Doanh nghiệp ngoại sẽ “bức tử” doanh nghiệp nội?

Hiệp hội cà phê – ca cao Việt Nam (Vicofa) vừa có văn bản gửi các sở, ngành các tỉnh trồng cà phê kiến nghị xem xét xử lý việc các DN nước ngoài đang ráo riết tổ chức mạng lưới thu mua trực tiếp cà phê trái với quy định của Việt Nam.

Bài liên quan:

Nếu không, DN kinh doanh xuất khẩu cà phê “nội” sẽ lâm nguy, nhất là khi lãi suất và tỉ giá USD đang leo thang hiện nay…

doanh-nghiep-ca-phe
Các DN nội rất khó khăn trong thu mua càphê vì bị DN ngoại lấn sân trái luật.

G20 kêu cứu

G20 là câu lạc bộ DN xuất khẩu cà phê hàng đầu Việt Nam (chiếm 80% số lượng và giá trị xuất khẩu cà phê của cả nước). Mới đây, G20 đã có cuộc họp bức xúc về quyền hạn của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tham gia vào sản xuất chế biến, xuất khẩu và thu mua cà phê để xuất khẩu.

Theo ông Nguyễn Nam Hải – Chủ tịch HĐQT, Tổng GĐ Cty CP giám định cà phê và hàng hoá XK (cà phê control), hiện có khoảng 10 DN nước ngoài đang lập các đại lý thu mua trực tiếp của nông dân ở các địa bàn cà phê trọng điểm như Đắc Lắc, Đắc Nông, Lâm Đồng, Gia Lai. Các DN này tổ chức thu mua tới khoảng 60% lượng cà phê trong nước để dự trữ và tự chế biến, kiểm định và xuất khẩu.

Trước đây, các DN nước ngoài chủ yếu thu mua xuất khẩu thông qua các DN Việt Nam. Hình thức thu gom trực tiếp của các DN ngoại nêu trên mới xuất hiện trong năm nay.

Theo ông Đào Ngọc Lâm (Tổng GĐ Cty CP thương mại Hoa Đào – TPHCM, kinh doanh nông sản, cà phê… có chi nhánh tại Đắc Lắc), DN nước ngoài có thực lực vốn, lại có ưu thế về đồng USD bởi tỉ giá của Việt Nam vừa nâng thêm mức 9,3% và đặc biệt được vay lãi suất chỉ 5% so với 18-20% vay nội tệ của các DN Việt Nam; nên DN ngoại chắc chắn sẽ thắng các DN cà phê “nội” vốn đã vật vã vì thiếu nguồn vốn kinh doanh ổn định, lại thêm “toát mồ hôi” vì mức lãi suất lên mức “khủng” hiện nay.

Điều này đã hiển hiện ở vụ này khi giá cà phê Việt Nam đã đạt đỉnh cao nhất trong vòng 15 năm qua, nhưng bởi khó khăn vốn nên phần lớn các DN nội tại Đắc Lắc mới chỉ thu mua, xuất khẩu được khoảng 30 đến 35% kế hoạch niên vụ 2010-2011. Ngược lại, các DN ngoại đã thu mua được hàng trăm nghìn tấn cà phê. Tại tỉnh này, ở các kho ngoại quan có khoảng 260.000 tấn cà phê đều thuộc các Cty 100% vốn đầu tư nước ngoài. Các kho nội quan mà DN nước ngoài thuê cũng đang trữ khoảng 50.000 – 100.000 tấn.

Ông Đỗ Hà Nam (Chủ tịch G20) bức xúc cho rằng, việc các DN ngoại làm như trên không chỉ trái quy định, mà còn có thể dẫn tới “bức tử” các DN nội.

Trái quy định?

Trao đổi với PV, ông Lương Văn Tự (Chủ tịch Hiệp hội cà phê – ca cao Việt Nam – Vicofa) cho biết, trước bức xúc của G20, Vicofa đã làm việc với bộ, ngành chức năng.

Bằng văn bản, Bộ Công Thương khẳng định, theo Nghị định 23/2007/NĐ-CP và thông tư số 09/2007/TT-BTM – ngày 17.7.2007 và Quyết định số 10/2007/QĐ-BTM – ngày 21.5.2007 về lộ trình thực thi cam kết WTO thì quyền xuất khẩu của các DN nước ngoài không bao gồm quyền tổ chức mạng lưới mua gom hàng hoá tại Việt Nam để xuất khẩu. Tức là việc tổ chức mạng lưới thu gom cà phê trực tiếp của các DN nước ngoài hiện nay, là trái quy định. Việt Nam chỉ khuyến khích các DN nước ngoài đầu tư sâu vào việc chế biến, kỹ thuật phát triển cà phê sạch theo quy định GAP, 4C, cân bằng cà phê thân thiện với môi trường. Bởi hiện nay ngành cà phê Việt Nam mới chỉ có 4 DN chế biến cà phê hoà tan là Vinacà phê Biên Hoà, xí nghiệp cà phê Trung Nguyên, Cty Nestlé và Cty Olam với công suất khoảng 35.000 – 40.000 tấn tương đương 100.000 tấn cà phê nhân, chiếm khoảng 10% lượng cà phê!

Từ cơ sở này, ông Lương Văn Tự cho hay, Vicofa vừa kiến nghị tới các sở ngành chức năng của các tỉnh có cà phê đề nghị xem xét chấn chỉnh việc làm trái của các DN nước ngoài.

Nếu không thì không chỉ các DN nội thê thảm, mà nông dân trồng cà phê cũng khốn khổ. Bởi khi đã thao túng được thị trường cà phê Việt Nam, DN nước ngoài có thể câu kết với các nhà đầu cơ ở 2 sàn giao dịch cà phê lớn nhất thế giới chi phối lớn thị trường cà phê Việt Nam cũng như nhiều nước là London và New York để hạ giá xuống. Lúc đó, rất nhiều hậu quả sẽ xảy ra!” – ông Đào Ngọc Lâm nhận định.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. tay nguyen

    Bác Đào Ngọc Lâm nói đúng đó bà con ơi. Khi DNNN đã thao túng được thị trường Việt nam thì nguy to. Lúc mà doanh nghiệp Việt Nam đã chết ngợp thì lấy ai cứu lấy giá cà phê bị nước ngoài chi phối nữa.

    1. Tien trung

      Nếu có sự hỗ trợ phía nhà nước và sự đồng thuận cao của DNVN và người trồng cà phê thì vẫn không sợ DNNN thao túng. Tiếc là Vicofa chẳng nên cơm cháo gì!
      Thực ra cái hiệp hội nào cũng giống nhau, từ Vicofa cho đến Vinacas, RFA… chỉ nhăm nhăm chèn ép nông dân thôi.

      1. Pham Thai

        Hiệp hội là tập hợp các doanh nghiệp, thì đương nhiên nó phải bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp. Quyền lợi của các thành phần khác trong chuỗi sản xuất như nông dân thì mặc nhiên xếp sau.

      2. lê vjt

        Hiệp hội thủy sản, Hiệp hội Hồ tiêu, Hiệp hội Cao su có ép giá nông dân ah ???

        Có biết thì hẵng nói nha bạn

    2. Cà Phê Cóc

      Đó là điều ai cũng lo sợ ! kết thúc trận chiến thì phe nào thắng dân trồng cà phê cũng … là kẻ bị chèn ép giá nếu như độc quyền xảy ra , DNVN hay DNNN ai làm mà chẳng muốn lời nhiều=> dân chết ! cái quan trọng là chết ít hay chết nhiều thôi
      Nhà nước nên có chính sách cho vay ưu đãi các DNVN để cạnh tranh với DNNN , chỉ khi nào 2 bên còn cạnh tranh thì dân mới đỡ khổ !

