Ký gửi cà phê: rủi ro đeo bám nông dân

Gần 100 hộ nông dân trồng cà phê ở thị xã Buôn Hồ, Dak Lak đang đứng ngồi không yên vì hàng trăm tấn cà phê mà họ ký gửi cho đại lý có nguy cơ mất trắng khi đại lý tuyên bố vỡ nợ.

Điều nguy hiểm là trong tình hình cà phê rớt giá như hiện nay, nguy cơ vỡ nợ dây chuyền hay đại lý nhận gửi cà phê vì thua lỗ quá nặng có thể bỏ trốn như đã từng xảy ra trong vài năm trước.

Gửi nhầm

Theo thông tin từ một số công ty kinh doanh cà phê ở Dak Lak thì có khoảng 80 hộ nông dân trồng cà phê ở xã Bình Thuận, thị xã Buôn Hồ đã ký gửi cho đại lý cà phê Tám Loan chừng 190-200 tấn, tính theo thời giá hiện nay khoảng 5,5 tỉ đồng. Tuy nhiên, không chỉ ký gửi, các hộ nông dân ở đây còn cho đại lý cà phê này vay hơn 18 tỉ đồng theo cách mà họ thường làm là khi thu hoạch cà phê thì mang tới kho của đại lý để ký gửi, khi chốt giá bán có dư dả tiền bạc thì cho đại lý vay.

Trên nguyên tắc, sau khi nông dân ký gửi cà phê vào kho của đại lý, đại lý không được kinh doanh lượng cà phê này để khi cần tiền hoặc thấy giá cà phê chấp nhận được, nông dân sẽ chốt giá bán cho đại lý bất kỳ lúc nào. Nhưng hơn một tuần nay, khi cần tiền để đầu tư tưới cà phê và tiêu, nông dân đến đại lý để rút tiền thì chỉ nhận được lời hứa suông và có dấu hiệu đại lý chạy nợ, không chịu trả tiền cho người bán. Hiện công an xã Bình Thuận đã nhận được 60 đơn thưa kiện của nông dân.

Ký gửi cà phê là hình thức mua bán cà phê giữa nông dân và các đại lý cà phê ở xã, huyện các tỉnh Tây Nguyên, xuất hiện cách nay chục năm và được xem là phương thức mua bán hay hơn hẳn so với phương thức truyền thống “tiền trao cháo múc” khiến nông dân luôn ở thế yếu khi thu hoạch và bán cà phê.

Nghịch lý ký gửi
Ký gửi được xem là “hiện đại” hơn cách mua bán cũ vì các đại lý kinh doanh cà phê cũng lớn dần lên, xây dựng được kho chứa, có vốn lớn để khi cần thì mua một lúc cà phê của nhiều hộ nông dân. Còn nông dân, thay vì thu hoạch và bán ngay cho đại lý như trước với bất kỳ mức giá nào của ngày hôm đó, thì phương thức này cho phép nông dân đưa cà phê tới kho của đại lý, như hình thức tạm trữ và lựa chọn thời gian với giá bán tốt nhất.

Các công ty kinh doanh cà phê có mạng lưới đại lý chân rết ở các huyện, xã cho biết phần lớn nông dân trồng cà phê bài bản, có đầu tư lớn, diện tích nhiều, đều đã thực hiện phương thức ký gửi vì họ không cần kíp phải bán ngay cà phê sau khi thu hoạch như những nông dân nghèo khác.

Chuyện đại lý cà phê vỡ nợ, phải bỏ trốn gây thiệt hại cho nông dân đã từng xảy ra. Năm 2008, hàng chục đại lý kinh doanh cà phê ở Dak Lak vỡ nợ đã bỏ trốn do giá cà phê dù vẫn đang ở mức cao, trên 30.000 đồng/kg song lên xuống thất thường khiến các đại lý nhận gửi cà phê bị lỗ nặng, gây thiệt hại cho nông dân hàng chục tỉ đồng, thậm chí cơ quan pháp luật phải vào cuộc.

Điều đáng quan tâm là khi giá cà phê xuống thấp như hiện nay, đại lý vỡ nợ đã đành thì khi giá lên cao như năm 2008, họ cũng vỡ nợ, bởi hám lời, bán trước cà phê của nông dân ký gửi với giá thấp cho nhà xuất khẩu, tới khi giá lên, nông dân chốt giá bán, đại lý thua lỗ, vỡ nợ.

