Tin buồn

Cà phê Tây Nguyên: Lại đối mặt với mất mùa, mất giá?

Tháng 8 là thời điểm cây cà phê Tây Nguyên nuôi quả non. Năng suất cà phê sẽ như thế nào thì gần như đây là giai đoạn quyết định. Thế nhưng, hiện tượng “rụng quả” đang phổ biến ở hầu khắp Tây Nguyên hiện nay khiến cho không ít hộ dân lo lắng.

Cây cà phê đang trong giai đoạn nuôi quả non
Cây cà phê đang trong giai đoạn nuôi quả non

Thêm vào đó, giá cà phê lại không mấy hấp dẫn ảnh hưởng không tốt tới tâm lý của nông dân. Đã có không ít người trồng cà phê nản chí bỏ mặc vườn cây trong thời gian dài. Cây cà phê không được chăm sóc đúng mức lại càng khiến nạn rụng quả non càng trở nên nghiêm trọng. Cà phê Tây Nguyên lại một lần nữa đối mặt với thảm cảnh mất mùa, mất giá.

Phổ biến hiện tượng rụng quả non

Tại Lâm Hà (Lâm Đồng), GĐ Cty cà phê Thái Hòa Lâm Đồng – ông Lê Quang Đạo – lo lắng: “Thái Hòa gần đây đã kiên trì với chương trình cà phê sạch bằng cách thu hút nông dân (khoảng 5.000 hộ) sản xuất cà phê chứng chỉ UTZ và 4C, nhưng hiện tượng “rụng quả” bởi nhiều lý do trên cây cà phê đang thời kỳ nuôi quả non quả là điều đáng lo ngại”.

Tại Di Linh – vựa cà phê trọng điểm của Lâm Đồng – nhiều hộ nông dân trồng cà phê đang phải đối mặt với những khó khăn bởi nạn sâu “lạ” tấn công lá cà phê từ vài tháng trước, đang để lại di chứng nặng nề: “Cây không phát triển bình thường, đến lúc cho quả thì không đồng đều; đặc biệt là nhiều vườn cây xuất hiện hiện tượng rụng quả non một cách bất thường, chắc chắn năng suất sẽ rất thấp” – ông Nguyễn Hữu Phần – một nông dân trồng cà phê nhiều kinh nghiệm ở Di Linh, than phiền.

Vị thế cà phê Tây Nguyên sẽ sa sút

Lãnh đạo Sở NNPTNT Lâm Đồng cho biết, đối với tỉnh này, cà phê là mặt hàng nông sản có giá trị cao trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh (chiếm gần 60% GDP).

Mỗi năm, Lâm Đồng sản xuất xấp xỉ 300.000 tấn cà phê nhân – chiếm gần 30% sản lượng cà phê của cả nước. Nhìn rộng ra toàn vùng thì cả Tây Nguyên có đến 470.000ha cà phê (trong tổng diện tích khoảng 500.000ha của cả nước).

Vài năm gần đây, với sản lượng cà phê trên 900.000 tấn và xuất khẩu đạt hơn 1 tỉ USD/năm, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ nhì của thế giới về xuất khẩu cà phê (chỉ đứng sau Brazil). Dẫn ra một vài con số như thế để thấy được tầm quan trọng của cây cà phê các tỉnh Tây Nguyên trong “bản đồ” cà phê Việt Nam và cả “bản đồ” cà phê thế giới như thế nào.

Bởi vậy, sự xuống cấp của cây cà phê cho dù vì bất kỳ lý do nào thì sự ảnh hưởng của nó cũng rất nặng nề trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp của cả vùng Tây Nguyên và không chỉ Tây Nguyên.

Cà phê Tây Nguyên trong những ngày gần đây còn bị tác động không nhỏ từ vấn đề giá cả. Niên vụ vừa qua, sự thay đổi liên tục về giá cà phê nhân trên thị trường (lúc tăng – đạt khoảng 35.000 – 39.000 đồng; lúc thấp – chỉ còn không đến 20.000 đồng/kg; và thường là “đứng lâu” ở mức thấp, chỉ khoảng 25.000 đồng/kg) khiến cho không ít hộ nông dân tỏ ra chán nản, không còn quá mặn mà với loại cây trồng này như trước đây.

Rồi nữa, theo một dự báo: Giá cà phê sẽ tiếp tục bị kéo xuống (hiện đang dao động ở mức 28.000 – 30.000 đồng/kg) khi hai quốc gia khá hùng mạnh về cà phê là Brazil và Colombia đang bắt đầu vào vụ thu hoạch mới trong năm nay.

Như vậy, rất có thể cà phê Việt Nam nói chung và Tây Nguyên nói riêng sẽ còn phải đối mặt với khó khăn của thị trường thế giới trong những ngày tới.

Trong khi đó, theo mùa vụ thì cà phê Tây Nguyên đang trong thời kỳ nuôi quả non nhưng gặp phải nạn sâu bệnh, ấu trùng ve sầu, rụng quả non…; trong khi sự đầu tư của người dân chưa thật đúng mức thì đây hẳn là điều đáng lo ngại và cần báo động về một niên vụ trước mắt sẽ mất mùa và mất cả giá.

>> Ngành cà phê sẽ tiếp tục gặp khó khăn!

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. le@

    Có bà con nào xử lý có hiệu quả về tình trạng rụng quả non trên vườn cà phê như hiện nay không ? xử lý bằng loại tthuốc gì ? xin mách bảo để cộng đồng nông dân cà phê cùng học với, chứ như tình trạng rụng quả hiện nay mà không giải quyết được thì ôi thôi là khốn khổ!
    Đa tạ.

