Tin buồn

Sẽ có hợp tác xã cà phê đầu tiên tại Việt Nam

Việt Nam có thế mạnh về cây cà phê, tuy nhiên, giá trị mà cây cà phê mang lại cho bà con nông dân lại không cao. Nguyên nhân là do việc sản xuất còn nhỏ lẻ, chưa có sự liên kết và áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại.

Để khắc phục những hạn chế trên, tại hội thảo “Nghiên cứu cơ sở khoa học thành lập hợp tác xã và Hiệp hội người sản xuất cà phê Việt Nam” diễn ra ngày 28/12 tại Hà Nội, các chuyên gia đều thống nhất là cần thiết phải thành lập một hợp tác xã cà phê.

Hội thảo “Nghiên cứu cơ sở khoa học thành lập hợp tác xã và Hiệp hội người sản xuất cà phê Việt Nam”
Hội thảo “Nghiên cứu cơ sở khoa học thành lập hợp tác xã và Hiệp hội người sản xuất cà phê Việt Nam”

99% cà phê xuất khẩu chưa rang xay

Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới, tuy nhiên, giá trị cà phê mang lại cho người nông dân và xuất khẩu lại không cao. Một trong những nguyên nhân theo Ths. Trần Thị Quỳnh Chi, Chủ trì đề tài HTX cà phê là do chất lượng cà phê của Việt Nam chưa có đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Cà phê xuất khẩu nhưng vẫn phối trộn để tăng lượng và giảm giá thành, không phải hàng chất lượng cao để tạo hương vị. Hầu hết cà phê xuất khẩu dưới dạng nhân thô, không qua chế biến, 99% cà phê chưa rang xay.

Theo báo cáo được trình bày tại hội thảo, nguyên nhân khiến cho cà phê mặc dù là ngành hàng có tính chất thương mại hóa cao nhưng chất lượng lại thấy là do quy mô sản xuất quá nhỏ lẻ với trên 85% số hộ trồng cà phê có diện tích dưới 2 ha.

Điều này hạn chế khả năng mở rộng sản xuất, giảm hiệu quả đầu tư và áp dụng khoa học công nghệ đồng bộ,…dẫn đến chất lượng cà phê Việt Nam không đồng đều.

Trong khi đó, phương pháp chế biến lạc hậu, mang tính thủ công. Trên 90% cà phê được chế biến bằng phương pháp khô và bán ướt.

Quá trình sơ chế phân tán, trên 80% sản lượng chế biến tại các hộ nhỏ lẻ, trong đó 50% hộ thiếu sân phơi và 80% hộ không có máy sấy, phải phụ thuộc vào thời tiết. Số lượng máy sấy chủ yếu là sản xuất trong nước nên công nghệ không cao, còn máy nhập khẩu thì số lượng rất ít do giá thành cao.

So với yêu về chất lượng xuất khẩu thì năng lực sơ chế này chỉ đạt 20%, khâu tinh chế đạt 40%, công nghệ sấy chất lượng cao chỉ đạt 20%.

Người nông dân trồng cà phê gần như không thể cải tiến sản xuất vì thiếu vốn và tiếp cận nguồn vốn vay quá khó khăn. Các ngân hàng thương mại không muốn cho nông dân vay vì rủi ro cao và cần có đại diện ở gần khu vực sản xuất. Vay các nguồn vốn từ bên ngoài thì mức lãi suất lại quá cao.

Trong khi đó, mặc dù khuyến khích trồng nhưng đến nay không có một hình thức bảo hiểm nào cho cây cà phê và chất lượng dịch vụ khuyên nông rất thấp.

Tuy nhiên, nghịch lý ở chỗ trong khi các hộ nông dân sản xuất thủ công, thì nhiều nhà máy có công suất chế biến lớn, thiết bị hiện đại lại không được sử dụng hết công suất do thiếu nguyên liệu.

Sự hạn chế về chất lượng đã khiến cho cà phê Việt Nam không tạo dựng được thương hiệu, từ đó dẫn đến không phân biệt được giá.

