Không dễ thu phí xuất khẩu cà phê

Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam vừa xây dựng đề án thành lập Quỹ bảo hiểm cà phê để trình Chính phủ. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng việc thu phí trong thời điểm này sẽ khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn và tạo sự bất bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Xem tất cả bài trong chuyên đề: Sẽ thu phí xuất khẩu 2USD/tấn cà phê từ tháng 10/2012

Theo đề xuất mới, từ tháng 10-2012, doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Cà phê – Cacao Việt Nam (Vicofa) sẽ bị thu phí 2 đô la Mỹ trên mỗi tấn cà phê xuất khẩu.

Kim nghạch xuất khẩu cà phê
Vicofa đề xuất sẽ thu phí 2USD trên mỗi tấn cà phê xuất khẩu

Tại buổi họp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) bàn cách tháo gỡ khó khăn cho các ngành hàng diễn ra hồi đầu tháng 2, ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Vicofa, đề nghị nhà nước có cơ chế cho phép Vicofa thu 2 đô la Mỹ trên mỗi tấn cà phê xuất khẩu từ các doanh nghiệp thành viên. Nếu được thì mỗi năm quỹ này cũng thu được ít nhất 1 triệu đô la Mỹ.

Ông Tự cho hay, nếu không thu phí để đầu tư lại cho cây cà phê thì 10 năm nữa Việt Nam sẽ tụt xuống vị trí thứ 4, thứ 5 về sản xuất và xuất khẩu cà phê. Hơn nữa, nếu không thu phí để tái đầu tư cho cây cà phê thì doanh nghiệp sẽ không có cà phê để xuất khẩu.

Do đó, quỹ này sẽ dành khoảng 50 – 70% để hỗ trợ các doanh nghiệp và nông dân tái canh cà phê già cỗi, 30% hỗ trợ lãi vay tạm trữ cà phê, còn lại dùng để xúc tiến thương mại.

Đề xuất này dù được nhiều người ủng hộ nhưng cũng vấp phải không ít phản đối từ các chuyên gia và doanh nghiệp trong ngành.

Ông Đoàn Triệu Nhạn, một chuyên gia lâu năm trong ngành cà phê cho hay, các nước xuất khẩu cà phê lớn như Brazil, Columbia…đã thành lập quỹ bảo hiểm ngành cà phê từ rất lâu rồi. Vicofa cũng đưa ra kiến nghị này từ năm 2002 nhưng do thời điểm đó giá cà phê xuống thấp quá nên lùi lại tới giờ này mới đề xuất lên Chính phủ. Tuy nhiên, hiện cũng chưa phải thời điểm thích hợp để thu phí, khi giá cà phê trên thế giới đang lao dốc mà áp dụng quy định này sẽ gặp phải sự phản đối mạnh mẽ từ phía doanh nghiệp.

Ông Nhạn cho biết, một mâu thuẫn trong đề xuất này là nếu chỉ thu các doanh nghiệp trong hiệp hội thì sẽ dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp trong hội sẽ không chịu nộp phí và xin ra khỏi hội.

Hơn nữa, cả nước hiện có trên 140 doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu cà phê trong đó có 12 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Tuy nhiên, 12 doanh nghiệp FDI này hiện lại chiếm tới hơn 50% tổng khối lượng xuất khẩu. Nếu không thu phí cả những đối tượng này, sẽ gây ra sự bất bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, đẩy các doanh nghiệp trong nước ngày càng khó khăn hơn.

“Nếu đã thu phí xuất khẩu thì tất cả các doanh nghiệp kinh doanh trên đất Việt Nam này đều phải đóng hết chứ không chỉ những doanh nghiệp trong nước”, ông Nhạn nhấn mạnh.

Ở khía cạnh khác, ông Nguyễn Anh Phong, Giám đốc Trung tâm Chính sách Chiến lược Nông nghiệp Nông thôn miền Nam, tỏ ra quan ngại về tính khả thi của đề án. Theo ông Phong, quỹ bảo hiểm này dù mới đang trong quá trình dự thảo, nhưng đã gặp phải sự phản ứng tiêu cực từ phía doanh nghiệp, khi trong đề án có nói phí này để phục vụ cho nông dân tái canh cây cà phê nhưng lại không đề cập đến việc xác định nông dân nào tái canh, nông dân nhận tiền như thế nào và tái canh theo hình thức nào. Trong đề án có nhiều điểm không khả thi và sẽ khó có thể được phê duyệt thu phí từ tháng 10 tới.

