Tạm trữ cà phê thất bại, vì sao?

Ngày 15-7 là thời điểm kết thúc mua tạm trữ 200.000 tấn cà phê, nhưng 5 doanh nghiệp tham gia mua tạm trữ ở Dak Lak – nơi chiếm hơn nửa sản lượng cà phê Việt Nam hàng năm và chiếm 2/3 khối lượng cầm mua tạm trữ của cả nước – chỉ mới mua tạm trữ được hơn 17.000 tấn.

Xem thêmMua tạm trữ 17,000 tấn cà phê


Hy vọng chính sách tạm trữ sẽ lại được áp dụng vào vụ tới và hợp lý hơn.

Dù Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Hiệp hội cà phê Việt Nam (Vicofa) – những cơ quan đề xuất chính sách tạm trữ cà phê – không hề có thông tin về chính sách này thành công hay thất bại nhưng nhìn vào lượng cà phê mua tạm trữ tại Dak Lak, bất kỳ ai kinh doanh cà phê cũng thừa biết chính sách này đã thất bại hoàn toàn, nếu xét về mục tiêu mua 200.000 tấn cà phê.

Mua tạm trữ: không dễ

Hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là nơi duy nhất được Ngân hàng Nhà nước chỉ định cho vay mua tạm trữ cà phê có hỗ trợ lãi suất 6% từ ngân sách nhà nước nhưng theo Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Chi nhánh Dak Lak, lượng vốn đã giải ngân cho vay mua tạm trữ cà phê trên địa bàn tỉnh chỉ hơn 400 tỉ đồng, ứng với hơn 17.000 tấn.

Lâm Đồng là địa phương có diện tích cà phê lớn thứ hai trong nước, sau Dak Lak, việc doanh nghiệp mua tạm trữ còn èo uột hơn cả Dak Lak. Ngay cả ông Phạm Văn Án, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, cơ quan tham gia giám sát việc mua tạm trữ cà phê của doanh nghiệp, cũng thừa nhận cần phải có một chính sách khác, kịp thời hơn mới giúp người trồng cà phê khi mà nông dân trồng cà phê trong tỉnh bán cho các doanh nghiệp đăng ký mua tạm trữ không đáng kể.

Trong khi đó, ông Đỗ Văn Nam, Tổng giám đốc Tổng công ty Càphê Việt Nam (Vinacafe) cho rằng doanh nghiệp được vay vốn được hỗ trợ lãi suất 6% để mua tạm trữ nhưng muốn được việc, các doanh nghiệp đều phải vay theo lãi suất thỏa thuận, có khi lên tới 15-18%/năm. Như vậy, sau khi trừ 6% lãi suất được hỗ trợ, các doanh nghiệp vẫn phải trả lãi 8-12%/năm.

Với mức lãi suất này, nếu tạm trữ 3-6 tháng thì riêng chi phí trả lãi đã khiến giá thành cà phê tăng cao, doanh nghiệp không dám mạo hiểm. Nhà nước chỉ hỗ trợ lãi suất còn việc kinh doanh thì các doanh nghiệp lời ăn lỗ chịu. Bởi vậy nên khi mua hàng xong, doanh nghiệp thường phải nhanh chóng bán ngay, không dám để lâu trong kho.

Do giá cà phê thời gian gần đây lên xuống thất thường nên nhiều doanh nghiệp kinh doanh cà phê làm ăn thất bát, uy tín với ngân hàng giảm sút, cộng với hàng loạt vụ vỡ nợ trong mua bán cà phê chôn vốn của ngân hàng khá nhiều, nên ngân hàng khá chặt trong cho vay mua cà phê, dù là mua tạm trữ.

Một doanh nghiệp tham gia mua tạm trữ than rằng ngân hàng gây khó bằng cách đưa ra hàng loạt thủ tục. Cụ thể, doanh nghiệp mua tạm trữ muốn vay vốn hỗ trợ lãi suất phải có bảng kê về lượng cà phê để tại kho ở đâu, có xác nhận của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn địa phương, của UBND tỉnh.

Thế nhưng, doanh nghiệp đề nghị cán bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh xuống kiểm tra kho để xác nhận làm cơ sở giải ngân thì lại nhận được câu trả lời không thừa người đến từng kho cân đong cà phê.

Vì đâu nên nỗi?

