Giá cà phê có mối liên hệ như thế nào với World Cup?

Lại sắp vào mùa World Cup, việc giá cà phê tăng hay giảm vẫn là chuyện muôn đời mà ai cũng thắc mắc và vẫn đi tìm hiểu liệu hai vấn đề này có gì liên quan với nhau hay không?

Để tìm hiểu vấn đề này – tôi xin trình bày một vài suy nghĩ và xem như một lời tâm sự với bà con, có thể lúc này ý kiến của tôi không làm hài lòng một số người đọc, nhưng cứ mạnh dạn đưa ra ý kiến của mình về một suy nghĩ kỳ vọng là giá cà phê sẽ tăng bởi nó có sự liên quan đến World Cup.

Như một bài gần đây của anh Kinh Vu cũng đã viết về sự bảo tồn lợi nhuận bằng cách tìm hiểu, sử dụng vài công cụ bảo hiểm giá, đáng tiếc là Việt Nam chưa hình thành một nơi mà người nông dân chúng ta có thể tham gia và được sử dụng những công cụ đó cho mình.

Xem bài của anh Kinh Vu: Làm sao để tránh “Được mùa mất giá”

Tôi ước mong sao Nhà nước mình có thể xây dựng được hành lang pháp lý, mà ở đó các công cụ tài chính phải được kiểm soát bởi các cơ quan quản lý nhà nước để có thể hình thành một sự hoạt động đúng pháp luật và thật sự bình đẳng cho đối tượng liên quan tham gia.

Bây giờ chúng ta quay trở lại vấn đề chính: World Cup 2014 – Brazil năm nay, giá có tăng như kiểu 2010 hay không ? Việc đầu tiên xin được nói ngay là không ai có thể biết trước được điều đó bởi như chúng ta đã biết có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến giá cả, tuy nhiên có thể nói 3 yếu tố chính tác động trực tiếp đến giá cà phê như sau:

  1. Mùa vụ
  2. Yếu tố thị trường –kỹ thuật
  3. Yếu tố chính trị, xã hội

Do đó chúng ta thử tìm hiểu xem các yếu tố này ảnh hưởng như thế nào?

1. Mùa vụ

Mùa vụ cà phê của Việt Nam thường tính từ tháng 10 của năm này và kết thúc vào tháng 9 của năm sau (khác với các thông kê của nhà nước là tính theo năm), tuy nhiên trong một mùa vụ thì các tháng chính yếu sẽ chỉ tính từ tháng 11 năm này và kết thúc vào tháng 4 năm sau. Trong giai đoạn tháng từ 11 đến tháng 4 này lại chia làm 2 giai đoạn, tháng 11 cho đến Noel và từ Noel cho đến hết tháng 4.

Tại sao lại đặt yếu tố mùa vụ để nói? đầu tiên chúng ta phải xác nhận với nhau rằng: từ tháng 11 đến tháng 4, về giao dịch Robusta của cả thế giới (xin hãy nhớ là cả thế giới nhé) thì nguồn cung chính là Việt Nam, do đó cách chúng ta bán buôn thế nào thì thị trường thế giới ảnh hưởng theo thế đó, chúng ta hãy nghĩ thế này một cái chợ mà mình là người có hàng bán nhiều nhất thì mình có khả năng chi phối giá nhiều nhất

Từ trước đến nay chúng ta chỉ nghĩ người mua mới có quyền “to tiếng” mà chúng ta quên mất một điều là người bán cũng có quyền “làm giá” như đã nói ở trên, vấn đề là chúng ta có “ai đó” làm nhạc trưởng hay là không, hay kèn ai mạnh hơi cứ thổi, trống ai to cứ đánh bùm bùm. Để “làm giá” được chúng ta cần học cách các công ty nước ngoài họ mua cà phê của chúng ta như thế nào? Tại sao họ lại mua bán như thế?