Đứng trên góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn An- Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Thái Hòa cho hay, ông đồng tình với việc thu phí xuất khẩu cà phê. “Trước đây các doanh nghiệp hay ỷ lại vào cơ chế xin cho, tức khi giá cao thì doanh nghiệp lơ đi nhưng khi giá xuống lại xin nhà nước trợ giá, hỗ trợ lãi suất. Đây là ngành hàng có giá trị lớn, về tổng quan là có lợi nhuận nên hiệp hội đề xuất xây dựng quỹ này là đúng”, ông An nói.

Tuy nhiên, theo ông An, nói là thu từ xuất khẩu nhưng thực chất là gián thu của người nông dân. Chính vì vậy, tất cả các tờ khai xuất khẩu của cả doanh nghiệp trong và ngoài nước, đều phải thu và chi trực tiếp cho người nông dân thông qua hình thức tạm trữ cà phê hoặc tái canh cà phê bằng cách cấp miễn phí giống cà phê cho nông dân.

Còn theo ông Phạm Khánh Hiệp, chuyên gia cà phê cho hay, đứng trên góc độ danh nghiệp thì khi thu 2 đô la Mỹ/tấn cà phê xuất khẩu sẽ ảnh hướng lớn tới lợi nhuận của các doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Theo số liệu ông trích dẫn từ Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp, trong chuỗi giá trị kinh doanh cà phê thì các nhà chế biến, xuất khẩu có tỷ suất lãi/chi phí thấp nhất 0,37%. Trong khi đó, các nhà rang, xay sản phẩm phổ thông và rang, xay sản phẩm cao cấp chiểm tỷ lệ rất cao, lần lượt đạt 32,62% và 45,86%. Nông dân trồng, thu hoạch, sơ chế có tỷ lệ lợi nhận ở mức 13,68%.

Với tỷ suất lợi nhuận thấp (0,37%), có thể thấy doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn và hiện có tới 80% doanh nghiệp kinh doanh trong ngành cà phê đang thua lỗ. “Nếu các doanh nghiệp đang lỗ như vậy thì việc thu phí sẽ như một cổ hai, ba tròng”, ông Hiệp nhận xét.

Ngược lại với quan điểm của ông An, ông Hiệp cho hay, cần phải sử dụng đồng tiền này như thế nào để cải thiện cạnh tranh của ngành cà phê Việt Nam.

Nếu quỹ này tạo ra những điều có ích cho doanh nghiệp, như mướn các chuyên gia hoặc công ty tư vấn, sử dụng quỹ này mua thông tin thị trường của các chuyên gia phân tích có uy tín, đưa ra định hướng thị trường hàng tháng, hàng năm cho doanh nghiệp thì khi đó các doanh nghiệp sẽ thấy được lợi ích từ việc đóng phí.

Ngược lại, khi doanh nghiệp làm ăn có lời thì sẽ mua của nông dân với giá tốt hơn. Còn giờ các doanh nghiệp đang lỗ thì lấy cơ sở nào để mua tốt hơn? Đây là một tác động gián tiếp đến các hộ nông dân của quỹ bảo hiểm nếu dùng theo hình thức này.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Tư Cà Nam Đà

    Nói vậy mà cũng nói cho được! Làm gì có chuyện làm ăn lời sẽ mua nông dân với giá tốt hơn còn lỗ thì ép giá Nông dân à. Các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ thì dẹp tiệm không để lôi thôi.

  2. Hằng Nguyễn

    Trời đất, mấy chục năm nay mình thấy gia đình nào trồng caphe cũng loay hoay tự mua đất, tìm giống, ương giống, chăm bón … hết cả hơi mà có thấy ai giúp gì đâu trời.
    Nếu muốn giúp ngành này thì tốt nhất là phổ cập thêm kiến thức, bỏ chi phí để tìm giống tốt, năng suất cao, chống trọi được sâu bệnh tốt … Chứ thu phí để tái đầu từ thì không biết ai là người hưởng khoản phí này đây nhưng chắc chắn không phải nông dân rồi.