Một trong những yếu tố khiến cho giá trị cà phê thấp được bà Chi chỉ ra là do cà phê VN bị các nhà đầu cơ quốc tế thao túng do chưa thiết lập được hệ thống chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu chuyên nghiệp.

Hiện nay có quá nhiều đầu mối xuất khẩu cà phê cạnh tranh lẫn nhau, vô hình chung đã tự làm giảm giá cà phê Việt Nam trên chính sân nhà, chứ chưa nói đến xuất khẩu.

Mặt khác, Việt Nam chưa biết tận dụng và khai thác các thị trường cà phê truyền thống như EU, Mỹ,…và các thị trường mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Nhật,…

Liên quan: Việt Nam xuất khẩu cà phê chủ yếu dưới dạng thô

Doanh nghiệp sẽ hỗ trợ HTX thời gian đầu

Từ thực tế đó, Ths. Trần Thị Quỳnh Chi cho rằng, muốn phát triển cây cà phê có chất lượng cao, cạnh tranh được trên thị trường thế giới, cần phải đưa các hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ vào một HTX có quy mô lớn, công nghệ sản xuất hiện đại và tìm được đầu ra cho sản phẩm.

Theo đó, các HTX sẽ cung cấp cho xã viên các dịch vụ như: dịch vụ gia công, chế biến, kho tàng, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, cung ứng hàng tiêu dùng, cung cấp tín dụng lãi suất thấp và dịch vụ bảo hiểm mùa màng cũng như lương hưu cho các xã viên.

Cái lợi lớn nhất khi tham gia HTX này của bà con nông dân, là tránh được sự ép giá của các thương lái và lái buôn. “Mỗi hộ sản xuất nếu bán với số lượng nhỏ sẽ rất dễ bị ép giá, nhưng khi vào HTX, số lượng bán ra sẽ rất lớn, vì vậy việc đàm phán giá sẽ dễ dàng hơn. Đồng thời, việc xây dựng thương hiệu cũng như kiểm soát chất lượng sẽ tốt hơn”, bà Chi nhấn mạnh.

Tuy nhiên, bà Chi thừa nhận, việc thu hút bà con vào HTX là rất khó khăn vì nhiều HTX hiện nay của VN hoạt động không hiệu quả, không mang lại giá trị gia tăng cho xã viên. Vì vậy, họ rất nghi ngờ tính hiệu quả cũng như khả năng cung ứng dịch vụ của các HTX này.

Ông Nguyễn Văn Nghiêm, trưởng phòng HTX, Vụ kinh tế HTX, Bộ NN&PTNT cũng thừa nhận: “Cái khó của việc thành lập HTX hiện nay là làm thế nào để các xã viên cùng nhau phối hợp sản xuất. Hạn chế của nông dân Việt Nam nói riêng và người VN nói chung là rất ngại làm ăn chung với nhau, tức là không có thói quen làm việc nhóm”.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, khó khăn nhất hiện nay trong hoạt động của HTX vẫn là vấn đề thiếu vốn và nguồn nhân lực có chất lượng cao.

Theo bà Chi, để hỗ trợ hoạt động của các HTX, giai đoạn đầu Nhà nước cần chú trọng các chính sách như: chính sách đào tạo, bồi dưỡng và tạo điều kiện làm việc cho cán bộ trẻ, năng động, được đào tạo, chính sách giao đất lâm trường, chính sách hỗ trợ vốn cho HTX và xã viên,…

Mặt khác, để tăng nội lực cho HTX, trong giai đoạn khoảng 3 năm đầu, HTX sẽ liên kết với các DN để được hỗ trợ về vốn và công nghệ. Tuy nhiên, các DN này phải là DN xã hội. Sau một thời gian, khi HTX có thể tự đứng vững thì sẽ tách ra khỏi sự giúp đỡ của DN.

Đánh giá về hình thức này, theo ông Lương Văn Tự, đại diện Bộ Thương Mại (nay là Bộ Công Thương) cho rằng, việc liên kết HTX với DN này là một mô hình sáng tạo, vừa giải quyết được khó khăn của HTX về vốn và dịch vụ, nhưng đồng thời cũng giải quyết được khó khăn cho DN về mặt thiếu nguyên liệu đầu vào.

