Quay lại phương thức xuất khẩu cà phê cũ

Hiệp hội cà phê Việt Nam đã khuyến cáo các hội viên của mình trong niên vụ cà phê mới bắt đầu thu hoạch từ đầu tháng 10 tới đây nên tăng cường phương thức bán hàng giao ngay (outright), nhằm hạn chế thiệt hại.

Xem thêm:

Khuyến cáo của Hiệp hội cà phê Việt Nam (Vicofa) đưa ra là nhằm rút kinh nghiệm của tháng 10-2008 và tháng 6-2009 khi nhiều doanh nghiệp cà phê bị thiệt hại nặng về giá khi bán hàng giao xa mà không chốt giá, gây tổn thất lớn cho các doanh nghiệp.

Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Vicofa, cho rằng trong tình hình kinh tế toàn cầu vẫn đang khó khăn, dù thời điểm phục hồi được dự báo là cuối năm nay hoặc đầu sang năm nhưng độ bền vững của nền kinh tế thế giới vẫn còn mong manh, các quỹ đầu cơ vẫn hoạt động mạnh, nên cần tăng cường bán hàng giao ngay.

Bán hàng giao ngay (outright) trong truyền thống giao thương cà phê thế giới có nghĩa người mua và người bán chốt giá ngay tại thời điểm ký hợp đồng mua bán mà không cần biết giá cà phê tại thời điểm giao hàng diễn biến ra sao.

Phương thức này được các doanh nghiệp cà phê Việt Nam áp dụng phổ biến vào đầu những năm 1990, sau đó thay thế bằng phương pháp ký hợp đồng nhưng không chốt giá mà khi giao hàng mới chốt giá bán dựa vào giá cà phê giao dịch trên thị trường London (Anh) và trừ lùi một mức nào đó, còn gọi là phương thức bán trừ lùi.

Phương thức bán trừ lùi phổ biến trong hơn chục năm qua, thường áp dụng cho các hợp đồng giao xa mà nhà nhập khẩu thường ứng trước 70% số tiền của hợp đồng cho nhà xuất khẩu, phần còn lại được tính toán khi giao hàng và chốt giá dựa vào giá cà phê giao dịch trên thị trường kỳ hạn London. Các năm trước, đây là phương thức bán cà phê tiến bộ so với giao ngay, bởi gắn giá cà phê Việt Nam với giá thế giới, hạn chế thiệt hại so với phương thức giao ngay nếu giá cà phê thế giới tăng.

Nay Vicofa khuyến cáo hạn chế bán hàng trừ lùi trước tình hình thị trường cà phê thế giới đầy biến động. Niên vụ cà phê Việt Nam bắt đầu thu hoạch vào tháng 10 hàng năm nhưng việc ký hợp đồng thường diễn ra trong ba tháng 7, 8 và 9.

>> Tìm hiểu thị trường cà phê: Kỳ hạn – Bán khống – Mua đón

Theo SGtimes

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Thu

    Qua lời khuyên của ông Tự, sự diễn đạt tài tình của Hồng Văn (nếu không nhần thì bài này của HV từ TBKTSG) thì những nổ lực nhằm đưa doanh nghiệp VN lên sàn giao dịch cà phê thế giới của Techcombank và Inexim đổ sông đổ biển cả.

    Đúng là Hồng Văn, anh thì biết gì về thị trường kỳ hạn mà nói. Cũng chỉ khá khen cho loạt bài đâm chọt “Câu chuyện cà phê” mà thôi.

    Đôi lời nhắn gửi HV

  2. NGuyễn Bảo

    Mình vừa sưu tầm được bài viết của bác Hồng Văn đăng trên báo vào năm 2006, bà con xem thử nhé.

    BÃO KHÔNG ĐẾN TỪ BIỂN

    Mới sáng sớm nhưng ông P., giám đốc doanh nghiệp tư nhân T.P ở Buôn Ma Thuột đã đến Công ty O, và nhân viên bảo vệ công ty O trực ở cổng rất bất ngờ khi ông P., một đại lý cung ứng cà phê cho công ty mình thường ngày nay lại giúi vào tay một xấp tiền và bảo là “tặng cậu đi uống nước”. Không chỉ nhân viên bảo vệ mà từ cổng cho đến phòng giám đốc công ty O, gặp ai quen ông P., đều rút tiền ra tặng, khi thì triệu đồng, lúc thì hơn. Riêng ông D., giám đốc công ty O buổi sáng đấy được ông P., tặng 10 triệu đồng để tối đi nhậu. Mọi người trong công ty O đoán già đoán non và đồn ầm lên là ông P., thắng độ bóng đá World Cup bạc tỷ. Chỉ có ông D., hiểu khá rõ tiền ở đâu mà ông P., có. Thì ra đêm hôm trước, ông P., buôn bán cà phê qua mạng với thị trường giao dịch ở London thắng đến 3 tỷ đồng chỉ trong 1 đêm và do không đủ điều kiện đăng ký với ngân hàng Techcombank nên ông giao dịch thông qua công ty O của ông D.

    Cũng thật trớ trêu, vài hôm sau cái ngày ông P., thắng lớn và vung tiền cho mọi người thì ông lại thua đậm, người ta đồn ông thua hàng chục tỷ đồng khi nhìn thấy ông thất thiểu đi vay mượn tiền bạn bè mối lái cà phê nhưng ông D thì bảo rằng ông P., thua liên tục trong 3 đêm giao dịch với gần 8 tỷ đồng. Giờ đây ông P., được giới kinh doanh cà phê ở Buôn MaThuột đánh giá là gần như sạt nghiệp, đến mức cần vài triệu đồng cho con trai xuống TPHCM chuẩn bị thi đại học mà ông cũng phải ngửa tay vay mượn bạn bè.

    Ong P., không phải là trường hợp cá biệt hiện nay ở TP Buôn Ma Thuột khi mà có quá nhiều người tham gia mua bán cà phê qua mạng nhưng họ không hề có cà phê nhân thực sự, nên được giới kinh doanh cà phê gọi là buôn “hàng giấy” hay “cà phê giấy” và chuyện lời lỗ không khác gì đánh bạc là bao.

    Cho đến nay, sau gần 2 năm Chính phủ cho phép ngân hàng Techcombank làm chiếc cầu nối cho các nhà xuất khẩu cà phê tham gia giao dịch với thị trường kỳ hạn London, theo Hiệp hội Cà phê và Ca cao Việt nam (Vicofa), cả nước có 33 doanh nghiệp đăng ký với Techcombank tham gia giao dịch cà phê. Mục tiêu ban đầu của Vicofa và Techcombank là sử dụng công cụ phòng chống rủi ro (hedging) để tránh thất thoát, rủi ro về giá cho thị trường hàng thật (còn gọi là Physical). Ong Vân Thành Huy, Chủ tịch Vicofa, cho biết hơn một nửa sản lượng cà phê nhân robusta xuất khẩu của Việt nam hiện nay được xuất khẩu thông qua thị trường giao dịch LIFFE, tức có phòng chống rủi ro và đây là một thành công bước đầu của các nhà xuất khẩu cà phê.

    Tuy nhiên, cái mà người ta gọi là phòng chống rủi ro hedging đã bị biến tướng. Với giá 18.000 đồng mỗi ký cà phê nhân hiện nay thì để có 1 Lot (Lot= 5 tấn robusta) hàng thật, nhà kinh doanh phải bỏ ra 90 triệu đồng, trong khi giao dịch “hàng giấy” thì chỉ cần chưa đầy 10 triệu đồng để ký quỹ là có 1 Lot cà phê. Ong Nguyễn Tuấn Hà, Phó giám đốc Sở Thương mại- Du lịch Dak Lak, cho biết tuy chưa có con số thống kê cụ thể số người tham gia nhưng ông thừa nhận kinh doanh “cà phê giấy, hàng giấy” hiện nay ở Dak Lak đã vươn ra ngoài ngành cà phê. Lúc đầu, giao dịch qua LIFFE là của nhà xuất khẩu cà phê, đại lý và cả nông dân với hy vọng tránh rủi ro về giá trên thị trường thế giới. “Nay thậm chí bà bán vải, ông bán mui nệm ở TP Buôn Ma Thuột cũng chạy đôn chạy đáo kiếm tiền chơi “hàng giấy”, thậm chí có người vay ngân hàng, thế chấp sạp vải, vì họ thấy chỉ bỏ ra chưa đầy 10 triệu đồng nhưng lại được 5 tấn cà phê giấy, trong khi cà phê thật tốn gần cả trăm triệu”, ông Hà nói.

    Ong S.,, nhân viên xuất khẩu của Simexco, nhà xuất khẩu cà phê lớn và có tham gia thị trường LIFFEE, nói rằng Dak Lak là thủ phủ càphê của Việt nam, nên đến mùa thu hoạch cà phê, người dân ở TP Buôn Ma Thuột như giáo viên, viên chức, dân buôn bán tạp hoá ở phố thường bỏ tiền ra mua vài tấn cà phê để gửi vào kho các công ty xuất khẩu chờ giá lên thì bán, xem như một hình thức tiết kiệm rất chính đáng. Nay thì nhiều người trong số này chuyển sang mua “cà phê giấy” không khác gì cảnh bà nội trợ, ông cán bộ hưu trí ở TPHCM tham gia chơi chứng khoán khi thấy thị trường chứng khoán nóng lên cách nay hơn 2 tháng. Thậm chí còn xuất hiện đội ngũ cò mời gọi chơi “cà phê giấy”.

