Thị trường cà phê: Những mốc lịch sử đáng nhớ

Để có cái nhìn khái quát về những lần giá cà phê tăng cao tạo nên những mốc lịch sử, Nguyễn Hằng cung cấp cho bạn đọc qua bài viết sau.  

Lâu lắm rồi, người trồng cà phê, đại lý cà phê và các công ty kinh doanh cà phê nước ta mới lại có một vụ mùa mừng vui đến vậy.

Kể từ khi thu hoạch xong cho đến nay, thị trường đã vượt qua những tiền lệ “được mùa mất giá” để duy trì xu hướng đi lên liên tục, bỏ lại các mốc giá lịch sử từng đạt trước đây.

Tuy nhiên trong 2 ngày gần đây, giá đã quay đầu giảm với tốc độ chóng mặt, gợi nhắc về câu chuyện của thị trường năm 1994 và 2008.

>> Giá cà phê vượt qua ngưỡng lịch sử

Năm 1994

Những ngày đầu tháng 6 năm 1994, giá cà phê trên thị trường thế giới tăng mạnh do lo lắng về sản lượng thấp. Giá cà phê robusta tại London ngày 8/6 đã chạm 3.150 USD/tấn – cao nhất cho đến lúc bấy giờ và cả ngày nay.

Ở thị trường trong nước, hoạt động tranh mua của các doanh nghiệp và các công ty buôn bán nông sản của các tỉnh, thành phố đã đẩy giá cà phê biến động liên tục với 2-3 lần đổi giá mỗi ngày và đưa giá lên cao ngất ngưởng ở 43 triệu đồng/tấn.

Nhưng mức kỷ lục này chỉ duy trì trong khoảng thời gian ngắn ngủi là 150 phút rồi quay đầu xuống còn 39 triệu đồng/tấn nhưng không thấy ai thu mua nữa. Thị trường cà phê tê liệt, 3 ngày sau mới có giá và khi đó chỉ còn 36 triệu đồng/tấn, và sau đó giảm dần.

Giá cà phê thế giới năm 1994-1995

Tuy nhiên, đà giảm chỉ kéo dài đến hết tháng 8, giá lại tăng vọt trở lại vào tháng 9 năm đó khi thông tin Brazil bị đợt sương giá đầu tiên trong năm tấn công, gây ảnh hưởng nghiêm trọng lên vụ mùa cà phê và sản lượng năm sau có thể chỉ bằng 50% so với dự kiến.

Giá cà phê trong nước cũng chuyển hướng đi lên và một lần nữa đạt 43 triệu đồng/tấn, thậm chí có vùng mua tới 45 triệu đồng/tấn.

Nhưng từ sau tháng 9 năm đó, giá cà phê thế giới và trong nước liên tục đi xuống, một phần do sản lượng tăng mạnh khi giá cao thúc đẩy nguời ta trồng cà phê nhiều hơn.

Xem thêm: Làm sao để tránh “Được mùa mất giá” trong kinh doanh cà phê !?

Năm 2008

Phải đến tận đầu tháng 3 năm 2008, giá cà phê mới hồi phục mạnh trở lại và đạt trên 2.700 USD/tấn ở thị trường thế giới còn giá trong nước là 40,1 triệu đồng/tấn trong ngày 3/3.

Giá cà phê năm 2008

Nhớ lại năm đó, thị trường cũng giống như những tháng cuối năm 2010, vụ mùa cà phê ở nước ta được cảnh báo giảm mạnh, có nơi báo cáo mất tới 40%, có nơi 20%, 30% và chung quy lại dự báo sản lượng nước ta mất khoảng 30%.

Tin mất mùa ở Việt Nam cùng Colombia, Braxin đã khiến giá cà phê thế giới tăng mạnh lên mức cao nhất kể từ năm 1994 ngay trong những ngày nước ta nghỉ Tết Nguyên Đán.

Thị trường còn ghi nhận ngày14/3 như một bài học khó quên khi nhiều người gọi đó là ngày “Thứ Sáu đen tối” với người kinh doanh cà phê trên sàn London. Bối cảnh cụ thể là, 2 phiên trước đó giá cà phê tăng tổng cộng trên 150 USD/tấn, thị trường cả trong nước lẫn thế giới đã tốn không ít giấy mực để ca ngợi cà phê.