    3. thaoson

      Mình không đồng ý với bạn, đã là thị trường tất phải theo quy luật cung cầu. Sở dĩ cách doanh nghiệp nội điêu đứng có thể do họ đã bán khống trên thị trường giao sau mà không mua rủi ro quyền chọn. Thương trường tính sai phải ráng chịu sao lại ép nông dân bán giá thấp? Để họ tự xóa sổ đó là điều tốt cho xã hội.
      Còn bạn nói các DN ngoại sẽ độc quyền! Luật pháp là do ta nên làm sao họ độc quyền được mà WTO cũng chẳng cho phép. Bạn chưa đồng ý phải không? Nếu họ chèn giá, có thể là tôi và các đồng niên hoặc hậu bối sẽ mua với giá cao hơn. Miễn sao người kinh doanh còn có lợi nhuận, tất họ sẽ làm. Cung cầu sẽ quyết định và nhà nông, người kinh doanh và nhà nước cùng hưởng lợi. Xin mượn lời của anh Lenhatminh :
      “Thương trường là chiến trường… Đã kinh doanh là phải sòng phẳng, DN ngoại hay DN nội đều phải có quyền lợi và nghĩa vụ như nhau. Tại sao cũng là cà phê Việt Nam chất lượng như nhau mà DN ngoại lại mua cao giá và DN nội lại mua thấp như vậy ? Chính sách tiền tệ tín dụng …v v, hay là có sự câu kết ép giá của các DN nội đối với cafe Việt bấy lâu nay? sợ các DN ngoại câu kết ép giá ư ? Vậy khi các DN ngoại không được tham gia vào thị trường nữa thì ai đảm bảo các DN nội không câu kết ép giá người trồng cafe . Sự tham gia của DN ngoại làm giá cafe tăng, người trồng cafe có chút lợi nhuận, và từ đó cho thấy sự vô lý của thị trường cafe Việt Nam bao năm qua. Thiết nghĩ nhà nước không nên cưng chiều mấy “đứa con” đã trưởng thành không lo làm, cứ lo ăn. Đến lúc khó khăn lại kêu la cầu cứu cha mẹ giúp đỡ. Đã là chiến trường thì nên chấp nhận sự khốc liệt. Cha ông ta từ xưa đã đánh đuổi biết bao giặc ngoại xâm, có lẽ nào bây giờ có chút giặc dốt và sự ích kỷ mà chúng ta lại đầu hàng sao? DN Việt Nam hãy ngẩng cao đầu lên như biết bao anh hùng dân tộc trong đấu tranh chống ngoại xâm… Vài lời mạo muội khó nghe, mong các bậc cao niên lượng thứ.”

  2. Hoang Dung

    Bên nào nói cũng có lý: DNNN ngoài mạnh về vốn, ưu đãi về lãi vay thì họ có quyền phát giá cao, nhưng họ là Cáo già đó các bác ạ.
    Thử tính giá London ngày 16/02/11 là 2.252 USD/Tấn tương đương 47.000 đ/kg-chi phí chế biến, xuất khẩu 2.000đ/kg= 45.000đ/kg, trong khi đó họ chỉ phát giá tối đa là 42.800 đ/kg, như vậy 2.200 đ/kg sẽ chui vao túi họ, ngày 16/02/11 đó các DNNN phát giá trên 45.000 đ/kg, nếu họ làm được thì bà con nông dân chúng ta hãy ủng hộ các con Cáo DNNN. Trong khi đó các DNVN tài chính yếu, lãi vay cao thì chi phí cao nên phát giá thấp, kéo theo DNNN phát giá thấp theo (nhưng vẫn cao hơn DNVN vì với giá đó họ vẫn có lời 2.200 đ/kg mà). Điều này chúng ta hãy kêu gọi chính phủ VN giảm lãi vay cho các DNVN trong việc thu mua cà phê khi đó các DNVN sẽ phát giá 45.000 đ/kg và DNNN cũng phải theo thôi. Lúc đó dân mới giàu, nước mới mạnh mới đúng nghĩa là WTO.

    1. Kinh tế thị trường

      To Hoang Dung: Mình cảm thấy cách dùng từ của bạn có định kiến, ai kinh doanh mà không vì mục tiêu “lợi nhuận”, ta; tàu hay tây cũng thế thôi. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân khách quan cũng như chủ quan mà họ muốn % lợi nhuận tối đa có thể. Bạn viện lý do tài chính yếu, đó chỉ là cách bào chữa thôi, nếu tất cả DNVN trong hiệp hội hợp lực thì tài chánh của DNVN liệu có yếu? Bạn nói họ ép giá để lời 2200đ/kg, vậy DNVN tại sao không mua giá cao hơn để họ lời 2000đ/kg chẳng hạn, thậm chí họ có thể lời ít hơn nữa nhưng họ mua được nhiều, vậy chẳng phải họ vẫn lời ư? Làm điều đó, họ được lợi, nông dân cũng được lợi và nguồn thuế cũng được lợi, vậy tại sao họ không làm mà kêu ca, phải chăng họ muốn ăn dày trên thân xác “một nắng hai sương của nông dân”? Hãy để cung cầu quyết định, không phải các biện pháp hành chính vì có thể làm méo mó thị trường và …

  3. trung dung

    Nếu DNVN không vỗ béo VICOFA cũng như các hệ thống ngân hàng tại VN và cấp cao hơn nữa thì giá cà phê ngày 16/02/11 lên được 45.000đ/kg còn trong mơ.

  4. Lê Minh Sơn

    Biết là vậy. Nhưng lấy gì để đảm bảo DNVN sẽ không chèn ép nông dân trồng cà phê, điều mà họ quen làm xưa nay khi sân chơi chỉ còn mình họ độc diễn. Kêu gọi người đi buôn tiết giảm lợi nhuận của mình là ảo tưởng.
    Nhìn lại 20 năm qua đời sống nông dân VN nói chung và người trồng cà phê thế nào, khi đó đã có DNNN chưa? Họ không phải là khối đoàn kết mà chỉ nhăm nhe tiêu diệt lẫn nhau hòng chiếm đoạt sân chơi. Giờ có DNNN mới sáng mắt ra !

  5. Hoài Bão

    Bà con ơi! Theo suy nghĩ của kẻ ít học chưa hiểu đời như tôi thì sắp tới sẽ diễn ra một cuộc chiến gay go và khốc liệt chưa từng có giữa DNNN và DNVN (cũng có thể cho là người VN) trên thị trường cafe. Cây cafe ko có tội, người nông dân lại rất có tội (là tội nghiệp ấy). Trước mắt thì người nông dân đang có lợi trong việc DNNN làm mưa làm gió với hạt cafe VN nhưng tôi vẫn băn khoăn ko biết liệu khi DNNN đã bành trướng nắm hết quyền điều phối thị trường này rồi thì đời sống người nông dân sẽ đi theo chiều hướng nào. Cái này nhờ những nhà quản lý phân tích vĩ mô chỉ giáo. Nhưng thị trường nào cũng cần có sự cạnh tranh mới phát triển bền vững được, độc quyền sẽ giết chết sản xuất. Vấn đề đặt ra lúc này không chỉ là DNVN đối mặt với DNNN, mà là cả quốc gia VN cần tìm kiếm một giải pháp đảm bảo dung hoà giữa quyền lợi của người nông dân, của DN trong nước nhưng vẫn không ảnh hưởng đến vai trò thành viên của WTO trong ứng xử với DNNN. Còn nếu đưa ra cấm này cấm nọ thì không phải đã đúng, và giả sử các thông tư đó đúng luật thì DNNN họ cũng có cách “lách” qua để đi một cách đàng hoàng.