    Tuy nhiên, do điều kiện ký quỹ 8-10% giá hàng thật cùng thời điểm (gọi là Margin) và mở tài khoản ngoại tệ tại Techcombank, nên những người chơi “hàng giấy” phải giao dịch qua các công ty có đủ điều kiện đăng ký giao dịch với LIFFEE qua Techcombank, giống như 4 người đánh bài tiến lên chính thức còn những người khác không được chính thức thì ké vào 1 trong 4 người của sòng bài. Một chuyên gia cà phê thừa nhận trong 33 doanh nghiệp tham gia giao dịch với LIFFEE qua Techcombank thì gần một nửa là doanh nghiệp tư nhân và điều đặc biệt là một số các doanh nghiệp tư nhân này sẵn sàng rủ rê những người khác tham gia giao dịch, được gọi là “nhà cái”. Các “nhà cái” rủ rê những người khác chơi hàng giấy, mà họ nhắm đến là các đại lý, thương lái cà phê và những người kinh doanh nhưng không liên quan gì tới cà phê. Không chỉ nổi đình nổi đám ở TP Buôn Ma Thuột mà phong trào chơi “cà phê giấy” lan đến các huyện có trồng cà phê trong tỉnh, ban đầu là thương lái, rồi kéo theo là nông dân.

    “Nhà cái” được lợi là hưởng chênh lệch phí giao dịch nộp cho Techcombank với phí mà người chơi “hàng giấy” đóng vào. Chẳng hạn mức phí giao dịch mà Techcombank thu cả 2 chiều mua và bán cho 1 Lot là 28 đô la Mỹ nhưng “nhà cái” thu của người chơi 30 đô la Mỹ. Đấy là chưa kể, càng nhiều người tham gia thì dung lượng giao dịch càng lớn và mức phí mà “nhà cái” nộp cho Techcombank giảm dần, như giao dịch cả hai chiều hơn 300 Lot trong 1 tháng thì mức phí giảm xuống 26 đô la Mỹ/Lot và hơn 800 Lot mỗi tháng thì phí chỉ còn 20 đô la Mỹ nhưng “nhà cái” vẫn thu đủ của người chơi “hàng giấy” 30 đô la Mỹ/Lot.
    Một nhà xuất khẩu cà phê thứ thiệt có tham gia giao dịch qua mạng, cho biết hiện nay có ít nhất 70 doanh nghiệp chuyên chơi “hàng giấy” có tầm cỡ nhưng phần lớn họ chưa hề trực tiếp xuất khẩu cà phê và phải chơi qua các “nhà cái”, chưa kể những người khác chơi không chuyên, bạn bè rủ rê thì nhào vào chơi một hai phi vụ trong vài đêm. Ong gọi thẳng thừng chơi “cà phê giấy” như thế này là một hình thức đánh bạc hợp pháp và những người chơi nhỏ lẻ hùn tiền lại để chơi thì không khác gì chơi hụi, không khéo thua lỗ, vỡ nợ dây chuyền như vỡ hụi. Ong chỉ đích danh Công ty TNHH A là “nhà cái” lớn nhất hiện nay ở Buôn Ma Thuột.

    “Công cụ phòng chống rủi ro Hedging cái kiểu gì khi mà Dak Lak có cà phê arabica chút nào đâu nhưng người ta vẫn chơi ở thị trường Nybot của NewYork chuyên về giao dịch cà phê arabica, vậy là đánh bạc chứ còn gì nữa”, ông nói và ví cơn bão Chanchu gây thiệt hại cho ngư dân miền Trung thì đến từ biển và ông lo ngại có một cơn bão khác nhưng không đến từ biển, sẽ “tàn phá” những người chơi “hàng giấy, cà phê giấy” nếu không có biện pháp ngăn chặn ngay từ bây giờ.

    Không biết có xảy ra vỡ nợ dây chuyền hay không nhưng trường hợp ông giám đốc P., như đã nói ở phần đầu thì dân kinh doanh cà phê Buôn Ma Thuột ai cũng nghe tiếng, rồi cứ vài ngày người ta lại kháo nhau thằng cha X, ông Y nào đó lỗ một đêm vài trăm triệu, phải bán xe tải, bán cà phê thật đắp đổi chơi tiếp. Còn giám đốc các công ty xuất khẩu cà phê có uy tín thì căn dặn nhân viên phải thẩm tra kỹ càng xem các đại lý cung cấp cà phê thường ngày cho mình có chơi “hàng giấy” ở đâu không, nếu có thì kiên quyết không ứng tiền trước vì lo ngại họ thua lỗ khi chơi “hàng giấy” và lừa công ty xuất khẩu để ứng tiền kiểu “phóng lao phải theo lao”.

    Box: Sử dụng Hedging như thế nào?
    Một doanh nghiệp ký hợp đồng bán 500 tấn cà phê robusta (tức 100 Lot) với mức giá 900 đô la Mỹ/tấn giao trong tháng 10 /2006 nhưng sợ rằng giá sẽ biến động theo chiều hướng tăng, doanh nghiệp quyết định đặt mua trên LIFFEE 100 Lots (tức 500 tấn robusta) với cùng mức giá 900 đô la Mỹ/tấn tại thời điểm chốt giá bán cà phê thật. Đến thời điểm giao hàng giá tăng lên 950 đô la Mỹ/tấn thì hàng thật doanh nghiệp bị lỗ 50 đô la Mỹ mỗi tấn nhưng trên thị trường kỳ hạn thì doanh nghiệp lời tương tự là 50 đô la Mỹ mỗi tấn. Và như vậy dù giá lên, doanh nghiệp vẫn không bị lỗ hàng thật.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

80