3 Bộ “xắn tay” triệt phân bón giả

Có thể nói phân bón giả, kém chất lượng ngày càng nhiều và ngày càng nhờn mặt các cơ quan pháp luật. Nhiều cuộc họp, nhiều văn bản, nhiều biện pháp nhưng rốt cuộc nạn phân bón giả không giảm. Hôm qua, 3 Bộ NN-PTNT, Công an, Công thương cùng ngồi lại tìm cách xử lý vấn đề hóc búa này.

phan-bon-gia

Còn nhớ, cách đây gần 1 năm, Phòng số 8 – Cục Cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế – Bộ Công an (C15) phối hợp với PC15 Công an tỉnh Hải Dương tiến hành khám xét 2 địa điểm sản xuất Hoài Đức – Hà Nội, Chí Linh – Hải Dương và một số đại lý tiêu thụ Cty CP Sản xuất thương mại dịch vụ Tân Trường Sinh, thu giữ tại hiện trường 85 tấn NPK giả có hình con trâu và đầu trâu, 8 máy vê viên và đóng bao cùng nhiều sổ sách liên quan đến quá trình sản xuất và tiêu thụ NPK giả.

Tuy nhiên, sau bằng ấy thời gian, vụ việc không còn được nhắc lại, và chắc hẳn nó đã “chìm xuồng”. Tại cuộc họp bàn biện pháp xử lý phân bón giả giữa 3 Bộ NN-PTNT, Công an, Công thương và Hiệp hội Phân bón VN tổ chức sáng qua (11/8) tại Hà Nội, các đại biểu đều thừa nhận việc phát hiện, bắt giữ và xử lý phân bón giả có quá nhiều điểm bất cập. Ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT)- cơ quan giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước về phân bón cũng phải lắc đầu ái ngại: “Xử phạt phân bón giả chưa kiên quyết, nhẹ quá thành ra chẳng răn đe được ai”.

Cũng theo ông Ngọc, tổ chức bộ máy quản lý và giám sát phân bón cũng có đầy rẫy “vấn đề”. Ông Ngọc đơn cử: Thanh tra của ngành trồng trọt cũng như tổ chức bộ máy của các địa phương chưa phải thanh tra chuyên ngành, lại không có chức năng kiểm tra xử phạt, hỏi ai sợ. Đã thế, cấp phép sản xuất phân bón- một ngành SXKD có điều kiện quá tràn lan. Khi cấp phép, bên KH- ĐT đâu có tham vấn ý kiến chuyên ngành về trồng trọt, phân bón ở địa phương. “Thực tế những điều đó đến nay ta chưa làm được, và nói nhiều lần nhưng cứ tồn đọng lại”, ông Ngọc thú nhận.

Cơ chế thị trường, không cần có quota

Về việc các DN kinh doanh kiến nghị Bộ Công thương “làm khó” DN bằng cách phải có quota mới cho tái xuất phân bón, trao đổi với NNVN, ông Nguyễn Trí Ngọc cho rằng, trong cơ chế thị trường, đặc biệt là khi Việt Nam đã là thành viên WTO, thì việc nhập, xuất là chuyện hết sức bình thường.

Với phân bón, nếu DN thấy nhu cầu trong nước hiện nay thấp, vì chưa phải thời điểm vào vụ của nông dân, thì tái xuất cũng chẳng có vấn đề gì.Ông Nguyễn Hạc Thúy, PCT kiêm TK Hiệp hội phân bón Việt Nam cho rằng, vấn nạn phân bón giả không chỉ làm đau đầu cơ quan quản lý Nhà nước, mà quan trọng hơn thiệt hại cho nông dân cực lớn. Ông Thúy đơn cử một ví dụ, đó là theo báo cáo của Cục Trồng trọt về công tác kiểm tra phân bón năm 2008, cả nước có trên 300 DNSXKD phân bón với trên 3.000 sản phẩm khác nhau. Qua lấy mẫu kiểm tra tại 22 tỉnh thành trên toàn quốc cho thấy kết quả gần 50% số mẫu phân bón kém chất lượng.

Để loại dần phân bón giả khỏi thị trường, ông Nguyễn Trí Ngọc đòi phải có pháp lệnh, thậm chí có thể phải soạn thảo cả luật để xử phạt. Ông Ngọc cho biết, 2009 là “năm chất lượng phân bón” mà các Bộ, ngành không đẩy lùi được nạn phân bón giả, kém chất lượng thì không còn cơ hội nào tốt hơn.

Ông Nguyễn Hạc Thúy thì đòi sớm ban hành tiêu chuẩn về tên phân bón. Ông Thúy lập luận: “Nếu sản xuất phân bón chỉ đạt 10% so với tiêu chuẩn cũng quy vào là phân kém chất lượng như khi đạt 90% với mức xử phạt như nhau thì chẳng ai dại gì mà sản xuất phân 90%”.

“Một Bộ, ngành không làm được thì nhiều Bộ, ngành cùng phối hợp”, ông Thúy đề xuất. Theo ông PCT HH phân bón thì ngành công an cần là lực lượng đi đầu. Công an có lực lượng, có phương tiện làm việc và trên hết là hiện nay, ngành này có đủ các văn bản pháp lý để dựa vào đó thực thi. Ngoài ra, Bộ Công thương, mà trực tiếp là lực lượng quản lý thị trường, thanh tra phải đón lõng, triệt tiêu nạn phân bón giả.

Một biện pháp quan trọng là nâng cao năng lực lựa chọn phân bón của người dân sẽ làm giảm phân bón giả. Ông Thúy cho rằng năng lực lựa chọn phân bón của người dân VN đang rất thấp do trình độ còn hạn chế và thiếu vốn. Việc thiếu thông tin và thiếu tiền buộc người dân phải mua chịu ở các đại lý và gặp nhiều sản phẩm kém chất lượng với giá rẻ hơn là điều dễ hiểu.

Nguyễn Thịnh
Theo Nông nghiệp

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

80