Doanh nghiệp ngoại lũng đoạn cà phê Việt

Hơn một nửa cà phê Việt Nam đang được các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài… trực tiếp thu mua. Đó là thực trạng đáng lo ngại của ngành cà phê nước ta.

Để có vùng chuyên canh cà phê hơn nửa triệu hécta như ngày nay, Việt Nam đã phải đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng xây dựng hạ tầng giao thông, thủy lợi, nghiên cứu khoa học… Thế nhưng, vùng nguyên liệu đó lại đang được “mở cửa” để cho các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hưởng lợi.

Vườn cà phê Arabica trồng mới năm 2011 (Ảnh – Bolofarm)

“Nhảy dù” vào vùng nguyên liệu

Các DN FDI trên khắp các vùng chuyên canh cà phê ở Tây Nguyên đang ngày càng nhiều và thể hiện sự lớn mạnh, chi phối. Trong khi đó, nhiều DN trong nước đang lao đao, thậm chí phá sản, đóng cửa nhà xưởng hàng loạt do thiếu nguyên liệu chế biến, xuất khẩu. Theo thống kê của Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa), chỉ sau vài năm xuất hiện, các DN FDI đã chiếm lĩnh 50% tổng sản lượng cà phê của Việt Nam, tương đương 600.000 tấn mỗi năm.

Ông Lê Đức Thống- Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu cà phê 2/9 Đăk Lăk phân tích: “DN Việt Nam thua trên sân nhà chủ yếu do lãi suất cao gấp 4-5 lần so với lãi suất mà DN nước ngoài được vay”. Theo ông Thống, thực tế hiện các DN nước ngoài đã tổ chức mạng lưới gom cà phê trực tiếp là vi phạm Nghị định 23 năm 2007 của Chính phủ, nhưng các cơ quan chức năng không xử lý được.

Còn nhớ, vào thập niên 80, 90 của thế kỷ trước, nhiều DN trồng cà phê (nông trường quốc doanh) đã được Bộ NNPTNT và các tỉnh Tây Nguyên thành lập trên nhiều vùng đất hoang thuộc khu vực Tây Nguyên. Họ không chỉ trồng cà phê mà còn đầu tư vốn xây dựng công trình giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, ở những “thị trấn nông trường”.

Vậy mà giờ đây, các DN Việt Nam đang phải chật vật cạnh tranh với DN nước ngoài để thu mua cà phê ngay trên vùng nguyên liệu do mình đầu tư. Dù trực tiếp hay gián tiếp, đây cũng là tổn thất đối với nhà nước và các DN Việt Nam.

Chủ tịch Vicofa – ông Lương Văn Tự nhận xét: “Về nguyên tắc, các DN nước ngoài không bỏ vốn đầu tư mà vẫn được thu mua, hưởng lợi trên vùng nguyên liệu là không hợp lý. Thực chất, chúng ta đang làm cho người khác hưởng”.

Theo đánh giá của một số chuyên gia kinh tế, các DN nước ngoài đang trục lợi hàng chục nghìn tỷ đồng từ các vùng nguyên liệu cà phê xuất khẩu do ngân sách nhà nước và các DN Việt Nam đầu tư làm nên.

Chỉ lo “vét” nguyên liệu

Theo Bộ NNPTNT, nếu chương trình tái canh trên 135.000ha cà phê không đem lại hiệu quả, sản lượng cà phê của Việt Nam sẽ giảm sút trên 30% trong vài năm tới. Để làm được điều này, không chỉ cần số vốn đầu hơn 10.000 tỷ đồng mà phải giải quyết nhiều vấn đề về kỹ thuật, quy trình tái canh vốn không phải dễ dàng.

Mặc dù đóng vai trò quan trọng trong việc tiêu thụ hàng hóa, nhưng các DN chế biến, xuất khẩu cà phê nước ta sẽ không thể tồn tại, phát triển nếu không có vùng nguyên liệu ổn định, có chất lượng cao. Hiện các DN thành viên thuộc Vicofa đã quyết định thành lập Quỹ Bảo hiểm ngành hàng cà phê, trong đó dự kiến dành tới 50-70% cho chương trình tái canh cà phê.

Nhưng có một nghịch lý là, trong khi Bộ NNPTNT, Tổng Công ty Cà phê Việt Nam, Vicofa tập trung cho chương trình tái canh cà phê thì các DN FDI vẫn đứng ngoài cuộc, họ chỉ đi thu mua nguyên liệu rồi bán xuất khẩu, không quan tâm đến việc hình thành vùng nguyên liệu ổn định, lâu dài.

