Sài thành thương nhớ cà phê

Cà phê Sài thành có muôn nghìn câu chuyện. Một tách cà phê có thể mang người thưởng thức đến nhiều thế giới khác nhau…
Buổi tinh mơ, quán cà phê không đường Tri Nhân ở Nguyễn Thiện Thuật, Bình Thạnh. Ly cà phê giọt nhỏ uể oải. Những sắc màu bình minh. Một chiếc lá vàng trên cây mận đậu xuống bàn. Nhạc Ngô Thuỵ Miên len lén dẫn mùa thu tóc ngắn vào vườn.

ly-ca-phe
Một tách cà phê đã mang người thưởng thức đến nhiều thế giới khác nhau…

Hương cà phê nhẹ nhàng tan trên đầu lưỡi, vị đắng cùng vị ngọt ân ái nhau lạ lẫm. Vị ngọt của loại cà phê không đường. Tại sao cà phê không đường lại ngọt? Chủ quán cười cười giấu nhẹm cách sản xuất, mơ hồ bảo chất ngọt tận dụng từ đường trong trái cà phê chín…

Thêm một chiếc lá rụng xuống bàn. Nhớ Yudishthira, anh cả trong dòng Pandava trong sử thi Mahabharata, từng bảo: “Mỗi ngày, cái chết đến, vậy mà chúng ta sống như không bao giờ sẽ chết. Ðây là điều kỳ diệu lớn nhất”.

Một quán cà phê vỉa hè bên đường Petrus Ký cũ, nay là Lê Hồng Phong. Có từ cách đây hơn 30 năm. Cà phê vỉa hè mà khách đông nghẹt. Ông chủ quán chỉ công thức ngon: Cứ một cân cà phê pha 100 g nếp hương và hai hạt cau khô rang xay nhuyễn, và một muỗng canh nước mắm nhỉ. Ông bảo người ta thương nhớ là thương nhớ cái chát của cau, cái mằn mặn thoang thoảng của mắm.

Quán chật mà khách vẫn chen vào. Chỉ cần một chiếc ghế cóc, tay bưng chiếc đĩa để một ly xây chừng đựng cà phê, nếm chậm rãi… nhiều vị khách còn chưa đã, chắt phần cà phê tràn xuống đĩa lót trở vào ly. Ông chủ bảo:” Cũng là cách chiều khách. Có người rót không tràn không chịu, cằn nhằn”. Quán cũng là nơi ngồi lê đôi mách của cánh đàn ông, thi thoảng có vài bà ghé vào. Xong nghi thức cà phê buổi đầu ngày. Vậy mà không có thì nhớ.

Cà phê đầu ngõ cũng thường là nơi lui tới mỗi sáng sớm của dân Sài thành. Như quán cà phê đầu ngõ hẻm 242 Bùi Viện. Những quán cà phê này thường bàn ghế nhỏ gọn. Nắng mưa đều khiến chủ phải lăng xăng, nhưng khách vẫn lui tới. Ở đó, có thể ngày nào cũng nhìn, cũng thấy từng khuôn mặt rất quen trong xóm. Chị A, đúng 6 giờ dắt chú chó Nhật ra đường cho nó đi vệ sinh, những ngày trở lạnh còn mặc thêm cho nó chiếc áo bông. Hai vợ chồng già bác B. 7 giờ nắm tay nhau từ quán phở vỉa hè gần đó về nhà. Anh xích lô C. bước vào quán tay phe phẩy tờ Công An TP HCM… Cà phê vỉa hè còn gọi là cà phê kho, cà phê vớ, không ngon, nhưng sáng không đến nhiều người vẫn thấy thiêu thiếu cái gì đó.

Có khi ngồi đó nhâm nhi lại một đoạn dĩ vãng. Nhớ lại những ngày đường tem phiếu hiếm hoi, sáng phải uống cà phê với muối hột. Vị muối mặn chợt hiện về trong ly cà phê của thời đường ê chề bán ế lên ế xuống. Rõ ràng là ngoài cà phê, nhạc, không gian, còn có cái gì trĩu nặng trong ly cà phê sáng.

Với người giàu có thời gian, cà phê Sài thành bây giờ nhiều thân dáng lắm để đem lòng thương nhớ. Nhưng đó phần lớn là cho người “tỷ phú thời gian” đắm mình trong những không gian khác nhau, chiêm nghiệm, nhâm nhi.

Ðường Ðồng Khởi vẫn giữ nguyên ngôi vị khu cà phê Sài thành. Nhiều khuôn mặt cà phê ở đây đã nhẵn với nhiều thế hệ. Từ cà phê vỉa hè Metropolitan đến gần khu trung tâm là những tiệm cà phê một thời lừng lẫy danh tiếng một thời như Givral nơi xưa quy tụ các nhà văn, Brodard quy tụ nhà báo. Xuôi về phía cuối đường Ðồng Khởi, vượt qua một số quán cà phê mái hiên bên hông các khách sạn Continental, Majestic, Caravelle, là cà phê Catinat – tên cũ của Ðồng Khởi, nơi đầy âm hưởng dân văn nghệ… Âm nhạc và không gian thường là những sắc thái chính làm nên tấm nhan sắc của từng quán. Montana, Bodegar, Catinat, Yoko, Wild Horse, Thanh Niên…, mỗi quán một vẻ.

Theo Sài Gòn Tiếp Thị

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

83