  6. lenhatminh

    Thương trường là chiến trường… Đã kinh doanh là phải sòng phẳng, DN ngoại hay DN nội đều phải có quyền lợi và nghĩa vụ như nhau. Tại sao cũng là cà phê Việt Nam chất lượng như nhau mà DN ngoại lại mua cao giá và DN nội lại mua thấp như vậy ? Chính sách tiền tệ tín dụng …v v, hay là có sự câu kết ép giá của các DN nội đối với cafe Việt bấy lâu nay? sợ các DN ngoại câu kết ép giá ư ? Vậy khi các DN ngoại không được tham gia vào thị trường nữa thì ai đảm bảo các DN nội không câu kết ép giá người trồng cafe . Sự tham gia của DN ngoại làm giá cafe tăng, người trồng cafe có chút lợi nhuận, và từ đó cho thấy sự vô lý của thị trường cafe Việt Nam bao năm qua. Thiết nghĩ nhà nước không nên cưng chiều mấy “đứa con” đã trưởng thành không lo làm, cứ lo ăn. Đến lúc khó khăn lại kêu la cầu cứu cha mẹ giúp đỡ. Đã là chiến trường thì nên chấp nhận sự khốc liệt. Cha ông ta từ xưa đã đánh đuổi biết bao giặc ngoại xâm có lẽ nào bây giờ có chút giặc dốt và sự ích kỷ mà chúng ta lại đầu hàng sao? DN Việt Nam hãy ngẩng cao đầu lên như biết bao anh hùng dân tộc trong đấu tranh chống ngoại xâm… Vài lời mạo muội khó nghe, mong các bậc cao niên lượng thứ.

  7. givu

    Không đến nổi bi quan thế đâu các bác ơi ! còn độc quyền mới chết ! các bác còn nhớ cái thời độc quyền của bưu điện, giá điện thoại trên trời, cao nhất thế giới. Khi có 2 , 3 doanh nghiệp thì khác hẳn, họ không túm ăn 1 mình được nữa, không làm mưa làm gió được nữa, mà phải theo quy luật cạnh tranh. Các bác cứ thấy cái gì còn độc quyền là mình còn chết. Còn nhiều mặt hàng giá VN còn cao nhất thế giới đó các bác ạ, độc quyền mà. Tự do làm giá !

    1. hoang thang

      Cái từ DNNN ” bức tử” các doanh nghiệp trong nước, cái từ này nghe quen quen à nha. Cái não trạng của kinh tế độc quyền còn đó, đã vào WTO cũng đã lâu mà còn não trạng như vậy thì khi nào người dân mới khá lên được. Nhìn ra ngoài thì người ta nói đến nào là toàn cầu hóa rồi công ty đa quốc gia…. nhưng mình thì vẫn còn cố giữ cái bài ca độc quyền để hưởng lợi rồi ngụy biện là để giúp dân.

  8. Bien Ho

    Quý vị còn nhớ vụ mùa 2000-2001 , khi đó thị trường VN chỉ có những ông Lớn G20 , chả có ông DNNN nào thu mua trực tiếp, nhưng giá chỉ có 4,000vnd/kg cà phê xô để so sánh với giá vụ mùa này hiện nay là 42,500vnd/kg. Nói như thế để cho chúng ta thấy rõ lợi ích của 1 thị trường có cạnh tranh lành mạnh của nhiều thành phần.
    Buồn cười thay cho những ông Lớn G20 , không chịu làm ăn , chỉ quen việc ‘Dựa bắp cày ăn rơm”, tham ô đục khoét tài sản của nhà nước, phá sản đến nơi rồi … nên cố la làng để mong nhà nước ban hành những quy định làm hại cho người trồng cà phê mà thôi .

  9. Phu Hoang

    Các doanh nghiêp trong nước biết hơp tác và ăn vừa phải thôi thì lấy đâu mà chết,cứ ăn cho đãy vào chèn ép nông dân thì chết cũng đáng. Người dân nếu có vốn thì khi doanh nghiêp trong nước sụp đổ ta thành lâp hội Nông dân ,nhà nước hỗ trợ vốn để trữ lại thì mấy thằng nước ngoài cũng hết chèn ép được, Chỉ tôi cho mấy bác nông dân chưa tới mùa đã bán hết caphe non rồi thì hic hic..
    Tôi nói vậy đúng không ba con.

  10. quan tâm

    Theo tôi nghĩ 2 ông trùm cà phê thế giới là London và New York hiện tại đang nắm giữ giá cả thị trường, không chỉ năm nay mà các năm trước các doanh nghiệp VN cũng căn cứ giá này chứ có bao giờ mua cao hơn đâu? Vậy căn cứ lý do nào để khẳng định DNNN sau khi loại bỏ DN làm ăn yếu kém để ép nông dân hay đây chỉ là cố ý gây khó cho DNNN để tiếp tục làm khổ dân làm caphe chúng tôi mãi mãi chăng! DNNN làm ăn tốt đóng thuế đầy đủ theo quy định của chính phủ VN và lại làm lợi cho nông dân sao phải ngăn cản họ, những người sáng suốt lúc này phải ủng hộ họ để họ mua đúng giá hơn mới phải lẽ. Còn lấy thế sân nhà không theo đúng luật chơi cần nghiêm túc xem lại mình thì hơn

  11. Chính Trung GL

    Nhà báo viết “ráo riết tổ chức mạng lưới”… hay thật. Làm như họ mới bắt đầu thu mua mà ráo riết. Dân trồng cà phê ở DakLak, Lâm Đồng thấy họ mua mấy năm nay rồi mà có ai nói gì đâu. Dân thì chỉ biết ai mua cao hơn là bán thôi.
    Tại sao đến giờ phút này ở Tây nguyên vẫn còn nơi mua 41.7-41.8 mà có nơi lại mua 42.5. Chênh lệch 7-800đ/kg đối vói nông dân không phải là nhỏ. Sao mấy anh nhà báo không viết đi. Hay là viết cho nông dân chẳng có màu mè gì!

  12. luongtam

    Cũng may mà co doanh nghiệp ngoại người dân chúng tôi mới biết dược là từ lâu tới nay giá cà fê bị doanh nghiệp nội chèn ép quá mức chứ nói gì là họ lấn sân. Thị trường bây giờ là cạnh tranh lành mạnh mà vì thế doanh nghiệp nội cần phải xét lại và chèn ép ngừơi dân làm cà fê chúng tôi vừa thôi, cho chúng tôi còn có chút đỉnh với nếu không với giá cả vật giá thế này mà giá cà fê mà rẻ nữa thì không ai làm cà fê cho mà buôn đâu. Úi dà doanh nghiệp nội ăn no quá rồi còn la làng gì nữa.

    1. 2nhuong

      Sau” thông báo của Vicofa về việc làm trái pháp luật của các doanh nghiệp nước ngoài” và các bài viết hưởng ứng thông báo đó như bài viết trên đây thì có lẽ giá cà phê trong nước sẽ bị điều chỉnh xuống vì dù đúng sai thế nào thì các DNNN cũng sẽ nghe ngóng… Nếu như vậy, các DNVN hãy nhanh nhanh mang lễ tạ cái Hiệp hội Vicofa ấy đi! Nhớ hồi những năm 2000-2001 giá cà phê chỉ còn 4.000đồng /kg các DNVN có làm cho giá tăng lên được không? Tôi và bà con tự trả lời được.

  13. thành

    Thà mấy DN ngoại bức tử mấy DN thu mua và xuất khẩu cafe Việt Nam còn hơn là để mấy DN trong nước bức tử dân, mà dân thì bao gồm rất nhiều cộng đồng người ở các tỉnh tây nguyên .
    Nếu không có các DN nước ngoài vô có tính cạnh tranh cao hơn thì thiết nghĩ mấy bác DN trong nước sẽ chèn ép giá, có khi cafe nhân lại chỉ có 4.000 đồng/kg như ngày xưa thì ai mà muốn làm cafe nữa. Mới ba bốn năm nay người dân mới cảm thấy hứng thú với việc làm cafe hơn thì mấy DN trong nước lại có vẻ không hài lòng .
    Hay là họ không muốn giá cao để họ có thể cân được nhiều cafe của dân hơn để ăn hưởng cái giá chênh lệch cực khủng nếu không có sự can thiệp của các DN nước ngoài.

