Tin buồn

Ngày càng nhiều nông dân đến với sàn giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột

Lượng cà phê mà nông dân mang gửi kho cho Sàn giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột (BCEC) chưa nhiều, nhưng trong bối cảnh nhiều nông dân gửi cà phê cho đại lý đã không thu lại được, thì việc gửi cà phê cho BCEC không những bảo đảm mà còn có thể vay vốn ngân hàng ngay tại sàn giao dịch.

Xem thêm: Nông dân bước chân vào sàn giao dịch

Ông Trần Xuân Thùy, một nông dân trồng gần 20 héc ta cà phê ở xã Hòa Thuận, T.P Buôn Ma Thuột (Đác Lắc), khá bỡ ngỡ khi biết BCEC đã ra đời 2 năm nay, mà trụ sở nằm trên đường ông hay đi về, nhằm phục vụ giao dịch cà phê cho những nông dân hay nói đúng hơn là giúp nông dân, người có nhiều cà phê giao tiếp với cách mua bán hiện đại. Thói quen mua bán cà phê qua đại lý, cũng có thuận lợi vì “tiền tươi”, nên đã “không làm” ông Thùy tới sàn cà phê lần nào. Cho đến khi nơi ông sinh sống có một số nông dân trồng, người mua bán cà phê rủ ông tới BCEC đăng ký làm thành viên bán (tức thành viên của BCEC chỉ giao dịch bán tại sàn), thì ông cũng đăng ký xem sao.Ông Thùy bộc bạch: Vụ cà phê vừa rồi, tôi đến giao dịch với BCEC, đánh liều một phen là mang cà phê tới sàn để giao dịch, đến nay tôi ký gửi 50 tấn cà phê nhân trong kho của BCEC.

Cà phê mà nhà ông mang tới kho là cà phê xô (người trồng cà phê ở Tây Nguyên quen gọi như vậy), tức là cà phê có cả ba cỡ hạt (hạt to, vừa và nhỏ). Khi mang cà phê xô tới gửi kho, ông được nhân viên sàn tư vấn nên phân loại ra để sau này bán có giá cao nhất. Vậy là ông tốn thêm một chút công để phân loại theo ba tiêu chuẩn dựa trên kích cỡ hạt, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, thay vì cà phê xô mà ông thường bán. BCEC cấp cho ông ba cái giấy chứng nhận đã ký gửi ba loại cà phê với sản lượng cụ thể, trong đó có chứng nhận tiêu chuẩn cà phê của Cafecontrol, đơn vị được BCEC ủy nhiệm kiểm tra chất lượng.

Có chứng nhận này, nhân viên BCEC cho biết là tôi có thể dùng nó để bán, cầm cố vay tiền với ngân hàng có mặt tại sàn giao dịch, còn nếu chưa cần tiền thì cứ gửi ở kho của sàn, khi nào cần thì bán. ông Thùy trao đổi thêm như vậy.

Khi cà phê gửiv ào sàn giao dịch sẽ được phân loại
Khi cà phê gửiv ào sàn giao dịch sẽ được phân loại

Có thể khẳng định rằng, nông dân trồng cà phê ở Đác Lắc thường thu hoạch cà phê tươi, phơi xơ, xát ra bóc vỏ thành cà phê nhân rồi bán xô cho đại lý. Đây là kiểu sản xuất mà người có cà phê tốt cũng chỉ bán được với giá chẳng khác gì cà phê xấu, không khuyến khích nông dân phân loại, nâng cao chất lượng, kích cỡ hạt cà phê, để tăng thêm giá bán mà nông dân có thể có được. Chính vì lẽ đó, Nhà nước đã đầu tư xây dựng sàn giao dịch cà phê nhằm giúp nông dân nâng cao giá trị hạt cà phê của mình hơn, hơn thế nữa khi gửi vào kho của sàn, nông dân yên tâm không bị vỡ hụi, và càng không có trường hợp khi cần không bán được cà phê để lấy tiền để trang trải cho gia đình như gửi ở các đại lý.

