đạo đức. Giúp cho mọi người có được cà phê uống mỗi buổi sáng.
    (P/s: Nhưng tôi xin nói rằng với tất cả hiểu biết và tri thức của tôi thì trong cà phê có chất Cafein là 1 chất gây nghiện hay gây căng thẳng đến thần kinh, kích thích các nơron thần kinh, nếu uống nhiều cà phê quá thì sẽ có hại cho sức khỏe đấy các bạn à)

  8. Thanh Tam - Cư Kuin

    Cảm ơn NGT đã có vài điều giúp tôi phân biệt khi sử dụng cà phê. Hôm qua đọc bài viết trên, sáng nay thấy sợ định không uống cà phê nữa, nhưng thấy thèm lại uống. Hình như tôi bị nghiện cà phê rồi, hôm nào ko uống thấy khó chịu? Phụ nữ mà nghiện cà phê có sao ko? Đàn ông nghĩ gì khi phụ nữ hay uống cà phê?

  9. chuotdong

    Chỗ mình có nhiều người tóc dài uống cà phê đó thôi. Uống cà phê cần có bạn vì thế lúc nào rảnh mời ghé nhà mình “gia nhập” cho vui Thanh Tam ạ. Bạn biết nhà mình rồi chứ?
    Khác giới nghĩ gì kệ họ, một nửa của mình ủng hộ là đủ rồi . Mình ko nghiền, xét thấy nhiều cái lợi nên thành thói quen và sử dụng khá đều đặn như thuốc chữa bệnh thể thôi.

  10. Kinh Vu

    Những dấu hiệu gồm 6 điểm mà bạn NGT nêu ra tôi thấy là cực kỳ chính xác để cho các bạn trước đây chưa rõ về bắp đậu mà mạo nhận cà phê tiện phân biệt.
    Bạn nói rất đúng ở điểm “ai đã quen uống cà phê nguyên chất rồi thì tự nhiên sẽ không uống được đậu, bắp nữa.” Trước đây Thịnh Còi có tặng cho tôi cà phê do Y5 làm mấy lần, uống hết xong, bây giờ không uống được loại khác nữa, đúng là anh này chơi ác tôi, bây giờ tôi phải ra đặt cà phê Phượng ở đường Phan Bội Châu BMT rang xay một loại cà phê hỗn hợp 30% arabica + 70% robusta (culi), không tẩm, không ướp gì cả mà uống rất ngon.
    Gởi bạn Thanh Tam và chuotdong: Sao bạn Tam Thanh lại e ngại việc đàn ông nghĩ gì khi PN uống cà phê nhỉ? hiện nay tôi khuyến khích bà xã nên uống cà phê để hạn chế mỡ trong máu, ngăn ngừa ung thư vú và nhiều lợi ích khác, nhưng chỉ uống một ly vào buổi sáng. Tôi rất ủng hộ ý kiến chị chuộtđồng, chúng ta nên vận động các chị, các em uống cà phê vì những lý do sức khỏe và thư giãn chứ. Nên chọn đúng loại cà phê thực để uống trước nữa là vì sức khỏe của chúng ta, sau nữa là góp phần nâng cao tỷ lệ tiêu thụ nội địa, tôi tin quý ông ai ai cũng ủng hộ miễn là các chị đừng phì phèo một điếu thuốc lá kèm với cà phê như tôi.

  11. Thanh Tam - Cư Kuin

    Cảm ơn các bác đã chia sẻ với Thanh Tâm. Ở cơ quan tôi có 1 số người ko ưa khi chị em chúng tôi hay rủ nhau đi uống cà phê ở quán! Họ cứ nghĩ sao ấy?
    – Tôi chỉ uống cà phê thôi chứ ko hút thuốc đâu.
    – Chuotdong ơi! Thanh Tâm làm sao biết nhà bạn ở đâu? Cho địa chỉ nhé, hôm nao rảnh ta nhập hội uống cà phê. Lúc nào về Ea Ning mời bạn nghé nhà mình!

    1. quocoai

      Họ cứ nghi sao ấy ? họ nghỉ là lúc uống cafe mấy cô sẽ đem hết chuyện của họ ra mà nói cho nhau nghe ấy mà.

  12. le phuong

    Uống cà phê kiểu ấy có ngày đi gặp diêm vương
    nhưng ở chổ tôi nhiều người vẩn cho rằng đó là cà phê ngon.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

91