Sẽ chắc thắng khi khởi kiện đòi lại thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột?

Văn phòng luật sư Phạm và liên danh (Hà Nội) đã được tỉnh Dăk Lăk chọn đứng chủ đơn để khởi kiện huỷ bỏ hai nhãn hiệu càphê Buôn Ma Thuột bị công ty TNHH càphê Buôn Ma Thuột Quảng Châu (Quảng Đông, Trung Quốc) đăng ký bảo hộ độc quyền mười năm tại Trung Quốc.

Luật sư Phạm Vũ Khánh Toàn, trưởng văn phòng luật sư Phạm và liên danh, cho rằng: chúng ta sẽ chắc thắng khi kiện huỷ bỏ hai nhãn hiệu càphê Buôn Ma Thuột bị đăng ký tại Trung Quốc.

Thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột
Thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột đang bị một doanh nghiệp Trung Quốc đăng ký độc quyền

Cơ sở nào để ông khẳng định như vậy?

Cơ sở pháp lý để tiến hành thủ tục huỷ bỏ hai nhãn hiệu có chứa chỉ dẫn địa lý càphê Buôn Ma Thuột là điều 10, 16, 41, 43 luật Nhãn hiệu Trung Quốc và điều 22 hiệp định TRIPS (hiệp định về các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền sở hữu trí tuệ trong tổ chức WTO – PV). Theo điều 16 luật Nhãn hiệu Trung Quốc: “Trường hợp nhãn hiệu hàng hoá có chứa chỉ dẫn địa lý của hàng hoá mà nhãn hiệu dùng cho hàng hoá đó không từ khu vực tương ứng và lừa dối công chúng, thì nhãn hiệu đó phải bị từ chối đăng ký và cấm sử dụng. Tuy nhiên, nhãn hiệu hàng hoá đã được đăng ký trung thực sẽ có hiệu lực”.

Trong lúc đó, điều 22 hiệp định TRIPS cũng có nội dung gần tương tự và Trung Quốc cũng phải thực hiện, vì họ đã gia nhập WTO. Các chỉ dẫn địa lý nêu ở đoạn trên đề cập đến các dấu hiệu chỉ ra nơi xuất xứ của hàng hoá mà dấu hiệu dùng cho các hàng hoá đó có chất lượng, danh tiếng hoặc các đặc tính nhất định chủ yếu quyết định bởi các yếu tố tự nhiên, văn hoá của khu vực. Trong khi đó, công ty này đã không trung thực nên chúng ta có thể khởi kiện huỷ bỏ thành công dù càphê Buôn Ma Thuột có thể không được biết đến ở Trung Quốc.

Tại sao ông nói họ không trung thực?

Cây càphê đầu tiên đã có mặt trên đất Dăk Lăk hơn 100 năm qua, diện tích càphê của tỉnh hiện có hơn 190.000ha với sản lượng khoảng 400.000 tấn/năm và xuất khẩu ra hơn 50 nước trên thế giới. Vùng địa danh càphê Buôn Ma Thuột có diện tích hơn 100.000ha, nằm ở tám huyện, thị trong tỉnh. Họ không trung thực ở chỗ họ biết đến càphê Buôn Ma Thuột chúng ta (năm 2010, công ty này từng ký hợp đồng mua càphê của công ty càphê An Thái ở Dăk Lăk – PV) nhưng vẫn đăng ký nhãn hiệu càphê Buôn Ma Thuột tại Trung Quốc. Trong khi đó, họ cũng không thể không biết chúng ta đã xuất khẩu nhiều càphê sang thành phố Quảng Châu, vì họ là người kinh doanh trong lĩnh vực này. Qua tìm hiểu, chúng tôi biết từ “Buôn Ma Thuột” trong tiếng Trung Quốc không có nghĩa gì cả. Vì thế, khi họ lấy cụm từ này đăng ký nhãn hiệu hàng hoá, tức là họ đã biết đến càphê Buôn Ma Thuột và có động cơ không trung thực.

Văn phòng luật sư của ông đã từng tham gia vụ kiện nào về chỉ dẫn địa lý hay chưa? So với các vụ kiện về sở hữu trí tuệ khác, khiếu kiện về chỉ dẫn địa lý có khó khăn hơn hay không?