Tôi phải dừng lại một chút để nói về WTO (to tát quá, nhưng rất cần thiết) Theo quy định của tổ chức này thì trước 2012, nếu các công ty nước ngoài (hoặc các văn phòng đại diện) muốn mua hàng thì chỉ có một cách là mua của các công ty trong nước, nhưng sau 2012 thì tình hình khác đi do luật Doanh Nghiệp đã được sửa đổi vào 2008  và theo đó, các công ty nước ngoài có quyền mua bán như các công ty trong nước tuy còn nhiều hạn chế và các hạn chế này theo tiến trình sẽ được dỡ bỏ thêm một lần nữa vào 2015 và dỡ bỏ hoàn toàn vào 2018. Do đó các công ty trong nước mà “ làm ăn theo kiểu cũ” nếu không tự đổi thay để thích hợp với tiến trình, có lẽ sẽ biến mất dần theo thời gian.

Trừ một số rất ít công ty của Việt nam có thể chủ động đặt giá bán của mình đối với khách mua nước ngoài, phần lớn các công ty trong nước của chúng ta là bị động nhận giá chào mua  từ khách ngoại và rồi căn cứ trên giá đó để phát giá mua cho người sản xuất, tính chủ động “làm giá” của các công ty này dường như không có.

Trước khi  mùa vụ cà phê bắt đầu thì các công ty và Văn phòng đại diện đã có đầy đủ các thông tin về mùa vụ của Việt Nam như: diện tích, sản lượng… những thông tin này, tuy nhiên đó chưa phải là thông tin để quyết định cho tất cả, nhưng nó cho thấy tính chủ động của thông tin để tham gia vào các quyết định của họ như thế nào, điều này không phải các DN nước ta không biết nhưng để “cùng nhau” chủ động áp dụng thì chúng ta chưa làm được.

– Từ tháng 11 đến Noel: thì thời tiết có thuận lợi cho việc thu hoạch hay không ? nếu thuận lợi thì “mức độ” bán ra của người nông dân như thế nào ? rồi bà con dự định đón Noel ra sao… có nghĩa là mức độ bán ra của bà con đã được họ dự đoán từ trước . Vấn đề còn lại là họ sẽ mua với giá nào thì bà con mình sẽ bán.

– Mua với giá nào thì Nông Dân sẽ bán? là một câu hỏi quá khó với một doanh nghiệp nhà nước nhưng với doanh nghiệp hay các đại diện thì chỉ là một bài toán thống kê nhỏ mà thôi. Họ sẽ dựa trên chính giá thành sản xuất của bà con mà suy ra  hay nói nôm na là giá huề vốn của 1kg cà phê và khi mua bán thì họ sẽ tùy cơ mà ứng biến .

Vậy cơ hội của chúng ta nằm ở đâu?

Như trên đã nói từ tháng 11 đến tháng 4 thì “giá của chợ cà phê Việt Nam” sẽ ảnh hưởng rất lớn đến giá cà phê của thế giới (sau tháng 4 là mùa của Indonesia) do đó “cách mua bán và mức độ bán” của Nông Dân chính là thước đo về giá! Vấn đề của chúng ta là: thông tin chúng ta cần thì ai là người cho chúng ta biết, chí ít là các thông tin cơ bản để chúng ta còn biết  phải làm sao và như thế nào! Nhà nước sẽ không can thiệp vào chuyện này, bởi Nhà nước chỉ ra các chính sách còn thực tế thì chúng ta phải tự thân vận động.

Chỉ mới bấy nhiêu thôi thì chúng ta có thể đã thấy World Cup chả ăn nhập gì với giá cả.

2. Yếu tố thị trường – kỹ thuật

Biểu đồ phân tích kỹ thuật được lập ra dựa trên các số liệu của thị trường giao dịch, mỗi một chỉ số được dựa trên một thuật toán để tính ra các đường biểu diễn, các chỉ số đồ thị sẽ phản ánh tính chất của thị trường. Đó là các nét chính yếu khi ta nói về phân tích kỹ thuật, thường thì người phân tích kỹ thuật sẽ có môt cách riêng của mình và không ai giống ai, do đó nếu chúng ta có đọc thấy hai bài phân tích kỹ thuật mà nó ngược nhau về chiều hướng thì cũng không có nghĩa là ..sai, mà chẳng qua chỉ là quan điểm chủ quan của người phân tích mà thôi, bởi khi tất cả cùng nghĩ giống nhau chúng ta hay bị rơi vào cái bẫy (bear trap) mà các nhà đầu cơ lớn giăng sẵn. Ngoài ra chúng ta cũng cần phải xem thêm lượng hợp đồng quan tâm mở (Op.int) hay lượng hợp đồng các vị thế Mua/Bán (Long/Short) để đối chiếu với ngày giao dịch cuối cùng (last trading day).

