Chất lượng giống cây trồng, vật nuôi: Bao giờ được cải thiện?

Mặc dù, nông nghiệp là thế mạnh của Đắk Lắk với nhiều loại nông sản được xuất khẩu mang lại giá trị kinh tế lớn, nhưng lượng giống bảo đảm chất lượng phục vụ trồng trọt, chăn nuôi của tỉnh chỉ mới đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu của người dân.

Mới đây, Sở NN-PTNT công bố Đề án phát triển giống cây nông, lâm nghiệp, vật nuôi và thủy sản tỉnh Dak Lak giai đoạn 2011-2020, đây được xem là tín hiệu vui cho việc nâng cao chất lượng và năng lực quản lý nguồn giống của ngành nông nghiệp địa phương.

Vẫn thiếu giống chất lượng cao

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, Đắk Lắk hiện có khoảng 284 cơ sở tham gia sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản, nhờ đó nhiều loại giống phục vụ cho sản xuất nông nghiệp được tạo ra, trong đó, một số giống có ưu thế đã đưa vào sản xuất trên diện rộng, góp phần tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh cho nông sản Dak Lak.

giống cây ca cao
Vườn ươm giống cây ca cao chất lượng cao đang được quan tâm đầu tư.

Theo đánh giá của Sở NN-PTNT thì hiện nay cây lúa có tỷ lệ sử dụng giống tiến bộ kỹ thuật chiếm trên 70% trong vụ đông xuân và trên 50% vụ hè thu; lúa lai chiếm từ 15-20%, một số huyện sử dụng lúa lai cao như Ea Kar, Krông Năng, Cư M’gar… Cây công nghiệp ngắn ngày như đậu tương, đậu lạc, đậu xanh cũng được nông dân sử dụng các giống mới để gieo trồng, đạt trên 60%; cây công nghiệp dài ngày như cà phê, ca cao cũng đã bắt đầu đưa các giống tiến bộ kỹ thuật vào ứng dụng, chủ yếu là ở những diện tích trồng mới.

Về giống vật nuôi, tỷ lệ bò lai toàn tỉnh đạt gần 30%, heo lai kinh tế đạt 65-70%, tỷ lệ heo hướng nạc khoảng 25-30%. Dak Lak cũng có nhiều lợi thế về phát triển thủy sản, giá trị sản xuất thủy sản tỉnh tăng trưởng khoảng 8-9%/năm, nuôi trồng tăng 12,6%.

Tuy nhiên, so với yêu cầu, số giống có năng suất, chất lượng cao, thích hợp với các vùng sinh thái còn thiếu về chủng loại và giống bảo đảm tiêu chuẩn. Hiện nay, Dak Lak đã hình thành được vùng sản xuất hạt giống lúa lai F1 nhưng do thời tiết không thuận lợi, năng suất giảm, sản lượng không đạt so với kế hoạch đề ra, đồng thời giống lúa chưa đa dạng, còn thiếu các giống kháng rầy, vàng lùn, lùn xoắn lá…

Về giống cây lâm nghiệp, các cơ sở sản xuất trên địa bàn chỉ mới đáp ứng được 40-50% nhu cầu cây giống để trồng rừng hằng năm của địa phương, loài cây được sản xuất còn đơn điệu, phổ biến là keo lai và bạch đàn. Đối với giống vật nuôi, các cơ sở sản xuất giống trên địa bàn tỉnh mới đáp ứng được 3-5% heo nái sinh sản, 13-15% con giống gia cầm…, số còn lại phải nhập từ bên ngoài.

Theo Sở NN-PTNT, thực tế hiện nay các doanh nghiệp Trung ương và địa phương là những tổ chức chính sản xuất và cung ứng giống phục vụ cho sản xuất đại trà, nhưng cơ chế đầu tư chưa thực sự khuyến khích được các thành phần này tham gia vào chương trình giống.