Trước đó nữa, vào năm 2006 do các đại lý kinh doanh cà phê thật nhưng tham gia chơi cà phê giấy (mua bán cà phê qua mạng với sàn giao dịch London) bị thua lỗ, cũng kéo theo vỡ nợ dây chuyền cho cà phê ký gửi của nông dân.

“Các doanh nghiệp đang bắt đầu xúc tiến việc đăng ký tạm trữ cà phê nhằm được vay vốn ngân hàng với lãi suất ưu đãi. Tuy nhiên, việc đăng ký năm nay không nhộn nhịp và có vẻ như các nhà tạm trữ ít được lợi  trong đợt này bởi giá lúc này rất khó chịu, cũng không khác việc nông dân gửi kho là mấy. Chưa thấy các tác động tích cực do việc tạm trữ này mang lại”. Chuyên gia phân tích cà phê Nguyễn Vỹ cho biếtNhà nước ra tay
Không phải bây giờ mà nhiều năm trước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Hiệp hội cà phê Việt Nam (Vicofa) từng có nhiều cuộc họp bàn khắc phục những rủi ro từ phương thức ký gửi cà phê cho đại lý của nông dân, bằng cách doanh nghiệp xuất khẩu nhận ký gửi kết hợp với tạm trữ khi giá cà phê xuống thấp.

Thế nhưng, dường như các doanh nghiệp xuất khẩu hội viên của Vicofa không mấy mặn mà với việc nhận ký gửi, bởi không phải doanh nghiệp nào cũng có kho tàng, nhân lực hay mạng lưới thu mua cà phê xuống tới huyện xã.

“Làm sao chúng tôi nhận ký gửi trực tiếp của nông dân khi mà công ty có hệ thống đại lý, khi cần hàng chục container xuất khẩu thì gom vài đại lý là có ngay, còn gom cà phê lẻ mẻ của nông dân thì biết chừng nào mới đủ”, một doanh nghiệp cà phê ở Buôn Ma Thuột nói.

Cũng tương tự như xuất khẩu gạo, phần lớn các nhà xuất khẩu cà phê hiện nay chỉ là nhà thương mại đơn thuần, tìm khách hàng nhập khẩu, ký hợp đồng và đưa xe container tới đại lý cà phê “đóng hàng’; có nghĩa là các đại lý đảm nhận luôn cả khâu sơ chế, phân loại cà phê theo từng tiêu chuẩn riêng của nhà xuất khẩu.

Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột (BCEC) ra đời hơn 2 năm nay, trong đó có chức năng nhận cà phê ký gửi và xác nhận để nông dân ký gửi được vay vốn ngân hàng trong thời gian gửi kho. Tuy vậy, trong những tháng đầu niên vụ cà phê 2009-2010, hàng ngày nông dân, đại lý chỉ ký gửi vài chục tấn, chẳng thấm là bao so với hàng trăm ngàn tấn cà phê nhân ở Dak Lak.

Một đại lý kinh doanh cà phê là thành viên của BCEC cho rằng trung tâm này có hệ thống kho lớn nhưng nông dân thu hoạch mỗi lần vài tấn cà phê ở các huyện, xã cách xa trung tâm hàng chục cây số phải thuê xe chở về trung tâm, làm phát sinh chi phí. Thế nên, nông dân gửi cà phê cho đại lý trong thôn, xã vẫn thuận tiện hơn.

Do giá cà phê xuống thấp nên Chính phủ đã đồng ý cho các nhà xuất khẩu cà phê có kho tàng bắt đầu đăng ký tạm trữ 200.000 tấn cà phê nhân vào ngày mai, 5-2 bằng vay vốn có lãi suất ưu đãi, tức 20% sản lượng cà phê thu hoạch trong vụ. Tuy nhiên, chính những doanh nghiệp có khả năng tạm trữ (một hình thức ký gửi) lại công nhận rằng họ chỉ có khả năng tạm trữ cà phê bằng cách gom từ các đại lý lớn của mình, chứ không thể gom cà phê trực tiếp của nông dân.

Vậy là nông dân tiếp tục ký gửi cà phê cho đại lý cùng với những nỗi lo…

Theo SaiGonTimes

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Hồ Điệp

    Tôi có lần đã gửi bài lên đây nói với bà con về sàn giao dịch cà phê BMT(BCEC). Xét về độ an toàn để bà con yên tâm chờ giá tốt thì đây là địa chỉ đáng tin cậy.