3. Yếu tố chính trị xã hội

Những diễn biến thay đổi chính trị trên trên thế giới cũng là nguyên nhân tác động không những đến giá cà phê mà còn nhiều mặt hàng khác như dầu, vàng, giá tiền tệ mạnh như USD v.v.., tôi nhớ có thời gian những năm 2004-2005-2006 chả cần nhìn giá cà phê làm gì, cứ mở Forex (thị trường ngoại hối) mà xem USD nó thế nào thì cũng có thể suy ra được giá cà phê!

Như khi Biển Đông căng thẳng chẳng hạn, có nghĩa là giá vận chuyển tăng (do bảo hiểm tăng hay do giá dầu tăng…) có nghĩa để mua được 1 tấn cà phê, người mua (Buyer) cần trả nhiều chi phí hơn thì họ có thể phải trả thêm, như tình hình hiện nay cước vận chuyển tàu biển đang rục rịch tăng thêm. Việc dư hàng hay thiếu hàng lại chẳng liên quan gì đến cà phê có nhiều hay ít trên thị trường mà lại liên quan đến vấn đề kỹ thuật (các báo cáo Liffe Certificate về lượng tồn tại các cảng Antwerp , Barcelona hay New Orlean…) hay tại các thời điểm chốt sổ giao hàng thực …

Dĩ nhiên chúng ta phải hiểu là thế giới bây giờ như một cái chợ vốn, các đầu tư không chỉ chơi một thứ mà họ đầu tư vào nhiều thứ : vàng, dầu hỏa, tiền tệ, hàng hóa (cà phê là một loại mặt hàng) khi thị trường này khó khăn thì vốn sẽ được điều chuyển sang thị trường khác, hoặc họ sẽ đầu cơ trên các yếu tố chính trị, kinh tế tác động đến như sức mạnh/yếu của một đồng tiền nào đó.

Qua đó chúng ta thấy mục thứ 2 và 3 vượt ngoài tầm tay của Nông Dân, chỉ có mục số 1 là khả dĩ bà con có thể tự chủ hay nói cách khác là có thể tác động vào được.

Tôi cũng muốn nói thêm rằng World Cup cũng là một sự kiện lớn trong năm nó diễn ra có tác động qua lại vào những yếu tố đã được nói đến, tuy nhiên để nói nó tác động trực tiếp vào giá cả cà phê thì xa vời quá, chúng ta nên quan tâm vào những điều gần gũi mà chính chúng ta có thể tác động vào, đó mới chính là điều then chốt .

Xin chia sẻ với bà con vài suy nghĩ.

Xem thêm:

________
Phạm Vỹ (Giacaphe.com)

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. vuonghuuthai

    Tôi hoàn toàn đồng ý với nhận định của Phạm Vỹ, vì thực sự qua vài Wordcup gần đây thôi thì thực sự giá cà phê cũng chưa hẳn đã tăng đột biến, mà hoàn toàn là do cảm tính và là những câu chuyện bên lề khi trái bóng lăn, và cũng chính những”cơ hội” (nói một cách nôm na) như vậy thì thường các đại lý gia tăng trữ hàng mà rất hạn chế bán ra. Thực tế qua kinh nghiệm của tôi thì với lý thuyết khi Wordcup người ta gia tăng uống cà phê và như thế tăng khối lượng tiêu thụ và tác động trực tiếp đến thị trường, chỉ là yếu tố nhỏ, chưa đủ tin cậy.
    Thực tế trong năm nay vời nhiều đồn đóan về WordCup với giá cà phê…vẫn là cái gì đó không tưởng và nếu không tin các bạn hãy thử mà xem (và cái giá lên 50.000/kg vẫn còn quá xa vời). Vấn đề còn lại là sự lựa chọn của chính chúng ta với cái lợi thiết thực và..vừa tầm tay ?