Thực ra, những khó khăn trong mua cà phê tạm trữ như đã nói ở trên chỉ là hiện tượng bên ngoài, không phản ánh được toàn bộ bản chất của việc mua tạm trữ cà phê nhằm nâng đỡ giá cho nông dân như ý định tốt đẹp khi Thủ tướng ban hành chính sách này vào giữa tháng 4 năm nay, khi giá cà phê ở mức thấp, xung quanh 23.000 đồng/kg nhân xô trong một thời gian dài.

Ông Cao Đăng Dũng, một nông dân trồng cà phê ở huyện Cư Mgar, Dak Lak trong thư điện tử gửi cho người viết bài, cho rằng do phần lớn nông dân trồng cà phê thiếu vốn, nên hầu hết nhà nông ta sau vụ thu hoạch là phải bán để trang trải nào nợ nần, ăn uống, nhu cầu sinh hoạt hàng ngày, tái đầu tư cho rẫy cà phê (phân, thuốc bảo vệ thực vật, bơm tưới…).

“Cho dù lúc thu hoạch giá cả cao hay thấp, nông dân đều phải bán, chỉ có số ít người còn giữ cà phê lại chờ giá. Đó là những người có kinh tế khá giả hay là gia đình viên chức, giáo viên, cán bộ xã, huyện có đồng lương, có thu nhập nên không cần thiết phải bán ngay cà phê”, ông Dũng nói. Từ kinh nghiệm gắn bó với cây cà phê, ông Dũng cho rằng số cà phê được nông dân giữ lại không quá 30 % tổng sản lượng thu hoạch.

Trong khi niên vụ cà phê bắt đầu từ tháng 10 năm ngoái tới tháng 9 năm nay nhưng thu hoạch cà phê thì chỉ tập trung từ tháng 10 năm ngoái tới tháng 2, tháng 3 năm nay. Điều đó có nghĩa là, khi Chính phủ ban hành chính sách mua tạm trữ cà phê vào tháng 4, theo ông Dũng cũng như nhiều nhà quản lý nông nghiệp địa phương, thì lượng cà phê trong dân không còn nhiều nữa, mà cà phê đã nằm sẵn trong kho doanh nghiệp thương mại, đại lý hay nhà nông giàu có.

Do vậy, nếu bảo rằng tạm trữ để hỗ trợ giá cà phê trên thị trường thì thời đểm ban hành đã khiến cho chính sách tạm trữ không còn tác dụng. Chính sách tạm trữ của Chính phủ, theo đề xuất của Vicofa là đảm bảo nông dân trồng cà phê có lợi nhuận tối thiểu 30% giống như Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã từng làm với lúa gạo.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp tham gia mua tạm trữ lại mua cà phê theo giá thị trường, có nghĩa là giá thấp thì họ mua thấp, giá cao doanh nghiệp mua cao, cho nên mục tiêu nâng đỡ giá cho nông dân của chính sách này hầu như không có ý nghĩa nữa. Cũng chính vì Vicofa và các doanh nghiệp tham gia mua không xây dựng được giá sàn mua cà phê nên những lời hứa đảm bảo nông dân có lãi tối thiểu 30% khi họ thuyết phục Chính phủ ban hành chính sách, cũng chỉ là lời hứa.

Ông Phạm Văn Án, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng cho biết, người trồng cà phê trong tỉnh vẫn chưa bán được cà phê theo Quyết định của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp mua tạm trữ cà phê mà nguyên nhân giá cà phê trên thị trường từ đầu tháng 6 hồi phục mạnh và hiện nay ở mức 29.000 đồng/kg.

Thời gian mua tạm trữ 3 tháng kéo dài từ ngày 15-4 tới 15-7 nhưng thời gian đầu thì giá thấp, doanh nghiệp còn chờ thủ tục, họp lên họp xuống và chờ ngân hàng dành ra hạn mức cho thu mua tạm trữ. Thời gian nước rút để mua cà phê chỉ trong vòng 1 tháng qua thì giá cà phê tăng vọt. Điều hiển nhiên là cà phê tăng thì doanh nghiệp sợ rủi ro, không dám thu mua. Nhưng cũng chính từ đây lại nảy sinh vấn đề là chính sách thu mua tạm trữ nhằm nâng đỡ giá cho nông dân lại không đề cập giá tăng tới mức nào thì ngưng mua.

