Một ngày phố núi với “Đạo cà phê”

Người thiết kế trang web giá cà phê miễn phí cho nông dân là một chàng trai 8x. Mỗi tháng anh chi gần 380 đô la Mỹ để mua bảng giá cà phê trực tuyến, thức đêm theo dõi giá, viết bài bình luận rồi đem cho không.

Ai mà làm cái việc dở hơi!

Xe đưa chúng tôi qua thị trấn Madagui ngập hoa, tiến về Đà Lạt khi trời dần nhạt nắng. Qua đèo Bảo Lộc, những đồi thông dần hiện ra, xanh cả một khoảng trời. Mưa bắt đầu rơi. Di Linh giàu những đồi cà phê, cà phê xanh um, hun hút.

Mưa nặng hạt hơn khi chúng tôi đến Đà Lạt. Mưa làm phố buồn, nhưng phố vẫn đẹp với Hồ Xuân Hương, nhà thờ Con Gà và những luống hoa pansee nở rộ.

Chúng tôi dừng chân trước số 45 Phạm Hồng Thái, nhà anh Nguyễn Công Thịnh, ông chủ trang web cung cấp giá cà phê miễn phí, y5cafe.info.

Đón chúng tôi là một thanh niên, khác hoàn toàn với hình dung của tôi về anh. “Cà phê ngon nhất có lẽ là cà phê nóng, từng ngụm cà phê đi qua miệng đắng ngoét. Cái đắng còn vương vấn trên môi, trên lưỡi. Nhiều người nói cà phê đắng thế mà còn cố uống, mấy người biết sau cái đắng đó là vị ngọt, một cái ngọt mà chỉ những người biết đến cái đắng mới biết”, cách nghĩ già dặn ấy và hình ảnh chàng trai trẻ có vẻ không hợp nhau, tôi không khỏi bất ngờ.

Anh Thịnh đang làm việc trên trang web y5cafe.info
Anh Thịnh đang làm việc trên trang web y5cafe.info – Ảnh: Nam Phương

Các bạn thử nghĩ coi, mỗi tháng người nông dân phải bỏ ra gần 800.000 đồng để mua tin cà phê, có người còn không biết xem giá ở đâu, mình làm được gì cho người nông dân thì làm thôi...”, câu chuyện của chúng tôi bắt đầu như thế.

Bên ly trà lài thoang thoảng hương, chúng tôi bàn nhiều về “đạo cà phê”. Bọn tôi cứ thắc mắc mãi về chuyện anh mất tiền, mất công làm trang web miễn phí, anh cười: “Mình mà bán tin thì bây giờ giàu rồi, chắc tại có đạo… cà phê”.

Anh quen với cà phê chỉ từ một năm rưỡi nay, nhưng yêu cà phê chắc từ thuở bé. Anh mới lấy vợ, bố mẹ vợ trồng cà phê gần 14 năm rồi, trồng để ngắm, để thưởng thức, không để bán, có lẽ vì tiếc mà không bán.

Người nông dân đa nghi lắm, lại sợ cái mới, ban đầu mình cũng khó khăn lắm, chẳng ai tin mình làm cái việc như vậy, chỉ có những thằng dở hơi…”, anh chia sẻ.

Tốt đời, đẹp “đạo cà phê”

Giá cà phê chỉ chậm 5 giây là xem như xong. Nghề buôn bán cà phê rất khắc nghiệt, lên hàng triệu phú hay xuống hạng khánh kiệt chỉ qua một đêm. Giá cà phê thay đổi liên tục. Người nông dân thu hoạch xong cứ đem gửi đại lý, để đó chưa chốt giá, khi nào giá tốt mới quyết định. Chỉ cần quyết định sai thì mất vài trăm triệu đồng qua một đêm là chuyện thường.

