Tin buồn

Cà phê Việt: Vẫn loay hoay tách vỏ

Dù đã xuất hiện những mô hình nuôi trồng các loại cây, con mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng cà phê với các thế mạnh sẵn có ở nước ta về lâu dài vẫn là một mặt hàng nông sản giá trị cao khó thay thế.

Vấn đề ở chỗ các khó khăn đang được tháo gỡ bằng các cơ chế, chính sách, giải pháp như thế nào.

sản xuất cà phê

Cầu bắt đầu vượt cung

Theo dự báo của Cty Volcafe Ltd, hậu quả hạn hán tại Brazil sẽ khiến thị trường cà phê thế giới niên vụ 2014-2015 rơi vào tình trạng cầu vượt xa cung. Cty ED&F Man Holdings Ltd. dự tính lượng cà phê thiếu hụt ước khoảng 5 triệu bao loại 60 kg.

Giá cà phê Robusta tháng 05/2014 giao dịch trên thị trường kỳ hạn London kết thúc phiên ngày 28/02/2014 tiếp tục tăng cao vượt lên mức 2043$/tấn. Còn ở trong nước giá cà phê nhân tại các tỉnh Tây Nguyên đã đạt hơn 39,200đ/kg, mức cao nhất từ đầu niên vụ tới nay.

Ông Ama Thoan, chủ vườn cà phê rộng 2 ha ở xã Cư Kpô, huyện Krông Buk, cho biết: Giá cao nhưng bà con không ai còn cà phê bán nữa, vì hầu hết đã bán ngay từ đầu vụ để trang trải nợ nần, mua phân bón, dầu chạy máy tưới cho vụ tới. Cũng may năm nay thời tiết thuận lợi, mưa dứt muộn, vườn cà phê được “trẻ hóa” từ đầu năm trước bằng cách ghép chồi giống mới của gia đình ông chỉ cần tưới 2 đợt hoa đã nở rộ đồng loạt. Khả năng vụ tới sẽ đạt 5 tấn cà phê nhân/ha.

Tuy nhiên, với phần lớn diện tích cà phê già cỗi trong hàng trăm nghìn héc ta (ha) cà phê chưa được tái canh trên Tây Nguyên thì dù mưa thuận gió hòa, năng suất vẫn tiếp tục giảm. Theo Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam, khoảng 1/3 trong tổng diện tích gần 600.000 ha cà phê trên cả nước ở độ tuổi trên dưới 25 năm chỉ còn cho sản lượng trung bình 1,5 tấn/ha.

Chi phí cần có cho mỗi ha tái canh khoảng 120 triệu đồng, tái canh xong phải chờ 3-4 năm sau mới thu hoạch được. Nên ít nhất trong vài năm tới, tổng sản lượng cà phê nước ta chỉ giảm chứ không tăng.

Xây dựng và bảo vệ thương hiệu

Mỗi năm xuất khẩu cả triệu tấn cà phê hạt, thế nhưng tới nay trên cả nước chưa có mấy tỉnh thành chú ý đến việc đăng ký bảo hộ độc quyền chỉ dẫn địa lý cho thương hiệu cà phê bản địa.

Sau 2 năm đeo đuổi vụ khiếu nại xuyên quốc gia về việc một Cty chuyên mua bán cà phê tại Quảng Châu đăng ký bảo hộ độc quyền 2 nhãn hiệu cà phê mạo danh Buôn Ma Thuột, ngày 16/1/2014, Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột mới nhận được kết quả phán quyết từ Phòng Xét xử và Xem xét lại nhãn hiệu thuộc Bộ Công nghiệp và Thương mại Trung Quốc: 2 nhãn hiệu bị hủy bỏ với nhận định: Buôn Ma Thuột là một địa danh ở Việt Nam, chỉ một nơi quan trọng để trồng cà phê, đã được dùng để đăng ký bảo hộ độc quyền chỉ dẫn địa lý cho hàng hóa tại Việt Nam. Sản phẩm cà phê Buôn Ma Thuột đã có danh tiếng nhất định đối với công chúng Trung Quốc, vì vậy việc sử dụng độc quyền nhãn hiệu này cho sản phẩm cà phê của Cty TNHH Cà phê Buôn Ma Thuột Quảng Châu dễ gây nhầm lẫn về nguồn gốc sản phẩm hàng hóa.

