Không biết tôi có phải thuộc loại người cực đoan quá hay không khi cho rằng tạm trữ cà phê là một hành động “tự trảm” mình, bản thân tôi không có ý đi ngược lại chính sách chung, nhưng chúng ta hãy bình tâm mà nhìn lại phản ứng của người mua khi nghe vấn đề tạm trữ, cách thức của ta và của người trong công tác tạm trữ, xem nó có thực sự mang lại lợi ích cho người làm ra cà phê hay không?
I/ Phản ứng của người mua
Vấn đề tạm trữ cà phê không phải là một ý kiến gì mới mẻ, thời gian xa đâu không biết, chứ gần đây nhất là giai đoạn khủng hoảng thừa cà phê 1998-2000, lúc đó ACPC (Association of Coffee Producer Countries = Hiệp hội những nước sản xuất cà phê) đã chạy đôn chạy đáo để vận động các nước thành viên hãy tham gia chương trình tạm trữ do họ đề xướng, nhưng cuối cùng cũng không thể thành công bởi nhiều vấn đề như:
- Mỗi nước thành viên phải trữ lại bao nhiêu?
- Chính sách mỗi nước mỗi khác, cho nên ai sẽ là người giữ cái của tạm trữ ấy?
- Nếu tạm trữ thì phải quay về với chuyện cấp quota như vậy có đi ngược lại cơ chế thị trường hay không?
- Ai là người giám sát cái quota bán ra của những nước tham gia tạm trữ?
và cái điều quan trọng nhất là: nước của tui nghèo như thế này, nông dân của tui không có ăn như thế này mà bảo tui ôm cà phê đừng bán…vẫn biết rằng “có thể” giá ngày mai cao hơn.
Thật ra nước nào lúc đó cũng thấy rằng vấn đề không nằm ở chỗ trữ lại là thượng sách, nhưng trong lúc không có giải pháp nào sáng giá hơn thì đành chọn tạm trữ, và họ đều thấy vấn đề nằm ở chỗ cán cân Cung và Cầu đã bị mất cân bằng do thừa nghêm trọng.
Nhiều người mua đã cười mỉa khi họ nghe nói chuyện tạm trữ bởi sự so sánh ngây thơ giữa ACPC và OPEC (Organization of Petroleum Exporting Countries = Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa)
Để thấy vì sao người mua họ ung dung như thế chúng ta hãy thử nhìn vào các nước thành viên của OPEC thì dễ dàng thấy rằng chủ nhân của những mỏ dầu là những nhà tài phiệt dám mua những con đại bàng giá trị cả trăm ngàn đô la để…chơi cho vui, là những người dám nghĩ đến chuyện kéo cục băng to từ Bắc Cực về để có nước uống sạch, là những người sáng thì uống cà phê ở Paris nhưng chiều ăn tối ở Dubai, hoặc dầu hỏa một số nước thuộc quyền quản lý của Chính phủ là của Quốc gia.
Đối với họ “gạo chưa nấu thì còn đó” những nước tiêu thụ mà dở chứng hay giá sụt quá thấp thì họ tạm thời và đơn giản khóa cái vòi lại để xem ai chết trước cho biết, hôm nay họ chưa bán dầu cùng lắm sau này con cháu của họ sẽ bán, thậm chí họ chưa khóa vòi mà chỉ mới tuyên bố thôi thì giá dầu đã bị ảnh hưởng.
Từ những điều kiện như trên khối OPEC có ưu thế dễ dàng hơn trăm ngàn lần trong việc khống chế giá dầu thế giới khi mà họ chiếm đến 40% lượng khai thác thế giới còn trữ lượng thì tới 75%. Cũng chính vì thế mà ACPC thì đã chết yểu rồi còn OPEC thì vẫn sống phây phây.