Anh Thịnh chỉ mong sao “Đại lý đừng liều, nông dân đừng dại”. Từ ngày www.y5cafe.info ra đời, anh nhận được nhiều tin nhắn nhờ tư vấn về giá và thị trường, lại thêm dịch vụ miễn phí. Đáp lại, anh được sự tín nhiệm của bà con, sự thỏa lòng vì làm cái việc “tốt đời, đẹp đạo cà phê”. Đối với anh, vậy là đủ cho “một thằng dở hơi”.

Hội nông dân trồng cà phê của anh giờ có đến gần ngàn người từ khắp các vùng Lâm Đồng, Đắc Lắc, trao đổi với nhau qua điện thoại là chính. “Nông dân mà, người ta sợ máy tính…”, anh Thịnh trầm ngâm.

Chắc hẳn việc quảng bá trang web đến nông dân sẽ khá khó khăn. “Ừ thì bằng điện thoại thôi, mà có cái này cũng vui lắm, ở Đắc Lắc, mấy nhà trồng cà phê người ta treo ngay trước cổng băng rôn dài 1m, rộng 0,5m dán chữ www.y5cafe.info”, anh phấn khởi.

“Mới đầu vợ phản đối vì suốt ngày ôm máy tính, ôm đến khuya nhưng dần hiểu công việc mình làm nên ủng hộ, vợ hay đọc lại những bài mình bình luận để sửa chính tả”, anh tâm sự.

Gia đình Thịnh đều ủng hộ việc anh làm dù với trang web này, anh chẳng còn thời gian để làm việc khác. Bố mẹ vợ Thịnh làm trong ngành điện nhưng lại mê cà phê, trồng cà phê, cuối tuần nào cũng ra thăm rẫy nên ủng hộ việc làm của con rể.

“Cà phê không phụ mình bao giờ, những năm giá rớt xuống còn năm sáu ngàn mà cà phê vẫn ra hoa kết trái nhìn sướng mắt. Để trời nắng nắng cô chú dẫn tụi con ra rẫy chơi, đi giữa vườn thích lắm, khi ra hoa thì thơm ngát, khi kết trái thì chi chít, màu đỏ trái cà phê đẹp lắm”, bà Loan, mẹ vợ Thịnh, góp chuyện.

Ấm trà lài cạn, trời dần ngớt mưa, đêm đến se lạnh và thoảng mùi cây cỏ sau mưa, cảm giác xa thành phố lạ vô cùng. Bọn tôi lắng nghe mơ ước của anh: “Mình muốn làm trang này quy mô hơn nữa kia, mai mốt sẽ là cầu nối trực tiếp giữa doanh nghiệp với người nông dân, không phải qua trung gian nữa.”

Hiện nay đã có nhiều công ty, bạn bè hỗ trợ kinh phí cho trang web, của ít lòng nhiều. Không phải ai cũng làm được như anh Thịnh, tiêu tốn thời giờ, tiền bạc và thậm chí chịu rủi ro như anh nói: “Lỡ những trang bán giá cà phê cho nông dân mà làm ăn thua thiệt, chắc mình chịu trận quá, mình còn gì bí mật nữa đâu, nickname, số điện thoại, địa chỉ nhà ở trên đó hết… nhưng mình không làm gì xấu thì chẳng sao”.

Bữa cơm chiều Đà Lạt sao mà ngon lạ. Bạn tôi bảo chắc ở thành phố toàn cơm bụi, lên đây ăn cơm nhà với rau Đà Lạt, giữa không khí gia đình ấm áp, ngỡ như thân quen tự bao giờ. “Mai trời nắng thì vào rẫy cà phê, vào đó mới sướng”, ai cũng mong vậy.

Tôi đã có một ngày như thế với những người của “đạo cà phê”. “Đi qua những phố thênh thang, đi qua với trái tim khan. Ði qua phố bước lang thang, đi qua với trái tim khan…”, tôi như vẫn còn nghe giọng khàn khàn của nữ ca sĩ quán Cung Tơ Chiều trên đường rời Đà Lạt.

Bài viết Một ngày phố núi với
Bài viết Một ngày phố núi với trên thesaigontimes.vn
Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng