Chính sách chống khủng hoảng kinh tế khiến việc đầu tư vào đồng USD trong ngắn hạn và dài hạn ở thế trái chiều.
Với những nhà đầu tư vẫn theo dõi USD, vài tuần qua thật căng thẳng. Giá trị của đồng USD dao động mạnh dưới những tác động trái chiều từ nền kinh tế.
Đồng bạc xanh đã trải qua sáu tuần cổ phiếu tăng điểm ổn định một cách đáng ngờ; hàng loạt bước đi của chính phủ để phục hồi thị trường tín dụng; kết quả lợi nhuận từ các ngân hàng lớn; khả năng phá sản ngày càng tăng của hai trong số ba nhà chế tạo lớn của Mỹ; và chính sách mới được các quan chức tài chính quốc tế công bố.
Nhìn chung chỉ số U.S. Dollar Index (USDX) đã tăng 17% so với năm trước và tăng 7,4% so với mức thấp nhất gần đây vào ngày 17/12, sau một đợt chốt lời cuối năm. Những đợt lên xuống của đồng USD trong năm tháng gần đây không đơn giản.
Lượng mua và bán ròng của một nhóm nhỏ quỹ hỗ tương trên thị trường tiền tệ cho thấy nhà đầu tư tiền tệ vẫn còn do dự, ví dụ như Direxion Dollar Bull 2.5 X Fund, và Dollar Bear 2.5 X Fund. Quỹ Bull bán ròng tổng cộng 10,9 triệu USD trong hai tháng 11 và 12, rồi lại mua ròng hơn 4.7 triệu USD khi thị trường lạc quan với chính quyền mới nhậm chức.
Lên xuống chưa rõ ràng
Ngược lại, quỹ Bear mua vào 3,8 triệu USD trong hai tháng cuối năm 2008 rồi lại bán ròng 2,3 triệu USD trong tháng 1. Khi thị trường cổ phiếu xấu đi vào tháng 2, quỹ Bear lại mua ròng 2,4 triệu USD, trong khi quỹ Bull bán ròng 207.000 USD.
Đợt tăng điểm mạnh của cố phiếu từ 9/3 và thông tin ngày 18/3 rằng FED sẽ bắt đầu mua hàng tỷ USD trái phiếu chính phủ Mỹ lại khiến quỹ Bull bán ròng thêm 4,4 triệu USD vào tháng 3 trong khi quỹ Bear mua ròng 3,6 triệu USD.
Do xu hướng chưa rõ ràng, Robert Kowit, quản lý danh mục cao cấp tại Global Fixed Income Group, Federated Investors, Pittsburgh, cho rằng mọi người nên tránh xa thị trường tiền tệ trong thời gian này, trừ khi muốn đa dạng hóa danh mục đầu tư.
“Dường như nguy cơ đồng USD yếu đi là rõ ràng nếu một số sự kiện bắt đầu được nhìn nhận chính xác hơn,” Kowit nói. Nếu General Motors quyết định nộp đơn phá sản và nhờ chính phủ giám sát quá trình tái cấu trúc, ông tin rằng đó phải được xem là một sự kiện làm rủi ro giảm đi, vì thế mà nhà đầu tư muốn lãi suất cao hơn nên thúc đẩy việc rút vốn khỏi trái phiếu chính phủ.
USD sẽ mạnh lên
Bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Thể thức cho vay kỳ hạn bảo đảm bằng tài sản (TALF) hay Chương trình đầu tư công-tư (PPIP) – kế hoạch của chính quyền Obama nhằm dọn sạch tài sản xấu khỏi sổ sách ngân hàng – giúp phục hồi thanh khoản trên thị trường tín dụng sẽ làm thị trường bớt bi quan nhưng cũng làm đồng USD yếu đi.
Khối lượng trái phiếu chính phủ khổng lồ được đấu giá cùng một lúc và sức cầu các khoản nợ chính phủ Mỹ từ các chính phủ nước ngoài đang giảm cũng không có lợi gì cho đồng USD.
Martin Kremenstein, Giám đốc Đầu tư của DB Commodity Services và quản lỹ quỹ hàng hóa tiền tệ PowerShares DB, đồng ý rằng thị trường càng bất ổn thì đồng USD càng có lợi vì nó tăng sức cầu trái phiếu chính phủ Mỹ trên thị trường quốc tế. Nếu đồng USD có thể yếu đi nếu thị trường đi dần vào ổn định và sự hoảng loạn giảm bớt.