“Người nông dân hiện nay khác với ngày xưa là họ có thông tin về thị trường, do vậy việc liên kết với DN này hoàn toàn khó có thể xảy ra hiện tượng DN đội lốt HTX nhằm chuộc lợi, trong khi người nông dân lại không hề được hưởng chút quyền lợi nào”, ông Tự nhấn mạnh.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Xuân Thái

    Mong rằng HTX sớm ra đời và mang lại hiệu quả cao cho người trồng caphê. Chứ như bây giờ thì bấp bênh quá.

  2. phạm đình hùng

    co thể chúng ta dang đi theo vết xe đổ của những năm 1986 nếu việc thành lập hợp tác xã không mang lợi ích thật sự cho người nông dân. nêu như thành lập hợp tác xã trước tiên chung ta phải nâng cao ý thức của nông dân cho họ, lam cho họ hiểu những giá tri khi ra nhập vào hợp tác xã. mà phương thức hoặt động phải do dàng. vấn dề quan trọng ở đây là vôn ở đâu, cần có một quy trình cụ thể

  3. y wơn niê

    Mình cũng đang lo như anh Phạm Đình Hùng vì trước đây chúng ta cũng đã có những mô hình hợp tác xã nhưng hiệu quả không cao đến mức phải giải thể hợp tác xã. Ngoài ra việc bảo đảm an toàn sản lượng cà phê của nông dân gửi vào HTX với lại nông dân Việt Nam ta hay nhẹ dạ cả tin người khác và việc quản lí bán cà phê một cách nhỏ giọt của người nông dân cũng không phải là chuyện dễ dàng gì trong khi HTX quản lí quá nhiều hộ dân như vậy. Tuy nhiên dù sao đi nữa cà phê việt nam nói chung cũng cần có hướng đi đúng đắn để giá trị thực sự của cà phê việt nam đến được với người nông dân. Chúc cho HTX nhanh chóng thành lập và hoạt động thực sự như là một người bạn tin cậy nhất của người nông dân.

  4. le van tung

    Nghe nhắc đến hợp tác xã sợ lắm. Theo tôi chất lượng cà phê có kết quả tốt, người trồng cà phê mong sao an ninh vào mùa cà phê bảo đảm, mà chuyện đó thì nằm trong tầm tay của nhà nước pháp quyền.

  5. Nguyễn Vịnh

    Theo tôi được biết, từ khi HTX giải thể cho đến nay chưa có một công trình lý luận cấp nhà nước nào chỉ ra được một cách cụ thể nguyên nhân thất bại của HTX trước đây cả. Vì thế xây dựng HTX kiểu mới không biết phải bắt đầu từ đâu và có những bài học nào cần phát huy cũng như cần tránh né.
    Rất mong lần này các nhà khoa học phải lắng nghe ý kiến của người trồng cà phê để đi đúng hướng. Phải đặt lợi ích của xã viên, của nông dân làm sự sống còn của nền kinh tế nông nghiệp.
    Cũng vì cuộc sống của hơn 70% dân số nước ta hiện nay là ở nông thôn nên không chỉ có HTX của người trồng cà phê mà thôi đâu!

  6. thúy

    nhà con cũng tham gia hội cà phê sạch,nghe thấy giống giống như HTX bên trên.nghe nói khi tham gia sẽ phải thực hiện đúng theo các quy trình làm cà phê sạch như phun thuốc sâu đúng loại, phân bón, cà phê phải thật chín mới được hái, phơi khô và xay cũng phải thật sạch.Thỉnh thoảng cũng có những người ở trên (nghe nói ở Hà Nội) và có người ở nước ngoài về thăm rẫy nhà con, chỉ cho bà con các quy trình trên. Khi làm như vậy sẽ được hưởng mức giá cao hơn giá thị trường. Nghe như vậy bà con rất mừng. Tuy nhiên, thu hoạch cà phê xong rồi, vẫn chưa có động tĩnh gì từ những người ở trên đó cả, mà trong vụ thu hoạch phải cần tiền để trang trải trong vụ thu hoạch. Vì vậy phải bán ít cà phê nhân để trang trải.Hằng ngày, con vẫn cùng gia đình theo dõi giá cả trên internet. Giá cao thì rất mừng, nhưng cho tới bây giờ nhiều người trong hội cá phê sạch vẫn rất hoang mang lo lắng, chờ tới khi nào nữa đây? Những ưu đãi khi tham gia hội khi nào mới thấy đây???