  3. Cofee

    Đã tham gia WTO rồi còn nói: “khi doanh nghiệp làm ăn có lời thì sẽ mua của nông dân với giá tốt hơn. Còn giờ các doanh nghiệp đang lỗ thì lấy cơ sở nào để mua tốt hơn”?

    Doanh nghiệp thua lỗ…thua lỗ, mà không nghe thấy từ nào là nông dân thua lỗ cả? Tại sao họ thua lỗ hoài mà không chịu tìm lối thoát? Các doanh nghiệp nước ngoài cũng luôn thua lỗ như các doanh nghiệp nhà nước… của ta?

    Ra biển lớn mà không chịu bơi, cứ sóng to gió lớn là một đám cứ túm lấy cái phao xẹp hơi (ép giá nông dân ra bã không thương tiếc).

  4. thidilinh

    Suốt mấy mươi năm tôi làm caphe cũng chỉ học hỏi lẫn nhau thôi, chúng tôi tự thâm canh để có năng suất, đến khi có nhiều cà phê mới đẻ ra cái hiệp hội này. Và tôi cũng đồng ý là người nông dân sẽ không được gì đâu, thiệt thòi là chắc rồi.

  5. Nông Cà

    Có thu kiểu gì, bao nhiêu đi nữa thì tất cả đều đổ trên đầu nông dân chúng tôi mà thôi!
    Có điều nông dân chúng ta là tầng lớp thấp cổ bé miệng nên chẳng làm gì được! Chỉ biết phó mặc cho chính phủ mà thôi. Chính phủ giỏi thì nông dân và xã hội được nhờ. Trái lại chỉ có bọn cơ hội chiếm hết lợi ích của nông dân và xã hội.
    Mong chính phủ lắm thay!

  6. cafenghot

    Thu phí XK caphe hàng năm được 1triệu đô chia năm xẻ bảy còn lại hổ trợ cho tái canh caphe chẳng khác gì muối bỏ bể, còn việc hổ trợ cây giống tôi xin cảnh báo bà con hảy coi chừng tiền mất cục tức mang trong mình,như tôi đây năm 2011 được hổ trợ mua 50 cây bơ ghép với giá 16000 đ chỉ trả 50%=8000 đ /cây khi nhận giống nhìn mà ngao ngán cây bé tẹo còn đỉnh sinh trưởng thì lấy kính hiển vi soi bảy ngày ko thấy đem vào vườn trồng đến nay chết 48 còn 2 đang ngáp ngáp mất toi 400000 đ ,còn giống caphe thì tôi khuyên bà con phải nhìn thấy cây giống thì mới trả tiền đối ứng chứ đóng tiền trước rồi lấy cây giống sau chỉ có ngậm bồ hòn đó là kinh nghiệm đã bị của tôi
    Còn việc thu phí XK là thu trên đầu của bà con ND chúng ta, thôi thì tôi khuyên bà con coi như tiền đó bị móc túi luc đi chợ, hay mua vàng mã về cúng cô hồn vì có kiêu chẳng ai nghe đâu

  7. Nguễn Xuân Quang

    Vicofa thu 2 đô la Mỹ trên mỗi tấn cà phê xuất khẩu từ các doanh nghiệp thành viên. Nếu được thì mỗi năm quỹ này cũng thu được ít nhất 1 triệu đô la Mỹ.1 triệu đô la Mỹ để đầu tư lại cho cây cà phê những thực ra thì vào túi của các ông nếu chưa hết thì về đến tỉnh huyện thì cũng không còn nữa, nếu có đến người trồng cà phê thì người đó phải có quan hệ cấp tỉnh trở lên.

  8. Nghiện caphe

    Không biết các ông nói “…. phải thu và chi trực tiếp cho người nông dân…..” liệu có thực hiện được không? Lại nhớ đến bài sớ của táo quân Y5Cafe …… Thiết nghĩ nếu nhà nước thu thêm khoản phí nào thì chỉ khổ người nông dân mà thôi….