Những người định đầu tư vào đồng USD cần phân phân biệt rõ ràng giữa ngắn hạn và dài hạn, Jacob Oubina, chiến lược gia tiền tệ tại website giao dịch tiền tệ www.forex.com nói. Trong vài tháng tới, USD có lẽ sẽ mạnh lên, đặc biệt với euro, vì các nguy cơ chính của nền kinh tế châu Âu lớn hơn những gì thị trường nhận thấy, ông nói.
Thêm vào đó là hàng tháng trời chậm trễ sau Mỹ trong các nỗ lực hồi phục kinh tế, ông trích dẫn việc Fitch gần đây hạ đánh giá các ngân hàng châu Âu chịu rủi ro tổn thất hối đoái do nợ xấu tại Đông Âu và khả năng ECB sẽ sử dụng chính sách tiền tệ nới lỏng định lượng vào đầu tháng 5 bằng cách mua hàng tỉ euro trái phiếu chính phủ để đẩy lãi suất xuống sâu hơn và kích thích kinh tế.
Bóng ma lạm phát trong dài hạn
Oubina cũng hy vọng yên Nhật sẽ yếu đi từ nay cho đến đầu năm sau do xuất khẩu suy giảm. Ông nói ông sẽ không bất ngờ nếu thấy Ngân hàng Trung ương Nhật Bản can thiệp vào thị trường ngoại hối, hạ giá đồng yên để thúc đẩy xuất khẩu.
Tuy vậy, triển vọng về đồng USD trong dài hạn kém khích lệ hơn nhiều. Không có cách gì chống lại được áp lực lạm phát khi một lượng lớn tiền được bơm vào hệ thống tài chính, không chỉ làm mất giá USD mà còn tất cả những đồng tiền nào bị ngân hàng trung ương thi hành chính sách tương tự, Oubina nói.
Một khi mối lo lạm phát trở nên rõ ràng hơn, nhà đầu tư nên mua các loại hóa tệ hưởng lợi khi giá hàng hóa tăng, thay vì đặt cược vào đồng tiền của bất kỳ một nước phát triển có hệ thống ngân hàng đã suy yếu nghiêm trọng nào, ông nói.
Kremenstein tại DB Commodity Services nhận thấy nỗi lo lạm phát ngày càng tăng ảnh hưởng xấu đến quỹ giao dịch tiền tệ PowerShares DB U.S. Dollar Index Bullish, giá trị của nó đạt đến đỉnh cao 600 triệu USD vào cuối tháng 9 khi mọi người tháo chạy khỏi các tài sản rủi ro. Kể từ đó, nó đã mất hơn 50% giá trị, xuống chỉ còn 250 triệu USD không chỉ do lo ngại lạm phát mà còn vì hoạt động chốt lời khi đồng USD mạnh lên cuối năm ngoái.
Xung lượng trái chiều
Hơn 1,5 tỉ USD chảy vào quỹ hàng hóa của Deutsche Bank từ đầu năm đến nay dường như đã khẳng định điều này khi mà bóng ma lạm phát đang tới gần, ông Kremenstein nói thêm.
“Chúng ta đã chứng kiến người ta sử dụng chiến thuật xung lượng (momentum strategy) để phân phối giữa các quỹ đầu cơ USD giá xuống, giá lên và tiền mặt,” ông nói. “ “Họ đang cố gắng để phần tiền mặt sinh lời tốt hơn,” ông nói.
Một lý do nữa để bị quan về đồng USD là khả năng phục hồi rất chậm của nền kinh tế toàn cầu, Christopher Wolf, cộng sự quản lý và đồng Giám đốc đầu tư tại Cogo Wolf Asset Management, San Francisco nói. Quá trình hồi phục lâu dài mà ông cho rằng sớm nhất phải đến nửa cuối năm 2010 mới diễn ra, nghĩa là chính phủ Mỹ phải mất nhiều thời gian trả nợ hơn.
Đồng USD có khả năng sẽ yếu đi khi các nước G20 hợp tác để tái thiết hệ thống tiền tệ quốc tế. Điều đó không gia tăng mà lại ảnh hưởng đến vị thế đồng tiền dự trữ toàn cầu của USD, Wolf nói.
“Nước Mỹ có lợi thế khi có thể vay nợ bằng chính đồng tiền của mình. Điều đó ngụ ý rằng việc mất sức mua là không thể tránh khỏi,” ông nói. “Các nước khác do đó mà cũng có tiếng nói lớn hơn với chính sách lãi suất và tỷ giá của Mỹ.”
_____________
Theo Businessweek/ CafeF