Bây giờ chúng ta hãy nhìn lại những nước sản xuất cà phê
Hình như chỉ có Brazil là có vẻ nhỉnh hơn các nước khác một chút, tuy Brazil là nước đóng góp sản phẩm đáng kể cho thế giới, nhưng những nhà giàu ở miền Nam năm nào cũng vẫn còn cứu trợ cho miền Bắc, còn lại 99% những nước sản xuất cà phê là còn nằm trong diện cần phải “xóa đói giảm nghèo” chứ chưa dám nói tới chữ “xóa nghèo”.
Đừng nói đâu xa Việt nam chúng ta là nước đứng hàng thứ hai xuất khẩu cà phê mà nông dân chúng ta được mấy người thu cà phê về để đó, khi nào được giá bán chơi, không thì cứ để năm này sang năm khác. Phần lớn nông dân chúng ta nói riêng và nông dân ngành cà phê thế giới nói chung còn nghèo và chưa thể đủ vốn để tự quyết thời điểm bán ra hay giữ lại, cho dù có nắm được thông tin tốt.
Người mua cà phê họ hiểu rất rõ điều này cho nên khi chúng ta ngạo nghễ nói rằng “Chính sách tạm trữ đã khiến cho giá cà phê tăng” hẳn đã làm cho họ chết khiếp vì cười.
Lịch sử đã chứng minh việc tạm trữ là không có kết quả khi mà vào thời điểm đã nêu, cuối cùng người ta đã tìm đến một quyết định khác không kém phần “tích cực” và nghiêm túc, đó là tìm cách hủy cà phê để chống thừa nguồn cung, ý tưởng nghe có vẻ hay và táo bạo nhưng cũng đã gặp không ít trở ngại khi mà câu hỏi được đặt ra là hủy như thế nào?
Đem đổ xuống biển như người Nhật đã đem đổ gốm sứ thì đã bị phản đối kịch liệt bởi giới bảo vệ môi trường biển, đem đốt thì cũng ảnh hưởng nguồn không khí trong lành. Giải pháp đem làm phân bón xem ra có thể chấp nhận được, và người Brazil lúc đó đã chuyển một số nguồn cà phê xấu, tồn đọng từ những năm 1986 ra làm thí điểm và cũng để dọa giới tiêu thụ chứ không kéo dài được bao lâu, có lẽ trong hạt cà phê cũng không có nhiều dinh dưỡng để làm phân bón.
II/ Cách tạm trữ của Brazil
Trong thời gian cho hủy cà phê để làm mẫu, Brazil cũng đã hưởng ứng lời kêu gọi của ACPC lúc đó cho mua tạm trữ, họ đã tổ chức đấu giá mua hàng tuần bằng cách đưa ra giá trần và số lượng mua cho từng vùng thông qua Hội Hợp tác Cà phê Brazil, tiền bỏ ra mua là của Chính phủ có được từ những nguồn quỹ. Người nông dân thật sự mới được bán cà phê bởi họ đang gởi hàng trong Hội Hợp Tác, lượng hàng đưa ra đấu giá cần mua, lượng hàng mua được, giá trên mỗi bao rõ ràng công khai và được công bố không chỉ nông dân Brazil được biết mà cả thế giới cũng biết. Lượng hàng đó được Chính phủ thực sự giữ lại trong kho của Hội và được đem bán về sau khi giá cà phê có xu hướng khởi sắc.
Bên cạnh đó Chính phủ đã có những biện pháp giãn nợ cho nông dân trả chậm hơn so với thời hạn vay, thế nhưng kế hoạch đó cũng đã không góp phần bao nhiêu vào việc nâng giá trên thị trường thế giới bởi điều mấu chốt vẫn là cán cân cung cầu, người mua vẫn đủng đỉnh khi họ đã có đủ lượng cần thiết trong tay, họ thừa biết số hàng kia chóng hay chầy rồi cũng phải bán ra.
III/ Cách tạm trữ của ta
Tôi không phủ nhận tác động tích cực trong sự điều tiết sản phẩm bán ra của một Chính phủ nhưng điều đó chỉ có giá trị khi mà lượng cung sản phẩm cân bằng với tiêu thụ trên toàn năm.