  14. CẠNH TRANH

    Doanh nghiệp ngoại sẽ thúc đẩy doanh nghiệp nội vươn lên để phát triển trong nền kinh tế thị trường lành mạnh và công bằng.
    Việc chính phủ ưu ái cho doanh nghiệp nội kéo dài sẽ làm cho doanh nghiệp nội giảm sức cạnh tranh và họ sẽ tự “bức tử” chính mình khi phải hội nhập chứ không phải ai khác!
    “Trước đây, các DN nước ngoài chủ yếu thu mua xuất khẩu thông qua các DN Việt Nam. Hình thức thu gom trực tiếp của các DN ngoại nêu trên mới xuất hiện trong năm nay”.
    Như vậy trước sau gì cà phê cũng đến DN nước ngoài, nhưng trước đây phải vòng vèo qua các DN trong nước, đồng nghĩa nông dân bán cà phê phải chịu thêm chi phí cho khâu trung gian này.
    Kết luận: các DN nội làm trung gian không còn cần thiết nữa, phải bị đào thải theo qui luật thị trường để cho nông dân được nhờ!
    Như vậy chỉ còn lại các DN nội thu mua, không bán lại cho họ mà là xuất khẩu trực tiếp.
    Các DN nội này phải tự thân vận động để vươn lên cùng cạnh tranh với họ bằng nhiều cách khác nhau như cùng nhau liên kết hoặc liên kết cùng họ từ đó sẽ xuất hiện một số DN nội có năng lực, bản lĩnh để tồn tại và vươn lên phát triển, còn các DN nội “cù chầy” phải bị loại bỏ để lành mạnh hóa thị trường.
    Việc tham gia của các DN nước ngoài vào các lĩnh vực, chính là ĐỘNG LỰC để các DN nội biết vươn lên để tồn tại là điều cần thiết. Chính phủ cần bảo đảm được hành lang pháp lý công bằng để các DN cạnh tranh bình đẳng sẽ có lợi cho nông dân và nền kinh tế.

  15. Ngọc Thạnh

    Tất cả chúng ta đều biết lợi ích của việc kinh doanh theo cơ chế thị trường, vì có cạnh tranh nên bà con nông dân năm nay được hưởng giá cao, chứ không như mọi năm bị chèn giá, ép giá, làm giá bởi 1 số ít doanh nghiệp độc quyền. Sân chơi kinh doanh nên bình đẳng, không nên lấy quyền lực để giành phần lợi cho mình.
    Hi vọng những ngành khác ở Vietnam như xăng dầu, điện lực, … cũng mở cửa và thị trường hóa như viễn thông vậy. Có như vậy người dân mới được lợi, chứ mình thấy ở 1 đất nước còn khá nghèo, mà các bác cán bộ các ngành, ngành nào cũng muốn bóc ruột người dân 1 chút, thế nên cứ tăng giá, và tăng giá, … chẳng biết bao giờ dân mình mới đỡ khổ nhỉ.
    Hi vọng một cuộc cải tổ cơ chế thôi.
    Ngọc Thanh

  16. đàm hưng

    Với giá xuất khẩu và giá mua như hiện nay là nhà xuất khẩu đã có lãi rồi còn kêu ca gì nữa? Tôi cảm thấy doanh nghiệp xuất khẩu cà phê trong nước chỉ biết lợi nhuận cho mình mà không nghĩ gì đến nông dân cả. Tại sao doanh nghiệp trong nước muốn ép giá mua cà phê trong nước xuống?
    Chẳng lẽ vì lãi suất ngân hàng doanh nghiệp vay để buôn bán mà bắt nông dân chịu hay sao?
    Đừng kêu ca nữa thị trường là vậy đấy.

  17. Hội làm vườn cà phê Gia Lai

    Nếu chúng ta vì lợi ích của nông dân trồng cà phê, vì lợi ích ngành cà phê Việt Nam, không để hạt cà phê VN bị ép giá trên thị trường Quốc tê, để tiếng tăm cà phê VN lan rộng khắp 5 châu thì phải trải thảm đỏ mời gọi các doanh nghiệp nước ngoài tham gia thu mua trực tiếp xuống tận người dân. Bao nhiêu năm qua người dân trồng cà phê đã chịu bao nhiêu áp lực: ép giá, quan liêu của các doanh nghiệp trong nước gây thiệt hại lớn cho những người trực tiếp làm ra quả cà phê. Chúng tôi đề nghị các ngành có chức năng điều chỉnh lại những văn bản chưa hợp lý vì lợi ích của người lao động, cũng là lợi ích Quốc gia và cũng là phù hợp với thị trường khi đất nước gia nhập WTO.

  18. Thanh Tâm

    Tôi thấy Bác nói rằng DNNN thao túng thị trường Việt Nam là khó có thể.
    Còn việc các DNVN chúng ta giờ còn đang mơ cái kiểu độc quyền thì tôi nghĩ DNVN nên bức tử.

  19. CAO NGUYEN

    Cũng may mà có doanh nghiệp ngoại người dân chúng tôi mới biết được là từ lâu tới nay giá cà fê bị doanh nghiệp nội chèn ép quá mức chứ nói gì là họ lấn sân. Thị trường bây giờ là cạnh tranh lành mạnh mà vì thế doanh nghiệp nội cần phải xét lại và chèn ép ngừơi dân làm cà fê chúng tôi vừa thôi, cho chúng tôi còn có chút đỉnh với. Nếu không với giá cả vật giá thế này mà giá cà fê mà rẻ nữa thì không ai làm cà fê cho mà buôn đâu. Úi dà doanh nghiệp nội ăn no quá rồi còn la làng gì nữa.
    Câu này đúng , cái ông ĐÀO NGỌC LÂM phát biểu không mang tính khách quan tý nào, mà chả có tính khoa học tý nào nữa chứ .

  20. Nguyen Viet Hoa

    Còn rất nhiều chi phí liên quan mà mình chưa thấy tính đến đó là: thuế, vận chuyển, bốc xếp, quản lý phí, xây dựng cơ bản,… Quy luật cạnh tranh rất khốc liệt, kẻ mạnh có thể dùng sức để chấp nhận lỗ bóp chết kẻ yếu rồi thao túng thị trường.
    Nền kinh tế thị trường nếu không có định hướng nhà nước thì hậu quả sau này chắc các bạn sẻ hiểu. Các bạn nghĩ nước ngoài tốt đến thế sao? đặc biệt là nhưng kẻ đến từ các nước tư bản đang luôn dùng sức mạnh đồng đôla để gây chống phá nhà nước ta. Xu hướng hội nhập là tất yếu, vì vậy chấp nhận cạnh tranh sòng phẳng là tất nhiên.
    Mình nghĩ không gì bền vững bằng chất lượng cà phê, điều đó càng tuyệt vời hơn khi số lượng đó ngày càng nhân rộng. Để có chất lượng và ổn định thay vì tranh mua tranh bán thì các doanh nghiệp nên đi sâu vào đầu tư sản xuất, liên kết với người dân hơn nữa, tạo sức mạnh từ chính địa bàn của mình. Người dân mong muốn giá cả ổn định, đặc biệt vẫn còn tình trạng bán cà phê non khá nhiều.
    Không gì hơn thì vai trò của DN là đầu tư dài hạn, đầu tư lâu dài với người dân để hạt cà phê không chỉ số lượng ổn định mà chất lượng cao. Để Tây Nguyên trở thành thủ phủ cà phê của thế giới, đem đến niềm tự hào cho dân tộc Việt, chứ không phải là mảnh đất màu mỡ để xâu xé, lúc nâng lên lúc hạ xuống.
    Có thể ý kiến mình còn hạn chế nhưng mình cũng mạnh dạn góp ý vì mình cũng là 1 người từ trồng đến thu mua, chế biến, bán, xuất khẩu cũng có trải qua…

    1. hoang thang

      Gởi ông nguyễn viết hòa
      Ông là thành viên VICOFAhay là một doanh nghiệp thu mua? Ông đang giảng bài kinh tế chính trị ? Người dân chúng tôi không hiểu cái được gọi là “kinh tế thị trường định hướng XHCN”đâu ông ơi! mà cái này hình như bây giờ không còn phù hợp nữa vì tôi không nghe các phương tiện thông tin nói nhiều nữa. Kinh tế và thị trường thôi ông ạ, nó là quy luật rồi không ai có thể can thiệp được. Tôi có cảm giác là hiện nay ở tầm vĩ mô nhà nước đang tác động vào một số ngành chủ chốt (điện, xăng dầu, than, tài chính…) nhưng thấy chưa ưu việt lắm. Nó đang thể hiện tính tình thế là nhiều chứ không áp đặt dẫn dắt, mang tính đối phó. Huống chỉ một ngành cafe cỏn con này. 2 năm nay hỗ trợ mua tạm trữ 200.000 tấn cafe mà có được gì đâu? Nhà nước mất tiền, nông dân không được hưởng, chỉ có cứu mấy ông DN làm ăn kém cỏi thoát chết mà thôi.