Trò chuyện với Tiền Phong, ông Dương Thanh Tương- Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột (HHCPBMT) ưu tư: Cty Cà phê Buôn Ma Thuột Quảng Châu được cơ quan chức năng Trung Quốc cấp bằng bảo hộ từ năm 2010. Cơ sở pháp lý của ta trong vụ này là từ tháng 10/2005, Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ KHCN Việt Nam đã cấp đăng bạ quốc gia công nhận bảo hộ độc quyền chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột cho tỉnh Đắk Lắk.

Theo luật pháp Trung Quốc, nếu không đồng ý với phán quyết này, Cty nọ vẫn có quyền khởi kiện tại Tòa án Trung gian sơ thẩm Bắc Kinh. HHCPBMT đã gửi hồ sơ yêu cầu đăng ký bảo hộ độc quyền chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột trên lãnh thổ Trung Quốc, nhưng cơ quan chức năng nước này không chấp thuận với lý do các bằng chứng đưa ra chưa đủ chứng tỏ chỉ dẫn địa lý này nổi tiếng rộng khắp đối với công chúng Trung Quốc.

Vụ này càng khiến chúng ta nhận thức rõ phải chủ động quảng bá thương hiệu cà phê của địa phương mình ra tất cả các nước chứ không thể tiếp tục thờ ơ với các “luật chơi” của WTO. Thời gian gần đây, tỉnh Đắk Lắk đã xúc tiến bảo hộ thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột nhiều nơi nhưng mới nhận được sự đồng thuận từ 17 quốc gia và vùng lãnh thổ khối EU, cùng các nước Nga, Thái Lan, Đan Mạch. Một số nước khác như Singapore, Nhật, Trung Quốc còn buộc Việt Nam phải bổ sung thêm các tiêu chí về chất lượng và môi trường.

Cà phê quốc doanh: Phải khác trước!

Trong hàng trăm doanh nghiệp vốn nội mua bán cà phê hạt ở nước ta, trụ vững được tới giờ phút này chỉ còn lác đác vài đơn vị.

Lề lối quản lý xộc xệch, chèn ép người lao động, mất dân chủ, kinh doanh kém hiệu quả trong phần lớn các Cty cà phê quốc doanh đã làm dấy lên làn sóng khiếu nại, kiện cáo kéo dài từ năm này sang năm khác khiến sản xuất đình trệ, doanh nghiệp nợ nần thua lỗ, đời sống người lao động khó khăn. Sau khi báo Tiền Phong đăng loạt bài “Nước mắt công nhân cà phê”, Thanh tra Bộ NN&PTNT đã đi thực tế tới nhiều địa bàn, ghi nhận hàng trăm ý kiến khác nhau của các nhóm công nhân về cách khoán bất hợp lý, nhiều loại thuế phí chồng chéo, lối chỉ đạo áp đặt, trói buộc khả năng lao động sáng tạo của công nhân, đều là trồng cà phê nhưng mức sống công nhân ngày càng thua kém so với nông dân vì không được linh hoạt đầu tư thâm canh.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Nam Hải, Tổng giám đốc Vinacafe cho biết hiện Tổng Cty chỉ còn quản lý 34 doanh nghiệp với diện tích cà phê khoảng 18.000 ha, rất nhỏ so với tổng diện tích cà phê 60 vạn ha của cả nước.

Tuy nhiên, các tồn đọng rất cần được giải quyết đồng bộ cả 3 mảng: Tái canh phần lớn diện tích cà phê già cỗi trong thực trạng thiếu tiền đầu tư, bằng cách kêu gọi “xã hội hóa việc tái canh”; Điều chỉnh công tác khoán- điểm nghẽn chính giữa người lao động với doanh nghiệp- bằng cách rà soát từng khâu để sửa chữa, khắc phục hoặc kiến nghị thay đổi; Tháo gỡ gánh nặng khó khăn tài chính, giải quyết cơ bản nợ xấu đồng thời với xử lý hàng loạt cán bộ sai phạm, giảm số đơn vị xuất nhập khẩu từ 7 đầu mối về 1 đầu mối duy nhất là Vinacafe Đà Lạt, tăng cường hoạt động giám sát, thanh tra.