Nếu doanh nghiệp vẫn mạnh dạn mua tạm trữ khi giá cà phê tăng cao, vượt qua cái ngưỡng “đảm bảo có lợi nhuận tối thiểu 30% cho nông dân” mà nếu không ngưng mua thì việc dùng tiền ngân sách nhà nước để hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp thu mua tạm trữ cà phê trở thành hỗ trợ hoàn toàn cho hoạt động kinh doanh thông thường của doanh nghiệp mà lẽ ra doanh nghiệp không được thụ hưởng.

Nhưng ai, cơ quan nào là người có quyền xây dựng giá mua cà phê đảm bảo có lãi 30% và lấy mức giá đó làm cơ sở để ngưng chương trình thu mua tạm trữ nếu giá cà phê tăng cao, không cần phải tạm trữ nữa, thì không hề thấy nhắc tới trong chính sách tạm trữ.

Dường như khi đề ra chính sách mua tạm trữ cà phê hiện nay, cũng như các chính sách mua tạm trữ gạo, muối đang ồ ạt triển khai, không một ai lường trước việc này.

>> Cà phê – tạm trữ là “tự trảm”

Hồng Văn (SGTimes)

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. hieu kc

    bài viết này đúng quá,nông dân lúc nào cũng khổ,đói rách vẫn cữ đói rách
    có hỗ trợ cũng đâu được hưởng,chỉ béo những người đã giàu.

  2. Nông dân

    Lúc cần Nhà nước hỗ trợ tạm trữ thì mới đem ra bàn. Đế khỏi chết cho người và cây cà phê bắt buộc nông dân phải bán chứ nếu đợi Nhà nước thì người và cây chết lâu rồi. Điều hành kiểu này kém quá.

  3. hoàng hoa

    Tại sao tạm trữ cà phê lại thất bại?
    Để điều tiết thị trường thì việc tạm trữ các mặt hàng của mình khi cần thiết là đúng nhưng để làm được việc này thì vốn tạm trữ luôn luôn sãn sàng và phải giữ lại hàng đúng thời điểm.
    Tại sao đồng bằng sông cửu long lại ít lũ hơn đồng bằng sông hồng? Vì có biển hồ campuchia.
    Tại sao trong mạch nắn điện lại có một chiếc tụ ổn định điện áp (tụ lọc)? Có phải đây là “biển hồ campuchia” của mạch là chiếc tụ điện hay không?
    Vậy tại sao các nhà hoạch định chiến lược lại không để phần vốn thường trực ( “một cái hồ nhỏ”)để điều tiết thị trường?
    Tại sao các nhà hoạch định lại đưa ra thời điểm tạm trữ cà phê khi lượng cà phê trong dân không còn??? Việc làm này liệu có giống đào hồ để điều tiết nước vào mùa khô và lấp hồ trước khi mùa mưa đến?
    Thật buồn cười: Mùa khô làm gì có nước để điều tiết còn mùa mưa làm gì có hồ để điều tiết.
    Các bạn dọc và trả lời được những câu hỏi ở trên thì sẽ rõ mục đích của việc tạm trữ cà phê và cái lợi của việc tạm trữ thuộc về ai, Năng lực của nhà hoạch định chiến lược đến đâu.
    Chào các bạn!

  4. Gia lang

    Moj nguoj nay.Taj sao nha nuoc mjnh k dung tjen mua vay tam tru nay ma cho dan vay de cham soc cafe nhj.Lam nhu djnh huong cua o Tran Dinh Tung ay.Toj thay no kha thj hon vjec mua tam tru nay nhjeu

  5. nòng dân nghèo

    Qua bài viết này thì dân nghèo tôi xin dưa ra một số ý kiến nhỏ mong anh em trên diễn dàn đoc tham khảo va cho ý