Ông Đỗ Văn Nam – Cục trưởng Cục Chế biến, Thương mại nông, lâm sản và thủy sản (Bộ NNPTNT), cho rằng: “Các tập đoàn nước ngoài mở các chi nhánh và ký hợp đồng với các đơn vị xuất khẩu của chúng ta, các đơn vị này sẽ có các “chân rết” để gom hàng cho họ. Điều này rất có lợi cho người dân và các doanh nghiệp trong nước, vì hàng hóa không phải qua nhiều khâu trung gian. Tuy nhiên, nếu DN, tập đoàn nước ngoài trực tiếp nhảy vào vùng nguyên liệu, tranh mua, tranh bán với DN trong nước là không được, cần có sự giám sát để xử lý kịp thời”.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Chính Trung GL

    Không DNNN trục lợi thì DNTN, nông dân chẳng được tích sự gì. Có chăng là bị ép giá thu mua, chỉ biết kêu trời mà trời thì cao quá!

  2. lê cẩn

    Lại điệp khúc DNNN đang thao túng. Thực tế cho thấy số Ngân sách NN đầu tư vào các Nông trường quốc doanh chỉ làm béo bở cho các quan tham. Khoảng 30%diện tích cà phê là của các nông trường quốc daonh giao cho các hộ giao khoán để các vị trục lợi còn thực tế thì nhà nước chỉ bù lỗ cho các Nông trường này. Người dân với mức nhận khoán cao ngất ngưởng có người làm cả năm mà vẫn bị nợ sản phẩm của NT. Còn 70% là của người dân tự phát đầu tư trồng trọt > Nói doanh nghiệp ta thua ngay trên sân nhà thật đáng xấu hổ với cách quản lý như các vị bây giờ không lỗ mới là lạ, ăn xổi, muốn hưởng lợi nhanh làm cho các vị mau phá sản. Có doanh nghiệp thu mua cà phê nào đã đầu tư cho người nông dân ở vùng nguyên liệu chưa ? Thời buổi kinh tế thị trường mà các vị chỉ muốn độc quyền, đặc lợi, ép nông dân cho đến bã. Nói đâu xa mấy ngày nay không biết có phải DNNN nhảy vào không mà các đại lý thu mua cao hơn giá phát 200 đ/kg.

  3. nongdan

    Nông dân bán sản phẩm cho ai cũng vậy thôi, khi nào thiệt thòi cũng ở phía nông dân, còn nói chuyện nhà nước bỏ vốn ra đầu tư thì nhà nước hàng ngày thu mọi thứ thuế má đó thôi, thu tô, thu canh… 10% chi phí xã hội là vào thuế cả, không ít đâu, một người dân tiêu xài 3 tr 1 tháng tức là đã đóng vào thuế 300.000 đ rồi!

  4. hoang thang

    “bài ca không bao giờ quên” mỗi khi quyền lợi bị kẻ khác lấy mất. Những gì độc quyền thì không bao giờ có công bằng, ngay cả những ngành quan trọng như điện, xăng dầu cũng vậỵ. Lợi ích nhóm luôn chi phối luật pháp ở bất cứ xã hội nào cho nên cũng chã có lạ với những ý kiến những kêu gào của G20. Nhưng chỉ lạ là G20 không bằng thực lực mình để tự vươn lên mà khi nào cũng oai oái cái gọi là công bằng khômg biết là “công bằng” cho họ hay là quyền lợi của họ. Thôi thì
    nướng dân đen trên lửa hung tàn
    vùi con đỏ xuống hầm tai họa.

  5. Nông Cà

    Chính phủ VN đang thuyết phục các quốc gia trên thế giới công nhận VN là một nước có nền kinh tế thị trường.
    Kinh tế thị trường phải chấp nhận cạnh tranh!
    Nông dân ai mua cao thì bán cho người đó, không thể khác quy luật được!
    Muốn vay lãi suất thấp như DN nước ngoài thì xin chính phủ cho vay USD, chính phủ chịu trách nhiệm khoản này!
    Vicofa và DN trong nước đầu tư trồng cà phê ở chỗ nào thì đi chỗ ấy mà mua, còn nông dân chúng tôi chẳng thấy ai đầu tư thay cho chúng tôi cả, nên không có quyền bắt chúng tôi phải bán cho DN này hoặc DN khác!
    Kinh tế TT trong dân chủ XHCN không chấp nhận ĐỘC QUYỀN – CỬA QUYỀN….