  2. hoang thang

    Bài viết hay và có cơ sở. Tôi thấy trên diễn đàn này hay trong lúc caphê trà dư tửu hậu ngoài xã hội này nhiều người nói là khi có world cup thì giá cà tăng mà tôi không thể giải thích được. Nhiều lúc cũng muốn phản bác một vài suy nghĩ của bà con mà thấy cũng không cần thiêt! Vì có lần vào năm 1994 khi world cup ở Mỹ thì tại Tây nguyên cơn sốt giá cà còn nóng hơn cơn sốt world cup. Do vậy khi người trồng cà có ước mơ về giá thì cũng liên tưởng về world cup nên mới có cái tin giá cà và world là vậy. Thật ra thì cũng thấy thương cho bà con nông dân mình bao ước mơ hy vọng để có giá tốt nhưng không biết bám víu vào cái gì? thôi thì tin vào world cup vậy!

    1. Kinh Vu

      Năm 1994 World Cup ở Mỹ, là năm Brazil bị đợt càn quét của sương giá nặng nề trong lịch sử, sản lượng mất đến 50% và còn cháy cành, chết cây ảnh hưởng đến năm sau.
      Năm 2002 cũng là năm có World Cup diễn ra ở Nhật và Hàn Quốc, năm đó giá cà phê thua cà pháo.

      1. Chùa Bộc

        – Khi nói ảnh hưởng đến giá cả thì 3 tác nhân như: mùa vụ, thị trường, và chính trị. Tuy nhiên, không hiểu yếu tố “kỹ thuật” là gì khi xếp tương đương với “thị trường”.
        Theo tôi hiểu, “kỹ thuật” ở đây chỉ là phương pháp/công cụ phân tích, đánh giá thị trường của bác. Vì là nó là công cụ để đánh giá thị trường, chứ không phải tác nhân/thị trường nên ý 2 tác giả nói không rõ.

  3. Đỗ dương

    Tới mùa thu hoạch xong từ tháng 11 tới noen . Như ở nơi tôi ở có tới 60 – 70% hộ gia đình phải chắc chắn bán 40% tới 50% sản lựơng của nhà mình trứơc tết nguyên đán để lo công nợ như tiền đầu tư phân bón tiền nợ nần của những năm trứơc tồn lại tiền ăn hoc của con cái …vv. Hàng trăm khoản dồn vào cuối năm. Nếu ai là nông dân thực sự mới thấu hiểu đc điều này. Không biết bao giờ nông dân mới nắm đựơc yếu tố thứ nhất mùa vụ đây.

  4. lan Nguyễn

    Đọc bài viết của anh Phạm Vỹ tôi thấy: Thật đúng “Ai sẽ là nhạc trưởng” cho ngừoi nông dân đây!? Chứ thấy kiểu mua bán như năm nay thì có lẽ người nông dân cứ khổ mãi, đúng là có hàng bán mà không có quyền “làm giá” nghĩ mà buồn. ước gì các DN Việt Nam Cũng hiểu rồi có cách mua bán đúng; Mong bà con nông dân hãy đoàn kết lại để bảo nhau có cách bán sao cho đỡ lệ thuộc người mua. Cảm ơn anh đã cho bà con bài viết đê rồi cho mỗi ngày hiểu ra và sáng ra một chút.

  5. Nguyenhien

    Đọc bài viết rất hay nhưng tôi tin cà phê sẽ lên cao nữa. Dân daklac chúng tôi bàn nhau nhà nào còn cà phê giá 45000kg mới bán. Cà phê giờ còn rất ít. Tôi ngày nào cũng ra vườn ca phê theo dõi xem quả như thế nào nhưng vu mùa năm 2014 chắc chắn không đạt sản lượng như năm 2013 đâu.

    1. ngocthanh

      Nghe Nguyênhiên nói hay hơn đai vậy .một gia đình vợ chồng con cái còn chưa thống nhất nên bán hay để chứ nói gì la tất cả ngươi còn cafê đăclăk.

    2. Ca phe cao nguyen

      Không biết được bao nhiêu người như bạn. Chứ mình thấy thực sự là chỉ cần nhích lên cao chút, rồi đột ngột hạ 1,2 phiên là bao nhiêu là cà được đẩy ra.