    Thư nhất dân nghèo tôi cho rằng nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước ( 6% ) cho các doanh nghiệp vay từ ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn chi nhánh tỉnh Dắc Lắc đã dược phê duyệt và giải ngân từ lâu rồi.. Theo bài viết trên thi ong Nam tổng giám đốc công ty caphê Viet Nam cho rằng : ” Các doanh nghiệp phải vay theo lãi xuất thỏa thuận,có khi lên dến 15-18%/năm.Nhu vậy,sau khi trừ 6% lãi xuất dược hô trợ, các doanh nghiệp vẫn phải trả lãi 8-12%/năm.” Va cũng theo bài viết nay thì anh Hồng Văn cho rằng việc tạm trữ caphê dã thât bại..Dân nghèo tôi đồng tình với anh Hồng Văn là việc tạm trữ này chỉ thất bại về việc chỉ thu gom được 17.000 tân,còn về lọi nhuận của các doanh nghiệp thì xin thưa rằng la không hề nhỏ chút nào..Tôi vẫn bảo lưu ý kiến rằng là các doanh nghiệp dã nhận dược tiền hỗ trợ từ lâu rồi. Ở dây tôi xin lấy ví dụ rằng là các doanh nghiệp nhận dược itền hỗ trợ khi caphê dang ở mức giá 24.000/kg.Dân nghèo tôi xin thống kê một lượng nho nhỏ dể anh em tiên so sánh.

    2.400.000000 đồng = 100 tấn ( lãi xuât 12%/năm sau hỗ trợ 6% )

    Vậy 1 tháng các doanh nghiệp phả

  6. nòng dân nghèo

    Sorry anh em dân nghèo tôi không hiêu sao không viết dươc nữa nên qua trang viết tiếp mong anh em thông cam nha !!!

    2.400.000.000 đồng = 100 tấn ( lãi xuât 12% / năm sau hỗ trợ 6% như ông Nam dã nói ở trên.)

    Vậy các doanh nghiệp phải trả lãi ngân hàng là 24.000.000 đồng/tháng..Vậy sau 6 tháng các doanh nghiệp phải trả lại ngân hàng cả gốc và lãi tông cộng là:

    2.400.000.000 + 24.000.000 x 6 = 2.544.000.000 đồng/6 tháng.

    Nếu tính vào thời điểm này giá caphê tại DăcLăc là 30.000 đồng/kg thì dân nghèo tôi xin mạo muội tính ra rằng :

    30.000 x 100 tấn = 3.000.000.000 đông..tôi lại mao muôi lấy :

    3.000.000.000 – 2.544.000.000 = 456.000.000 đông ( đã bao gồm cả gốc và lãi ngân hàng )

    Vây ma cac doanh nghiệp dã thu mua dược 17.000 tấn , tức là gấp 17 lần con số thống kê của tôi ở trên…..Xin các anh em cho ý kiên !!!!!!

  7. Utlt

    Thật tội cho người nông dân.
    Có nên chăng chính sách hỗ trợ lãi suất tạm trữ cafe được chuyển từ các doanh nghiệp sang cho người dân?????
    Vì mục tiêu của chính sách để phục vụ lợi ích cho người trồng cafe.

  8. DVN

    Cho chúa chổm vay tiền ?.
    Nguyên nhân khiến chính sách thu mua cà phê tạm trữ thất bại thì nhiều nhưng nguyên nhân chính là do các doanh nghiệp thu mua đã phá sản .
    -Tại sao ngân hàng làm khó các doanh nghiệp ? .
    +Tại vì họ nợ nhiều quá ,nợ quá hạn và đã mất khả năng thanh toán .
    -Tại sao nhà nước đưa ra chính sách thu mua muộn ?.
    +Tại vì bỏ thì thương vương phải tội .Khi các doanh nghiệp kêu khóc quá không nhẽ nhà nước làm ngơ ,thực lòng chính phủ cũng không muốn cho chúa chổm vay tiền nên cố tình đưa ra chính sách thật muộn .
    -Tại sao sở nông nghiệp trả lời không thừa người đến từng kho cân đong cà phê ?
    +Tại vì Sở thừa biết chính sách này chỉ nhằm mục đích vỗ về ,an ủi .
    Theo tôi nghĩ tất cả không gì bằng nói thật .Vicofa đã chết ,hãy để cho họ chết một cách minh bạch và trong sáng .Nhà nước cần công bố Vicofa phá sản càng nhanh càng tốt .Những tài sản họ đang nắm giữ (đất đai,nhà xường …) trước kia đều do nhà nước cấp nay cần niêm phong ,phát mãi để trả nợ .Đất các nông trường Vicofa giao khoán cho nông dân nên bán lại cho nông dân và ưu tiên cho người đang canh tác trên đó .Việc phát mãi phải giao cho tòa án thực hiện và phải làm ngay ,tránh vết xe đổ đã từng xảy ra ở tổng công ty Dâu tằm tơ (Tài sản nhà nước bị người ta bán đổ bán tháo cho người thân ) .
    -Cái thây ma đã chết rồi thì nên chôn đi ,đừng để nó vật vờ báo hại người khác ,đừng bảo thủ nữa .

