Tin buồn

Người trồng cà phê được hưởng lợi từ LIFFE

Hội thảo về giao dịch mua bán cà phê trên thị trường kỳ hạn quốc tế London để đánh giá hiệu quả mang lại từ hoạt động này trong một năm qua vừa diễn ra.


Cà phê Việt Nam được hưởng lợi khi tham gia giao dịch trên Liffe

Ông Vân Thành Huy, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê VN (Vicofa) kiêm Giám đốc Công ty Đầu tư xuất nhập khẩu Daklak (Inexim Daklak), đã trao đổi xoay quanh hoạt động còn khá mới mẻ này của các doanh nghiệp cà phê.

* Ông có thể cho biết hiệu quả một năm giao dịch hợp đồng tương lai qua LIFFE của Inexim Daklak cũng như các doanh nghiệp cà phê khác?

– Ông Vân Thành Huy: Từ chỗ chỉ có một doanh nghiệp tham gia LIFFE là Inexim Daklak, hiện có 33 doanh nghiệp giao dịch trên LIFFE thông qua Ngân hàng Techcombank. Trong đó có 11 doanh nghiệp nhà nước, 22 doanh nghiệp tư nhân.

Số lượng doanh nghiệp tham gia LIFFE chủ yếu tập trung ở Daklak, Gia Lai, Bình Dương, TP.HCM và Hà Nội. Doanh nghiệp xuất nhập khẩu trực tiếp chiếm 40%, còn lại là đại lý thu mua, chế biến cà phê. Tổng số lượng giao dịch tính đến nay trên 70.000 lot (5 tấn/lot), tức 350.000 tấn cà phê nhân.

Theo đánh giá của Techcombank, hợp đồng tương lai đã được doanh nghiệp sử dụng như một công cụ để phòng chống rủi ro và xác định giá thị trường thực tế. Nhất là trong cơn biến động giá cà phê trên thị trường vào các tháng 2, 6 và 7-2005, hợp đồng tương lai đã góp phần giảm bớt rủi ro về đột biến giá cho doanh nghiệp và còn mang lại lợi ích cho người trồng cà phê.

* Điều khiến doanh nghiệp trong nước lo ngại nhất là giao dịch trên LIFFE dễ gặp rủi ro. Ông có thể nói sâu hơn về kỹ thuật giao dịch hợp đồng kỳ hạn để phòng chống rủi ro về giá?

– Nhiều doanh nghiệp tham gia LIFFE không sử dụng hợp đồng tương lai để phòng chống rủi ro, mà chỉ mua vào chờ giá lên bán ra, chờ giá xuống mua vào, như vậy rủi ro cao. Vì những dự đoán của doanh nghiệp tham gia giao dịch chưa chắc đã phù hợp với các nhà đầu cơ vốn có vị thế rất lớn trên thị trường.

Trong khi mua bán cà phê hàng thật, doanh nghiệp kết hợp sử dụng đúng hợp đồng kỳ hạn hoặc hợp đồng quyền chọn trên LIFFE sẽ mang lại ít nhiều lợi nhuận và hạn chế rủi ro. Hiểu đơn giản là, để bảo đảm kinh doanh cà phê ở thị trường trong nước không bị lỗ trong tình hình giá lên xuống chập chờn, nhà buôn cà phê sẽ mua bán một lượng cà phê trên mạng, đặt lệnh bán ngay khi thấy giá có lời.

Thí dụ, doanh nghiệp ký hợp đồng bán 500 tấn cà phê với mức giá 900 đô la Mỹ/tấn giao trong tháng 1-2006, nhưng sợ rằng giá sẽ biến động theo chiều hướng tăng, doanh nghiệp quyết định đặt mua trên thị trường kỳ hạn 500 tấn với cùng mức giá như trên. Đến thời điểm giao hàng giá tăng lên 950 đô la Mỹ/tấn.

Tính ra doanh nghiệp lỗ 50 đô la /tấn trên thị trường hàng thật, nhưng đã cân đối lại được khoản lỗ này nhờ bán ra trên thị trường kỳ hạn lời 50 đô la Mỹ/tấn. Như vậy doanh nghiệp đã hạn chế được rủi ro.

* Có thể thấy doanh nghiệp giao dịch trên thị trường kỳ hạn có chút lãi hoặc giảm thiểu được khoản lỗ. Nhưng còn người nông dân trồng cà phê được hưởng lợi gì ở đây, thưa ông?

– Trước đây, nếu giá xuất khẩu lên cao thì doanh nghiệp mua cà phê của nông dân giá cao. Còn giá xuất khẩu rớt thấp thì ép giá người trồng cà phê. Với hợp đồng tương lai, doanh nghiệp sẵn sàng mua cà phê của nông dân với giá cao hơn giá thị trường trong nước khi tính toán bán ra thị trường kỳ hạn có lời.

Ví dụ giá ký hợp đồng xuất khẩu cà phê giao ngay là 915 đô la Mỹ/tấn, tương đương mua vào của nông dân là 14.000 đồng/ki lô gam thì có lãi.

Cùng thời điểm đó, giá London lên 1.095 đô la Mỹ /tấn, giá FOB sẽ là 1.005 đô la Mỹ/tấn (trừ lùi 90 đô la Mỹ/tấn so với giá London), như vậy có thể đẩy giá mua cà phê của nông dân lên 15.400 đồng/ki lô gam. Rõ ràng, doanh nghiệp nếu đưa ra quyết định mua bán trên LIFFE được đúng thời điểm giá lên thì sẽ mua được giá cao cho nông dân.

* Một trong những lo ngại của doanh nghiệp nhà nước là sợ bị cơ quan pháp luật “sờ gáy” nếu thua lỗ khi Nhà nước chưa có văn bản cho phép giao dịch ở sở giao dịch hàng hóa. Theo ông, lo ngại này liệu đã được cởi bỏ bởi Luật Thương mại thông qua vào tháng 6-2005?

– Luật Thương mại đã cho phép “mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa”, bao gồm hợp đồng kỳ hạn và hợp đồng quyền chọn. Theo luật, “thương nhân VN được quyền hoạt động mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa ở nước ngoài theo quy định của Chính phủ”. Nghị định của Chính phủ về hoạt động mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa sẽ được ban hành.

Đây là hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp VN mạnh dạn tham gia giao dịch trên LIFFE. Vicofa cũng kiến nghị Nhà nước: nên quy định rõ hành lang pháp lý, ban hành thành luật để tạo điều kiện kinh doanh cho các doanh nghiệp cũng như các tổ chức môi giới.

* Với kinh nghiệm một năm giao dịch trên thị trường kỳ hạn, ông có lời khuyên gì cho những doanh nghiệp muốn tham gia LIFFE?

– Các doanh nghiệp sử dụng hợp đồng kỳ hạn nên xem đó như một công cụ phòng chống rủi ro, chứ không nên quá trông chờ vào việc kiếm lãi nhiều bằng hợp đồng kỳ hạn. Bởi lợi nhuận càng cao thì rủi ro tiềm ẩn càng lớn. Đồng thời còn phải biết tỉnh táo cân đối khả năng tài chính khi giao dịch trên LIFFE.

Ngoài ra doanh nghiệp phải có hệ thống kho bãi dự trữ cà phê, mạng lưới thu mua, bộ phận nghiên cứu thị trường và phân tích kỹ thuật, dự báo giá thị trường thế giới và trong nước, có chiến lược quản lý tốt và nhạy bén trong mọi trường hợp.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

83