  6. tuấn trần

    tôi nghĩ giá tuần sau sẽ giảm liên tục và liên tục, dồn mẹ tôi bán mà mẹ không chịu bán đang buồn hết cả người đây

  7. Trần Đình Sơn La

    Dẫu sắp tới khi có World Cup ngay tại nước Brazil, lỡ giá có tăng mạnh, thì đấy chỉ là một ngẫu nhiên giữa thị trường cà phê và World Cup.
    Không biết ai đã bày ra mối liên hệ vô duyên này ra. Người đưa ra lý luận lạ đời này không chịu trả lời các câu hỏi hết sức cơ bản này:
    1. Khi có World Cup hay vòng đấu nào đó ở đâu đó, bạn là người xem từ xa và người xem tại sân bóng, thích uống bia và nước giải khát khác hay uống cà phê? Hãy lưu ý chỉ có nước ta mới uống cà phê đá nhiều, các nước khác đều uống nóng.
    2. World Cup thường xảy ra vào mùa hè, những ngày có nắng, trừ ở những nước gần Bắc hay Nam cực, nên uống cà phê để đá và xem đá bóng xem ra khá “mất vệ sinh”.
    3. Hãy nhìn lại các thước phim truyền hình khi tường thuật bóng đá có đội nhà đấu, dân Brazil chủ yếu bên quày bia hay rượu, đâu có trước bàn cà phê như mình.
    4. Nếu cà phê bán chạy trong các đợt lễ hội, nhà rang xay đã chuẩn bị trước đó cả 6-12 tháng. Như người in lịch, đã chuẩn bị lịch năm tới từ đầu năm nay rồi, nên lượng nguyên liệu mua vào đã đầy kho từ trước.
    5. Có chăng, nông dân và các nhà kinh doanh “mê” bóng đá, nên quên mua bán hay trễ xuất khẩu…Điều này sẽ làm biến động thị trường nếu có chỉ trong vài ngày.
    Tuy nhiên, bóng đá đẹp hiện nay mất dần, dân Brazil giảm hứng thú xem bóng đá nhiều vì nạn cá độ khắp nơi. Thời Pele và Zico đã qua, còn lại lớp cầu thủ như V. Ninh Bình, ai thèm xem bóng đá nữa để nhâm nhi cà phê? Dù cho đó chỉ là tưởng tượng của người đưa ra mối liên hệ kỳ quặc giữa World cup và giá cà phê này.

  8. Hoa Ly

    Hôm qua tôi xuống vườn thăm cà phê của nhà, thấy cà phê quả ít lắm chắc chắn năm nay lại mất mua nữa rồi

  9. truong huu dat

    các anh chị nói nghe rất là hay,nhưng mà mãi mãi nó chỉ là bàn luận của những nhóm người có tâm huyết,còn thực tế thì chúng ta sẽ chẳng bao giờ làm giá được.

  10. Ngô Tiến Phi

    Theo tôi khi xem xét sự kiện World Cup có ảnh hưởng gì tới giá cả cà phê hay không, ngoài những yếu tố mà tác giả đã nêu ở trên chúng ta nên xem xét phân tích sâu hơn về sự tác động của sự kiện này đến lượng Cầu về cà phê. Giá cả trên thị trường bị tác động bởi nhiều yếu tố, trong đó yếu tố lượng Cung-Cầu là yếu tố không thể bỏ qua. Nếu sự kiện World Cup có ảnh hưởng đến lượng Cầu cà phê thì nó có ảnh hưởng đến giá cả của mặt hàng này và ngược lại.

  11. Trương Anh Sơn

    Cảm ơn những chia sẻ của ban biên tập giacaphe.com. Mình không biết bình luận thế nào nhưng những gì mình tiếp thu được từ những bài viết này thật sự rất nhiều. Nên một lần nữa rất chân thành cảm ơn.

  12. trần trần hanh

    Xin chào mọi người trên diễn đàn! Và cảm ơn tác gia bài viết rất hay. Theo tôi thì người nông dân 1 nắng 2 sương vất vả nhưng thành quả lao động đem lại chăng được bao nhiêu. Chưa hết mùa thì cà đã chốt bán hết rồi, nào là nợ nần tái đầu tư, con cái học hành… Làm gì để thực hiện được phương án 1 của bài viết bây giờ? Chỉ có những hộ khá giả và nhà đầu cơ thôi phải không các a/c. Theo tôi thì nhà nước phải có chínb sách phù hợp để hỗ trợ nông dân chứ để mặc thị trường thao túng thế này thì người nông dân còn khổ mãi thôi.