  6. caphe

    Cái vấn đề này tôi xin góp ý như sau : theo tôi biết thì doanh nghiệp nước ngoài họ đâu cần vốn nhiều, bao nhiêu hàng vào kho thì họ thế chấp cho ngân hàng nước ngoài ứng tiền cho họ khoảng 70% số lượng tiền hàng còn lại họ chỉ tốn khoảng 30 %, trong khi đó DNTN thì ko thể tiếp cận ngân hàng nội thế thì có vốn đâu mà thu mua. Còn ai hưởng lợi thì do người nông dân cả nếu họ cảm thấy giá nào bàn được thì bán ai trả cao hơn thì bán. Nhưng tôi cũng nói điều này các DNTN nên nhìn lại chính mình, dừng để người Việt quay lưng với chính mình. Người Việt bán cho người Việt. Đừng để lúc nào đó khi nhìn lại mình lại tự trách mình sao lại để DNNN thao túng thị trường .

  7. Kêu ai

    Lại điệp khúc “chơi thua về mách mẹ” nữa rồi!
    Vấn đề muốn được giải quyết là vấn đề tài chính của cả nước. Báo chí nói nhiều đến lãi suất cao thì nhiều rồi nhưng không giải quyết được. Nếu giảm lãi xuất thì lạm phát, siết chặt tín dụng thì DN trong nước không phải chỉ ngành cafe mà nhiều ngành khác sẽ bị các DNNN thâu tóm hoặc tranh mua như trong ngành café. Nói thật thì bao nhiêu năm nay người dân trồng café tự mình giải quyết hết mọi gian nan vất vả, kể cả việc vốn liếng, nếu có vay vốn được từ ngân hàng thì cũng khó khăn. Không biết Vicofa có phương pháp tổ chức thế nào để tiền tái canh café đến được với nông dân. Hay là chỉ giúp cho một nhóm lợi ích nào đó. Nông dân thì chỉ biết ai mua cao giá thì bán thôi. Chớ trước đây khi chưa có DNNN thì DN trong nước tha hồ mà làm giá. May sao có anh Thịnh còi cho ra cái trang Y5Café mà dân tình còn biết mà lần để có quyết định chứ không nông dân còn thê thảm nữa. Cái trang Vicofa có làm được cái đơn giản như Thịnh còi làm không mà nói chuyện lớn lao. Tôi chả tin nổi…
    Cám ơn Thịnh còi nhiều lắm lắm

  8. trần quốc toản

    Ông nào nói thì tôi nghe được, chứ cái ông 2…3/9..10 gì đó thì tôi ko nghe được. Các vệ tinh của ổng đi bán hủ tiếu hết rồi. Ổng mua rẻ bán đắt, mà đang lỗ bao nhiêu? Còn thua trên sân nhà thì hãy xem lại từ cầu thủ đến ban huấn luyện, đến ông bầu và cả cổ động viên chuyên nghiệp nữa.

  9. Cafe đăksong

    Đã đến lúc Vicofa và các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê nên nhìn thẳng vào sự thật để nhìn nhận, đánh giá vấn đề 1 cách khách quan : “đâu là điểm mạnh, điểm yếu của ta” chứ đừng ngồi đó mà ôn nghèo kể khổ. Trước những diễn biến của thị trường, để cùng tồn tại và phát triển doanh nghiệp phải tự biến hóa để kịp thích nghi với điều kiện sống mới. Cả thế giới đã bước vào thế kỉ 21, lịch sử đã sang trang, đất nước mở cửa và hội nhập WTO tự do buôn bán “thương trường là chiến trường”, diều này các ông thừa biết. Hãy mau mau tỉnh giấc, bây giờ là 2012 chứ không phải là thập niên 80 -90.
    Mong Y5 chuyển ý kiến của chúng tôi tới ông Lương Văn Tự : “Hỏi các ông đã bỏ vốn đầu tư cho những ai? ở đâu? cụ thể là bao nhiêu vốn? vào tháng năm nào?” Tôi thấy các ông đang đi ngược dòng lịch sử, làm hại nông dân trồng cà phê thì đúng hơn!
    Và cũng đến lúc ông Lương Văn Tự nên nghỉ hưu được rồi đó !

    1. nam

      Ép người nông dân tới khi nào nữa các bác DNTN. Bây giờ các DNNN họ có nhiều vốn họ mua được giá hơn thì các bác lại nói nhãm nữa sao. Tôi cũng là một người con của vùng đất Tây nguyên nhưng chưa thấy các bác đầu tư vào cho nông dân ngay chổ nào cả chỉ toàn thấy các bác nói thôi. Là người dân Việt Nam ai không muốn cho bà con dân tộc mình làm ăn ngày một tốt hơn, ai không biết buôn bán với các doanh nghiệp nước ngoài là làm lợi cho họ. Nhưng có cách nào hơn chứ người dân không làm thế thì sao có thể tự nuôi sống bản thân và gia đình mình được. vì thế mong các bác đẩy mạnh giá cà phê lên có như thế các bác mới có thể hạn chế kiềm hãm được phần nào sự xâm nhập của các DNNN vào thị trường cà phê của nước ta hiện nay.

