Thị trường cà phê ngày 01/10/2015

Sáng nay (01/10), giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên giảm 200 – 300 đồng, xuống ở mức 34.900 – 35.500 đồng/kg.

Biểu đồ giá cà phê Robusta London T11 ngày 30/09/2015
Biểu đồ giá cà phê Robusta London T11 ngày 30/09/2015

Thị trường London:

Trên sàn kỳ hạn ICE Europe, giá cà phê Robusta đảo chiều giảm trở lại. Kỳ hạn giao tháng 11 giảm 19 USD, tương đương giảm 1,22 %, xuống 1.557 USD/tấn, kỳ hạn giao tháng 1/2016 cũng giảm 19 USD, tương đương giảm 1,21 %, còn 1.564 USD/tấn, và kỳ hạn giao tháng 3/2016 giảm 18 USD, tương đương giảm 1,14 %, còn 1.578 USD/tấn, các mức giảm đáng kể. Khối lượng giao dịch ở mức trung bình.

Thị trường New York:

Trái lại, trên sàn kỳ hạn ICE US, giá cà phê Arabica có phiên điều chỉnh theo xu hướng tăng. Kỳ hạn giao tháng 12 tăng thêm 0,5 cent, tức tăng 0,41 %, lên 121,35 cent/lb, kỳ hạn giao tháng 3/2016 tăng thêm 0,45 cent, tức tăng 0,36 %, lên 124,4 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 5/2016 tăng thêm 0,4 cent, tức tăng 0,32 %, lên 126,5 cent/lb, các mức tăng khá nhẹ. Khối lượng giao dịch ở mức trung bình.

Phiên giao dịch cuối cùng của niên vụ cà phê 2014/2015 đã thể hiện rõ xu hướng đầu cơ lẫn tiêu dùng trên các thị trường hiện nay: Rót vốn vào sàn Arabica vì giá loại cà phê chế biến ướt này đắt đỏ so với Robusta ắt sẽ kiếm được lợi nhuận nhiều hơn.

Phát biểu tại kỳ họp thứ 115 của Hội đồng Cà phê Quốc tế đang diễn ra ở Milan – Italya, Michael Neumann, cựu TGD tập đoàn Neumann Kaffee Gruppe – Đức, cho rằng sản lượng cà phê Robusta đang tăng nhanh trên toàn cầu, nhất là ở các quốc gia châu Phi, nhờ năng suất cao, dễ trồng và giá rẻ, được các hãng rang xay sử dụng ngày càng nhiều, bên cạnh cà phê Arabica natural Brasil cũng được lựa chọn để thay thế Arabica “dịu sạch” của Colombia và các nước khu vực Mỹ Latin vì giá quá đắt.

Andrea Illy, chủ tịch tập đoàn Illycaffe – Ý, nói rằng nhu cầu đối với cà phê ngày càng tăng do mức tiêu thụ bình quân đầu người và dân số thế giới cũng gia tăng. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu toàn cầu sẽ khiến một số nước hoàn toàn không thích hợp để trồng cà phê, ông A. Illy cũng là Chủ tịch Ủy ban phát triển thị trường của ICO cho biết như vậy.

Mặc dù sản lượng, sức bán ra, sự thay đổi tỷ giá đồng Reais của quốc gia sản xuất và xuất khẩu hàng đầu thế giới tác động mạnh lên các thị trường cà phê, nhất là New York, nhưng theo dõi con số báo cáo định kỳ của ICE cho thấy cà phê xuất xứ từ Brasil nhiều khi chiếm chưa tới 1% trong tổng tồn kho.

Có thể còn do đầu cơ trên các thị trường cà phê hiện đang “bán Lonndon, mua New York” khiến cho giá trên hai sàn kỳ hạn đi trái chiều phiên hôm qua.

Trong khi đồng Reais lẫn USD đang có tín hiệu giảm giá, có thể đó cũng là chỗ dựa để giới thương nhân quốc tế lôi kéo hàng tồn kho chưa bán vụ trước lẫn hàng vụ mới của Việt Nam sớm ra thị trường.