  9. lêquanghiếu

    Lấm sao để cho các bàc ND sường dươc _ vì để cho các bắc sướng, các bác có tiền các bác làm nghề khác. lấy ai sản xuất càphê để cho các BÀ vợ của các QU… ở HÀ NỘI ..TP HCM.. ĐÀ NĂNG gữi tiền lên tây nguyên mua cà đầu cơ .Chúng ta thừa biết đầu cơ găm hàng là lũng loạn thị trường. thế mà CP lại bỏ tiền ra mua 200 ngàn tấn đế dự trứ với giá rẻ. là cớ làm sao. Hay CP cũng muốn kiến lời như mây bả???Đáng ra CP nên quy định với mức giá trần tư 28000–29000 /1kg thì nông dân đỡ lỗ phải không bà con. Còn mua không đủ số lượng là vì mua ở thời điểm cuối vụ các BÀ đã mua đầu vụ mất rui ~ ~ ~ ~

  10. hoàng hoa

    Chào các bạn!
    Ở mục thảo luận trên tại soa Hoàng Hoa lại khộng kết luận vì đâu lại thất bại mà lại nói là: “mục đích của việc tạm trữ cà phê và cái lợi của việc tạm trữ thuộc về ai”? Vì Hoàng Hoa cũng không biết bài viết muốn nói ai thất bại trọng chính sách này (nông dân hay thương nhân và người đầu cơ hay nhà hoạch định chính sách?
    Thật ra câu “tam trữ cà phê thất bại” lại là một câu nói bâng quơ muốn nghĩ sao cũng được.
    Theo Hoàng hoa :
    – Đứng về phía nông dân chúng tôi thì không thể nói là “thất bại” vì việc làm này không phải do nông dân khởi xướng và thực hiện. Có chăng người nông dân không được hưởng những ưu đãi do nhà hoạch định chính sách đưa ra mà thôi.
    – Đứng về phía thương nhân và người đầu cơ thì cũng không thể nói là “thất bại” vì họ có khởi xướng vấn đề này đâu? Dù rằng họ được phân công thu mua tạm trữ nhưng nhưng lại được giải ngân khi không còn hàng để mua thì làm sao mua đủ? Tuy vậy họ lại là người được hưởng ưu đãi của chính sách.
    – Đứng về phía nhà hoạch định chính sách thì phải hiểu được mục đích thật sự của việcthu mua tạm trữ này mới có thể nói thất bại hay không.
    Giả sử mục đích mua tạm trữ nhằm hỗ trợ giá cho nông dân thì “thất bại ” thật.
    Nhưng tại sao lại không hỗ trợ trực tiếp cho người nông dân mà lại phải qua doanh nghiệp? Trong lúc Doanh nghiệp được trợ giá lại còn ép giá nông dân thì mục đích hỗ trợ giá cho nông dân liệu có đạt được? Mặt khác thời điểm thu mua tạm trữ lại là lúc người dân không còn cà phê thì liệu có hỗ trợ được cho dân được không?
    Vậy thực chất của việc thu mua tạm trữ có phải là trợ giá cho nông dân không?
    Theo tôi là không phải.
    Nếu mục đích chính của thu mua tạm trữ không phải là trợ giá cho nông dân thì không thể nói là “thất bại” được.
    Việc mua được 17 000 tấn (8.5%) so với dự định chỉ là chưa mỹ mãn vì các doanh nghiệp, nhà đầu cơ chưa hưởng hết ưu đãi của nhà nước mà thôi.
    Tóm lại việc thu mua tạm trữ càc phê vừa qua là không “thất bại”.
    vài lời phân tích đơn sơ mong các bạn thảo luận

  11. NÔNG VĂN DỀN

    Hãy giúp người nông dân bớt khó khăn bằng cách đầu tư trục tiếp thông qua các cơ quan, doanh nghiệp đang quản lý diện tích cà phê hiện có. Việc làm vừa qua là việc đầu tư không đúng chỗ, nó không mang lại hiệu quả kinh tế trước mắt cũng như lâu dài.Nó không những không mang lại lợi ích cho xã hội mà còn có thể gây tác động ngược lại, làm cho người trồng cà phê nghèo thêm, sẽ đến lúc ta sẽ suất khẩu gỗ cà phê đấy các bác ạ !