  10. HUYNH Y

    Tôi ko có kiến thức để thảo luận bài viết nầy, khi đọc thảo luận tôi như được trút bầu tâm sự.
    Vậy tôi xin thay mặt cho nhũng người nông dân như tôi cảm ơn tất cả các thảo luận trên

  11. Sáu Ka

    DN ngoại thâu tóm vùng nguyên liệu, rồi một ngày nào đó họ sẽ quay ra bắt chẹt người nông dân. Còn để doanh nghiệp trong nước thâu tóm, thì người nông dân bị bắt chẹt ngay từ bây giờ.
    Rút cuộc cũng chỉ có nông dân chịu.

    1. Sáu Ka

      Bổ sung :
      Nếu để cho DN ngoại thu mua, nông dân được thêm vài giá thì gọi là thiếu chiến lược, thiếu tầm nhìn…
      Còn nếu để DN nội thu mua, nông dân mất vài giá thì gọi là độc quyền, cửa quyền…
      Khó nghĩ quá !

  12. Trần Phong

    Không biết những lời bình luận trên có đúng thực là của nông dân không. Nó rất hay, rất phù hợp, rất đúng với bản chất của sự việc. Nếu là của nông dân thật thì đúng là nông dân ngày càng hội nhập với nền kinh tế thế giới. Một lớp nông dân @ đã ra đời. Thật đáng mừng.

  13. Minh caphe

    Từ khi lập nghiệp đến nay, từ hai bàn tay trắng tới lúc mỗi năm thu được trên dưới 20 tấn cà phê nhân tôi không hề nhận được một đồng nào từ nhà nước kể cả ngân hàng . Hàng xóm của tôi cũng vậy. Cho nên khi đọc bài báo này tôi không thể không mỉm cười mỉa mai về các phá biểu của các quan chức. Tôi xin bày tỏ vài suy nghĩ của mình như sau :

    -Theo Bộ NNPTNT, nếu chương trình tái canh trên 135.000ha cà phê không đem lại hiệu quả, sản lượng cà phê của Việt Nam sẽ giảm sút trên 30% trong vài năm tới. Để làm được điều này, không chỉ cần số vốn đầu hơn 10.000 tỷ đồng mà phải giải quyết nhiều vấn đề về kỹ thuật, quy trình tái canh vốn không phải dễ dàng.
    Góp ý: Người nông dân VN rất chịu khó và năng động. Khi bắt đầu mở cửa ai cũng gần như chết đói thế mà giờ đây họ đã tạo ra nguồn tài nguyên cà phê trù phú. Hiện giờ họ đang cần ba vấn đề :
    + Kỹ thuật chăm sóc cà phê: phát hiện bệnh,sâu hại và các loại thuốc đặc trị.
    + Quy trình trồng và chăm sóc cà phê giống mới.
    + Giống cà mới đúng chuẩn.
    Bộ chỉ cần chuyển giao kỹ thuật lên thông tin đại chúng và đưa giống mới đạt chuẩn về với nông dân thì chắc chắn vùng nguyên liệu được cải thiện không phải là 135 000 ha mà còn hơn thế nữa. Vốn nông dân tự xoay sở được đâu cần đến 10 000 tỷ đồng.

    Việc nhỏ thiết thực Bộ không làm, đòi làm việc lớn nhưng không có tiền. Cuối cùng Bộ mãi mãi chẳng làm gì cả chỉ biết phát biểu chiến lược không bao giờ thực hiện .
    Chủ tịch Vicofa – ông Lương Văn Tự nhận xét: “Về nguyên tắc, các DN nước ngoài không bỏ vốn đầu tư mà vẫn được thu mua, hưởng lợi trên vùng nguyên liệu là không hợp lý. Thực chất, chúng ta đang làm cho người khác hưởng”.
    Góp ý: Thế nếu không có DNNN thì Ông Tự và các DNTN sẽ làm gì? Lại mua rẻ và bán cà thô cho DNNN sao? Vấn đề của Ông và các DNTN không phải là tranh chấp mua nguyên liệu mà là tìm cách chế biến sản phẩm mới và chiếm lĩnh thị trường thế giới. Nếu sản phẩm tốt và thị trường lớn biết đâu Ông và các DNTN lại đi ra nước của họ để mua thêm cà phê thì sao. Điều đó rất khó xảy ra bởi vì tầm nhìn của Vicofa như hiện nay là quá thấp và non nớt.

