Tin buồn

Xuất khẩu cà phê của Đắk Lắk: “Thô” nhiều, “tinh” còn ít!

Trong những năm gần đây, xuất khẩu cà phê của tỉnh đều tăng về sản lượng lẫn kim ngạch. Tuy nhiên, các doanh nghiệp chủ yếu vẫn xuất khẩu thô (cà phê nhân), còn xuất khẩu tinh (cà phê bột, cà phê hòa tan) rất ít.

Xuất khẩu cà phê của Đắk Lắk: “Thô” nhiều, “tinh” còn ít!

Xuất khẩu “tinh” quá ít

Tổng kết niên vụ cà phê 2010-2011, UBND tỉnh cho biết: Diện tích cà phê của tỉnh niên vụ này có 190.765 ha (tăng khoảng 8.000 ha so với niên vụ trước), đạt sản lượng 399.098 tấn và năng suất 22-23 tạ/ha. Do nguồn vốn khó khăn, niên vụ này có một số doanh nghiệp (DN) của tỉnh ngưng hoạt động xuất khẩu cà phê trực tiếp, tập trung vào hoạt động sản xuất hoặc thu mua cà phê nhân xô chế biến, sau đó bán lại cho các DN lớn. Hiện chỉ còn 11 DN trực tiếp tham gia xuất khẩu cà phê nhân, trong đó có 6 DN địa phương, 2 DN trực thuộc Vinacafe, 2 DN có vốn FDI và 1 chi nhánh của Công ty CP Tập đoàn Intimex. Vì thế, sản lượng cà phê xuất khẩu chỉ đạt 311.096 tấn, giảm 12,8% so với niên vụ trước và chiếm 26,58% tổng lượng cà phê xuất khẩu của cả nước. Mặc dù số lượng giảm, nhưng kim ngạch xuất khẩu lại đạt hơn 650 triệu USD, tăng 29,4% so với niên vụ trước và chiếm 26,32% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Ông Võ Thanh, Giám đốc Sở Công thương, nhận định: Tuy lượng cà phê loại I và cà phê chất lượng cao xuất khẩu niên vụ này tiếp tục tăng so với niên vụ trước, nhưng lượng cà phê bột, cà phê hòa tan xuất khẩu vẫn chiếm tỷ trọng ít. Trên địa bàn tỉnh có khoảng 10 DN chế biến cà phê bột, cà phê hòa tan. Sản lượng chế biến đã tăng khá so với những năm trước đây, nhưng vẫn chiếm tỷ trọng khiêm tốn (7-8%) trong tổng sản lượng cà phê của tỉnh. Trong niên vụ, chỉ có 2 DN xuất khẩu cà phê bột, cà phê hòa tan là Công ty CP cà phê Trung Nguyên và Công ty CP Đầu tư – Phát triển An Thái với sản lượng hơn 3.000 tấn và kim ngạch chỉ đạt hơn 3,5 triệu USD.

Nâng cao chất lượng cà phê là yếu tố quan trọng để tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu

Và nhiều nỗi lo…

Hiện nhiều nhà máy chế biến cà phê trên địa bàn tỉnh như: Nhà máy chế biến cà phê hòa tan Công ty An Thái (công suất 2.000 tấn/năm), Nhà máy chế biến cà phê bột – cà phê hòa tan của Công ty Trung Nguyên (60.000 tấn/năm), Nhà máy chế biến cà phê hòa tan của Công ty cà phê Ngon – Ấn Độ (10.000 tấn/năm)… đang trong giai đoạn hoàn thiện và đi vào sản xuất. Dự kiến năm 2012, sản lượng cà phê bột, cà phê hòa tan sẽ đạt khoảng 14 – 15% tổng sản lượng cà phê của tỉnh. Vì thế, tỉnh đang hy vọng tình hình xuất khẩu cà phê “tinh” sẽ được cải thiện và kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng. Ông Võ Thanh cho biết: Bên cạnh việc thu hút các dự án đầu tư nước ngoài cho ngành cà phê, tỉnh cũng đã kêu gọi những DN của địa phương mạnh dạn đầu tư vào ngành chế biến cà phê. Hiện nay đã có 8 dự án đã và đang hoạt động với tổng vốn đầu tư ban đầu lên tới 1.232 tỷ đồng. Nhưng trong giai đoạn này, các DN đang thiếu vốn nên họ đầu tư cầm chừng và nhiều dự án chưa hoàn thành. “Đầu tư vào sản xuất cà phê bột, cà phê hòa tan cần vốn lớn và thị trường, vì thế các DN rất ngại đầu tư vào lĩnh vực này mặc dù nó làm tăng kim ngạch xuất khẩu cà phê”, ông Thanh chia sẻ.