  9. lambaoloc

    Đau cả đầu, cái gì cũng tăng mà lại còn đi thu phí xuất khẩu nữa chứ, chẳng biết nông dân như chúng tôi được gì mất gì. Mà tôi nghĩ mất nhiều hơn được. Như bạn Tidilinh nói đúng, tất cả là nông dân toàn phải gánh chịu tất cả, thậm chí cả phân giả, chỉ mong mấy ông cố gắng không chế phân giả đừng lọt ra ngoài và đừng nghĩ đến thu xuất khẩu nữa, để nông dân bớt khổ bởi tất cả đề lên đầu người nông dân.

  10. danngheo

    Tôi ở Di Linh – Lâm Đồng thấy một số hộ gia đình trồng cà phê 30 năm giờ nó già cỗi cho thu kém năng xuất .Đào đi trồng mới chả thấy ai hỗ trợ ti nào họ đưa ra cái cớ thu như vậy để tiền vào túi họ cho họp lệ. Cuối cùng mọi thứ đổ lên đầu dân mà thôi.

  11. Kiên Ea Tân

    Việt Nam từ khi phát triển cà phê có đồng quỹ nào đâu mà vẫn vươn lên vị trí số 1 với cà phê Robuta. Nhờ vào ai đó các anh em? Không có quỹ, nông dân bọn tui vẫn biết phải đầu tư như thế nào để năng xuất sản lượng đạt cao nhất.

  12. nongdan

    Nhìn cái biểu đồ giá mà thương cho nông dân, cà thực đang thiếu nhưng tụi nó ép bà con trong 2 ngày nghỉ không giao dịch, bà con thiếu vốn phải bán giá thấp trong 2 ngày này, cố lên bà con ơi!

  13. cà đắng

    Thu phí của doanh nghiệp thì doanh nghiệp thu lại của dân để lợi nhuận của họ vẫn y nguyên.
    Rốt cuộc là thu phí của dân. Thu phí của dân rồi đầu tư lại cho dân, thế thì thu làm gì cho mất công, lại mang tiéng. Bày ra trò này để ăn hớt mà miệng nói nghe sao mà nhân đạo thế?

  14. Phước Đakmil

    Với tỷ suất lợi nhuận thấp (0,37%), có thể thấy doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn và hiện có tới 80% doanh nghiệp kinh doanh trong ngành cà phê đang thua lỗ. “Nếu các doanh nghiệp đang lỗ như vậy thì việc thu phí sẽ như một cổ hai, ba tròng”, ông Hiệp nhận xét.

    Đúng là vừa đánh trống vừa la làng. Quỹ bảo hiểm cà phê dùng một phần để tái canh cà phê? Chắc có lẽ từ xưa tới nay không có quỹ này nhà nước phải đầu tư cho nông dân trồng cà phê cả kho tiền để đưa Việt Nam thành nước xuất khẩu cà phê tầm cở thế giới? Chẳng phải vì kế sinh nhai, vì cái khó ló cái khôn, vì sự cần cù lao động, vì mồ hôi xương máu của nông dân làm cà phê đã vô tình đưa Việt Nam lên vị thế đó sao? Tôi dám cá cược là nhà nước và ngành cà phê nước ta trước khi có vị trí số 1, số 2 thế giới về nước xuất khẩu cà phê, nhà nước và ngành cà phê chưa từng đặt mục tiêu này dù là thứ 10 chăng. Vì vậy chẳng lẽ người nông dân không có công sao? Nói như vậy, không có quỹ bảo hiểm cà phê nông dân cà phê không làm được việc lớn sao? Các doan nghiệp Viết Nam trong ngành cà phê lỗ sao? Lỗ mà vẫn làm sao? Vẫn mở rộng quy mô kinh doanh sao? lỗ mà vẫn sắm xe hơi sao? … hàng ngàn câu hỏi đặt ra mà chỉ có Chúa Trời mới trả lời được cho nông dân biết thôi.
    Thu phí doanh nghiệp chẳng qua là nói vậy cho dễ lấy tiền thôi chứ thực chất là thu của nông dân mình đấy. Lại một phen cỏ nằm dưới đá rồi bà con ơi. Hãy chờ mà coi cái mà Vicofa hỗ trợ nông dân mình nhé!

  15. Nông Dân

    Giá thế giới tăng gần 78USD – trong nước tăng 800 ngàn
    Giá thế giới giảm 38USD – trong nước giảm 600 ngàn?
    Nông dân Việt Nam sao tội nghiệp quá!