  21. Thuật

    Lâu nay cà phê Việt Nam ảnh hưởng như thế nào tới 2 sàn giao dịch London, NY? Cứ theo tỷ giá hiện nay, không trừ lùi thử hỏi giá cà thực tế sẽ là bao nhiêu? Làm gì trước tiên phải đặt lợi ích của bà con nông dân lên hàng đầu, những người phải đổ mồ hôi nước mắt để làm ra hạt cà phê. Nếu G20 làm được điều đó thì khỏi phải bàn.
    Mấy ông chủ các doanh nghiệp xuất khẩu ông nào cũng nhà lầu xe hơi, con đi học nước ngoài. Mà xét về quá khứ trước đây họ là ai? Chính nhờ những hạt cà phê của bà con nông dân vất vả làm ra họ mới có ngày hôm nay. Vì vậy theo tôi, nhà nước ta phải để ngưởi nông dân trồng cà phê được hưởng những gì họ xứng đáng được hưởng.

  22. Hoàng Vinh

    DNVN cứ ngồi một chổ mà kêu lỗ , mấy ông quản lý thì cứ ngồi mà (mô, tê, răng, rứa) Người nông dân lỗ cũng phải làm vì cuộc sống của họ gắn với mảnh đất đó mà thôi và trót đã trồng cây cà phê rồi. Năm nay trời gây hạn hán, sản lượng kém, giá có tăng một tý nhưng lạm phát giá dầu tăng, công tăng, mọi thứ tăng… sao không ai đề cập .
    Theo tôi quy luật thị thường cạnh tranh và đào thải không làm được thì nghỉ , mấy năm trước nhà nước có hỗ trợ giá, dân trồng cà phê cũng chẳng được hưởng 1 xu, tiền đó vào tay ai . Nên theo tôi có thêm càng nhiều thành phầm tham gia kinh doanh cà phê người trồng cà mới có lợi, mới kích thích được sản xuất, sản phẩm có chất lượng và dân mới giàu, nước mới mạnh.

  23. Gia cát Dự

    Nông dân xưa nay vốn là Cha là Mẹ nhưng cái quyền ấy đâu được các doanh nghiệp nội coi trọng, mà họ chỉ coi những người làm cà phê chúng ta như một công cụ để làm giàu cho họ. Giống như một con bò cho họ vắt sữa, nhưng họ đâu nghĩ tới cái khổ của chúng ta. Họ cho những điểm thu mua của họ tha hồ Chặt Chém dân lành “bức tử”những người là cha là mẹ của họ, thật đau lòng khi những hạt cà phê được đổ bằng mồ hôi công sức của nhưng người nông dân làm lụng cả năm đến ngày tết không nhanh chân bán sớm thì họ ép giá mất tới 2.000đ/kg thử hỏi có đau lòng không? Nay nhờ có doanh nghiệp ngoại mà bà con làm cà phê mới được bán cái giá mà thực tế mình được hưởng. Mọi người lo ngoại thao túng thị trường ư ? Tôi nghĩ thật khó lắm vì người bán hàng cho họ là ai? là chúng ta. Người mua hàng cho họ cũng là chúng ta, mạng lưới của họ cũng là chúng ta. Vậy thì hất cẳng bọn lúc nào mà chả được. DNVN làm sao mà chết được, chỉ có không còn ăn dày hơn trước được mà thôi.

  24. doqphu

    Mình nghĩ là hãy dẹp bỏ hẳn cái tư duy cũ thì tốt hơn. Nhờ đổi mới tư duy học cách làm ăn mới mà cuộc sống được đề huề như ngày nay, các bạn có nghĩ là học cách làm ăn của nước ngoài không?

  25. NGƯỜI NỘI HÃY DÙNG ĐỒ NỘI

    DNNN họ chẳng tử tế với người dân như ta nghĩ đâu. Trước kia khi họ chưa trực tiếp mua hàng từ người dân họ đã tìm mọi cách ép giá để mua hàng từ các DN trong nước, tôi xin đưa ra một số cách ép giá như sau:
    – Đầu vụ cà phê (khoảng từ tháng 10 hàng năm trở đi) khi dân ta đang thực hiện thu hoạch, lúc này lượng cung cà phê rất nhiều, DNNN đã ép các DN trong nước phải bán hàng trước và họ đã ép bằng cách giãn giá trừ lùi. Ví dụ cà phê bán đầu vụ giá trừ khoảng 160 USD đến 200 USD, tuy nhiên khi hết vụ thì giá trừ lùi co lại chỉ còn khoảng 90 USD, đôi lúc họ còn co giá trừ lùi lại còn khoảng 30 USD. Như vậy các DN xuất khẩu trong nước chưa cần đương nhiên là phải chịu lỗ cả 100 USD/tấn rồi. (Các DNNN họ yêu cầu các DNTN phải bán và giao hàng đều đặn ở tất cả các tháng – họ nói do yêu cầu của nhà rang say, nhưng thực chất không phải vậy, họ mua về và trữ trong kho. Vì hoạt động xuất khẩu của đất nước, các DNTN buộc phải bán hàng và phải tìm cách để vượt qua khó khăn – thực ra là chỉ có Giám đốc các DNTN mới phải chịu áp lực, họ đã phải chịu rất nhiều khi chịu lỗ những khoản tiền rất lớn nếu quyết định sai. Người dân thì chỉ biết giá lên một chút thì thích thôi, chứ chưa biết cách điều chỉnh giá để giá cả bình ổn.
    – Một ví dụ nữa về cách DNNN ép các DNTN: Trường hợp cà phê được mùa, tỷ lệ hạt to nhiều hơn hạt nhỏ, ít tỷ lệ hạt đen hơn khi đó các DNNN chỉ tập trung mua cà R2 5% đen vỡ, có khi chỉ muốn mua R2 -30% đen vỡ họ vẫn mua. Trong khi chất lượng thực tế mua hàng xô cũng chỉ tối đa 2% đen vỡ. Như vậy DNTN phải chịu lỗ, phải lấy R1 để giao cho R2; phải lấy cà chất lượng tốt giao chất lượng xấu. DNNN làm vậy thì DNTN cũng phải điều chỉnh áp dụng với người dân vậy thôi, DNNN không tốt đẹp như mọi người nghĩ đâu. Họ cứ kêu ca rằng cà phê VN chất lượng xấu nhưng thực tế họ còn mua cà phê xấu nhất của VN, đôi khi người dân VN cũng không dám uống loại cà phê đó nếu biết. Tỷ lệ cà đen vỡ phải hơn 50% mà người Mỹ vẫn mà.
    Mặt khác mà nói 2 năm nay bị khủng hoảng kinh tế, VN cũng bị ảnh hưởng là đương nhiên, những chích sách thay đổi liên tục ảnh hưởng rất nhiều đến các đơn vị xuất khẩu cà phê. Như chích sách về thay đổi lãi suất, chích sách về tỷ giá đã khiến cho các doanh nghiệp trong nước càng ngày càng khó khăn.
    Tôi cho rằng, người dân cần phải có niềm tin vào các doanh nghiệp trong nước. Dù như thế nào DNTN cũng người đã tiếp xúc, làm việc hiểu hơn người dân, biết được nhiều mánh khóe của DNNN hơn là người dân, họ không nhìn vào cái lợi trước mắt mà tương lai của ngành cà phê VN.Chính vì sự không tin tưởng và ủng hộ của người dân mà trong thời gian qua mà các DNTN gặp khó khăn rất nhiều.
    Tất nhiên các DNTN cũng phải cần phải có những chích sách phù hợp để chọn được hướng đi đúng nhất mang lại lợi ích cho người dân