Được biết, giao dịch cà phê với BCEC (trong giao dịch có phần ký gửi), nông dân chỉ cần điện thoại tới sàn và cho biết nhu cầu của mình (ký gửi, cầm cố vay vốn…) thì sàn sẽ hướng dẩn cụ thể các thủ tục. Sau khi nông dân chở cà phê tới sàn, được sàn hướng dẫn cân xe, lấy phiếu cân, xuống hàng, lấy mẫu cà phê để kiểm định và ra cân xe lại để xác định trọng lượng cà phê thực nhập kho. Ông Đạt, người cùng ký gửi cà phê ở sàn với ông Thùy, cho biết thêm, nhân viên kiểm định chất lượng của Cafecontrol chỉ cần 30 phút sau khi nhập kho là có thể cho người gửi biết kết quả lô hàng nhập là bao nhiêu phần trăm sàng 18 (cỡ hạt), sàng 16, sàng 13, độ ẩm, tỷ lệ hạt đen vỡ, tỷ lệ tạp chất…

Để có được hạt cà phê đầy đủ chất lượng người nông dân phải chú ý đến khâu thu hoạch
Để có được hạt cà phê đầy đủ chất lượng người nông dân phải chú ý đến khâu thu hoạch

Mỗi tấn cà phê xô khi ký gửi phải đóng phí các loại hết 550.000 đồng, khi nông dân nghe điều này ai cũng băn khoăn, vì gửi đại lý bên ngoài không mất đồng nào. Song khi tính toán lại, ông Đạt nhẩm, khi có phiếu kiểm định chất lượng và nhờ phân loại cà phê nên khi muốn bán thì cà phê tiêu chuẩn sàn 13 có giá cao hơn cà phê xô 200 đồng/kg, cà phê sàn 16 cao hơn 1.000 đồng và loại cao nhất là sàn 18 có giá cao hơn tới 1.300 đồng/kg. Với mức giá bán đó, ai cũng tính ra ngay dù mất tiền phí gửi kho, tiền vận chuyển, bốc xếp nhưng nhờ phân loại và khi bán thành phẩm được giá cao hơn nhiều so với bán xô tại nhà.

Làm ăn như thế này mới khuyến khích nông dân trồng, thu hái và phân loại cà phê để có giá bán tốt nhất, trong khi gửi kho đại lý, dù không tốn phí nhưng cà phê tốt vẫn bị tính là loại xô, ông Thùy tính toán như vậy. Điều làm ông Thùy, ông Đạt… yên tâm không phải là cà phê ông bán có giá tốt hơn bán xô mà cái chính là “yên tâm khi gửi kho của sàn, không sợ vỡ nợ, rủi ro như ký gửi cà phê ở đại lý”. Đó là lời tâm sự và tính toán của người nông đầu tiên khi tiếp xúc với sàn giao dịch cà phê, một cách mua bán hiện đại chỉ giúp cho nông dân có lợi hơn mà thôi.

Theo ông Nguyễn Tuấn Hà, Giám đốc sàn BCEC, tới nay đã có 40 hộ nông dân, đại lý mua bán cà phê đăng ký làm thành viên bán tại sàn và nhiều người trong số này đã mang cà phê tới giao dịch, trong đó có ký gửi cà phê. Cuối tháng 1 vừa qua, BCEC đã cấp chứng nhận gửi kho cho 40 tấn cà phê của nông dân, trong đó nông dân bán 5,9 tấn và một số người gửi đã cầm cố vay vốn ngân hàng, cầm cố chứng thư gửi kho để vay ngân hàng ủy thác thanh toán (Techcombank) với số tiền 480 triệu đồng.

Được biết, hiện BCEC nhận cà phê gửi kho của nông dân có ngày trên dưới mười tấn, cũng có khi vài chục tấn. Có ngày nông dân dùng chứng nhận gửi kho để vay vốn hơn tỉ đồng. Hiện nay ngân hàng ủy thác thanh toán của sàn là Techcombank cho nông dân vay vốn bằng 70% giá trị cà phê gửi kho với hạn mức tối đa 10 tỷ đồng cho cá nhân. Còn kho thì miễn phí tiền gửi kho trong ba tháng đầu tiên.

Từ chỗ chỉ vài doanh nghiệp đăng ký làm thành viên kinh doanh (mua bán cà phê) mà chủ yếu là các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê, nay có 21 doanh nghiệp đăng ký mua bán qua sàn, một con số không nhỏ khi mà BCEC mới chỉ hai tuổi và nông dân lẫn doanh nghiệp còn chưa có thói quen mua bán qua sàn. Song điều đáng nói ở đây là công việc quảng bá, giải thích cho nông dân chưa được làm tốt, do vậy không ít nông dân ngại đến với Sàn giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột, hy vọng thời gian tới sẽ có nhiều nông dân giao dịch hơn nhằm hạn chế những rũi ro khi nông dân gửi cà phê qua đại lý.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

81