  16. Hùng Đỗ

    Thứ nhất, vì VICOFA hiện nay không đóng vai trò là một tổ chức quan trọng đại diện cho ngành cà phê (có thể nói là useless), cứ nhìn xem VICOFA làm được gì cho ngành hàng cà phê? Giúp gì cho Doanh nghiệp ngoài mấy chuyến xúc tiến thương mại mà một số DN là hội viên muốn tham gia cũng phải tự bỏ tiền túi ra, hay giúp được gì cho nông dân trồng cà phê? Bản thân tôi đã làm việc với Lãnh đạo VICOFA và cũng thấy được rằng ngoại miệng họ nói có chức năng hỗ trợ nông dân nhưng thật ra …. Chính vì vậy, các doanh nghiệp cho rằng nếu bị thu phí một cách không công bằng giữa DN là thành viên hiệp hội và không phải thành viên thì họ sẽ rút khỏi hiệp hội => Việc tham gia chỉ theo kiểu thích thì tham gia không thích thì lướt, chỉ mang tính hình thức. Nên xem lại vai trò của hiệp hội trong ngành hàng cà phê.

    Thứ 2, như ông N.A.Phong nói, VICOFA nên tập trung làm rõ vấn đề là sử dụng khoản thu này trong việc hỗ trợ nông dân tái canh như thế nào cho hiệu quả chứ không phải chỉ tập trung vào việc tranh cãi thu như thế nào cho công bằng. Khi việc hỗ trợ này là phù hợp hay có ý nghĩa thật sự thì, lúc đó, nhận được sự ủng hộ của Nông dân, DN sẽ, dù ít dù nhiều, cũng sẽ tham gia vì nó sẽ giúp cho công việc kinh doanh của họ. Hay như bạn cafenghot đề cập, phải làm rõ toàn bộ quá trình hỗ trợ tái canh như: có đơn vị cung cấp giống có uy tín tham gia chẳng hạn.

    Trên đây chỉ là ý kiến chủ quan của tôi.

  17. tu ngoc minh.

    Không biết Hiệp Hội cafe có làm lợi gì cho các doanh nghiệp XK chưa. Đối với Nông Dân trồng cafe chưa nhận được quyền lợi gì từ phía Hiệp Hội cafe cả. Thế mà Hiệp Hội cafe còn tính đánh phí gián tiếp trên đầu của người Nông Dân nũa. Tôi nghỉ người Nông Dân không cần có Hiệp hay Hội gì đó vãn phát triễn bình thừơng. Vì trên 20 năm nay tôi làm cafe có thấy ông HH nào hổ trợ được cái gì cho Nông Dân đâu. Hom nay giá cafe hơi dễ thở một tí thì có cơ hội cho lũ cơ hội lộng hành.

  18. Thuận Hòa

    Nếu bản thân ông TỰ đề xuất thu phí xuất khẩu để hỗ trợ cải tạo cho cà phê Việt Nam không bị già cỗi thoái hóa thì ông có dám viết dơn cam đoan là sẽ đầu tư vào việc này hay bỏ tui chia chác? Sau 2-3 năm cà phê Việt Nam vẫn có dấu hiệu già cỗi và các hộ nông dân không được hỗ trợ cải tạo thì ông có dám sung công quỹ tất cả tài sản liên quan đến ông cùng các con cháu trong gia đình hay không? Nghe mà bực hết người vì lâu nay nhà mình bỏ tiền của ra làm chả ai đoái hoài nay lại tự nhiên có Vấn Đề. Theo mình mấy ông trong hiệp hội Vicofa toàn tìm cách để làm cho nên cà phê nước nhà đi xuống chứ chẳng thể vươn lên tầm cao được?

  19. Ducchi

    Nếu chính phủ thực sự quan tâm đến cuộc sống người nông dân trồng cà phê, tôi xin góp chút ý là : đừng nên cho phép thu phí này mà hãy yêu cầu các ngân hàng hãy cho phép nông dân muốn tái canh cây caphe ĐƯỢC VAY ĐỦ để tái canh số caphe đó (lãi suất mềm nhất có thể, thời hạn ít nhất 3 năm) thì sẽ thiết thực cho dân hơn và Việt nam mình vẫn sẽ là 1 trong những nước đứng đầu thế giới về XK caphe

Tin đã đăng

Tin mới nhất

87