    1. dân việt

      Tôi không hề ảo tưởng để cho rằng DNNN hoàn toàn tốt đẹp, nhưng tôi cũng không thật sự tin tưởng các DNVN. Bởi những gì đã diễn ra với người trồng cà mấy chục năm qua đã là minh chứng! Với lại cách làm ăn của chúng ta còn tồn tại tư duy cũ chỉ muốn độc quyền cho dễ, mồm luôn nói vì lợi ích nông dân, lợi ích đất nước nhưng thực tế có được như thế? Khi trách người ta thì hãy nghiêm túc nhìn lại mình. Các DNVN cần nâng cao năng lực về quản trị và nguồn vốn-bên cạnh sự quan tâm hổ trợ của nhà nước với các chính sách phù hợp giúp các DNVN nâng cao năng lực cạnh tranh. Giá cả hiện nay giữa DNNN và DNVN đang phản ảnh sự cạnh tranh,đó là thị trường . Những ai muốn không có cạnh tranh thì chính họ đang đe dọa lợi ích của nông dân ta vậy. Việc các DNNN có vi phạm pháp luật VN thì họ sẽ bị xử lí, còn môi trường làm ăn thì nhà nước cần tạo thuận lợi cho cả DN lẫn người dân, không vì lợi ích nhóm này lại bỏ quên nhóm nọ, mất công bằng làm cho người dân cảm thấy bị bỏ rơi và than: “thấp cổ bé họng” “kêu không thấu trời”…

    2. hoang thang

      Vậy nhà nước khuyến khích mở sàn rồi kêu gọi chúng tôi bán hàng qua sàn để làm gì hả ông? Chẳng phải rước tụi tây vào để chúng tôi mua bán với họ à? Khi nào nông dân chúng tôi bán hàng theo kênh ưu việt đó với tây thì mấy ông nghĩ gì đây? Mấy ông nhà nước chuyển nghề giúp mấy ông hả? Làm kinh tế mà dựa dẫm vào mệnh lệnh đề đắc lợi không phải là kế hay!

    3. Ngao văn Ngán

      -Chất lượng thực tế hàng xô cũng chỉ tối đa 2% đen vỡ. Cây kim trong bọc đến lúc lòi ra?
      -Chính sách thay đổi liên tục thể hiện sự linh hoạt của chính phủ để thoát khỏi khủng hoảng giờ bị DNTN lên án là gây khó khăn cho việc làm ăn của DNTN. Chính phủ nghe rõ chưa?
      -DNTN phải điều chỉnh theo DNNN chứ DNTN không xấu như bà con nghĩ, DNNN mới xấu. Trời ạ, trẻ con nhà ai nói lung tung vậy?
      -… không nói nổi nữa với lời tự thú quá tội nghiệp của DNTN !

  26. trần tiến

    Doanh nghiệp Viêt Nam thì thế thôi!
    Mua cà phê của dân thì trừ “zem”, trừ độ đủ thứ. Xong về trộn tạp chất cho đủ 5% đen vỡ – có khi trộn “quá liều” để đến nỗi bị phạt thì về lại hạ giá thu mua của dân! Ngoài ra còn được trừ lùi.
    Hể ngon thì ăn im re, hể có gì khó khăn thì kêu nhà nước! Lại được nhà nước xuất tiền thuế của dân để “hổ trợ DN thu mua cà phê” không tính lãi. Như những thiếu gia được nuông chiều, đến giờ giãy chết thì kêu rên thế này thế nọ.
    Các bạn hãy nghe ông Quách Đình Diệu, Tổng giám đốc điều hành CTCP Supe Phốt phát Lâm Thao kiến nghị nhà nước bỏ tiền ra cho ngành phân bón để hổ trợ về nguyên liệu v.v… mà hổ trợ cho DN chứ đâu có hạ giá cho dân đồng nào!
    Thế thử hỏi nhà nước xuất tiền ra hổ trợ để làm gì???
    Ngay như việc tạm trữ cà phê, nhà nước cho vay không lãi để DN tạm trữ tức là mua lúc rẻ, để đến lúc lên giá bán thì có khác nào đưa tiền cho con buôn trữ cà phê vậy!

  27. miipro

    Kông có cạnh tranh thì không có phát triển được, vì vậy việc DNNN tham gia vào việc thu mua cafe tại Việt Nam là một yếu tố tích cực, chúng ta không có gì phải quá lo lắng.

  28. Hoang Dung

    Ngay những thảo luận đầu tiên tôi đã nói rồi: DNNN cũng là những con cáo già thôi, tính theo giá thị trường London ngày 16/02/11 thì họ có giám mua trên mức 45.000đ/kg không? (bởi vì giá 45.000 đ/kg là mức hoà vốn). Thị trường khi nào cũng có cạnh tranh không riêng gì DNNN với DNVN, ngay cả 2 DNVN cũng cạnh tranh với nhau (dĩ nhiên càng nhiều DN lên thì mức cạnh tranh càng cao).

    Theo tôi thì DN nào dân ta cũng phải ủng hộ, không nên chỉ thích DNNN, xét về vĩ mô các DNVN còn tạo ra rất nhiều công ăn viêc làm, kích thích nền kinh tế, có nguồn thu ngoại tệ thông qua xuất khẩu….

    Mọi người đừng có suy nghĩ phiến diện 1 chiều nữa

  29. Anh Tien

    Tôi thấy các DNNN cũng cạnh tranh với nhau dữ dội lắm vì họ cũng theo cơ chế thị trường mà, nếu DNNN A mua ép dân = giá thấp, dân sẽ bán do DNNN B có giá mua cao hơn chứ lo gì hỡi VICOFA.

  30. givu

    Báo dùng chữ ” bức tử ” thì quá đáng quá ! mình yếu kém, nhu nhược, lệ thuộc, hèn yếu… thì người khác mới bức tử mình được chứ! Mình mạnh khỏe, thì ai mà bức mình được, phải không các bác ?

  31. tran dinh tho

    G20 bắt tay nhau chèn ép nông dân. lại được thông tư 09 BTM đỡ đầu, chính phủ hỗ trợ lãi xuất thu mua cafe đã lâu. Nay lại bị DN nước ngoài cạnh tranh , lại kêu gào nhà nước ra tay… Thật đúng là…

  32. NGT

    CÓ NHIỀU BẠN PHIẾN DIỆN QUÁ.

