Nuôi kiến vàng trừ sâu bệnh cho cây cà phê

Dù chỉ là học sinh lớp 11 nhưng em Nguyễn Duy Tân đã có sáng kiến phòng trừ sâu bệnh trên cây cà phê bằng cách nuôi kiến vàng. Đề tài của em thể hiện sáng kiến thân thiện với môi trường và có khả năng ứng dụng thực tế cao.

Xem thêm: Nhận diện một số loại sâu bệnh chính trên cây cà phê

Với ý tưởng kiến vàng có thể trừ được sâu bệnh trên cây cà phê, Tân (Trường THPT Lộc Phát, Bảo Lộc, Lâm Đồng) đã bắt tay vào thử nghiệm đề tài này. Sau gần một năm thực hiện, đề tài đã thành công ngoài mong đợi và đã đạt giải nhì Cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật dành cho học sinh phổ thông tỉnh Lâm Đồng lần thứ 6.

kien vang sau benh hai ca phe
Em Nguyễn Duy Tân vẫn tiếp tục thử nghiệm nuôi kiến vàng để chuẩn bị cho các cuộc thi tiếp theo

Tân cho biết: “Xem tivi thấy ở miền Tây người ta nuôi kiến vàng để trừ sâu bệnh cho cây ăn trái, chủ yếu là các loại cây có múi như sầu riêng, măng cụt, mít…, em mới thắc mắc liệu kiến vàng có trừ được sâu bệnh trên cây cà phê. Hơn nữa, tại nơi em sống, người dân trồng rất nhiều cà phê nhưng chủ yếu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để trừ sâu bệnh. Điều này vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa tăng chi phí sản xuất. Thế là em bắt tay vào thử nghiệm đề tài nuôi kiến vàng để phòng trừ sâu bệnh trên cây cà phê”.

Đề tài này được Tân thực hiện từ đầu năm và đến cuối năm 2013 thì hoàn thành. Ban đầu, Tân cùng giáo viên hướng dẫn là cô giáo Phạm Thị Giang tìm hiểu lý thuyết về đặc tính, nguồn thức ăn, quá trình sinh trưởng… của kiến vàng. Cả cô và trò cùng tìm hiểu tài liệu ở Thư viện của Trường.

Từ những kiến thức thu được trên lý thuyết, Tân bắt đầu làm các thử nghiệm. Thử nghiệm đầu tiên Tân thực hiện là nuôi kiến vàng trong thùng để xem các loại sâu bọ mà kiến vàng dùng làm thức ăn. Thế nhưng, khi bỏ kiến vàng vào thùng có lót đất và bỏ các loại sâu bọ thường có trên cây cà phê, kiến vàng “chê” thức ăn và bò hết ra ngoài. Thế là Tân tìm cách “giam lỏng” kiến vàng bằng cách bỏ thùng vô chậu nước để kiến vàng bị cách ly, không thể bò ra ngoài. Từ đó nguồn thức ăn trong thùng xốp mỗi ngày một giảm đi. Tân cho biết: “Kiến vàng là loại ăn tạp nên có thể ăn tất cả các loại sâu bọ. Vì vậy, nếu nuôi trên cây cà phê thì sẽ trừ được các loại sâu gây hại”.

Tân đã tiếp tục làm các thử nghiệm thực tế trên 3 vườn cà phê gần nhà tại các thôn Thanh Xuân 1, Thanh Hương 1 và Tân Hương 1 (xã Lộc Thanh). Ba vườn mà Tân chọn là vườn cà phê thả ngọn có trồng xen cây trồng khác, vườn cà phê thả ngọn chuyên canh và vườn cà phê hãm ngọn. Đây đều là những vườn cà phê có nhiều sâu bệnh mà Tân thuyết phục mãi chủ vườn mới đồng ý cho thả kiến vàng.

Tại các vườn, Tân tiến hành thử nghiệm trên diện tích 1.000 m2; trong đó, có ½ diện tích không thả kiến vàng để làm đối chứng. Ban đầu, Tân đi thu thập tổ kiến vàng về thả lên cây cà phê đã chọn và giăng dây từ cây này sang cây khác để kiến tự phát triển đàn. Để giúp kiến vàng có nguồn thức ăn ban đầu, Tân đi xin nội tạng heo, gà về treo trên cây cà phê để làm thức ăn cơ sở cho kiến. Sau gần một năm theo dõi và ghi nhận, kết quả mà Tân thu được tại các vườn cà phê thử nghiệm là sản lượng cà phê không thay đổi nhưng số lần xịt thuốc giảm 50% – 66%, từ đó giúp giảm chi phí khoảng 2 triệu đồng/ha/ năm (theo thử nghiệm của Tân thì giảm chi phí 100 ngàn đồng/500 m2/năm).

Từ thực tế, Tân kết luận: “Hiệu quả rõ nét nhất của việc nuôi kiến vàng thể hiện ở vườn cà phê thả ngọn trồng chuyên canh. Mật độ kiến tại vườn này là từ 60% – 80% số cây có kiến. Do đó, sâu hại cũng bị “tiêu diệt” rất nhiều. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất của việc nuôi kiến vàng là người thu hái sẽ bị kiến cắn. Để khắc phục hạn chế này thì người nông dân nên thu hái cà phê vào lúc kiến tụ về tổ vào buổi sáng và chiều mát (vì khi trời nắng ấm kiến mới bò ra khỏi tổ để kiếm ăn), hoặc cắt bỏ những cành có kiến vàng làm tổ vất xuống đất, sau khi thu hái xong kiến sẽ tự bò lên để làm tổ lại. Ngoài ra, vào mùa khô, nguồn thức ăn là sâu bọ bị cạn kiệt thì người nông dân cũng cần bổ sung thêm thức ăn để kiến duy trì đàn”.

Tại 5 vườn mà Tân xin làm thử nghiệm, hiện có 3 vườn đã để lại đàn kiến trên cây cà phê vì nhận thấy hiệu quả của nó. Thầy giáo Nguyễn Hoàng Chương, Hiệu trưởng Trường THPT Lộc Phát, nhận xét: Đề tài của Tân là đề tài rất thân thiện với môi trường và biết vận dụng vào thực tế địa phương, nơi cây cà phê là cây trồng chủ lực. Hiện tại, nhà trường đang khuyến khích Tân tìm hiểu, khắc phục những hạn chế và hoàn thiện đề tài để tham gia các hội thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh ở cấp cao hơn trong thời gian tới.

Ngoài say mê nghiên cứu khoa học, Tân còn là học sinh giỏi và năng nổ trong các hoạt động của trường dù hoàn cảnh gia đình em rất khó khăn. Mẹ mất sớm. Bố phải đi làm xa. Tân sống một mình và tự chăm lo cho cuộc sống. Do đó, hàng tháng nhà trường đều trao học bổng để hỗ trợ em học tập.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

83