  14. Cà rô

    Lại bài ca quen thuộc của mấy ông DN nhà nước khi gặp khó khăn. Cứ cho là các ông đầu tư nhiều ngàn tỷ vào các vùng cà fê đi, thì tiền đó của ai, có phải tiền túi của các ông không, hay là tiền thuế của dân trong đó có tiền thuế của người trồng cà fê? Các ông DNTN ỷ lại vào nhà nước quen rồi, động đến khó khăn là kêo gào. Bao nhiêu năm các ông một mình một chợ mua ép của dân giá rẻ xuất ra nước ngoài giá cao, các ông ấm rồi. Nay Việt nam vào WTO rồi các ông đừng ngồi trong phòng lạnh mà mơ con tưởng bở nữa nhé. Hãy động não đi, nông dân chúng tôi nay khác rồi ai mua cao giá thì chúng tôi bán cho đúng với công sức chúng tôi bỏ ra. Nếu các ông không trụ được thì hãy giải tán đi.

  15. Thành Trung

    DN trong nước thì đã làm được gì cho nông dân chưa mà dám nói là DN nước ngoài trục lợi. Tôi thấy mấy ông DN trong nước muốn đuổi cổ người ta ra để mình độc chiếm thị trường rồi ép giá nông dân thôi. Đã gia nhập thị trường thì phải có cạnh tranh là chuyện bình thường. Mấy ông cạnh tranh không nổi thì lại kêu nhà nước cấm thì sự cạnh tranh trên thị trường sẽ bị phá vỡ chỉ làm tổn thất cho nền kinh tế cho xã hội vì những DN nội địa yếu kém làm ăn không hiệu quả vẫn tồn tại.

  16. Nông dân cà phê

    Nếu không có DNNN thì giá cà phê bây giờ chắc khoảng 35.000đ/kg thôi. Phải có cạnh tranh thì giớ mới cao được. Đúng là DNNN có lợi thế hơn về vốn, lãi suất, nhưng họ đem lợi thế này để phục vụ nông dân Việt Nam thì có lợi cho dân chứ sao mà phải kêu ca làm gì. Cứ vay trong nước lãi suất cao rồi lại đổ lên đầu nông dân sao? Nói là nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng rồi DNNN vào hưởng lợi là vô lý, chẳng thấy nhà nước đầu tư gì hết, mà thuế thì cứ thu ầm ầm rồi đấy thôi. Bác Tự ạ, bác phải nghĩ cho người nông dân nữa chứ.

  17. Nhiêu Mạnh Đạt

    Mấy ông Vicofa ăn no giờ ngồi kể khổ thôi ! Chẳng biết khi nào lời bình luận của chùng ta được may bác ở TW nghe đươc các bác nhỉ.

  18. Tư Cà Nam Đà

    Bà con chúng ta thấy vào những năm 80, 90 khi nhà nước (các nông trường quốc doanh) đầu tư cơ sở hạ tầng thì chỉ có các nhà thầu, cán bộ nông trường nhất là ban lãnh đạo hưởng lợi nhiều nhất ai ai cũng giàu sụ ở nhà lầu, đi xe hơi loại xịn, chỉ có bà con công nhân chúng ta là người cực khổ hưởng lợi từ những con đường mùa nắng bụi mịt mù, mưa thì bùn lầy lội; trạm y tế, trường học lụp xụp, dột nát; hạt cà phê làm ra chẵng có mấy người mua.
    Từ khi có doanh nghiệp FDI nhảy vào cạnh tranh thu mua thì giá cà phê mới đi vào ổn định điều này chúng ta thấy rõ.
    Việc thành lập quỹ bảo hiểm ngành cà phê, dự kiến dành 50-70% cho chương trình tái canh cây cà phê thì bà con ta được hưởng lợi những gì, chỉ có các nông trường, công ty TNHH 1 thành viên do nhà nước nắm cổ phần chi phối là người hưởng lợi thôi.
    Thời buổi kinh tế thị trường các quan chức nhà ta cứ muốn nói gì thì nói cũng không thể sửa được luật hay thông lệ quốc tế được. Bà con ta cứ an tâm sản xuất cà phê trong tay mình ai mua giá cao hơn thì ta bán không kể DN ngoại hay DN nội. Chúc bà con ta bán cà với giá hợp lý nhất!

Tin đã đăng

Tin mới nhất

72