    Các bạn cứ nói rằng vì có DNNN mà cà phê mới lên giá được như vậy ? Các bạn nói vậy có hoàn toàn khách quan chưa? Các bạn hãy chịu khó xem lại đi. Giao dịch trên sàn London ở thời điểm đầu vụ phổ biến là 1.300USD/ tấn đến nay đã lên 2.228 USD/ tấn. Có phải vì DNNN vào mua trực tiếp nên giá mới tăng như vậy? hay vì giá tăng nên họ tăng cường thu mua để kiếm lời? Hơn nữa vừa qua nhà nước mới nâng tỷ giá thêm 9,3%. Như vậy từ đầu vụ đến nay giá tăng gần gấp đôi là đúng rồi.
    Riêng về so sánh lợi thế về tài chính, chỉ riêng về lãi vay thì DNNN dù có mua cao hơn 2.500 đ/kg thì vẫn lãi hơn DN trong nước (khoảng 3%/năm so với 20% /năm) . Còn bạn Hưng thì mới lạ chứ , lãi vay không tính thì bỏ vào đâu và đào đâu ra tiền để trả lãi.
    Xin nói thêm không chỉ có cà phê lên giá mà tất cả các mặt hàng đều lên giá vì vậy mong rằng các bạn có một cách nhìn khách quan và suy xét kỹ trước khi nêu ý kiến đừng chạy theo đám đông một cách thái quá.
    NTG

    1. dinhnhuong

      Gửi bạn NGT.
      Người dân không nói giá cao hiện nay chỉ do cạnh tranh giữa DNNN và DNTN. Thị trường thế giới lên, trong nước cũng lên theo.
      Nhưng sự chênh lệch giá cả giữa các DN này nói lên điều nông dân ưu tư, bạn hiểu chưa? Sau nhiều năm vất vả ai cũng hy vọng có ngày được hưởng cái đột biến về giá nhưng trong chúng tôi số người còn giữ cà không còn nhiều nữa và người nghèo nhiều hơn kẻ khá. Họ đồng lòng, đồng cảm hay chạy theo đám đông ?
      Nếu là người có chức phận gì đó, chúng tôi mong bạn hãy lắng nghe ý kiến người dân!

      1. NGT

        GỬI BẠN DINHNHUONG.

        Có lẽ bạn quá bức xúc vì hiểu lầm ý của tôi. Tôi không nói là mọi người sai khi vui mừng vì giá cà phê tăng. Tôi chỉ không đồng tình ở chổ đa số người cho rằng nhờ có DNNN nên giá cả mới tăng như vậy . Theo tôi biết thì DNNN đã mua trực tiếp nhiều năm rồi chứ không phải mới năm nay. Sở dỉ năm nay các ông thuộc VICOFA la làng vì năm nay cầu lớn hơn cung nên việc mua hàng rất khó khăn. Hơn nữa lãi vay ngân hàng năm nay rất cao và khó vay nên DN trong nước mất hẳn lợi thế cạnh tranh so với DNNN ( tôi đã phân tích điều nầy trên các phản hồi ở các mục khác trong trang nầy). Điều cốt yếu nhất là các DNVN đã bán khống rất nhiều ( Một dạng cá cược giá ) nên năm nay sẽ lổ rất nặng. Tôi không kêu gọi mọi người bán hàng cho DN trong nước vì nếu là tôi thì tôi cũng sẽ bán cho người mua giá cao hơn ( Trừ khi tôi đã ký H Đ bán rồi).Tôi chỉ mong mọi người có một cái nhìn khách quan hơn thôi. Thân ái chào bạn và mọi người.
        NTG

    2. Góc nhìn

      Gởi bạn NGT: Theo mình bạn đã đọc các bài viết và hiểu theo cách hiểu bạn muốn. Mình chỉ muốn nói dù là ai, màu da gì thì khi kinh doanh ai cũng muốn lợi nhuận (có thể có những giai đọan phải chịu lỗ). Giá cả là do cung cầu quyết định, giá cafe tăng là do cầu đang tăng (lý do cầu tăng thì vô số kể). Khoảng lợi nhuận có được là do sự chênh lệch giữa giá mua tại gốc và giá bán (trừ đi các chi phí có liên quan), nếu các DNNN không mua tại gốc mà mua vòng vòng qua các DNVN thì người buôn nào muốn chịu lỗ, như vậy chẳng chẳng là quay đầu ép nông dân ư? Khi qua càng ít cửa thì nông dân làm ra được lợi, không phải nuôi báo cô nhưng kẻ trung gian.
      Cung cầu quyết định và nếu không muốn bị diệt vong bạn đành phải thông minh hơn, nỗ lực hơn và … chứ không phải ép nông dân, không được thì kêu.

  33. Châu Ngọc Luân

    Cách đây 1 vài năm khi các doanh nghiệp chi phối toàn bộ các hoạt động mua bán, nắm giá các mặt hàng nông sản. Gía cả muốn lên hay xuống đều tùy vào các doanh nghiệp phát giá, vui thì lên buồn thì xuống, chẳng có trật tự hay khuôn phép nào quy định cả, những lúc đó người dân cú phải đưa mắt dõi theo bảng giá lên xuống từng giờ cứ như giá vàng cuối năm.
    Nông dân làm cà phê mua phân bón, thuê người làm, bỏ tiền đầu tư đều phải xem bảng giá được người khác quy định sẵn nhưng đến khi thu được thành phẩm rồi nào có được phát giá như các doanh nghiệp đó đâu. Hiệp hội cà phê lập ra nhìn quanh quẩn đều toàn các mặt mày râu thương lái, đố có ông nông dân nào điểm mặt .
    Mùa cà năm nay, đối tác nước ngoài phát giá cao gom hàng mua giá trị lớn, lúc ấy DN trong nước lại quay ra kêu nhà nông ủng hộ,hô hào “kiến nghị xem xét xử lý việc các DNNNi đang ráo riết tổ chức mạng lưới thu mua trực tiếp cà phê trái với quy định của Việt Nam.” thử hỏi ai đứng ra ngoài người nhà các doanh nghiệp ???
    DN NN vào Việt Nam thu mua hàng loạt vừa có cái hại vừa có cái lợi. Hại thì chưa nói trước được nhưng trước mắt người dân bớt đi gánh nặng giá cả ngày thu về thành phẩm. Vậy thử hỏi những lúc như vậy người nông dân đánh giá DNNN & DNTN như thế nào.???
    Biết vậy thì có khi nào các doanh nghiệp tự hỏi lại mình đối xử với người dân như vậy đã thỏa đáng ,hợp tình hợp lý chưa.?.Túi tiền của bản thân thì lúc nào cũng muốn đầy nhưng tiền ấy từ đâu.?từ giá cả ép được từ mồ hôi nước mắt của người dân mà ra cả.! Ai thấu cho ai có lẽ để các ông lớn doanh nghiệp tự trả lời vậy.
    Người xưa đã nói sống trên đời ngoài cái tài còn phải có cả cái tâm nữa, đừng trách người khác quay lưng với mình, mà hãy hỏi vì sao người ta lại làm vậy. Điều tiết giá cả thì cũng phải hợp lý với cán cân thu nhập của người dân lao động, có qua có lại thì lúc khó khăn mới có người đứng ra ủng hộ cho chứ đừng bao giờ đợi mình hoạn nạn chìa tay ra kêu cứu.!

    1. Vớ vẩn

      Cái Ông Châu Ngọc Luân chẳng biết gì cả. Tôi làm cà phê đã hơn 7 năm nay chưa khi nào tôi và các DNVN muốn lên thì lên, muốn xuống thì xuống cả. Tất cả đều phụ thuộc vào giá cà phê trên thị trường LIFFE, nếu giá thị trường tăng thì DNVN cũng tăng giá. Giảm thì cũng giảm giá. Ông không có căn cứ vào đâu mà nói bậy bạ.
      Mọi người nên hiểu rằng DNVN chỉ là những nhà thương mại, họ mua đi và bán lại. Họ cũng phải suy nghĩ đắn đo, quyết định giá mua giá bán, khi nào mua khi nào bán. Họ đau đầu hơn người dân rất nhiều, họ phải quyết định mua bán đến hàng ngàn tấn cà phê trong khi mỗi người dân chỉ có vài ba tấn, đừng để lợi ích trước mắt mà quên đi lợi ích bền vững, lâu dài.
      Tôi không phải không ủng hộ các DNNN, có các DNNN vào thì mới có sự cạnh tranh, mới có sự phát triển, người dân mới có thể hưởng lợi từ sự cạnh tranh này. Nhưng các bạn hay xem lại, không phải các DNNN mới vào VN, DNNN họ vào từ năm 2007; 2008 như Armajaro Việt Nam, Neumann, Olam… sau này thì có NEDCOFFE, NOBLE, LOUIS đều thành lập chi nhánh, đại lý mua hàng tại VN. Tại sao giá cà phê lên rồi xuống, giá cà phê đang từ 40.000đ/kg rồi xuống 23.000 đ/kg. Do các DNNN???
      Tôi không nghĩ vậy, hiện nay giá cà phê tăng một cách đột biến. Các bạn nghĩ tại sao giá cà phê lại tăng như vậy??? Nguyên tắc cơ bản vẫn dựa trên CUNG – CẦU của thị trường tuy nhiên nhận định của bản thân tôi không cho rằng như vậy. Với giá cà phê tăng như vậy, tôi cho rằng đây sẽ là nhát dao cuối cùng để giết các DNVN.
      Các DNVN chuyển biến quá chậm, cách điều hành quản lý quá cổ điển, lạc hậu. Tuy nhiên tôi nghĩ rằng cần phải ủng hộ các DNVN, vì có họ sẽ đối trọng lại, có sự cạnh tranh với các DNNN, như vậy mới tạo được lợi ích lâu dài cho người dân trồng cà phê.