Cách tạm trữ của chúng ta hiện nay không thực sự tạm trữ bởi nguồn vốn cho vay của chính phủ chỉ giúp cho các doanh nghiệp được chọn mua tạm trữ dễ thở hơn một chút trước áp lực thiếu vốn vì nhiều mặt, thật sự họ vẫn phải bán ra mua vào để xoay vòng vốn hoặc theo nhận định riêng của họ bởi họ vẫn phải chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh của chính mình, khi mua thì họ vẫn mua theo đúng tình hình biến động giá trên thị trường thế giới, giá hạ họ vẫn mua hạ (tất nhiên), thế thì nông dân được lợi cái gì từ tạm trữ chứ. Chúng ta không có một cơ chế hiệu quả để giám sát cà phê thực sự được tạm trữ.
Cứ thử hình dung trong thời gian qua đã mua được 200.000 tấn theo kế hoạch, và cho dù sự giữ lại 200.000 tấn đã góp phần thúc đẩy giá thị trường thế giới tăng lên (tưởng tượng thôi) thì các nước sản xuất cà phê khác đã làm gì? Họ bán ra đấy các bạn à, họ bán ra khi giá tăng nhờ chúng ta đang giữ hàng lại, tôi không mong họ sẽ gởi công hàm cảm ơn nông dân cà phê Việt nam đã anh dũng…h..y..s.i.n.h để cho họ sống.
Chúng ta hình dung tiếp hiện nay chúng ta đang giữ 200.000 tấn hàng tạm trữ, thế thì chúng ta sẽ có tổng cộng bao nhiêu cà phê vào vụ thu sắp tới khoảng 1,2 triệu tấn nữa. Giữ đến một lúc nào đó thì cũng phải bán ra, lúc đó trừ phi các vùng robusta của Indonesia bị động đất (nói ví dụ thôi…lạy trời đừng xảy ra tội nghiệp) còn ngoài ra thì chúng ta đều hình dung được người mua sẽ xử chúng ta rất đẹp bởi cái thừa cục bộ đó, và cũng đừng quên hiện nay nông dân Brazil đã thu được xong hơn 50% sản lượng, chắc chắn giá sẽ bị ảnh hưởng sau khi họ thu xong.
Có lẽ các bạn đã đọc bài “Thua là phải” của anh Hồng Văn, người mua biết chúng ta rất rõ, chỉ cần bỏ ra vài trăm đô la thôi là họ đã có trong tay phần mềm Google Earth để xem được cây cà phê nhà bạn có bao nhiêu cành bị sâu đục thân. Thế mà chúng ta lại tuyên bố “Sẽ mua tạm trữ thậm chí ngay khi giá đang lên”…vậy về mặt kinh doanh thì chúng ta sẽ bán ra khi nào? Khi giá xuống sao? Ai chịu trách nhiệm cái lỗ khủng long đó? Doanh nghiệp, Nông dân hay Nhà nước? Có ai biết trả lời giùm với.
Kết luận
Khi ACPC kêu gọi cùng nhau tạm trữ mà chỉ một vài nước xuất khẩu lớn mới có khả năng tham gia, nhưng kết quả đã không như mong đợi, khi một nước đơn phương tuyên bố Tạm trữ thì chỉ tự làm khó cho chính mình mà thôi, kết quả thậm chí còn tệ hại hơn. Mong các vị lãnh đạo ngành Nông Nghiệp, Thương mại sẽ sớm có giải pháp hiệu quả để giúp cho Nông dân một cách thiết thực hơn.
Liên quan:
- Kinh doanh cà phê tạm trữ, không dễ…
- Tạm trữ cà phê thất bại, vì sao?
- Tạm trữ cà phê: Nên hổ trợ trực tiếp cho nông dân
Kinh Vu (giacaphe.com)
cám ơn anh Kinh vũ đã cho bà con thấy được những vấn đề chưa rõ trong việc tạm trữ cà phê
nếu anh đưa ra những kiến nghị để chính sách có thể phù hợp và mang được lợi ích cho nông dân thì hay quá.