  13. sen

    gia tài của em có mỗi 4 tấn cà phê.
    sáng nay em quyết định bán nốt. Hy vọng em quyết định đúng. em ko dám tham vọng

  14. bao bao

    Xin chào anh Phạm Vỹ , và các anh chị em . Tôi là một nông dân trẻ , hiệu biết về càfe của tôi còn ít , nhưng tôi thấy môt tình cảnh rất vô lý , một công ty làm ra một sản phẩm , họ bán ra họ đã tính và trừ hết tất cả các chi phí , lợi nhuận cho ra một cái giá để bán .
    Còn chúng ta là nông dân cũng làm ra một nông sản nhưng lại không được cái quyền lợi đó để bán ra cái thành quả của mình , các anh chị em nghĩ sao về vấn đề này ! tôi kiến thức nông cạn mong mọi người đừng cười, xin cám ơn !

  15. nguyen thi thuy hang

    Theo tôi lại nghĩ khác :
    Cách buôn bán của chúng ta rất manh mún, mạnh ai nấy làm, chưa tổ chức tốt. Nhiều đại lý lừa đảo và thường ép nông dân. Chưa nghiên cứu thị trường và dự báo sản lượng cà phê trong nước chưa chính xác nên chưa đưa ra phương án tốt. Nên muốn ra thị trường thế giới thì phải cũng cố nội lực trong nước, ta sản lương cao mà chất lương tốt phải bán giá cao.
    Còn về bóng đá thế giới thì liên quan tới cà phê là chắc rồi. Ở phương trời tây họ biết uống cà phê trước ta, cà phê của ta Pháp mang qua trồng từ năm một ngàn tám trăm hồi đó. Muốn thức tròn mắt chỉ uống trà và cà phê (khoa học đã chứng minh) mà trà không phổ biến bằng cà phê.
    Vậy muốn thức coi bóng đá thì uống cà phê. Lỡ tôi nói mà sai xin các bác góp ý giùm, tôi chân thành và xin cảm ơn !

  16. Kinh Vu

    Theo số liệu lưu trữ của Giacaphe.com thì năm 2002, năm diễn ra World Cup tại Hàn Quốc và Nhật thì mức giá cao nhất của thị trường New York trong năm là 70,5 cent/p và mức thấp nhất là 44 cent. Đây cũng là năm có mức giá thấp nhất trong lịch sử kể từ ngày tôi biết uống cà phê.

  17. đinh thị yến vân

    hnay giá cà phê tại tây nguyên gia lai tăng tôi đang phân vân ko biết có nên bán ko. giá hnay là 40,7. góp ý cho tôi với!

  18. long khanh

    Thị trường càphe năm nay trồi sụt không nhiều nhưng giá thấp hơn năm rồi nhiều. Hy vọng bà con mình đừng nôn nóng bán cà khi giá thấp, làm như vậy họ sẽ nắm tâm lí dân mình. Giá càng giảm càng nhiều hàng mua mình phải làm chủ được thị trường thì mới không bị thiệt

  19. Lê Xuan Mai

    Không cầm cự được nữa, Chiều nay tôi còn 900kg (cả gia tài) cũng phải bán mất rồi. World cup giá tăng cũng đành ngậm ngùi thôi.

  20. phu lam

    Tác giả nói sự liên quan giữa giá và sự kiện World cup mà chả thấy tác giả nói đến sự ảnh hưởng của World cup đến giá mà chỉ thấy nói đến yếu tố tác động đến giá mà thôi thế mà người đọc cứ bình luận ầm ầm thế mới lạ. Nói chung chả hiểu tác giả nói gì?

  21. Khải Trần

    Theo tôi không liên quan, chẳng qua quá khứ có năm trùng hợp, có năm WC giá giảm mạnh, giải thích nôm na cho có lý là cả thế giới giới uống cà phê do thức khuya uống cà phê để chống buồn ngủ, tiêu thụ nhiều dẫn đến giá tăng mạnh. Nhưng nên nhớ giá tăng hay giảm phụ thuộc vào nguồn quỹ nước ngoài làm giá.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

95