Những rủi ro khi “buôn” cà phê qua mạng

Giá cà phê trong nước ít khi là “giá thật”, mà thường là “giá ảo”, nên rất dễ bị hớ khi đặt bán qua mạng. Một vài kinh nghiệm của các nhà xuất khẩu cà phê Việt Nam khi tham gia thị trường giao dịch cà phê kỳ hạn, ” hay còn gọi là “buôn cà phê qua mạng” .

Dễ bị “sờ gáy” khi thua lỗ

Gần nửa năm qua, đã có tám nhà xuất khẩu cà phê, trong tổng số hơn 40 nhà xuất khẩu có “tên tuổi” của Việt Nam, tham gia giao dịch cà phê kỳ hạn ở thị trường London (LIFFE – London International Financial Futures and Options Exchange) thông qua Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank).

Ông Vân Thành Huy, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa), thừa nhận một số nhà xuất khẩu tham gia loại hình giao dịch này đã thu lợi nhiều, giảm thiểu những rủi ro về giá.

Tuy nhiên, ông Huy và các nhà xuất khẩu đã tham gia đều e ngại về tính pháp lý của các giao dịch vì đến nay Nhà nước vẫn chưa ban hành các văn bản pháp lý về giao dịch ở thị trường kỳ hạn.

“Giao dịch thì “có thắng, có thua”, thắng thì không nói gì nhưng bị lỗ ở một số phiên giao dịch thì nguy to, và lúc đó cơ quan chức năng của Nhà nước như công an, kiểm sát, thanh tra thuế có thể “sờ gáy” nhà xuất khẩu, nhất là doanh nghiệp nhà nước, khi mà Nhà nước chưa cho phép bằng văn bản”, một nhà xuất khẩu tham gia giao dịch lo ngại.

Chính vì chưa có hành lang pháp lý nên khi lỗ thì nhà xuất khẩu không biết đưa vào đâu trong bảng hạch toán tài chính, dễ bị quy kết là “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Một phó giám đốc doanh nghiệp nhà nước ở Daklak cho biết ông được giám đốc cho phép giao dịch với LIFFE và sau nhiều đêm có lời chút đỉnh với con số vài ngàn Đô-la Mỹ thì một đêm nọ ông lỗ gần chục ngàn Đô-la Mỹ. May cho ông là ban giám đốc chỉ cho phép giao dịch từng lô hàng nhỏ để học kinh nghiệm chứ không đặt nặng chuyện lời lãi.

Một vấn đề khác là phí bảo lãnh khi giao dịch. Theo ông Lê Tiến Hùng, Phó giám đốc Simexco, một doanh nghiệp nhà nước xuất khẩu cà phê lớn của Việt Nam, trực tiếp tham gia giao dịch với LIFFE ba tháng qua, than phiền là phí bảo lãnh của Techcombank quá cao so với điều kiện của doanh nghiệp Việt Nam. Hiện nay Techcombank thu phí bảo lãnh 15 Đô-la Mỹ/LOT giao dịch (LOT = 5 tấn cà phê robusta) của nhà xuất khẩu Việt Nam.

“Mỗi đêm công ty chúng tôi giao dịch tối thiểu cũng phải 100 LOT, tốn hết 1.500 Đô-la Mỹ, một mức phí khá cao trong khi giao dịch chưa biết lời lỗ ra sao?” ông Hùng than thở.

Giá ảo

Điều gì làm cho các nhà xuất khẩu Việt Nam lo ngại nhất khi giao dịch? Câu hỏi này được phần lớn các nhà xuất khẩu đã tham gia giao dịch có chung câu trả lời: giá cà phê trong nước ít khi là “giá thật”, mà thường là “giá ảo”, nên rất dễ bị hớ khi đặt bán qua mạng.

Nếu xem giá giao dịch cà phê robusta ở London là giá chuẩn hay còn gọi là giá thị trường, giá thật, thì giá cà phê trong nước hiếm khi tuân theo sự lên xuống của giá London và nhiều người gọi đây là “giá ảo”. Lắm lúc giá London giảm nhưng giá cà phê trong nước lại tăng bởi hàng loạt công ty đổ xô mua hàng để giao khi đến kỳ hạn, đẩy giá trong nước lên cao.