Đây là lần đầu văn phòng chúng tôi tham gia vụ kiện về chỉ dẫn địa lý. Nhưng ở Trung Quốc, chúng tôi đã tham gia nhiều vụ kiện về sở hữu trí tuệ như vụ thuốc lá Vinataba, võng xếp Duy Lợi… So với những vụ này, vụ kiện huỷ bỏ hai nhãn hiệu càphê Buôn Ma Thuột dễ hơn. Đối với các nhãn hiệu, ai đăng ký trước thì được sử dụng trước. Còn đối với chỉ dẫn địa lý, luật có những quy định riêng, như điều 16 luật Nhãn hiệu Trung Quốc và điều 22 hiệp định TRIPS. Trong khi đó, chỉ dẫn địa lý càphê Buôn Ma Thuột đáp ứng đủ những yêu cầu này.

Bao giờ văn phòng ông sẽ khiếu kiện huỷ bỏ nhãn hiệu càphê Buôn Ma Thuột?

Hiện văn phòng chúng tôi đang thu thập hồ sơ để củng cố chứng cứ pháp lý. Khoảng một tuần nữa, chúng tôi sẽ nhờ văn phòng luật sư ở Bắc Kinh (Trung Quốc) viết thư cho công ty TNHH càphê Buôn Ma Thuột Quảng Châu để thương lượng huỷ bỏ hai nhãn hiệu càphê Buôn Ma Thuột họ đã đăng ký tại Trung Quốc. Dự trù kinh phí khiếu kiện sẽ mất khoảng 8.000 USD, nếu họ đòi kinh phí thấp hơn số đó, chúng tôi sẽ chấp thuận giải quyết bằng con đường thương lượng. Còn nếu họ đòi phí cao hơn mức đó, lúc đó chúng tôi sẽ tiến hành khởi kiện.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. WikiWiki

    1 thằng trẻ trâu ở trung quốc rảnh rổi ko việc gì làm vác hồ sơ xin đăng ký cái tên ấy thế mà làm cho cả một cái đất nước ở miền dưới rúng động

  2. Tìm hiểu luật

    Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể.

    Các đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa là chỉ dẫn địa lý

    Tên gọi, chỉ dẫn địa lý đã trở thành tên gọi chung của hàng hóa ở Việt Nam;

    Chỉ dẫn địa lý của nước ngoài mà tại nước đó chỉ dẫn địa lý không được bảo hộ, đã bị chấm dứt bảo hộ hoặc không còn được sử dụng;

    Chỉ dẫn địa lý trùng hoặc tương tự với một nhãn hiệu đang được bảo hộ, nếu việc sử dụng chỉ dẫn địa lý đó được thực hiện thì sẽ gây nhầm lẫn về nguồn gốc của sản phẩm;

    Chỉ dẫn địa lý gây hiểu sai lệch cho người tiêu dùng về nguồn gốc địa lý thực của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đó.

    Căn cứ phát sinh và xác lập quyền

    Quyền đăng ký chỉ dẫn dịa lý của Việt Nam thuộc về nhà nước.

    Nhà nước cho phép tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, tổ chức tập thể đại diện cho các tổ chức, cá nhân đó hoặc cơ quan quản lý hành chính địa phương nơi có chỉ dẫn địa lý thực hiện quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý. Người thực hiện quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý không trở thành chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý đó.

    Thời hạn bảo hộ

    Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý có hiệu lực vô thời hạn kể từ ngày cấp.

  3. HA THANH

    Người Việt mình thua người ta ở tầm chiến lược, chỉ thấy cái gì trước mắt chứ không có tầm nhìn xa. Như ông cha đã từng dạy”mất bò mới lo làm chuồng”, tốn kém tiền bạc lại chẳng đặng.

  4. leminh

    Việc làm thiết thực đến lợi ích của hàng triệu nông dân trồng cà phê không làm. Để người khác nẫng tay trên, giờ đi kiện thắng thua chưa rõ chỉ thấy thiệt hại cho nông dân, tốn tiền ngân sách.

  5. cafe non

    Việc như thế mà không lo làm, hai bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và bộ Công Thương cứ lo việc văn bản này văn bản nọ không phù hợp với tình hình thương mại trong nước và quốc tế mà lại làm khổ cho các doanh vừa và nhỏ và bà con nông dân làm cà phê. Cứ lo bảo hộ cho các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ và mất uy tín, thử hỏi thế có đúng không bà con nông dân làm cà phê

  6. Sg TIẾP THỊ

    Ở Việt Nam do có nhiều vấn đề khiến cho vấn đề nói phét trở nên là cần thiết cũng như việc tốn kém là đương nhiên, chính vì vậy lên có rất nhiều người có khả năng “nói phét”. Vì vậy nghe một ai đó nói phét cũng chẳng hề hấn gì cho lắm.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

87