Sáng nay (01/10), giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên giảm 200 – 300 đồng, xuống ở mức 34.900 – 35.500 đồng/kg.

Anh Văn (giacaphe.com)

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Thị Hiền

    Cái trò bắt chéo bán bên này mua bên kia chủ yếu là dùng ít đồng tiền hơn , quan trọng là R và A bây giờ thuộc một ông chủ , lúc trước sàn Liffe chưa bán họ phải sử dụng tiền nhiều hơn vì không thuộc một ông chủ , nên họ bỏ tiền ra thâu tóm để sau này dễ bề lũng đoạn .

  2. Phan Thảo

    Điều bạn Hiền nói tôi rất đông tình với bạn , vụ vừa rồi nói rõ điều đó , đây cũng là lý do tôi muốn giải nghệ vì tôi kd hàng thật !

  3. Nguyễn Quang Bình

    Xin tham gia ý kiến với hai bạn Thị Hiền và Phan Thảo như sau:
    1. Không phải lúc nào giá sàn A tăng và R giảm thì có thể kết luận “mua NY bán LDN”. Hiện tượng này xảy ra khi giới kinh doanh thấy cần thiết phải dùng bên này bảo hiểm cho bên kia.
    2. Khi mua bán chéo như vậy, hai đầu phải trả tiền chứ không như bạn Thị Hiền nghĩ. Vì sao? Nếu bạn sử dụng một sàn, thì chủ sàn có thể cho phép bạn lấy ký quỹ tháng này bù cho tháng kia một bán một mua. Còn 2 sàn thường phải nộp tiền ký quỹ cả hai sòng phẳng, dù bạn có là bạn cực thân, nối khố với chủ sàn.
    3. Bạn Phan Thảo muốn giải nghệ vì chuyện trên? Đáng tiếc! Nếu hiểu như cách của Thị Hiền, quyết định của bạn sẽ đáng tiếc, đúng không? Bạn là người kinh doanh hàng thực, dứt khoát phải sử dụng sàn kỳ hạn làm công cụ để bảo vệ tài chính cho mình. Nhưng nếu bạn đòi thắng cả 2, vừa hàng thực vừa hàng giấy, tức bạn sử dụng công cụ này sai. Đáng ra phải là 1 thua và bên 1 kia thắng.
    Vả lại, khi kinh doanh trên sàn kỳ hạn, ai cho mình đúng và đúng, thì ấy là cách nhìn của một người bị ảnh hưởng cách làm đầu cơ.
    Cái cuối cùng của kinh doanh trên sàn kỳ hạn, không thể khẳng định tôi đúng anh sai anh sai tôi đúng. Chỉ khẳng định được khi người tham gia thắng, thắng tiền vào túi chứ không còn treo trên sàn hay treo lượng mua hay bán còn mở chưa thoát khỏi vị thế.

  4. Thị Hiền

    Vừa rồi nghe nói đang có sự điều tra vì chủ sàn nâng đỡ một số đối tác ký quỹ , lúc bị lộ ra thì nạp cho đủ .

      1. Trần Aka

        Xin hỏi, tôi phải hiểu ý này và ý thứ 2 ở trên như thế nào đây? xin cám ơn.

  5. Thị Hiền

    Các anh Tây cứ bán cho thoả thích , tới lúc ko có hàng cho anh Nes thì hơi bị căng , các anh chưa sợ như năm 2013 đánh quá lố , tới lúc không có hàng giao phải đẩy giá lên mới có hàng giao , lúc 40000 chúng tôi còn chịu được , huống chi giá này , các anh cứ chờ xem .

  6. Thị Hiền

    Là người nông trồng cà phê tính ra không thu được lợi nhuận được bao nhiêu mà đầu tư chăm bón nhiều ….. tính ra trên 33 triệu / tấn , chí ít phải cho chúng tôi có mức lời một chút , tính ra thu được 3 tấn với mức giá này cả 1 năm lời được chưa tới 10 triệu , hèn gì nông dân chúng tôi dần chuyển đổi sang cây gì cho lợi nhuận hơn để đỡ khổ chứ cái nghèo cứ đeo bám hoài , năm nào cũng ăn trước trả sau nên chán …..

Tin đã đăng