    Mặc dù có những chi phí phát sinh khi bà con gửi cà phê vào đây nhưng thử làm phép tính giữa mất trắng và thêm một số chi phí thì sẽ thấy ngay lời giải cho bài toán này mà. Và thử tìm nguyên nhân vì sao khi gửi CP ở sàn giao dịch bà con phải chịu chi phí: một là bà con phải tự mang SP của mình tới sẽ tốn chi phí vận tải, hai là vì ở đây CP của bà con luôn phải ở trạng thái tồn kho hàng hoá kiểm soát được( ko như ở các cty hoặc đại lý ng ta được toàn quyền sử dụng số lượng mà bà con gửi vào và vì được dùng để quay vòng kinh doanh nên họ miễn hoàn toàn các loại phí cho bà con- cái này gọi là mỡ nó rán nó thôi và nguy cơ mất trắng luôn rình rập).

    Một vài điều để bà con tham khảo. Có số ĐT này bà con gọi về đó ng ta tư vấn rất rõ : 05003877776.

  2. Cường béo

    Mình Post bài bên tin đại lý vỡ nợ rồi, nhưng thấy liên quan nên chia sẻ…. các bạn thông cảm nhé!

    Lần đầu tiên mình cũng rất e ngại khi giao dịch với BCEC, mình đánh liều 1 phen là đem hết 5 tấn số cà phê mình sản xuất được trên 1,5 ha, năm 2008-2009 gửi vào BCEC, qua quá trình làm với BCEC mình chia sẻ bà con thông tin như sau:

    1. Cà phê mà nhà mình sản suất ra là cà xô, trong cà xô này có 3 loại chính ( cỡ hạt to nhất, cỡ hạt vừa, cỡ hạt nhỏ, mà mấy anh chị trên đó tư vấn là cỡ to là sàng 18, cỡ vừa là hạt sàng 16, cỡ nhỏ sàng 13 – tương đương với tiêu chuẩn cà xô mình sản xuất ra). Lên giao dịch tại BCEC thì bắt buộc phải phân loại ra ba loại và sau khi phân loại thì cà phê mình là cà phê thành phẩm tiêu chuẩn và đóng bao đay (nói tóm lại là đủ tiêu chẩn xuất khẩu) và được trung tâm cấp cho mình ba cái Chứng thư (hiểu nôm na như cái sổ đỏ nhà mình vậy) đúng với số lượng và chất lượng mà cà phê Control kiểm định. Sau khi có chứng thư rồi mình có thể: Bán – Cầm cố vay tiền – Nếu chưa cần tiền và chờ giá thì mình đem về nhà cất.

    2. Mình mô tả lại các việc mình phải làm khi tham gia tại BCEC nha: Đầu tiên mình gọi điện thoại lên số ĐT (0500) 3877555 và nói nhu cầu của mình thì được nhân viên hướng dẫn sơ qua thủ tục, mình chỉ cần cầm cái chứng minh nhân dân nếu muốn vay vốn thì cầm cái sổ hộ khẩu nữa và cho họ biết chùng nào mình cở hàng lên, mình chở hàng lên gần đến nơi và gọi cho họ thì có người ra đón mình và hướng dẫn cân xe, lấy phiếu cân, xuống hàng và lấy mẫu kiểm định và ra cân xe lại để xác định trọng lượng mình nhập. sau đó mình đi cùng với nhân viên của BCEC đến nơi kiểm định hàng nhập độc lập (cà phê Control) nơi máy móc thiết bị hiện đại và giám định viên độc lập làm việc hết sức công tâm và sau 30 phút cho mình biết kết quả lô hàng mình nhâp là: bao nhiêu % sàng 18, bao nhiêu phần % sàng 16, bao nhiêu phần trăm sàng 13, độ ẩm bao nhiêu phần, đen vỡ bao nhiêu phần trăm, tạp chất bao nhiêu phần trăm. Có phiếu chất lượng xong mình theo nhân viên qua phòng quản lý kho hàng thành viên làm các công tác xác định số lượng thực nhập, qua đây thật bất ngời có thể nói là lần đều tiên xuất hiện tại việt nam luôn ấy là vậy: lô hàng mình nhập là đọ ẩm mình phơi hơi khô và tạp chất và đen vỡ mình thấp hơn so với quy định, tất cả các số thấp hơn tiêu chuẩn cà xô( Độ ẩm(15)-đe vỡ(5)- tạp chất(1). lô hàng của mình có chất lượng là (13,5 – 4 – 0,6) họ quy thành lượng và họ cộng thêm vào lượng nhập cho mình. Tới đây thì mình sẽ được BCEC cấp cho mình cái chứng thư. cái chứng có thể bán, cầm cố, hoặc dem về nhà cất.

