Tốt khoe, xấu che

Thưa quý bà con !

Từ ngày 23/08/2008 Y5cafe mở thêm chuyên mục “NÔNG DÂN THỜI @”, trong chuyên mục này sẽ đăng tải những bài viết về ngành cà phê , về nông dân, nông nghiệp Việt Nam. Chuyên mục do nhà báo Hồng Văn(Thời báo Kinh Tế Sài Gòn) phụ trách, anh vẫn thường được bà con nông dân yêu mến gọi là “Nhà báo của nông dân“.

Hy vọng với sự ra đời của chuyên mục “NÔNG DÂN THỜI @” sẽ làm trang thông tin Y5cafe phong phú hơn, có một cái nhìn toàn diện hơn về nông nghiệp Việt Nam.

Nhân sự việc Y5cafe đăng tải lại bài viết Ngành cà phê, cacao, hồ tiêu, hạt điều VN sau 2 năm gia nhập WTO và có nhiều ý kiến phản hồi đến Y5cafe rằng: –Người thực hiện bài viết đó và cả ông chủ tịch hiệp hội cà phê Việt Nam đều không biết gì về cà phê.

Và hôm nay khai trương chuyên mục của nhà báo Hồng Văn Y5cafe xin được mở đầu cho chuyên mục “NÔNG DÂN THỜI @” bằng chính bài viết của anh ” Tốt khoe, xấu che”. Hy vọng chúng ta sẽ có cái nhìn khách quan hơn.

Việc Bộ Công Thương chọn 4 mặt hàng cà phê, ca cao, hồ tiêu và hạt điều để phân tích tại hội thảo “Đánh giá tác động hai năm gia nhập WTO đối với nền kinh tế Việt Nam” hôm 9-7 tại Hà Nội được những người am hiểu ngành nông nghiệp gọi là “tốt khoe, xấu che”.

Tốt khoe

Cà phê Việt Nam nhiều năm qua nổi tiếng với việc mỗi năm xuất khẩu gần 1 triệu tấn nhân cà phê robusta, được đánh giá là lớn nhất thế giới, gấp đôi quốc gia sản xuất cà phê robusta đứng thứ hai là Indonesia với 400.000-500.000 tấn/năm (chỉ tính mặt hàng cà phê robusta).

Vì vậy, cũng dễ hiểu khi mọi tác động về thời tiết hay dịch bệnh đối với cà phê ở Việt Nam đều ít nhiều ảnh hưởng tới giá cà phê nhân robusta trên thị trường thế giới.

Dù tình hình vật tư đầu vào sản xuất cà phê của nông dân vài năm gần đây tăng lên đáng kể nhưng giá thành mỗi ký cà phê nhân của nông dân vẫn xoay quanh mức 15.000 đồng/kg, tức dưới 1 đô la Mỹ.

Một chuyên viên cà phê ở Văn phòng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tại TPHCM cho rằng với giá thành sản xuất như vậy, cùng với sản lượng lớn trên thị trường, cà phê robusta của Việt Nam gần như không có đối thủ cạnh tranh trên thị trường thế giới.

“Nếu có cạnh tranh, chẳng qua là các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê của chúng ta cạnh tranh với nhau, làm thiệt hại cho chính chúng ta chứ không một quốc gia nào có thể cạnh tranh về cà phê nhân robusta với Việt Nam”, vị này nói và cho biết cái yếu của cà phê Việt Nam hiện nay là chế biến, là chất lượng và bán qua các nhà thương mại trung gian.

Hơn nữa, nói về việc xuất khẩu cà phê nhân robusta của các doanh nghiệp Việt Nam ra thị trường thế giới thì trước khi Việt Nam là thành viên của WTO hay bây giờ cũng chẳng có gì khác, do không một quốc gia nào áp dụng hạn ngạch hay thuế đối với nhập khẩu cà phê.

Tương tự là hạt tiêu. Với sản lượng tiêu xuất khẩu hàng năm trên dưới 100.000 tấn, Việt Nam chiếm tới 50% sản lượng tiêu giao dịch toàn cầu. Hạt điều Việt Nam cũng có sản lượng xuất khẩu đứng hàng thứ 2, thứ 3 trên thế giới. Nhờ điều kiện thổ nhưỡng, lao động chi phí thấp, nên hạt tiêu hay điều của Việt Nam luôn có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Trong khi đó, với diện tích ca cao hiện nay xấp xỉ 10.000 héc ta, trong đó diện tích cho thu hoạch chưa đáng kể, nên ca cao của Việt Nam hai năm trở lại đây mới chỉ xuất khẩu mang tính thử nghiệm về chất lượng, tức các tập đoàn đa quốc gia mua về nước để phân tích chất lượng ca cao của Việt Nam.

Do vậy, giám đốc một doanh nghiệp thu mua ca cao ở Bình Dương có nhà máy chế biến ca cao ở Bến Tre, vùng trồng ca cao lớn hiện nay, cho rằng hạt ca cao Việt Nam được xem như chưa có mặt trên thị trường thế giới thì không thể đánh giá nó bị tác động ra sao bởi WTO. Thậm chí, vị giám đốc này nhận định, vài năm tới, Việt Nam có thể xuất khẩu nhiều ca cao nhưng người nông dân trồng ca cao sẽ không bị tác động nhiều do việc trồng ca cao hiện nay chủ yếu là trồng xen canh, tận dụng vườn dừa, vườn cà phê, nên giá thành sản xuất rất thấp.