Doanh số cho vay ngành cà phê của các ngân hàng trên địa bàn tỉnh niên vụ này là 16.329 tỷ đồng, trong đó cho vay thu mua đạt 12.300 tỷ đồng. Xuất khẩu cà phê cần nguồn vốn lớn, trong lúc đó hầu hết các DN tham gia xuất khẩu cà phê của tỉnh đều thiếu vốn và thiếu tài sản thế chấp nên khó vay vốn ngân hàng. Vì thế, các DN nước ngoài đã nhảy vào “tranh mua” cà phê trong dân (gián tiếp qua các đại lý) với khoảng 50% sản lượng, đẩy DN trong tỉnh rơi vào tình trạng thiếu hụt nguồn cung xuất khẩu và thua lỗ vì nhiều lúc phải mua giá cao hơn giá đơn hàng xuất khẩu. Lý do này cũng gián tiếp làm giảm khoảng 12,8% sản lượng cà phê xuất khẩu của tỉnh.

Bên cạnh đó, tuy cà phê Dak Lak hiện đang xuất ra hơn 50 nước, vùng lãnh thổ trên thế giới, nhưng việc sản xuất cà phê trên địa bàn tỉnh còn nhỏ lẻ, manh mún và tự phát. Ông Nguyễn Văn Sinh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn cho biết: Hiện chỉ có khoảng 15% diện tích cà phê tập trung thành vùng chuyên canh do các công ty quản lý, 85% diện tích còn lại của nông dân tự trồng, chăm sóc và quản lý. Toàn tỉnh có 180.500 hộ trồng cà phê, trong đó hơn 63.000 hộ có diện tích dưới 0,5 ha, 61.000 hộ có diện tích 0,5 – 1 ha, 43.500 hộ có diện tích từ 1 – 2 ha và khoảng 13.000 hộ còn lại có diện tích hơn 2ha. Trong khi đó, nhiều vấn nạn như: thu hái cà phê xanh, hái trộm cà phê, sâu bệnh, thiếu nước tưới… đã làm giảm chất lượng cà phê nhân xô. Vì thế, chất lượng cà phê xuất khẩu của tỉnh chưa cao và luôn bị các nhà thu mua cà phê lớn trên thế giới ép giá.

>> Việt Nam xuất khẩu cà phê chủ yếu dưới dạng thô

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Lẫn thẫn

    Mình làm “tinh” nhiều nhưng không hợp “gu” với người tiêu thụ từng nơi khác nhau thì làm sao mình bán? Các vị không nghĩ đến điều này à?
    Giống như ăn sáng vậy thôi, người ổ bánh mì, người gói xôi, đĩa bánh cuốn, tô cháo cá, bún, phở… vô cùng phong phú thì cà phê cũng vậy thôi, mỗi nơi pha chế mỗi kiểu.
    Nói chung mình bán cái mình cần bán hay cái khách cần mua?

  2. doanmarketing

    Tôi đồng ý với ý kiến của bạn Lẫn thẫn nhưng bổ sung thêm :
    – Ngay tại Việt Nam người trồng cà phê nói chung và người không trồng cà phê nói riêng vẫn chưa hiểu hết những giá trị của cà phê . Có bao nhiêu người uống cà phê mỗi ngày (khi giá chỉ 2k-5k tùy từng chất lượng loại cà phê) vậy tại sân nhà mà khán giả không ủng hộ thì sao ra nước ngoài thành công.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

81