Thực hiện yêu cầu của Chính phủ, ngành cà phê cần đẩy mạnh cổ phần hóa theo hướng nhà nước không nắm vai trò chi phối mà chỉ chú trọng chế biến, tìm thị trường xuất khẩu, chỉ dẫn định hướng cho nông dân. Cách bán lô cà phê cho công nhân sở hữu nếu đặt ra, cũng cần có chính sách hỗ trợ cho dân vay vốn để trả nợ dần.

Sau khi báo Tiền Phong đăng loạt bài “Nước mắt công nhân cà phê”, Thanh tra Bộ NN&PTNT đã đi thực tế tới nhiều địa bàn, ghi nhận hàng trăm ý kiến khác nhau của các nhóm công nhân về cách khoán bất hợp lý, nhiều loại thuế phí chồng chéo, lối chỉ đạo áp đặt, trói buộc khả năng lao động sáng tạo của công nhân, đều là trồng cà phê nhưng mức sống công nhân ngày càng thua kém so với nông dân vì không được linh hoạt đầu tư thâm canh.

Bắt công nhân cà phê phải tự đóng bảo hiểm

Ông Lê Thành, công nhân đội 6 từ năm 2006 đến nay có hợp đồng nhận khoán với Cty Cà phê Ia Sao II (xã Ia Sao, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) chăm sóc 1 ha cà phê. Tại bản hợp đồng có thời hạn 5 năm (2006-2010) thể hiện rõ, ngoài việc phải đóng sản lượng giao khoán 3.011 kg quả tươi/năm/ha thì công nhân còn phải đóng thêm 8 khoản khác với số tiền 800.000đ/năm. Trong khi Nhà nước đã có quy định rõ: quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi được trích từ lợi nhuận sau thuế TNDN của doanh nghiệp để dùng cho công tác khen thưởng, khuyến khích lợi ích vật chất, phục vụ nhu cầu phúc lợi công cộng, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người lao động.

Đã thu sai nhiều khoản suốt thời gian dài với hợp đồng cũ, khi chuyển qua hợp đồng mới giai đoạn 2011-2016, Cty Ia Sao II còn thu dồn thành từng gói, lớn hơn, tới 75kg cà phê quả tươi/năm/ha cho quỹ phúc lợi. Thay vì đóng Bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người lao động theo quy định, Cty này lại bắt người lao động tự đóng tất. “Ví dụ mỗi tháng góp BHXH bằng 31,5% tiền lương, trong đó Cty phải đóng 22% còn người lao động 9,5% , nhưng Cty lại báo nợ và bắt ép công nhân phải nộp hết” – ông Thành cho biết.

 

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Thu Hương

    Người nông dân đã khổ lắm rồi, sao còn nỡ bóc lột họ đến tận xương tủy như thế hả Công ty Ia Sao 2 ? Ác quá vậy trời ?

    1. trần nguyên

      k phải mình cty cà phê iasao 2 đâu, toàn bộ đất của nông trường tức là 18.000ha của vinacafe nói trên + nhiều cty khác, dân đều phải nộp sản cho nông trường là 3 tấn cafe tươi /ha/năm + bảo hiểm xh là ~ 10 triệu/1 năm. giờ đọc bài báo thấy thương người dân quá. k biết số tiền trên về tay ai?

  2. phamhuyduc

    Các cty con của Tổng cty cafe Việt Nam trên các tỉnh Tây nguyên đều bắt công nhân tự đóng bảo hiểm xã hội. ở công ty cafe Việt Thắng hàng năm công nhân muốn được phát bảo hộ lao động thì phải đóng thêm 50kg quả tươi. Vườn cafe được trồng từ năm 1980>1984 đã trên 30 năm tuổi vẫn phải giao nộp 2.850kg quả tươi/ha. Thật khổ cho công nhân thấp cổ bé họng chẳng biết kêu ai.
    Thật khổ cho đời làm công nhân cafe !

  3. Phan Minh Triết

    Hãy vui long giúp cho người nông dân có đời sống tốt hơn, đó là tiềm năng của doanh nghiệp.

    Nông dân không sống nổi thì vườn cây sao giữ được? Cty đi về đâu?

Tin đã đăng

Tin mới nhất

81