    1. hoathuan

      Quá nhiều nguyên nhân làm cho rụng quả, nếu không thấy rệp ở cuống các chùm quả thì phần lớn là do thiếu dinh dưỡng ( thiếu phân ). Nếu trước nay anh trót dại bón NPK của các công ty thì bây giờ phải chịu khó trôn phân đơn mà bón cho đủ chất.
      Tôi làm cafe năng suất khá ổn định 4T/ ha, một phần nhờ chịu khó trộn phân mà bón cho chắc ăn. Anh không nghe người làm phân mà vì lợi nhuận nên đã làm phân kém chất lượng để lừa dân à ( lời của mad tơ Trần Hoàng) công nhận đó sao ?
      Mời xem: Báo Pháp Luật VN 30/07
      http://phapluattp.vn/20100730120541329p0c1015/phat-ba-ca-nhan-ban-phan-bon-dom-165-trieu-dong.htm
      để tạm biệt các đại gia lớn mồm mà nhỏ Đạo đức đi !!!

  2. Trung Dung

    Cà phê có rụng quả giá có giảm thấp thì nông dân tụi tui vẫn phải trồng cà phê, vì điều kiện ở vùng Tây Nguyên chỉ thích hợp nhất cho cây càphê. có chán nản thế nào cũng phải có niềm tin vào tương lai mà đặc biệt phải tin vào chính sách hỗ trợ của nhà nước: như ngành ngân hàng phải cho nông dân vay nhiều hơn, tối thiểu là 70triệu đ/1ha, hỗ trợ lãi suất cho người dân mua phân bón. cơ quan chức năng luôn đi kiểm tra tình trạng phân bón giả, nếu phát hiện thì phải truy tố trước pháp luật và cho đi Tù vì tội lừa đảo.

  3. Đức Thịnh Rờm

    Nói chung tôi có vườn cà phê trên 2000 gốc thuộc địa bàn Krông Buk Đăk Lăk . Đầu mùa tới nay tôi chăm sóc rất đúng mức từ khâu tưới nước đến khâu bón phân làm cành chồi , nói chung cây cà phê phát triển rất tốt lượng trái rất đẹp , không bị sâu bệnh rầy rệp tấn công nhưng không biết lý do tại sao khoảng 15 ngày trở về đây lượng trái cà phê non đang mùa phát triển lại rụng đến nhiều thế đa phần nhiều gốc rụng thưa thớt. Hầu như vùng cà phê ở nơi rẫy tôi đều rụng như vậy cả. Tôi rất mong các bác có nhiều kinh nghiệm tư vấn giúp đỡ tôi nói riêng và bà con nói chung để cứu vớt lại một phần trái còn ỡ trên cây chứ không thì mùa vụ sắp tới sẽ không đủ tiền để trả nợ đầu tư chứ đừng nói tới lời lãi mà trang trãi cho cuộc sống.
    Mong sự nhiệt tình giúp đỡ, xin cảm ơn.

  4. Nguyen Trong Khang

    Tôi trồng cà phê theo sự hướng dẫn của Viện cây trồng Tây Nguyên và kết hợp với kinh nghiệm của các người trồng lâu đời. Nên không thấy sự rụng trái trên cây cà phê. Theo tôi nguyên nhân rụng trái là do thiếu kali và Bo + các chất trung vi lượng khác. Nguyên nhân nữa là vì mùa mưa năm nay đến chậm bà con bón phân không kịp thời vụ, thiếu nước tưới nên khi có mưa bà con bón thúc trái chen nhau lớn mà thiếu một só chất nêu trên nên sẽ xãy ra hiện tượng rụng trái. Khắc phục hiện tượng này cần tăng cường đủ phân nhất là kali và bo, nhanh nhất bà con nên phun phân Siêu kali (KNo3)+ Bo+ sun phát kẽm hoặc Đầu trâu 009 từ 1 đến 2 lần cách nhau 7 ngày. Tôi đã phun 2 lần vào thánh 6 và 7 khi chờ mưa để rải phân. Mặt khác vì bà con muốn cây cà phê luôn luôn xanh mà quên hàm lượng cần nên thường bỏ phân NPK Philip 16-16-8 vưa mắt tiền vừa thiếu kali. Nên bón đầu trâu 16-8-16-13s+TE là tốt trong mùa mưa.

  5. Nông Văn Dân

    Khi thấy cà phê rụng trái non, chúng ta kiểm tra xem vườn cà phê đó có bị ve sầu không, ở cuống lá có rệp không, chỉ sợ nhất hai nguyên nhân trên, còn nếu cây cà phê thiếu dinh dưỡng thì trước mắt phải phun Siêu kali (KNo3)+ Bo+ sun phát kẽm ngay, sau đó một tuần phun lại, đồng thời chúng ta khi bón phân nên bón phân trộn các loại phân đơn để chúng ta dễ điều chỉnh hàm lượng N, P, K cần thiết cho từng đợt.
    Rụng trái vì rệp chúng ta phun thuốc trừ rệp nhưng khi phun nên trộn thêm phân bón lá kết hợp.
    Còn rụng trái do Ve sầu thì tôi cũng đang sầu đây gia đình tôi đang có 5 sào rụng trái vì ve sầu, Bác nào có cách gì chỉ giúp.
    Sáng nay xem TV thấy đang thí điểm chế phẩm sinh học để diệt ve sầu ở Thị xã Buôn hồ, Thấy quay lên TV đẹp thế không biết có khả quan không, nếu được thì tuyệt vời các bác nhỉ

Tin đã đăng

Tin mới nhất

83