Xấu che
Gần 2 năm sau khi Việt Nam gia nhập WTO, thịt gà ngoại nhập tràn vào Việt Nam với lợi thế giá rẻ và tập quán tiêu thụ thịt gà của người Việt khác với các nước phương Tây, tức đùi cánh ở Việt Nam có giá cao còn ở các nước khác thì những loại này có giá thấp.

Từ việc chỉ chiếm 3-5% thị phần thịt gà tại thị trường TPHCM, nơi tiêu thụ thịt gà lớn nhất nước, nay thịt gà ngoại, theo đánh giá của cơ quan thú y, có thể chiếm 20-30% thị phần. Phần lớn các quán ăn bình dân hay bếp ăn ở các nhà máy, khu công nghiệp đã sử dụng đùi, cánh thịt gà nhập khẩu và ép thị phần thịt gà trong nước lui về phân khúc gà nguyên con, gà thờ cúng, gà giá cao cho những người có thu nhập trung bình khá trở lên.

Chính các doanh nghiệp kinh doanh thịt gà trong nước ở TPHCM phải thừa nhận thịt gà ngoại đang làm cho họ “phập phồng”.

Còn thịt heo, thịt bò ngoại tuy chưa tác động nhiều tới giá thịt heo trong nước nhưng cũng đã đi vào thị trường Việt Nam với các phân khúc thị trường cao cấp ở các nhà hàng, khách sạn lớn. Thậm chí mấy tháng qua, giá heo trong nước tăng cao là cơ hội để thịt heo của Thái Lan tràn vào qua ngả biên giới Tây Nam đang làm cho các trang trại chăn nuôi lớn trong nước đau đầu.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia nông nghiệp, tác động lớn nhất và dễ thấy nhất của hội nhập WTO trong ngành nông nghiệp lại chính là cây bông vải ít ai chú ý. Trước khi Việt Nam trở thành thành viên của WTO, nhiều chuyên gia nông nghiệp đã lên tiếng cảnh báo điều này.

Từ hàng chục ngàn héc ta trồng bông vải vào đầu những năm 2000, cung ứng gần 10% sản lượng bông xơ cho công nghiệp dệt may, nay chỉ còn vài ngàn héc ta với sản lượng cung ứng còn 3-5% bông xơ cho ngành dệt may, vốn đang phát triển nhanh và kim ngạch xuất khẩu lớn chỉ thứ hai sau dầu khí.

Chính những người đã từng nhiều năm gắn bó với cây bông vải ở Công ty cổ phần bông vải Việt Nam, Công ty bông Đồng Nai, cho rằng một quốc gia sản xuất nông nghiệp như Việt Nam mà chỉ có vài ngàn héc ta bông vải trên cả nước thì về mặt kinh tế, cây bông vải không khác gì bị xóa sổ. Thế nhưng, đằng sau cây bông vải là hàng chục ngàn hộ nông dân nghèo đã từng gắn bó với cây bông vải ở Tây Nguyên, Đông Nam bộ và duyên hải miền Trung.

Thật đáng buồn là trong khi Việt Nam xuất khẩu chuyên gia nông nghiệp sang các nước châu Phi để hỗ trợ họ trồng lúa, chăn nuôi thì Tổng công ty dệt may Việt Nam hiện lại đang đề nghị Brazil hỗ trợ Việt Nam trong khâu đầu tư trồng bông vải, giống, công nghệ.

Trong một vài hội nghị gần đây của ngành nông nghiệp, một số vị cán bộ nông nghiệp địa phương đổ thừa cho việc cây bông vải bị mất chỗ đứng ở địa phương mình là do giá không tăng, hoặc nếu có thì tăng không đáng kể trong khi các cây trồng khác có giá tăng như cà phê, tiêu, điều hay cao su.

Nhưng họ quên rằng, Việt Nam đã hội nhập WTO, thuế suất nhập khẩu bông xơ từ Mỹ, Brazil, những quốc gia mà Việt Nam nhập nhiều bông xơ, chỉ còn 3%, thậm chí các doanh nghiệp dệt may trong nước còn đề nghị giảm xuống còn 0%.

Như vậy, dù có tăng giá mua bông vải thì cây bông vải trong nước cũng sẽ “chết” trước bông vải ngoại nhập giá rẻ, khối lượng lớn áp đảo, đó là chưa kể một số nước phát triển có trợ cấp cho các trang trại trồng bông vải.

Điều đáng nói là gần hai năm qua, Bộ Công Thương, thậm chí cả Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, chẳng tổ chức hội thảo, hội nghị phân tích tác động của WTO tới người chăn nuôi heo gà hay trồng bông vải ra sao, trong khi đây là những nông sản bị tác động mạnh nhất, dễ thấy nhất của WTO. Còn 4 mặt hàng nông sản mà Việt Nam quá có thế mạnh hoặc chưa có trên thị trường thế giới thì mang ra mổ xẻ rình rang.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

76