    3. Tôi tính toán chi phí lãn lỗ, mỗi tấn cà phê cà xô nhập vào và sau khi làm kiểm định, chế biến, và đóng bao và các loại phí thì mất hết khoảng 550.000 VND ( mới đầu mình nghe mình sợ sao mà nhiều thế) nhưng ở đó họ bán hàng thành phẩm nên lấy cái tiền chênh lệnh đó bù đáp lại cho mình:
    VD lúc mình bán lô hàng cử mình Sàng 13 thành phẩm bán cao hơn giá cà xô 200 VND, Sàng 16 bán cao hơn cà xô 1000, Sàng 18 bán cao hơn cà xô 1300 ( giá chênh lệnh thì tùy từng thời điểm nên hỏi kỹ các anh chị BCEC chỏ này rồi hạch toán nhe) Nói túm lại là càn mình sản xuất được hạt to, dẹp thì mình bán được giá tốt, nếu bán xô thì người làm tốt cũng như người làm xấu) không công bằng. / sau khi hạch toán tất cả các chi phí mình còn dư chút ít so với bán cà xô

    4. Những chính sách cho niên vụ 2009-2010 cái vụ này mình được mời đi dự hội thảo ngày 17/12/2009

    – Thủ tục giao dịch: nhằm tạo điều kiện thuận lợi khi bà con đến giao dịch và nâng cao chất lượng dịch vụ của Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột, Nhân viên Trung tâm sẽ hỗ trợ bà con thực hiện các thủ tục và hỗ trợ các giao dịch khác như hồ sơ vay vốn, tìm nhà cung cấp vận tải và các nội dung liên quan đến giao dịch cà phê tại BCEC.

    – Chính sách cho vay, tín dụng: Cho vay trang trải các chi phí đầu tư sản suất cà phê, tiêu dùng cá nhân khi bà con cần tiền nhưng chưa muốn bán cà phê
    – Hạn mức tín dụng tối đa: Theo quy định của Techcombank từng thời kỳ . (Hiện tại Cá nhân 10 tỷ, Pháp nhân 50 tỷ)
    Giới hạn vay vốn :Techcombank tài trợ tín dụng cho vay thế chấp cà phê phải đảm bảo tỷ lệ giải ngân cho vay <=70% giá trị cà phê thế chấp.
    – Thời hạn vay:
    + Thời hạn của mỗi hạn mức tối đa là 12 tháng
    + Thời hạn vay mỗi hợp đồng không quá 3 tháng
    – Lãi suất :Theo quy định của Techcombank trong từng thời kỳ
    – Tài sản đảm bảo: Tài sản đảm bảo là cà phê đã nhập kho được cấp chứng thư gửi kho theo đúng quy định của BCEC và được lưu ký tại BCEC.

    – Về kiểm định và Phí kiểm định: Tạo sự Công bằng – Minh bạnh trong quá trình đánh giá và xác định chất lượng cà phê giao dịch.
    – Chi phí kiểm định: 10.000đ/tấn. Phí kiểm định được tính khi nào bà con nhập hàng vào kho BCEC, có giám định viên của CafeControl lấy mẫu, phân tích và công bố kết quả (chứng thư).

    3 Quản lý kho bãi – Phí lưu kho bãi: Tạo điều kiện thuận lợi khi bà con đến giao dịch tại Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột.
    – Riêng mùa vụ 2009 – 2010 Công ty cổ phần cà phê An Giang sẽ hỗ trợ:
    + Miễn phí gửi kho 3 tháng
    + Cho nợ các khoản phí khi nhập hàng, sau khi giao dịch (bao gồm bốc xếp – chế biến – bao bì – hao hụt, bảo hiểm ….)
    – Ưu tiên nhập hàng hóa giao dịch qua sàn. Nếu bà con nhập hàng trước 5 giờ.

    Tóm lại: Mình giao dịch với BCEC là mình về nhà ăn no – ngủ yên – không phải lo lắng bị xù hàng, xù tiền. Bà con cứ gọi lên BCEC họ sẽ trả lời nhiệt tình.

    Chúc bà con măm mói sức khỏe và thành công, cầu mong cho cái giá nó lên tý nũa cho bà con mình đõ khổ.

    Trân trọng.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

77