Nhưng với mức tăng quá đột ngột, vào phiên cuối tuần, giới thương nhân và nhà đầu cơ đã mạnh tay xả hàng, khiến giá cà phê ngày 14/3 mất 127 USD/tấn, giá đỉnh và giá đáy chênh nhau 179 USD/tấn. Ở thị trường trong nước, giá cà phê ngày 15/3 còn 37,5 triệu đồng/tấn, giảm 1,5 triệu đồng so với ngày trước đó.

Cũng giống như 14 năm trước, thị trường cà phê đi xuống vài tháng sau nhưng đã quay đầu tăng mạnh trở lại vào tháng 7/2008 và lại vượt qua mốc 2.400 USD/tấn, và duy trì trên 2.000 USD/tấn cho đến tận cuối tháng 9.

Năm 2011

Thị trường cà phê thế giới và trong nước biến động mạnh trong năm nay với giá liên tiếp đi qua những kỷ lục.

Giá cà phê thế giới đã vượt 2.500 USD/tấn lần đầu tiên kể từ tháng 3/2008, trong khi giá cà phê trong nước không biết bao lần bỏ lại mức cao trước đó, lên tới hơn 49 triệu đồng/tấn. So với cách đây 1 năm, giá cà phê đã tăng gấp hơn 2 lần. So với đầu năm 2011 và không kể hai phiên giảm mạnh ngày 10 và 11/3, giá cà phê robusta đã tăng hơn 20%.

Giá cà phê năm 2011

Sức nóng trên thị trường cà phê tuy nhiên đã lắng dịu kể từ khi lập kỷ lục hôm 09/3 trên thế giới và ngày 10/3 ở thị trường trong nước. Giá cà phê thế giới đã giảm mạnh trong 2 phiên cuối tuần qua khi để mất 136 USD/tấn sau khi tăng 154 USD/tấn trong 2 phiên trước đó.

Giá cà phê trong nước sau khi lập kỷ lục 49 triệu đồng/tấn sáng 10/3 thì đã nhanh chóng quay đầu giảm bởi các đại lý không chịu mua theo giá kỳ hạn tháng 5 mà tính kỳ hạn tháng 3 với mức tăng thấp hơn nhiều- chỉ chưa đến 20 USD. Cho đến nay, giá cà phê nước ta còn 45,4 triệu đồng/tấn.

Những gì diễn ra trong hai phiên vừa qua của năm nay cũng giống kịch bản từng xảy ra trong năm 2008 và 1994 do hoạt động chốt lời và bán tháo của nhà đầu tư, cộng với ép giá và không muốn mua với mức giá cao ngất ngưởng của các doanh nghiệp và đại lý trong nước.

Năm 2024

Năm 2024 có thể nói là một năm biến động chưa từng thấy của thị trường cà phê Việt Nam và thế giới.

Giá cà phê Robusta giao dịch trên sàn London đã vượt qua mức lịch sử được thiết lập vào tháng 9 năm 1994. Kết thúc phiên giao dịch ngày 25/04/2024 giá cà phê Robusta đạt mức 4574$/tấn, giá cà phê thị trường Việt Nam cũng leo lên mức giá lịch sử 132,000đ/kg. Liên tục nhiều ngày sau đó giá cà phê Việt Nam tăng dựng dứng khi vượt qua cả con số 134,000đ/kg.

Tuy nhiên mức giá kỷ lục này không giữ được lâu, ngay sau kỳ nghỉ dài kỷ niệm giải phóng 30/4 và 1/5 giá cà phê trong nước và thế giới lao dốc không phanh. Giá cà phê Robusta trên sàn London giảm hơn 800$/tấn chỉ sau 5 phiên giao dịch. Giá cà phê tại nội địa thị trường Việt Nam cũng giảm chóng mặt không kém khi giá cà phê đột ngột rơi từ mức 134,000đ/kg về mức quanh 100,000đ/kg chỉ sau 5 ngày.

>> Giá cà phê có mối liên hệ như thế nào với World Cup?

