Tìm hiểu phương thức mua bán cà phê hiện đại

Lâu nay, các doanh nghiệp VN chỉ bán cà phê từ “cổng chợ”, nay với phương thức mua bán qua sàn giao dịch, chúng ta đang đột phá vào chợ cà phê quốc tế

6giờ 30 ngày 2-12, “Buôn Ma Thuột cà phê Festival” chưa khai mạc, nhưng tại “trung tâm” mua bán cà phê qua sàn giao dịch được nối mạng trực tuyến với thị trường quốc tế London, do Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương VN (Techcombank) tổ chức, đã đông người.

Đa số họ là các doanh nghiệp (DN) kinh doanh cà phê đến xem hoặc trực tiếp tham gia, tiếp cận với cách thức mua bán hiện đại của thế giới.

MUA BÁN… 30 GIÂY

Không chờ lâu, 16 giờ 40 phút, trên màn hình đã chạy chi chít những con số thông báo giá đặt mua và bán cà phê từ sàn giao dịch LIFFE, London. Giám đốc các DN cà phê liên tục bấm điện thoại để liên lạc với các đối tác và nhà môi giới. Sau một hồi theo dõi, đại diện Công ty TNHH Anh Minh, điện thoại cho nhân viên môi giới của Techcombank, đặt lệnh bán 5 tấn cà phê nhân (1 lot) với giá 1.088 USD/tấn.

Ngay lập tức, nhân viên môi giới nhận lệnh và bấm điện thoại liên lạc trực tiếp với ban tổ chức của LIFFE, chỉ sau 30 giây, lệnh bán của Anh Minh được đẩy lên sàn giao dịch để chờ thông tin khớp lệnh từ nhà môi giới thông báo. Chỉ trong thời gian ngắn, nhiều lệnh mua, bán cà phê của các DN cũng đã được đẩy lên sàn.

ĐỘT PHÁ VÀO CHỢ CÀ PHÊ QUỐC TẾ

Lâu nay, hầu hết doanh nghiệp xuất khẩu cà phê Việt Nam hằng ngày nhận thông tin qua mạng Reuters, sau đó tính toán quy ra tiền Việt Nam và chốt giá.

Tiến sĩ Chu Thanh Quang, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng với phương thức kinh doanh đơn điệu này, các doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ bán cà phê ngoài “cổng chợ” cà phê quốc tế chứ chưa vào được trong chợ.

Công ty Đầu tư Xuất nhập khẩu Đắk Lắk (Inexim Daklak) là DN đầu tiên tham gia giao dịch mua bán cà phê trên thị trường kỳ hạn, để đột phá vào chợ cà phê quốc tế, một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ với các DN VN.

Tổng Giám đốc Inexim Daklak, ông Vân Thành Huy cho biết, sau gần một năm tham gia, Inexim Daklak đã đặt lệnh mua và bán hơn 8.000 lot (1 lot = 5 tấn).

Qua đó, công ty đã nắm được giá cả và quy luật lên xuống của cà phê, linh hoạt đặt giá nên hạn chế được nhiều rủi ro khi giá cà phê biến động mạnh, đồng thời chủ động được nguồn hàng trong trường hợp khan hiếm.

“Việc theo dõi này rất hiệu quả nhờ tiếp cận nhanh với giá thị trường bên ngoài, DN và người trồng cà phê đều có lợi. Khi giá lên như giá hiện nay, nếu DN thấy có lời, họ quyết định bán hoặc thấy giá thấp thì họ mua vào. Nếu DN đưa ra quyết định mua bán đúng thời điểm, có lời, thì nông dân cũng được hưởng lợi nhờ DN thu mua cà phê giá cao” ông Huy nói.

33 doanh nghiệp giao dịch mua bán cà phê trên thị trường kỳ hạn

Từ chỗ chỉ có một DN tham gia giao dịch mua bán cà phê trên thị trường kỳ hạn quốc tế London là Công ty Inexim Daklak, đến nay đã có 33 DN tham gia thông qua nhà môi giới Techcombank, trong đó có 11 DN Nhà nước, 22 DN tư nhân. Tổng số lượng giao dịch của 33 DN tính đến thời điểm này đạt trên 70.000 lot, tương đương 350.000 tấn cà phê nhân.

(Nguồn: Hiệp hội Cà phê ca cao VN)

Nhà môi giới tiên phong techcombank

Techcombank là đơn vị tiên phong đưa cách thức mua bán hiện đại của thế giới vào Việt Nam.

Bà Nguyễn Hương Loan, Phó Phòng Quản lý nguồn vốn của Techcombank, cho biết hợp đồng tương lai là phương thức giao dịch theo thông lệ quốc tế rất phổ biến ở nhiều nước.

Techcombank hiện có hệ thống điện tử nối mạng trực tiếp với các sàn giao dịch lớn trên thế giới như LIFFE, TOCOM, NYMEX…

Việc các DN VN bắt đầu tham gia giao dịch trên thị trường kỳ hạn sẽ rất quan trọng để bảo vệ, phòng chống rủi ro khi giá cà phê biến động mạnh. Hợp đồng tương lai ở thị trường kỳ hạn là một thỏa thuận được tạo lập trên một sàn giao dịch có tổ chức để mua bán hàng hóa tại một ngày định trước trong tương lai với mức giá được xác định vào thời điểm hiện tại.

Ví dụ, khi tham gia mua và bán cà phê bằng hợp đồng tương lai. Giá cà phê được DN chốt ngay tại thời điểm đặt lệnh mà DN ưng ý nhất, còn hàng thì giao sau với thời điểm do hai bên thỏa thuận, cho dù giá có biến động lên hay xuống tại thời điểm giao hàng. “Trước đây, khi chưa trực tiếp giao dịch tại thị trường kỳ hạn London, DN xuất khẩu cà phê phải chịu rất nhiều thua thiệt.

Chênh lệch giữa giá chào bán cà phê VN với giá giao dịch trên thị trường kỳ hạn London khá lớn, luôn ở mức trên 100 USD/tấn. Nay với cách thức mua bán hiện đại, DN chỉ phải chịu một khoản phí không đáng kể cho nhà môi giới Techcombank là 10 USD/tấn cho mỗi giao dịch dưới 200 lot, nếu mua bán trên 1.000 lot phí sẽ giảm còn 2 USD/tấn – ông Huy cho biết.

Khi VN gia nhập WTO, phương thức mua bán hàng hóa trên thị trường kỳ hạn sẽ là công cụ phòng ngừa rủi ro trên thị trường tài chính để bảo vệ các DN khi tham gia cạnh tranh trong một thị trường liên tục biến động về giá cả.

Xem thêm:

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

79