Cảm ơn tác giả Kinh Vu, nhận định của anh không phải là không có cơ sở vì nó đã từng diễn ra ở những năm 2000-2001, nhiều Doanh nghiệp chạy Quota để tạm trử, lúc này Nhà nước bao luôn phần lãi và lỗ giá nhưng đến nay nhiều doanh nghiệp (DNNN) còn treo nợ hàng nhiều chục tỷ đồng, tất nhiên là treo để cho có và Ngân hàng báo cáo là không bị mất vốn;
Nhưng kỳ tạm trử này thua được chắt chắn là doan nghiệp ôm trọn còn nông dân không liên quan gì ( vì họ đã bán hết rồi, chỉ có nhà giàu và nhà đấu cơ còn giữ cà phê thôi ).
Vì Doanh nghiệp vay chỉ được ưu đãi phần lãi suất 6%/năm còn gía lên xuống tùy thuộc vào Doanh nghiệp bán ra lúc nào ? Như hiện nay bán ra là trúng lớn nhưng cứ tham lam ôm hàng chờ giá london + tiếp thì hãy coi chừng , phá sản lúc nào không biết . Năm 2008 đã từng có DN ôm hàng khi giá lên đến 42000đ/k thắng lớn nhưng không bán, và giá quay đầu không phanh nên mất nhiều chục tỷ không biết đến năm nào mới bù được
Tôi có cung cấp một số thông tin về tỉ trọng sản lượng cà phê thế giới trong bài “Sản lượng cà phê niên vụ 2010/11 và ‘ước mơ’ điều tiết thế giới”. Mời bà con cùng xem
Liên kết bài viết: https://giacaphe.com/6955/san-luong-ca-phe-nien-vu-2010-11-va-uoc-mo-dieu-tiet-the-gioi/
Chào anh Kinh Vũ . Mong có nhiều người đọc được bài viết này của anh. Chân thành cảm ơn anh .
Sao mọi người nói nhiều về Tạm trữ thế nhỉ? Tôi nghĩ rằng ai cũng phải biết Tạm Trữ cà phê là cái phao để các Doanh Nghiệp cà phê bám vào trong cơn bão thâm hụt vốn, chính phủ cũng biết điều đó rồi, chính phủ phải có chính sách này để cứu DN cà phê của Việt Nam, nếu không các DN cà phê VN chết hết, điều này kéo theo ngành cà phê VN chết theo, và nông dân chết theo VÌ khi đó các DN nước ngoài độc quyền thu mua và …
Thứ nhất: Nếu tiếp tục giữ cà phê tạm trữ lúc này là sai lầm, cà phê nước mình sắp thu, brazil đang giữa mùa. Giá như lúc này thì nên đẩy lượng cà phê tạm trữ đi gấp. Như thế thì thời gian tung vốn ngắn, lợi nhuận thu về cao. Tạm trữ năm nay được cho là thành công vì tiền bỏ ra thu được lời. Mặc dù món lời này rơi vào tay nhà nước chứ nông dân không hưởng được gì (Sau này nhà nước có hỗ trợ vốn, lãi suất vay cho nông dân hay không còn chưa biết?).
Thứ hai: Sang năm dù ai nói ngược nói xuôi, mong nhà nước tiếp tục tạm trữ và nên làm từ đầu vụ, làm nhanh (đừng để doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm gần hết hàng rồi mới mua vớt, khi thấy nhà nước mua vào, doanh nghiệp nước ngoài lại bán ra, làm giá vẫn không tăng, kết cục là nhà nước đem cà phê đổ, thà nhà nước mua tất rồi đổ một ít, khi đó cà ít giá tăng vẫn còn lời). Brazil đã có lần đem cà phê ra biển đổ (1986), đã có lần đem cà phê làm phân bón nhưng họ vẫn tạm trữ đó thôi, kết quả là giá cà phê bên nước họ có thể chấp nhận được. Nếu nước mình cùng tạm trữ thì có lẽ cán cân giữa kẻ mua người bán chắc có thay đổi?
