Lại nóng… chuyện vỡ nợ cà phê

Khoảng 3 năm trở lại đây, Đắk Lắk “nóng” lên tình trạng các doanh nghiệp, đại lý thu mua và nhận ký gửi cà phê liên tiếp tuyên bố phá sản, xù nợ của người ký gửi cà phê khiến tâm lý người dân hoang mang, doanh nghiệp kinh doanh cà phê chân chính thì gặp không ít khó khăn…

Liên tục vỡ nợ cà phê

Ký gửi cà phê, là hình thức mua bán cà phê trả chậm giữa người dân với các đại lý, doanh nghiệp theo hình thức thỏa thuận chốt giá xuất hiện hàng chục năm nay. Các cơ sở thu mua cà phê thường có vốn lớn, kho bãi chứa rộng, được người dân tin tưởng đưa cà phê đến ký gửi, mượn kho để tạm trữ và lựa chọn thời điểm giá có lợi nhất để bán. Tuy nhiên, cũng từ hình thức ký gửi này, những năm gần đây đã xảy ra tình trạng các đại lý, doanh nghiệp xù nợ, tuyên bố phá sản và nhiều trường hợp bỏ trốn khỏi địa bàn, khiến hàng trăm hộ dân lâm vào cảnh trắng tay.


Người dân bán cà phê cho đại lý tại phường Đạt Hiếu, thị xã Buôn Hồ.

Theo báo cáo của Sở Công thương Dak Lak, niên vụ cà phê 2009 – 2010, đơn vị đã phối hợp với các ban, ngành liên quan tiến hành kiểm tra trên toàn tỉnh, phát hiện 24 doanh nghiệp (chủ yếu là doanh nghiệp dân doanh) và đại lý mua bán nông sản ngừng hoạt động kinh doanh do làm ăn thua lỗ, vỡ nợ. Trong đó có 14 cơ sở nhận ký gửi cà phê đang nợ của người dân tổng số 1.788 tấn cà phê (trị giá gần 50 tỷ đồng) và khoảng 37 tỷ đồng tiền mặt. Cụ thể, doanh nghiệp tư nhân (DNTT) Hai Thận (huyện Ea H’leo) xù 352 tấn cà phê nhân, DNTN Chung Đạo, đại lý Tám Loan (thị xã Buôn Hồ) chiếm đoạt 390 tấn cà phê nhân, cơ sở Tâm Hiền (huyện Cư M’gar) nợ 228 tấn cà phê nhân…

Tuy nhiên, đây mới chỉ là những thống kê chưa đầy đủ, trên thực tế thì số con nợ (cà phê và tiền) của người dân còn nhiều hơn và đang tiếp tục nối dài. Huyện Ea H’leo, niên vụ cà phê năm 2011- 2012 này cũng xảy ra nhiều trường hợp như vậy. Ông Nguyễn Xuân Hương, Trưởng Phòng kinh tế- hạ tầng huyện Ea H’leo cho biết: gần đây, tại địa bàn huyện mới thống kê có 10 doanh nghiệp, hộ kinh doanh vỡ nợ cà phê, trong đó 6 cơ sở đóng cửa, 4 cơ sở bị cơ quan thuế thu hồi hóa đơn thuế VAT. Tổng số nợ ngân hàng, người dân, và nợ thuế của 10 cơ sở kinh doanh này lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Tại thị xã Buôn Hồ, dư âm của các vụ vỡ nợ cà phê những năm trước còn chưa được giải quyết dứt điểm thì niên vụ này đã xuất hiện hàng loạt cơ sở kinh doanh cà phê xù nợ như Công ty TNHH cà phê Tân Trường Nguyên, Công ty TNHH thương mại Trúc Tâm, DNTN Tính Nên, các đại lý Phương Thành, Lan Lương, Hà Thị Vui…

Ông Phạm Dương Thanh, Chủ tịch UBND phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ chia sẻ: trên địa bàn vừa qua xảy ra việc người dân kéo đến một số cơ sở kinh doanh cà phê để đòi nợ, xiết tài sản gây mất trật tự an ninh; địa phương phải huy động lực lượng công an đến giải quyết, hòa giải; đồng thời giải thích cho bà con hiểu và làm đúng pháp luật như gửi đơn trình báo, tố cáo đến các cơ quan chức năng để được giải quyết thỏa đáng. Bên cạnh đó, cũng có trường hợp chủ DNTN Trúc Tâm đã thanh lý chui hết tài sản và bỏ trốn khỏi địa bàn, gây nên cảnh trắng tay cho nhiều hộ dân ký gửi cà phê…

Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Giám đốc Sở Công thương Dak Lak cho hay: vừa qua, Sở này đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tư pháp xây dựng quy định cụ thể về hoạt động ký gửi cà phê trên địa bàn tỉnh. Đối với các huyện có diện tích cà phê lớn như Cư M’gar, Krông Buk, Krông Năng, Ea H’leo và thị xã Buôn Hồ thì đề nghị cho Trung tâm Giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột xây dựng hệ thống kho bãi chứa bảo đảm để người dân ký gửi thuận tiện và an toàn, được ứng vốn với lãi suất hợp lý. Đây là các giải pháp quan trọng nhằm từng bước ổn định, lành mạnh hóa thị trường cà phê nội địa vốn đang bất ổn”.

Các vụ vỡ nợ cà phê đều “chìm xuồng” ]

Người dân lo lắng, doanh nghiệp gặp khó

Trước thực trạng vỡ nợ cà phê như đã nói trên, giờ đây tâm lý người trồng cà phê đang rất hoang mang, lo lắng; không ít hộ dân thu hoạch mùa vụ xong còn “găm hàng” ở nhà đợi giá cà phê lên mới bán.

Anh Đinh Văn Linh, trú ở xã Ea Tân, huyện Krông Năng cho biết: hiện giá cà phê xuống quá thấp (36.000 đồng/kg cà phê nhân so với năm ngoái là 52.000 đồng/kg) nên anh chưa muốn bán. Song, để cà phê nhân ở nhà không có kho chứa bảo đảm nên dễ bị ẩm mốc, chất lượng giảm, sẽ khó bán, mà đưa ra đại lý để ký gửi thì sợ họ xù mất.

Bên cạnh đó, cũng có nhiều gia đình như hộ vợ chồng chị Lê Thị Lan, ở xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn, đã đưa cà phê đi ký gửi nhưng vẫn không khỏi băn khoăn, thấp thỏm. Chị Lan tâm sự: gia đình tôi đã ký gửi 5 tấn cà phê nhân tại một doanh nghiệp thu mua cà phê trên địa bàn từ đầu mùa vụ (khoảng tháng 11) để đợi giá cà phê tăng mới bán. Khi nhận ký gửi cà phê, các doanh nghiệp thu mua đều có giấy biên nhận đầy đủ, đồng thời là chỗ quen biết nên cũng đành phải… tin tưởng.

Còn đối với các doanh nghiệp, đại lý thu mua và nhận ký gửi cà phê cũng chịu nhiều ảnh hưởng. Anh Trần Anh Dũng, chủ DNTN TM Dũng Ngân, phường Thống Nhất, thị xã Buôn Hồ cho biết từ những vụ việc vỡ nợ cà phê diễn ra tràn lan trong thời gian qua, đã gây không ít khó khăn cho các doanh nghiệp đang hoạt động hiện nay. Do tâm lý lo sợ nên người dân không ồ ạt bán hàng hay ký gửi cà phê nhiều như những năm trước nữa, chưa kể việc nhiều hộ vay tiền trước của doanh nghiệp (đến mùa vụ trả bằng cà phê) vẫn còn “găm” cà phê ở nhà nên doanh nghiệp khó khăn trong việc thu hồi vốn.

Tuy nhiên, với kinh nghiệm hoạt động kinh doanh mặt hàng nông sản từ 10 năm nay, anh Dũng khẳng định: doanh nghiệp thu mua nông sản là khâu giao dịch trung gian giữa người dân và công ty chế biến, xuất khẩu cà phê nhân. Với hình thức thu mua và chốt giá bán trong ngày cho các công ty mẹ để lấy hoa hồng và lãi suất khi mua của người dân thì không thể vỡ nợ ồ ạt như vậy được, trừ khi doanh nghiệp đó lừa đảo để chiếm đoạt tài sản của người ký gửi mà thôi.