  7. thanhhoan

    Mong rằng HTX sẽ sớm đi vào hoạt động để bà con nông dân chúng ta được nhờ và cũng là để tăng nội lực cho ngành cafe VN có thể vươn xa hơn nữa về mọi mặt.

  8. Hồng Đường

    tôi rất mong muốn nhanh chóng thành lập hợp tác xã .nhưng tôi thấy rằng: có nhiều yếu tố đẻ dẫn đến cà phê việt nam kém chất lượng.
    thứ nhất là do khi đến mùa thu hoạch thiếu công nhân thu hái nên bà con lo lắng .và nghĩ rằng :sợ để cà phê chín đều mới thu hoạch thì sẽ không có người hái đành phải hái xanh dể khỏi bị trộm cắp nữa.
    tôi rất mong muốn cứ đến mùa thu hoạch uỷ ban nhân dân tỉnh dăk lăk chỉ đạo cho các uỷ ban nhân dân của từng xã làm sao liên kết dược với quân đội nhân dân hỗ trợ bà con trong vụ thu hoạch.tất nhiên tiền công thu hái thì dân phải trả theo giá thị trường.

  9. Lê Văn Dần

    Tôi là một nhà sản xuất cà phê hàng năm thu hoạch từ 12- 16tấn nhân/ năm nhưng để chủ động tiêu thụ sản phẩm của minh sản xuất ra là vô cùng khó khăn. Nếu có hợp tác xã thi tôi nghĩ sẽ giúp nông dân giảm được sức ép từ các nhà buôn tư thương ép giá. Tôi là một cán bộ nghỉ hưu rất có uy tín với nhân dân nơi tôi cư trú. Tôi sẽ làm đầu môí và vận động các hộ dân vào HTX rất mong các cấp các ngành quan tâm giúp đỡ. Tôi xin chân thành cảm ơn. Địa chỉ liên hệ Ông Lê Sỹ Giáp Số nhà 1/18 thôn Xuân Hoà xã Đức Minh huyện Dăk Mil, tỉnh Đăk Nông. ĐT 05013742745. Xã Đức Minh là vựa cà phê của tỉnh Đăk Nông

  10. Minh Trí

    Tôi là người trồng cà phê. Tôi rất mong thành lập hợp tác xã sớm. Và tôi cũng đồng ý kiến với ý kiến của bạn hồng đường trên, và tôi cũng muốn làm thế nào để liên kết được với Quân Đội trong mùa vụ thu hoạch cà phê hang năm. Để bà con chúng tôi an tâm trong việc thu hái. Theo tôi nghĩ đây là yếu tố quan trọng để bà con thu hái cà phê chín, không hái xanh.

  11. Sơndilinh

    Bà con nông dân trồng cà phê ở 4 xã, thị trấn : Tân châu, Đinh Lạc, Đinh Trang Hòa, Di Linh thuộc huyện Di Linh, tỉnh Lâm Dồng đã thành lập HTX Cà phê Lâm Viên vào ngày 18/9/2010.
    Qui mô ban đầu gồm 232 xã viên với gần 500 ha, sản lượng trung bình hàng năm 1500 tấn cà phê nhân. Mục đích của HTX cũng giống như nội dung trong bài viết trên :
    – Hướng dẫn bà con canh tác đúng kỹ thuật, tiến đến thực hiện các chứng nhận UTZ.4C…
    – Hỗ trợ cung cấp vật tư nông nghiệp và chi phí canh tác.
    – Mua lại cà phê và tìm đầu ra tốt nhất cho bà con; toàn bộ lợi nhuận chia lại hết cho bà con sau khi trích lập các quỹ.
    – Về lâu dài, tìm kiếm các khách hàng có những yêu cầu về chất lượng cao và sản xuất theo đơn đặt hàng nhằm gia tăng giá trị sản phẩm cho bà con.
    Bước đầu còn rất nhiều gian nan, HTX Lâm Viên thiết tha mong mỏi sự chỉ giáo, giúp đỡ hỗ trợ của các vị tiền bối và bà con nông dân khắp nơi. Xin đa tạ.

    1. Dambri

      Vậy thì hoan hô Lâm Viên đi trước thời đại !
      Sao không thành lập cty cổ phần nhỉ?
      Luật DN có rồi, cứ thế mà làm.

  12. Minh Vũ

    HTX cũng là một doanh nghiệp, do đó HTX cũng phải tham gia trong cơ chế thị trường cạnh tranh. Nhưng tại sao HTX của chúng ta không phát triển được thì theo mình cái chính vẫn là yếu tố con người. Cứ để mấy bác nông dân không được đào tạo vào làm chủ nhiệm, rồi lại đến cái chuyện đại hội xã viên gặp mấy bác nông dân kiêm thầy cãi nữa thì HTX cũng dễ ra đi sớm.
    Vì thế vẫn phải có ban chủ nhiệm HTX nhạy bén, đủ tầm thì mới chèo lái con thuyền HTX tồn tại và đưa hương vị cà phê Việt Nam bay xa được.

  13. Nông Văn Dân

    HTX cà phê có giống như HTX nông nghiệp trước đây không các bác, hình thức hoạt động như thế nào ? Nông dân vào HTX phải có những yêu cầu gì ? Có lợi nhuận gì ? … Chứ nếu HTX mà giống như các Cty cà phê như bây giờ, phải nộp rất nhiều khoản bất hợp lý như quản lý phí, lãi suất ngân hàng vay vốn mua sắm trang thiết bị, xây dựng nhà làm việc, xe ô tô cho quan đi lại…, thì quá cha lợi nhuận chẳng bằng chi phí nuôi báo cô các ông Ban quản trị HTX ( ông cai ). Thế thì than ôi !!! lợi đâu chẳng thấy mà phải sứt môi.
    Theo Văn Dân tôi chỉ cần chính quyền các địa phương bảo vệ tốt an ninh mùa thu hái để bà con yên tâm không thu hái cà phê xanh, tăng chất lượng cà phê xuất khẩu là bước đầu đem lại lợi ích cho người nông dân rồi . Chứ nghe nói đến HTX là sợ rồi đó lắm ban bệ, rồi đẻ lắm quan, mà nuôi dân thì dễ nuôi quan tốn kém lắm.

  14. lequythe

    Nhà em cũng có trồng cà phê, nhưng ít thôi. Hồi đầu năm ở chổ huyện em cũng có hiệp hội cafe sạch rồi cũng có những hội thảo … cũng rất nhiều người tham gia. Họ nói đủ thứ chuyện, nhưng giờ thu hoạch xong thì chả thấy họ đâu!!! Nhà em ở huyện Krongnang

  15. nongdan

    nói thì như vậy nhưng làm được hay không là cả một vấn đề to đùng đùng đấy các bác quan lớn ạ… với tình hình trộm cắp tăng nhanh như vậy, mới vào đầu vụ mà không hái nhanh là bị trộm ngay => đợi tới khi cafê chín đạt 90% chắc trộm hái sạch rồi… đó mới là vấn đề cần giải quyết sớm đấy các bác

  16. hoàng phụng

    HTX và HHcaphe-cacao là hai tổ chức khác nhau,có liên quan gì mà các bác hãi thế.HTX là tổ chức của người nông dân do chính họ tổ chức từ sản xuất đến kinh doanh là làm cho chính họ.Có điều ở ta hay có thói quen áp đặt và can dự của các cấp CQ nên bà con sợ nó trở thành cái của nợ như thời xa xưa ấy!

Tin đã đăng

Tin mới nhất

81