Thứ ba: Khi làm thì nên công khai, minh bạch.
Bilamsao xin được có vài lời như trên!
Tôi chỉ xin góp 3 ý tưởng :
1. Bài viết đã phân tích được vai trò của tổ chức điều phối (OPEC, ACPC) và nêu bật được sự khác biệt về hàng hoá và một phần thực trạng về tài chính. Nông sản là hàng mang tính thời vụ và hạn sử dụng, trong khi dầu mỏ là khoáng sản thuộc hàng khan hiếm. Nhìn một góc độ nào đó, cà phê cũng chỉ là sản phẩm để xoá nghèo, để ‘khai sáng’ cho các nước thời thuộc địa. Dù sao nó cũng cao cấp hơn, có tính thương mại hơn, nó hướng về chân trời “phi thương bất phú” hơn là tự túc tự cấp.
2. Lâu nay ở Việt nam, kể cả báo chí và doanh nghiệp, đa số đều nghĩ sản lượng cà phê Việt nam nhất nhì thế giới, nếu biết cách thì có thể điều tiết được cung-cầu, khi ta phân tích ‘cảm tính’ thì thấy rất hợp lý nhưng thực tế nó ko phải vậy, ta đã bị cái cảm tính ‘nhất’ ‘nhì’ làm lu mờ lý trí. Cho nên mới nói, cái cảm tính chỉ giải thích được vấn đề chứ không giải quyết được vấn đề.
3. Từ ngàn xưa, đặc biệt trên thương trường và trên chiến trường, người ta nói vậy nhưng thường không chỉ có nghĩa là vậy. Bởi vậy Gia Cát Lượng mở cổng thành đón Nguỵ để hậu thế hiểu thế nào là ‘Dương đông kích tây’, là ‘Du long chuyển phượng’. Nó như trò chơi tâm lý, không phải lúc nào kẻ mạnh cũng thắng, cũng có thể xem là điểm mạnh của kẻ yếu vậy.
theo tôi việc tạm trữ cà phê không phải là không có tác dụng đâu…nhưng việc nghành nông nghiệp của ta quyết định tạm trữ cà phê trong khi để các nước xk cà phê khác lại đua nhau bán ra thì người chịu thiệt chính là người nông dân của chúng ta ….nên chăng là tất cả các nước ACPC phải cùng nhau thực hiện tạm trữ …để làm giảm nguồn cung ….có lẽ giá cà phê mới thực sự tăng chăng?
Thông tin người trồng cà phê được hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ thu mua cà phê của chính phủ là rất tốt, có tác dụng khuyến khích, hỗ trợ người trồng cà phê thoát khỏi sự bấp bênh về giá cả. Tuy nhiên, chính sách này có thực sự đem lại lợi ích thực sự của người dân hay không? Hay lợi nhuận ấy vào trong tay một số doanh nghiệp? Nhà nước cần phải công khai minh bạch trong chính sách của mình. Đồng thời, cần có cơ chế để giải quyết tốt bài toán trong giá cả. Bên cạnh đó, Nhà nước có thể trực tiếp chỉ đạo Doanh nghiệp thu mua cà phê mua với mức giá sàn do nhà nước quy định để doanh nghiệp và người dân cùng có lợi, khuyến khich đầu tư công nghệ trong chế biến thương phẩm cà phê, thương hiệu cà phê Việt Nam có được chỗ đứng trên thị trường cà phê thế giới. Có như vậy, người trồng cà phê mới thực sự có lời, chính sách của Nhà nước mới phát huy đúng tác dụng của nó.
Tôi là người mới tham gia, nên chưa đọc những bài viết về đề tài này trước đó. Cám ơn anh Kinh Vu nhé.