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. bức xúc

    Các đại lý lớn thật là xảo quyệt quá đi. Thị trường đưa ra giá mà không chịu mua cho người dân đúng giá. Người dân thấy giá cao mà đứng nhìn khi có cà cũng không bán được giá cao, và để bây giờ giá xuống, đó cũng là nguyên nhân từ những đại lý lớn. Đầu nào cũng ăn bớt của người dân. Cho dù giá cao nhưng cũng ăn chẵn những giọt mồ hôi nước mắt trong lúc thị trường sôi nổi, thật là bực quá đi. Ở chỗ tôi khi giá báo là 49.000 nhưng mà các đại lý lớn đều mua ở gíá 48.000.

  2. Bùi Đình Tiến

    Mặc dù thông tin giá cả đã được công khai trên hệ thống các phương tiện thông tin đại chúng. Hàng ngày, từ trang web https://giacaphe.com và nhiều trang web khác mọi người đều biết rõ giá ở trong nước và thế giới. Tuy nhiên nghịch lý là ngày 10/03, trong khi ở Đaklak nói giá thu mua ở Buôn Mê Thuột là 49.000đ hoặc 49.500đ/1 kg thì ở khu vực huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng, các thương nhân chỉ mua giá 47.300 đến 47.600đ/1kg.
    Xét về bất cứ phương diện nào người nông dân vẫn chịu thua thiệt. Họ không được quyền quyết định giá trị thực của sản phẩm do chính họ làm ra.

    1. thangfan

      Xưa nay ở Lâm Đồng chúng ta vẫn là nơi có giá thu mua thấp nhất cả nước mà bác. Vicofa có trụ sở ở Đà Lạt mà. Sáng sớm các bác chỉ cần gọi điện thoại lên tổng đài sẽ có ngay cái giá mà các đại lý sẽ mua mà. Đây đã như là một chuyện cổ tích rồi. Sáng nay tôi vừa đi một vòng từ Bảo Lộc lên, thấy một số đại lý lớn đã đóng cửa nghỉ ngơi!… Chắc là họ đã đánh hơi được chuyện gì đó rồi…! Còn các cửa hàng thu mua nhỏ vẫn chưa thấy ý kiến gì. Bà con ta cũng nên chuẩn bị tinh thần là vừa.

  3. Bien Ho

    Tôi cho rằng giá đỉnh của năm nay là 48,600vnd/kg mà thôi. Giá 49,000 là giá phát ra trên mạng vào lúc 7h sáng chứ không có đại lý nào mua, thật ra thị trường chỉ áp dụng giá tháng 7 để tính giá mua là đúng , do đó giá 49,000vnd/kg không được ai áp dụng để mua vào .
    48,600vnd/kg là gía mà VNBMT mua tại Gialai , trong ngày 9/3 họ đã mua vào gần 600 tấn và tôi nghĩ chưa chắc họ đã giải quyết được đầu ra vì thị trường điều chỉnh giảm quá mạnh vào những ngày tiếp theo. Từ ngày 10-15 giảm 263USD. Như vậy liệu thị trường London điều chỉnh hay đã thật sự đảo chiều như những năm trước ???
    Như vậy những người nông dân còn găm hàng chưa bán phải chăng họ đã đánh mất cơ hội lớn cho mình? Nếu có thì tôi cho rằng trách nhiệm của giới truyền thông là chính vì họ đã góp phần làm cho nông dân tin quá nhiều vào giá ảo ( Magic price ) và kỳ vọng quá cao . Chúng ta nên đưa ra những thông tin khách quan để nông dân thấy rõ hơn về thị trường , cung-cầu để họ có những quyết định đúng trước khi giá điều chỉnh hơn nữa .

  4. phuhoang

    Hiện tại do nhu cầu mua vào giảm. Các nhà đầu tư sau khi chốt lời đang muốn hạ nhiệt giá xuống nhằm tiếp tục một chu kì gom hàng tiếp nên giá đã hạ. Tuy nhiên thực tế giá các loại khác tăng cao, điều, chè, cao su, tiêu… Giá nhân công, xăng dầu,vận chuyển… cũng tăng cao. Sản lượng cà phê lại thiếu hụt vì vậy giá sẽ tăng vào cuối tuần này và đạt mức kỉ lục mới vào cuối tháng 3 này. Bà con cần binh tĩnh và giữ giá. Chúc bà con may mắn.

Tin đã đăng