  12. Quang Dieu

    1-Thưa các bác là trong quyết định của thủ tướng cho mua tạm trữ 200.000 tấn cà phê cũng có một điều khoản rất quan trọng. Đó là ngoài hỗ trợ doanh nghiệp thì có hỗ trợ người dân vay vốn không lãi suất để sản xuất.
    Em xin trích nguyên nội dung này trong điều 4 của quyết định đó:
    Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo ngân hàng thương mại cân đối đủ vốn cho các doanh nghiệp vay thu mua cà phê, kể cả cà phê tạm trữ; thực hiện việc cơ cấu lại thời hạn nợ, giãn nợ đối với các khoản nợ vay của các hộ trồng cà phê đến hạn trả nhưng có khó khăn chưa trả được nợ, đồng thời cho vay tiếp để các hộ trồng cà phê có vốn sản xuất vụ mới.

    Vậy nên em nghĩ các bác trồng cà phê cứ đến ngân hàng hỏi thủ tục vay vốn, giãn nợ,… vụ mới đã có hướng dẫn chưa, cần thủ tục gì, vv… rồi nói tiếp.

    2-Chính phủ mình đã rất khôn ngoan khi ra quyết định mua tạm trữ. Xin các bác nhớ rằng trong điều 1 quyết định trên đã ghi rõ “Đồng ý việc mua tạm trữ tối đa 200.000 tấn cà phê sản xuất niên vụ 2009 – 2010; thời hạn mua cà phê tạm trữ tính từ ngày 15 tháng 4 năm 2010 đến 15 tháng 7 năm 2010”.
    Đấy các bác thấy không, mua TỐI ĐA 200.000 tấn nhé!!! Còn tối thiểu thì chẳng quy định và không bắt buộc phải mua bao nhiêu, miến là đừng có quá 200.000 tấn là đc/ Xét về nội dung quyết định này thì việc mua 17.000 tấn cà phê là nằm trong chủ trương hẳn hoi.
    Híc, thế mà các bác lại bảo chính sách này thất bại là sao???

    .

  13. vô vi

    Chết rồi các bạn ơi!
    Giá cà phê xuống vèo vèo!
    Mình là nông dân không bán khống, bán hàng giấy được nên chỉ mong giá cà phê lên chút nào đỡ chút nấy, hai ngày nay nó mất phanh rồi bà con ơi!
    Đúng là già néo đứt dây! Chả biết đâu mà lần, hehe.

  14. Laba Cafe

    Theo tôi thì chính sách này không thất bại,

    Thứ 1. Quyết định thực hiện chính sách này ra đời trong bối cảnh u ám của thị trường cà phê (thấp nhất kể từ mùa vụ 8-2006 và kể từ đợt giảm giá liên tục từ tháng 3-2008 trên thị trường thế giới) và điều đáng nói là giá vẫn tiếp tục giảm bất chấp các quy luật về cung- cầu (nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là do đầu cơ). Mục đích của chính sách là can thiệp điều chỉnh cung cầu và theo tôi nhận xét trước tiên đó là một động thái đánh động và thăm dò giới đầu cơ

    (Việt nam mình hay làm cái kiểu vừa làm vừa thử vậy đó, nó thể hiện cái điều các bạn nói mãi đó là yếu kém trong dự báo. Tuy nhiên cách làm đó lại rất phù hợp trong điều kiện thực tiễn này, nói nôm na là nó có 1 mục đích bề nổi và nhiều mục đích chìm). (còn vấn đề dự báo nó cũng có nhiều khía cạnh hay nhưng chưa thấy ai bàn, cái này mình sẽ nói trong dịp khác).

    Đến lúc triển khai thực hiện (tháng 6) thì giá đã trên mức sàn. Vì vậy đứng về góc độ người làm chính sách thì kế hoạch không cần phải thực hiện tiếp (cho nên doanh nghiệp gặp khó khăn trong giải ngân là điều ko có gì khó hiểu), tuy nhiên không ai dại mà thông báo huỷ bỏ kế hoạch vì kế hoạch vẫn còn tác dụng có lợi rất lớn về mặt thông tin. (cho nên kế hoạch sẽ vẫn thực hiện (nói duy trì thì đúng hơn) theo kiểu nhỏ giọt, giảm quy mô là tối ưu).