  34. PC

    Cái ông Đào Ngọc Lâm nào đó đúng là một ông siêu lừa nông dân rồi các bác xem. Nếu nói DN ngoại cấu kết với các nhà đầu cơ trên 02 sàn để ép giá thì không thu mua trực tiếp họ vẩn làm điều ấy thì nông dân mình vẫn chết. Còn họ mua trực tiếp thì cà phê mình được giá cao bà con nhờ. Mấy anh DN nội mới là kẻ ép nông dân mình cho tơi tả. Không những ép giá mà còn dở nhiều chiêu lừa, chiếm đoạt của nông dân làm cho họ trắng tay. Thực tế những năm qua đã xãy ra khắp nơi ai cũng biết… Trong khi DN ngoại mua tiền liền. Nông dân mình hân hoan bán được giá. Còn họ KD thì nộp thuế đầy đủ cho đất nước mình. PC tôi không thấy mình thiệt nổi gì. Cái ông Lâm này khéo phỉnh con nít, hay lão nghĩ nông dân dốt nát, muốn nói hươu nói vượn gì cũng được!

  35. lenh ho xung

    Chúng ta hãy bình tĩnh xem xét lại:
    – Trước đây chưa có DNNN tham gia thu mua chế biến thì sao: Nông dân có lời nhiều từ những giọt mồ hôi của mình kết tinh thành hạt cà-phê hay không? có phải hoàn toàn do may rủi không? tất nhiên cũng cần nhìn nhận một cách khách quan là nông dân trồng cà-phê cũng có thu nhập khá hơn rất nhiều so với các cây trồng khác.
    DN trong nước thì sao? bao nhiêu doanh nghiệp bầm dập do biến động thị trường?
    Tại sao vậy:
    + Do thiếu vốn? tất nhiên, đó là vấn đề muôn thuở của cà-phê và tất cả các mặt hàng nguyên liệu xuất khẩu của Việt Nam.
    + Do cách làm, cách quản lý, trình độ dự đoán thị trường: có phải đây là một trong những khâu yếu nhất của DN trong nước không? cả Chính phủ còn mắc lỡm nữa là (!)
    – Khi có DNNN tham gia thị trường thì sao? cuộc chơi sẽ phải diễn ra sòng phẳng. Họ có nhiều vốn. OK, còn chúng ta có cả một vùng nguyên liệu của người Việt. Sao không bày ra một cách chơi mới cho sòng phẳng. Đương nhiên DNNN họ tham gia thị trường sẽ không bao giờ có chuyện họ sẽ thương yêu hay giúp đỡ người nông dân, mà chỉ là vì lợi nhuận của họ. Nhưng chính vì lợi nhuận của họ, họ sẽ phải đảm bảo để có hạt cà-phê thì họ mới kinh doanh được, tức là nông dân vẫn sống được, chứ họ bóp nghẹt người nông dân đi rồi chắc họ tự mình làm nông dân trồng cà-phê hay sao (?)
    – Vây tại sao chúng ta lại hò hét, kêu gọi không cho DN nước ngoài tham gia thị trường, và ai là người kêu to nhất? Nông dân ư ? không phải, vì họ sẽ là người có lợi nhiều nhất.
    Vậy thì ai đây:
    + DN trong nước thì đúng rồi, dính đến quyền lợi mà.
    + Vicofa: cũng đúng, vì hầu hết thành viên là các DN trong nước, tức là quyền lợi của họ.
    – Khi có DNNN tham gia thị trường chúng ta được và mất gì:
    + Họ bắt tay nhau làm giá để bóp ngẹt nông dân hả: nghe thấy hơi buồn cười nhỉ. Chúng ta cứ mang tư duy của chúng ta để áp đặt cho họ. Họ hoàn toàn hoạt động theo cơ chế thị trường chứ đâu có làm chính trị. Ngược lại, với tiềm lực tài chính của mình, họ sẽ song hành với nông dân để cùng khai thác thị trường 1,2 triệu tấn cà-phê chứ dại gì đi “bóp nghẹt” nó.
    + Chúng ta ai cũng biết, hiện nay cuộc chơi của thị trường cà-phê Việt Nam là giá tương lai (future). Từ nông dân đến các “chuyên gia” ai cũng dán mắt, nhỏng tai nghe ngóng xem giá LIFFE bao nhiêu rồi để rồi mua bán hạt cà-phê thật của mình với giá cả ở tận đâu (sau đó vài tháng theo dự đoán chẳng hạn) để rồi chết bầm dập cũng từ đó mà ra. Vậy khi có nước ngoài tham gia, chúng ta có thể chuyển hướng sang giá outright thì sẽ đỡ khổ hơn hay không?

    Một vài ý kiến lạm bàn, xin các bạn cho cao kiến hơn

    LHX

  36. van tung

    Các ông không làm cà phê mà ông nào nhà cao cửa rộng xe xin đi. Giá cà phê mới cạnh tranh một tý cho dân trả bớt nợ và dể thở một tý thì các ông la ó. Sao các ông không la giá phân tăng vùn vụt, đi mua dầu về tưới cà phê thì về không, nhìn vườn cà phê ứa nước mắt.

  37. Hoa Súng

    Thời đại “Thế giới phẳng” rồi mà các ông G20 gì đó vẫn còn tư tưởng và hành động bao cấp như thế thì thua ngay trên sân nhà là phải rồi.
    G20 to hơn hay vài chục triệu nông dân Tây Nguyên to hơn. Trước đây, DNNN mua cà phê qua các ông thì các ông cậy thế ép giá nông dân vì họ không bán được trực tiếp cho DNNN. Còn giờ họ giảm các khâu trung gian theo đúng luật chơi WTO để tối đa hóa lợi nhuận cho cho cả người mua và người bán thì lại kêu gào lên là nông dân phải bán cho tôi, rồi tôi mới bán cho DNNN, để ở giữa an nhàn kiếm lợi. Thay vì việc kêu gào, các ông G20 mà nhất là Intimex HCM, đơn vị thu mua cà phê giá thấp nhất trên thị trường hiện nay, nên xem xét lại bản thân mình, tìm cách làm mới để cạnh tranh. Tôi ủng hộ Hội nông dân có ý kiến gấp với Chính Phủ để bảo vệ quyền lợi chính đáng của đại bộ phận nông dân.

  38. suin

    Cho tôi hỏi Ô Đào Ngọc Lâm .
    VN ta có doanh nghiệp nào giao dịch trực tiếp ở hai sàn nói trên? DN nhỏ mua cafe của dân rồi bán lại cho DN lớn , DN lớn lại bán cho các DN nước ngoài. Như thế họ muốn ép giá thì họ đã ép chứ không phải đợi cho đến khi các doanh nghiệp nội bị bức tử rồi mới ép. Thứ hai ho mua giá cao bởi họ bớt đi một vài khâu trung gian để xuất khẩu trực tiếp, còn ta thi sao ?
    Vấn đề này các DNVN cần xem xét lại không những DN cafe mà còn rất nhiều DN khác .

Tin đã đăng

Tin mới nhất

86