Tỷ lệ giống tiến bộ kỹ thuật được áp dụng trong sản xuất của một số loại vật nuôi còn thấp. Đối với sản xuất giống cây lâm nghiệp hiện nay vấn đề yếu kém nhất là việc đưa giống tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất đại trà còn yếu, nhiều khi còn mang tính tự phát; về thủy sản, các cơ sở sản xuất giống phần lớn là các trại quy mô nhỏ, cơ sở hạ tầng, thiết bị chưa được đầu tư nhiều, nên lượng giống có tăng nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu và chất lượng giống còn chưa cao.

Triển vọng về cải thiện chất lượng giống

Trước thực tế trên, Sở NN-PTNT đã xây dựng Đề án phát triển giống cây nông, lâm nghiệp, vật nuôi và thủy sản tỉnh Dak Lak giai đoạn 2011-2020. Đề án tập trung vào mục tiêu nâng cao năng lực hệ thống ứng dụng, chuyển giao, sản xuất, cung ứng giống cây trồng, vật nuôi, cây lâm nghiệp, thủy sản theo hướng áp dụng công nghệ kỹ thuật cao vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng nguồn giống, đồng thời khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển, góp phần tăng hiệu quả sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản và thu nhập của nông dân một cách bền vững.

Theo đó, đề án đã đưa ra mục tiêu cụ thể cho từng lĩnh vực: đối với trồng trọt và chăn nuôi, đến năm 2020 sẽ bảo đảm đủ giống chất lượng cao để tái canh cho 18.850 ha cà phê; đáp ứng 25% nhu cầu hạt giống ngô lai phục vụ cho sản xuất; bảo đảm sản xuất đủ nhu cầu hạt giống lúa xác nhận; nâng cao chất lượng đàn bò thịt bằng thụ tinh nhân tạo và bò đực Zêbu quy mô 10.000 con/năm; tỷ lệ đàn heo chuyên nạc đạt trên 35%. Sản xuất giống cây lâm nghiệp cho trồng rừng với quy mô 7.000 ha/năm (trồng rừng tập trung), 1 triệu cây/năm (trồng cây phân tán), 2.500 ha/năm (trồng cây cải tạo rừng nghèo); sản xuất cây giống bảo tồn nguồn gen; xây dựng 45 ha rừng giống chuyển hóa, 8 ha vườn giống. Đến năm 2020, sản xuất 89,95 triệu cá giống, trong đó 5,4 triệu con cá đặc sản và 3,20 triệu cá giống rô phi.

Nhằm thực hiện tốt các mục tiêu trên, Đề án đã đưa ra các nhóm dự án giống được tập trung đầu tư, gồm: nhóm dự án giống cây nông nghiệp (sản xuất hạt giống lúa, ngô lai; cây giống dài ngày như: cà phê, ca cao, cây ăn trái); nhóm dự án giống cây lâm nghiệp (nâng cấp các vườn ươm hiện có, xây dựng rừng giống chuyển hóa và vườn giống, xây dựng phòng nuôi cấy mô); nhóm dự án giống vật nuôi (sản xuất giống heo, gia cầm, cải tạo đàn bò thịt bằng thụ tinh nhân tạo và bò đực Zêbu); nhóm dự án giống thủy sản (nâng cấp, xây dựng mới các trại sản xuất giống thủy sản, hỗ trợ kỹ thuật cho các nông hộ, mở rộng trại giống ba ba ở huyện Krông Ana); dự án tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực giống cây nông, lâm nghiệp, vật nuôi và thủy sản.

Tại hội nghị công bố đề án trên vào cuối tháng 8, đa số đại diện lãnh đạo các địa phương đều đánh giá cao tính khả thi của đề án và cho rằng, cần phải khuyến khích mạnh mẽ các thành phần kinh tế đầu tư phát triển giống cây nông, lâm nghiệp, vật nuôi và thủy sản; đầu tư sâu và mạnh vào công nghệ sinh học; thiết lập cơ chế để liên kết, hợp tác với các nước có công nghệ sinh học phát triển…

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

80