Giá dầu lên xuống thất thường gây áp lực cho phục hồi kinh tế

avatar6 tháng đầu năm nay, giá dầu thế giới biến động thất thường từ khoảng 40 USD/thùng hồi đầu năm bỗng “vọt” lên hơn 73 USD/thùng, và hiện nay đang ở mức 60 USD/thùng.

Những thông tin kinh tế tích cực và lợi nhuận khả quan của Goldman Sachs đã không đủ lực để giúp giá “vàng đen” thoát khỏi phiên trượt giá thứ ba liên tục đêm qua (14/7) tại thị trường New York. Giới đầu tư tiếp tục tỏ ra hoài nghi về triển vọng nhu cầu dầu của thế giới.

Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 8 tại New York chỉ còn 59,52 USD/thùng, mất 0,17 USD/thùng so với giá đóng cửa phiên trước. Đây là mức giá thấp nhất của dầu thô tại thị trường Mỹ trong vòng 8 tuần trở lại đây.

Tuy nhiên, sang sáng nay, giá dầu thế giới đã phục hồi về mức 60 USD/thùng nhờ thông tin về dự trữ xăng dầu của Mỹ giảm. Theo báo cáo của Viện Dầu lửa Hoa Kỳ (API) công bố sau khi thị trường đóng cửa hôm qua, dự trữ xăng của nước này trong tuần qua giảm 69.000 thùng, trong khi dự trữ dầu thô giảm 1,6 triệu thùng.

Sáng nay, giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 8 giao dịch điện tử tại New York tăng 0,5 USD/thùng so với giá đóng cửa hôm qua, lên 60,02 USD/thùng. Hôm nay, thị trường dầu sẽ chờ đợi báo cáo của Bộ Năng lượng Mỹ về dự trữ xăng dầu của nước này.

Theo nhận định của các nhà phân tích, xu thế lên xuống thất thường của giá dầu thế giới trong nửa đầu năm nay đã gây áp lực nhất định đối với sự phục hồi kinh tế thế giới.

Bốn tháng đầu năm nay, giá dầu thế giới dao động trong khoảng từ 40-50 USD/thùng. Tuy nhiên, bước vào tháng 5, giá dầu tăng gần 30%, mức tăng lớn nhất trong 10 năm trở lại đây. Các nhà phân tích cho rằng giá dầu thế giới tăng đột biến trong thời gian ngắn không phải do nguyên nhân cung – cầu là chính, mà do niềm tin của các nhà đầu tư đối với sự phục hồi của kinh tế thế giới được nâng lên. Bước vào tháng 5, số liệu kinh tế được công bố của một số nền kinh tế chủ chốt trên thế giới cho thấy kinh tế toàn cầu có dấu hiệu phục hồi, niềm tin của các nhà đầu tư được nâng lên, từ đó đã thúc đẩy giá dầu thế giới tăng liên tục.

Ngoài ra, để vực dậy nền kinh tế đang trong đáy vực, Mỹ đã thi hành chính sách tiền tệ nới lỏng lượng hóa chưa từng có. Xu thế đồng USD sụt giá rất rõ rệt. Trong khi đó, giá dầu thô trả chậm tính bằng USD lại không tỷ lệ thuận với sự sụt giá của đồng USD. Để tránh rủi ro do đồng USD sụt giá, những mặt hàng có khối lượng giao dịch lớn tính bằng USD, đặc biệt là thị trường dầu mỏ, đã trở thành sự lựa chọn tốt nhất của các nhà đầu tư. Ngoài ra, đồng USD sụt giá còn thu hút dòng vốn đầu cơ quốc tế, không có hướng đầu tư thích hợp, đổ vào thị trường dầu mỏ.

Tuy nhiên, nhân tố quyết định giá cả tăng hay giảm còn bao gồm mặt bằng kinh tế cơ bản, trong đó có mối quan hệ cung – cầu. Báo cáo mới nhất của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) ngày 8/7 vừa qua dự báo nhu cầu dầu thô thế giới phải mất 4 năm mới có thể phục hồi bằng mức của năm ngoái.

Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) ngày 10/7 cũng dự đoán nhu cầu dầu mỏ toàn cầu năm nay là 83,8 triệu thùng/ngày, giảm 2,9% so với năm ngoái.
Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra dự đoán dè dặt đối với sự phục hồi kinh tế thế giới năm nay. Những số liệu kinh tế tiêu cực này cũng đã làm suy yếu niềm tin của các nhà đầu tư.

Các nhà phân tích chỉ rõ giá dầu tăng hay giảm đột biến đều bất lợi cho phát triển kinh tế. Trong khi kinh tế thế giới hiện đang hồi phục chậm chạp, nếu giá dầu tiếp tục leo thang chắc chắn sẽ tác động đến niềm tin của người tiêu dùng và các nhà đầu tư.

Các nhà phân tích dự đoán, trong vài tháng tới, xét từ mặt bằng kinh tế cơ bản, mối quan hệ cung – cầu về dầu mỏ sẽ không có biến động lớn. Là nước tiêu thụ dầu mỏ lớn nhất thế giới, tiêu thụ xăng dầu trong mùa Hè – mùa cao điểm của Mỹ năm nay vẫn suy giảm.

Trong khi đó OPEC, nhà cung cấp dầu thô chủ yếu trên thế giới, đã ám chỉ khả năng cắt giảm sản lượng một lần nữa. Bên cạnh đó, trong bối cảnh kinh tế thế giới đang có những dấu hiệu phục hồi, nhưng không có khả năng xuất hiện nhiều số liệu kinh tế vĩ mô tích cực, dự kiến giá dầu thế giới trong 6 tháng cuối năm sẽ tiếp tục gia tăng, nhưng mức tăng sẽ có phần chậm lại.

OPEC cũng dự đoán nhu cầu dầu mỏ trên thế giới sẽ tăng lên 500.000 thùng/ngày trong năm tới.

Trước đó, Cơ quan Năng lượng quốc tế cũng dự đoán nhu cầu dầu mỏ trên thế giới trong năm tới sẽ tăng 1,7%, tương đương 1.400.000 thùng/ngày, chủ yếu do lượng tiêu thụ tại các nền kinh tế mới nổi tăng mạnh.

Nguyễn Thịnh
Theo VOVnews

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

82