Hoạt động mua bán tuy có giảm song, các điểm thu mua cà phê vẫn là điểm cần đến của dân. Anh Châu Phúc, chủ đại lý thu mua nông sản tại xã Ea Kênh, huyện Krông Pak cho hay: so với những năm trước thì việc thu mua cà phê nhân hiện nay có giảm hơn rất nhiều, song mỗi ngày đại lý của anh vẫn thu mua được từ 1,5- 2 tấn cà phê nhân. Anh chia sẻ: bà con đến ký gửi cà phê từ đầu mùa vụ đến nay giảm hẳn; nhiều hộ có tâm lý lo ngại nên đã đến chốt giá nhận tiền, chỉ còn lại số lượng ít, gia đình nhiều nhất cũng chỉ ký gửi từ 3- 5 tấn cà phê nhân, trị giá cao nhất gần 200 triệu đồng/hộ.

>> Đại lý vỡ nợ và chuyện ký gửi cà phê của nông dân

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. phamvanloi2608

    Bà con bỏ cà ở nhà nhé ! Cẩn thận kẻo trắng tay. Bà con vất vả vật lộn cả năm trời. Được vài tấn lại để cò xơi hết. Để cà ở nhà chỉ có lợi cho bà con ta. Lâu lâu kẹt chở 01 bao đi bán. Có thế giá cả mới tốt lên dc bà con ạ.
    10 tấn của tôi để hết trong nhà. Tối nằm trên bao cà ngủ. Thấy ấm phết

  2. HI HI HI

    Mình có ký gửi khá nhiều năm nay nhưng chả lo rủi ro. Vì mình nghĩ mồ hôi đổ ra vắt cạn kiệt sức rồi mà bị cướp thì mình cũng dám bỏ thêm công sức mồ hôi để thuê anh em giang hồ tìm xử các đại lý ăn trên ngồi chốc của mình. Làm cho vài vụ xem có ai dám ăn cướp của bà con nông dân nữa hay không.

  3. lê cẩn

    Vài trăm triệu mua 1 tờ giấy vụn . Sao nông dân minh vẫn còn tin vào nhứng tờ giấy tín chấp vô giá trị như vậy > Cho mượn tiền vài trăm triệu cũng chỉ tờ giấy tay xác nhận > Ký gửi Cà phê cũng vậy , không có gì để đảm bảo cho đồng tiền mô hôi xương máu mình làm ra . Đây không phải là lần đầu tiên nhưng có nhiều bà con đến bây giờ vẫn bị tán gia, bại sản với chiêu bài gửi đại lý . Nếu có 5-10 tấn cà thì thà cũng phải bỏ ra vài 3 tạ để làm kho > Có bao nhiêu trường hợp khi tòa phát mãi tài sản mà số tiền không đủ để làm đơn kiện.

  4. danngheo

    Đã có nhiều vụ vỡ nợ, là bài học xương máu mà Y5Cafe đã đưa lên mà sao nông dân chúng ta lại gửi cà phê vào các đại lý. Để họ cướp mồ hôi , xương máu của chúng ta.

  5. GỬI BẠN HI HI HI

    Khổ lắm, bà con mình sống thiệt cái bụng quá nên dễ bị lừa! Cứ thấy đại lý làm ăn ngon lành nên tin mặt gửi thóc khi vỡ nợ mới té òa ra!
    Ai nói chuyện này sẽ chấm dứt, vẫn còn nhiều người đang ký gửi, họ vẫn chưa sáng mắt ra hay sao đấy!

  6. Hai Lúa

    Trúc Tâm bỏ trốn ôm theo nhiều tiền của khách hàng trong đó có cả trăm tỷ của VCB Daklak (theo những bài báo đã loan tin ) thì Giám đốc VCB Dak Lak liệu tết này có hưởng trọn vẹn niềm vui không nhỉ ?

  7. nguyen vân a

    Để làm ra được sản phẩm cà phê phải rất vất vả nhưng giai đoạn thu hoạch và đợi giá chỉ trong vòng thời gian ngắn, với lại việc cất giữ đợi giá lại không tốn công sức, hiệu quả mang lai thường rất cao khi ta xuất bán đúng thời điểm. Vì vậy bà con nên kiên trì đợi giá và không nên lo lắng nhiều với những thông tin trái chiều khi đang chờ giá.

Tin đã đăng