    Ngược lại có thể nói nó thành công và chủ yếu nhất là thành công về các mục đích chìm (Mà các mục đích chìm thì chỉ có nhà làm chính sách biết, cho nên họ nói thành công thì “Uh, thành công”, còn họ nói thất bại thì “ok, thất bại”.)

    Laba Cafe

  15. chuotdong

    Chuột đồng lên mạng chủ yếu đọc thông tin giá cả để bản thân rút kinh nghiệm vận dụng cho gia đinh lam sao bán cà được giá một chút. Việc phân tích, mô xẻ, thất bại hay không thật tình chuột không quan tâm vì dân tôi chẳng được gì trong vấn đề này.
    Vô vi ơi, ban nhiều cà hay không ma yêu đời đến vậy? nghe tiếng cười của bạn cà phê có “rớt” vài giá nữa chuột thấy vãn ấm lòng. Hai ngày nay phanh xe đươc chỉnh sửa rồi đó. chưa kịch giá như tuần trước nhưng không đứt thắng nữa rồi. lân này lên giá là “đẩy” thôi bạn ạ.Nếu đứt phanh là hu hu chứ không còn he he vì “tham thì thâm” đó là qui luật.

  16. vô vi

    Không giấu gì chị chuột, nói nhỏ mình còn 35 tấn. Từ lúc bà xã định bán (giá 25000) thì mình cũng “dắt” về được 5 chiếc air blade mà bửa giờ lại thấy nó nổ máy hết trơn, một chiếc đã ra đi rồi, hehe! Giả dụ nó vèo hết 5 chiếc thì mình cũng đành hehehe vậy vì lúc đó “tiếng hát át tiếng rên” thôi. Còn đến 25000 thì nhất quyết bán để trả vốn cho bà xã, không dám mạo hiểm nữa.
    Lòng tham bao giờ có đáy đâu, nhưng kệ, mạo hiểm 1 chuyến vậy.

  17. tuyetgiangphutu_gl

    Theo ý kiến riêng của mình có 2 vấn đề chính trong việc chính phụ nên trợ cấp cho người trông cafe đó là:
    Thứ nhất, chính phủ nên thực hiện hỗ trợ lãi suất cho người nông dân vay để trông,chăm sóc cây cafe ,hình như theo quy định hiện nay ở NHNN&PTNT chỉ cho vay khoảng 7 triệu/ha, thì hổi thử đủ bỏ mấy lầm phân bón,mấy lần tưới nước.
    tính nhẩm thử thấy,trong mùa mưa phải ít nhất 3 lần bỏ phân,mà giả sử mỗi lần bỏ 10 baoNPK ,mỗi bao giá khoảng 600.000 vị chi hết hơn 18 triệu trên 1ha,chứ đừng nói là các thứ tiền khác như công làm cỏ ,cuốc bồn,làm cành,phun thuốc,vị chi trong mùa mưa,it nhất nhà nông phải tốn trên 30 triệu/ha. thì hỏi thử người dân lấy tiền đâu ra. Mà không có tiền đầu tư thì họ lại đi vay nóng ở ngoài, đi cát giá cafe non.tới mùa thu vào,trả lại hết mất.ý kiến đề nghị chính phủ xem xét việc tăng mức tiền cho người dân vay tiền đầu tư.
    Thứ hai,là chính phủ,các ban bộ ngành liên quan nếu thực hiện mua dự trữ,
    “cứu giá” cafe thi nên bắt đàu vào mùa thu hoạch thi nên mua ,chứ đợi thu hoạch xong,nông dân bán xong để trả nợ ,thì còn thú gì để thu mua?

  18. Nông dân nghèo

    Chị Chuotdong ơi, bửa nay nói nghe ỉu xìu vậy? không quan tâm thì làm sao…rút kinh nghiệm được, rút kinh nghiệm để bán cà được giá một chút thì sao lại nói…chẳng được gì? không phân tích, mổ xẻ thì làm sao mà vận dụng được?…giờ này Chuotdong đang hu hu hay là he he rồi !

Tin đã đăng

Tin mới nhất

83