Cũng có khi giá London tăng nhưng cà phê trong nước lại giảm giá bởi bước vào vụ thu hoạch rộ, nhiều doanh nghiệp đổ xô chào bán để tháo kho cà phê đã đầy ắp. Đây chính là rủi ro lớn nhất khi giao dịch với thị trường London.

Tổng kết niên vụ cà phê 2003-2004, Vicofa đưa ra một biểu đồ giá cà phê Việt Nam và giá London khiến nhiều người ngỡ ngàng bởi sự trái ngược của nó. Chẳng hạn tháng 1-2003, giá London 747 đô- la Mỹ/tấn thì giá thị trường Việt Nam là 657 đô- la Mỹ. Mức chênh lệch (các nhà xuất khẩu còn gọi là “mức trừ lùi”) ở đây là 90 Đô-la Mỹ.

Thế nhưng, đến tháng 12/2003, giá London vọt lên 912 Đô-la Mỹ/tấn thì giá ở Việt Nam không những không tăng lên mà còn giảm xuống, còn 631 Đô-la Mỹ, “mức trừ lùi” lên đến 281 Đô-la Mỹ. Ngược lại, vào tháng 5/2004, giá London giảm nhẹ xuống 903 Đô-la Mỹ nhưng giá Việt Nam lại tăng nhẹ, lên 660 Đô-la Mỹ/tấn.

Nhìn vào “mức trừ lùi” giá giữa London và Việt Nam thấy rõ hơn tính chất “giá ảo” của Việt Nam. Trong năm 2003, mức trừ lùi thấp nhất 90 Đô-la Mỹ và cao nhất là 280 Đô-la Mỹ/tấn thì sang năm 2004, mức trừ lùi dao động từ 168 – 357 Đô-la Mỹ/tấn. Còn hiện nay thì dao động 50-100 Đô-la Mỹ/tấn.

Tất nhiên, biểu đồ giá cà phê giữa Việt Nam và London tăng giảm không ăn khớp nhau còn có lý do tác động bởi tỷ giá giữa ba đồng tiền là euro, Đô-la Mỹ và đồng Việt Nam, rồi giá bán cà phê của London là tính cho cà phê có chất lượng tiêu chuẩn, còn cà phê Việt Nam thì chất lượng không đồng đều nên người mua kéo giá xuống thấp để phòng rủi ro về chất lượng.

Nhưng sự biến động giá như vậy mang lại nhiều rủi ro cho nhà giao dịch cà phê Việt Nam với LIFFE – đây là điều mà hầu hết nhà giao dịch qua mạng đều thừa nhận.

Tổng giám đốc một công ty đa quốc gia về thương mại cà phê, có nhiều kinh nghiệm trong giao dịch với LIFFE, khuyên các doanh nghiệp Việt Nam muốn tham gia giao dịch qua mạng phải có tính kỷ luật cao, đã theo thì theo đến cùng.

Nhưng tính kỷ luật thôi thì chưa đủ. Trong một lần gặp gỡ với các nhà xuất khẩu hồi đầu năm, ông khuyên nhà xuất khẩu Việt Nam muốn tham gia giao dịch thị trường kỳ hạn thật sự thì phải trở thành những nhà giao dịch chuyên nghiệp.

Chuyên nghiệp, như lời ông giải thích, là có tiềm lực tài chính, có hệ thống kho bãi dự trữ cà phê, mạng lưới thu mua, bộ phận phân tích, dự báo giá thị trường thế giới, giá thị trường trong nước.

Ngoài ra, để khắc phục “giá ảo” của cà phê trong nước, ông cho rằng Vicofa phải nâng tầm lên nữa để tiến tới dự báo, cung cấp thông tin cho các hội viên và loại dần chuyện tranh mua tranh bán.

Xem thêm: Sốt buôn cà phê qua mạng

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

85