Giá hồng Đà Lạt: Chỉ 1,000đ/kg

Mặc dù đang vào mùa cao điểm thu hoạch hồng quả nhưng hiện nay, nhiều vườn hồng chín đỏ ở Đạ Sar (Lạc Dương), thị trấn D’Ran (Đơn Dương), Xuân Trường (TP Đà Lạt) vẫn không có người mua…

Bà Võ Thị Huệ (xã Đạ Sar), cho biết: “Gia đình có 1ha hồng, mỗi ngày phải thuê tới 10 nhân công thu hái. Nhưng sau phân loại, hồng quả loại một chở ra Đà Lạt bán được có 4.000đ/kg, còn hồng loại hai chỉ bán được 1.000đ/kg. Trừ chi phí công hái, vận chuyển, bình quân cũng chỉ còn được 1.500đ/kg”.

Giá hồng đà lạt
Báo Lâm Đồng

Nhưng không phải nhà vườn nào cũng bán được hồng quả như gia đình bà Huệ, theo một cán bộ làm việc ở UBND xã Đạ Sar, hộ ông Lơ Mu Ha Jô cùng xã có khoảng 100 cây hồng đang cho trái chín đỏ nhưng lại không có người mua nên đành để mặc cho chim ăn. Các nhà vườn ở đây cho biết, thời điểm đầu vụ (đầu tháng 8) hồng trái bán tại vườn có giá tới 8.000 đến 10.000đ/kg, nhưng nay rộ mùa chỉ còn 1.000đ/kg.

Nhiều người xót của, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số trong xã đã bỏ công thu hoạch hồng quả mang đến bán cho các đại lý thu mua tại địa phương được 2.000đ/kg, còn nếu mang ra tận TP Đà Lạt thì cũng chỉ bán được 3.000đ/kg, nhưng lại bị trừ đi 10 – 15kg/tạ nên không còn ai muốn thu hoạch nữa.

Ông Ya Ti Ông, Chủ tịch UBND xã Đạ Sar, cho biết: “Toàn xã có hơn 150ha hồng ăn quả trồng xen với cây cà phê. Một thời, cây hồng ăn quả là cây xoá đói giảm nghèo của địa phương. Nay, đầu ra cho trái hồng đang gặp bế tắc, nhiều hộ thất thu về trái hồng nên tính đốn bỏ để trồng loại cây khác nhưng xã vận động bà con nên giữ lại”.

Tương tự, ở huyện Đơn Dương, nơi vốn được mệnh danh là “vương quốc” của cây hồng ăn quả, có khoảng 1.300ha canh tác hồng, sản lượng hàng năm lên đến hơn 12.000 tấn cũng đang gặp bế tắc đầu ra.

Chủ vựa Minh Hương (thị trấn D’ran) cho biết: “Cách đây bảy tám năm về trước, vào mùa thu hoạch hồng, các thương lái từ Hà Nội, từ miền Trung vào “cắm chốt” nhờ các vựa thu mua hồng rất nhộn nhịp. Họ đóng thùng, thuê xe chở ra Bắc tiêu thụ, nhưng mấy năm gần đây không còn cảnh đó nữa”.

Hiện mỗi ngày ở Đơn Dương có cả chục xe tải chở cả trăm tấn hồng đi TP HCM và các tỉnh tiêu thụ nhưng nhà vườn vẫn bị “ối” hàng.

Còn tại Đà Lạt cũng chung tình trạng, do hồng quả rớt giá nên nhiều nhà vườn phải chọn cách thu hoạch rồi chế biến thành sản phẩm hồng khô. Nhưng sản lượng nhiều không thể nào chế biến hết, chưa kể mùa thu hoạch hồng ăn quả cũng là mùa mưa, lại chế biến theo lối thủ công nên hiệu quả kinh tế không cao.

Một số nhà vườn ở xã Xuân Trường thì chọn cách “treo” hồng trên cây để chờ giá lên, nhưng đây cũng chỉ là giải pháp tình thế, bởi hồng chín sẽ rụng quả… Ông Hoàng Văn Tâm (41B Hoàng Hoa Thám, TP Đà Lạt), bộc bạch: “Nếu thuê công thu hái phải lo ăn trưa và 2 bữa lỡ hết 200.000đ/người/ngày, mỗi người hái được 150kg/ngày, tính ra mỗi ký hồng chỉ còn 1.500đ.

Để bỏ công làm lời, hằng ngày hai vợ chồng ông Tâm tự thu hái mang bán với giá 3.000đ/kg, ngoài ra ông còn chế biến thành hồng khô, cứ 5kg hồng tươi cho ra 1kg hồng khô thành phẩm bán được 50.000 – 70.000đ/kg. Trong khi đó, hộ bà Hai Gia (gần nhà ông Tâm), do không có người hái nên bán cụm với 50 gốc hồng với giá chỉ 3 triệu đồng, trong khi 5 năm trước nhà bà bán với giá 20 triệu đồng.

Trái hồng vốn được xem là một trong những đặc sản nổi tiếng của Đà Lạt, nhưng việc nghiên cứu chế biến các sản phẩm từ trái hồng đến nay vẫn chưa được các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh chú trọng, ngoại trừ sản phẩm hồng khô, hồng giòn. Bởi vậy, những năm gần đây quả hồng vẫn luôn bấp bênh và rớt giá, còn nhà vườn thì lại tiếp tục thất thu.

BOX: Lúc cao điểm, toàn tỉnh có đến 2.500ha hồng ăn quả, nhưng nay chỉ còn khoảng 2.000ha. Hồng ăn quả được trồng nhiều ở các huyện Đơn Dương, Lạc Dương, Đức Trọng và TP Đà Lạt. Đây còn là một loại quả được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xếp vào tốp 50 loại trái cây nổi tiếng của Việt Nam.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Ly trung

    Một thời huy hoàng,
    Mẹ tôi đã nuôi nấng 7 anh em chúng tôi nhờ mua bán trái hồng từ những năm Mậu Thân 1968.
    Từ 12 tuổi tôi đã phụ Mẹ đi hái và đóng vào giỏ bội để gởi vào Sài gòn. Nhiều Gia đình có của ăn của để cũng từ đây, vậy mà bây giờ lại có tình cảnh khó khăn đến vậy. Còn bao nhiêu loại trái cây đặc sản vùng miền của quê hương sẽ đi cùng con đừong này, ai sẽ là người điều tiết cung cầu cho nông dân để họ được bán sản phẩm của mình đúng với công sức đã bỏ ra, bài toán này chỉ có hàng vạn “tiến sĩ” quê mình giải được.

  2. tuyet van

    Tôi ở Đà Nẵng, rất thích ăn trái hồng cũng như các loại trái cây khác, nhưng nói thật là lâu rồi không mua một trái hồng nào cả, vì bây giờ nhìn trái cây nào cũng phân vân không biết đó có phải trái cây Trung Quốc hay không. Nên nếu bà con chịu khó đóng gói trong bao bì có thưong hiệu của địa phương thì người tiêu dùng chúng tôi sẽ yên tâm về nguồn gốc của sản phẩm mà tiêu thụ.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

85