Tin buồn

Sốt ruột với cà phê Việt Nam

Những thực khách Sài Gòn yêu chuộng cà phê và có chút “vọng ngoại” bây giờ đã có nhiều cơ hội hơn để được thưởng thức các loại cà phê “kiểu phương Tây”.

Chỉ trong vòng hai tháng qua, tại Sài Gòn đã xuất hiện thêm 2 thương hiệu cà phê quốc tế danh tiếng là Coffee World và Coffee Bean.

22090867coffeebeans

Bên cạnh đó, Gloria Jeans cũng thể hiện rõ khát vọng chinh phục khi mở thêm một quán “hoành tráng” nữa ngay địa điểm khá lý tưởng – góc đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3. Đó là chưa kể những Angel-in-us, Bud’s Cream… hay các mô hình, thương hiệu ẩm thực nước ngoài khác có bán cà phê trong thực đơn.

Tất cả các thương hiệu này đều có sẵn những kế hoạch mở rộng chuỗi của mình một cách quyết liệt, không chỉ tại TP.HCM mà còn nhiều thành phố khác của Việt Nam. Theo thông tin thị trường, vẫn còn nhiều nhãn hiệu quốc tế nữa, về ẩm thực nói chung và cà phê nói riêng, đang ngấp nghé bước vào.

Trong đó, không loại trừ “ông trùm” Starbucks. Như vậy, rõ ràng, thị trường quán cà phê tại Việt Nam đã chính thức bị “tuyên chiến”. Đất nước xuất khẩu cà phê hạt lớn thứ hai thế giới đã trở thành thị trường mới cho các nhãn hiệu bán “phong cách uống cà phê”, “văn hóa cà phê”.

Một thực tế không thể chối bỏ là “cà phê kiểu Việt Nam” rất ngon. Thức uống đó thực sự là “number one” trong lựa chọn của người yêu cà phê bản địa. Hơn nữa, những người nước ngoài cũng rất thích uống “cà phê kiểu Việt Nam”. Những cụm từ như “cà phê sữa đá”, “cà phê đá”, “đen đá”, “nâu đá”… thuộc dạng từ vựng phải nằm lòng của nhiều người nước ngoài tại Sài Gòn hay Hà Nội.

Thế nhưng, không thực khách nào cả ngày đều chỉ muốn uống một loại thức uống. Hơn nữa, cà phê kiểu Gloria Jeans, Coffee Bean, Coffee World… là những thứ thức uống rất dễ gây… thương nhớ. Trước đây, khi chỉ mới có Gloria Jeans xuất hiện, đã có những thực khách Sài Gòn yêu thức uống này đến mức “có lúc thèm quá, giờ trưa mà phải chạy từ trên Phú Nhuận xuống Đồng Khởi mua một ly mang về văn phòng uống”.

Và hơn nữa, những thương hiệu này không chỉ bán cà phê đơn thuần, mà đang mang những phong cách sống, giá trị văn hóa mới mẻ. Hàng quán của họ luôn sang trọng, tiện nghi, nằm ở những vị trí rất thuận tiện, đẹp đẽ. Vào những quán cà phê đó còn là cơ hội để gặp gỡ và thể hiện mình.

Trong trào lưu hội nhập mạnh mẽ vào dòng chảy văn hóa quốc tế, giới trẻ Việt Nam nói riêng và thực khách yêu cà phê nói chung rất cần những giá trị này. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi những hàng quán kia thường “đắt như tôm tươi” ngay cả khi chưa khai trương chính thức.

Trong bối cảnh đó, các thương hiệu cà phê của Việt Nam thì sao? Ngoại trừ Highlands được đánh giá là bật lên khá tốt trong mấy năm trở lại đây, song vẫn chưa tạo được độ phủ đủ rộng và độ vững vàng của một thương hiệu lớn thực sự, thì hầu như không còn thương hiệu quán cà phê nào xứng đáng dẫn đầu, tạo nên những trào lưu mới tại TP.HCM và các thành phố lớn trong nước, chứ chưa nói chuyện đi ra nước ngoài.

Trung Nguyên trong mấy năm gần đây đã thể hiện vài nỗ lực đổi mới, song hệ thống quán của thương hiệu này bị đánh giá là “đề mốt”, thiếu đồng bộ và không đáp ứng được nhu cầu về tiện nghi, hình ảnh, dịch vụ cho một tầng lớp khách hàng mới. Các thương hiệu khác như Windows, Zenta, Cát Đằng… dù đông khách, song số lượng quán còn hạn chế, nên tầm ảnh hưởng của thương hiệu không thực sự đậm nét trên thị trường và trong lòng người tiêu dùng.

Cà phê Việt Nam đã và đang được ấp ủ tham vọng trở thành một sản phẩm chủ lực tạo thế cạnh tranh hay gây tiếng vang cho thương hiệu quốc gia trên thị trường quốc tế. Người tiêu dùng và dư luận xã hội đã dõi theo, ủng hộ và chờ đợi những dự án, những thương hiệu, những con người mang tham vọng đó.

Nhưng dường như tiến độ quá lâu đã khiến những đôi mắt ngóng trông mỏi mệt và thất vọng. Trong lúc mình chưa đi ra nước ngoài mạnh mẽ bằng những sản phẩm có hàm lượng văn hóa hay giá trị gia tăng, cũng chưa vững chãi trên mảnh đất của mình, thì “người ngoài” đã ầm ào kéo tới, với thế lực và phương pháp chinh phục khác hẳn.

Thị trường thời toàn cầu hóa không chờ đợi hay nhân nhượng ai, cà phê Việt Nam ơi!

Theo DN Sài Gòn

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

77