Trong Công văn số 290/BNN-CB của Bộ NN&PTNT gửi cho Bộ Công Thương có một số vấn đề gây xôn xao nhất là đối với điều kiện để kinh doanh xuất khẩu cà phê.
Tác giả Kinh Vu, thành viên Ban Quản Trị trang giacaphe.com xin nêu lên quan điểm của mình qua bài viết sau. Ban Biên Tập Y5Cafe xin mời bà con tham khảo.
Việc đặt điều kiện doanh nghiệp có 2 năm xuất khẩu trở lên cũng có nghĩa là chận đứng sự xuất hiện thêm những DNXK cà phê trong tương lai. Điều này cũng tương tự như chính sách tuyển dụng sinh viên mới tốt nghiệp mà đòi hỏi phải có 2 năm kinh nghiệm trở lên. Lấy đâu ra để có 2 năm kinh nghiệm nếu như chúng ta không bao giờ tuyển sinh viên vừa ra trường vào làm việc?
Thực chất của việc “thua ngay trên sân nhà” không phải có nguyên nhân từ công ty nhỏ hay to. Bằng chứng là chúng ta đã thấy có công ty XK chiếm đến 20% tổng sản lượng cà phê Robusta Việt Nam mà vẫn thua cháy túi. Hoặc chúng ta cũng đã có nhà XK cà phê Arabica hàng đầu nhưng nay cũng phải đành im hơi lặng tiếng để dành sân chơi Arabica lại cho những nhà SX và XK nhỏ hơn. Ngoài ra chúng ta còn có nhiều nhà chế biến cà phê XK được cho là lớn, có thừa kho tàng nhưng thiếu cà phê để chế biến bởi bị hụt vốn thu mua.
Cái thua không phải ở chỗ xuất hàng đi nhiều hay ít, xuất ít mà chất lượng cao khiến nhiều đối tác đòi dành mua độc quyền thì cũng nên ít. Xuất nhiều mà xù hợp đồng nhiều, giao hàng trễ nhiều thì cũng không cần những cái nhiều như thế, nên tìm cách bỏ bớt đi mới gọi là đúng lúc. Chính đó mới là điều tích cực nhằm xác định vị thế của cà phê Việt nam trên thị trường thế giới một cách hiệu quả nhất chứ chẳng phải nhờ công ty to mà nâng cao được tiếng nói trên thương trường.
Để xuất khẩu được các loại cà phê nhân có chất lượng cao như cà phê qua chế biến ướt thường phải có các khách hàng đặt biệt. Khách hàng này chọn lựa người bán có uy tín không phải vì số lượng nhiều hay ít mà là uy tín có từ phương pháp chế biến hàng hóa và thời hạn giao hàng cho bên mua luôn được bảo đảm, để có được uy tín nhằm bảo đảm cho điều đó một doanh nghiệp chắc chắn phải đi qua một thời gian dài để gây dựng từ nhỏ cho đến lớn, từ buôn bán trong đất liền cho đủ lớn mạnh rồi mới ra ngoài đại dương. Chưa nói đến việc để sản xuất khoảng 2.000-3.000 tấn cà phê nhân từ chế biến ướt thì cần phải chế biến khoảng 12.000-18.000 tấn quả tươi trong khoảng thời gian chỉ 2 tháng. Muốn làm được một số lượng như thế không phải là điều đơn giản, từ khâu tổ chức chế biến cho đến việc tìm kiếm và kết nối khách hàng. Nếu công văn 290 của Bộ NN& PTNT được Luật hóa thì chúng ta đã thực sự thành công trong việc chận đứng những nhà sản xuất có tâm huyết với ngành chế biến cà phê nhân chất lượng cao.
Gần 70% doanh nghiệp trong tổng số 160 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê làm ăn không hiệu quả (theo lời của Thứ Trưởng Diệp Kỉnh Tần) là một tỷ trọng khá lớn. Điều đó chứng tỏ việc thua trên sân nhà có nguyên nhân từ một điều gì khác mà chúng ta cần nghiêm túc tìm hiểu thay vì lấy cớ đó để thiết lập rào cản ngăn chặn những DNXK nhỏ.
Ước muốn làm cho ngành cà phê VN mạnh hơn là điều ai cũng mong đợi. Tuy nhiên việc mạnh hơn đó phải đi đôi với lợi ích của nhiều phía, nhất là nông dân nhờ vậy mà bán được sản phẩm của mình làm ra với giá cả hợp lý để đủ nuôi sống và tái sản xuất mới là cái mạnh có ý nghĩa. Bằng không, đó cũng chỉ là sự mạnh lên của một nhóm lợi ích gây lũng đoạn thị trường nhờ sự nuông chiều của chính sách mà thôi.
Chúng ta chưa biết rồi đây Chính phủ sẽ có hướng đi như thế nào cho Ngành Cà phê Việt Nam. Nhưng cho dù là hướng đi nào chăng nữa thì những sự thật hiển nhiên nêu trên cần được xét đến. Có như thế mới là thực sự quyết tâm làm trong sạch và lành mạnh hóa thị trường xuất khẩu cà phê.
Kinh Vu (giacaphe.com)
Lập luận quá hay và quá hợp lý.
Thực ra, các nhà xuất khẩu lớn đã bán đứng nhiều lần uy tín cà phê Việt Nam. Không chỉ họ xù không giao, mà còn trộn hàng ẩu tả, bán hàng tiền nhận loại tốt, giao hàng loại xấu.
Kể cả arabica lẫn robusta, xuất khẩu càng lớn càng làm ẩu cả về chất lượng lẫn giao hàng.
Sự việc đổ bể uy tín hiện nay, Bộ Công thương và Nông nghiệp cần gặp gỡ khách hàng xem diễn đàn chúng tôi nói có đúng không rồi hẳn quyết định.
Rất thiết thực và chiều sâu. Khổ nỗi nguyên tắc lợi ích… nhóm của chúng mình lại đang được đề cao. Nói như họ thì sẽ chả bao giờ có ai còn cơ hội kinh doanh cafe nữa mà chỉ còn toàn các con cháu của họ làm ăn thua lỗ lâu nay được quyền thao túng và gỡ vốn thôi. Chỉ khổ cho người dân.
Việc tranh mua tranh bán, ém giá chỉ những đại gia mới có đủ khả năng làm, doanh nghiệp nhỏ chỉ mua theo giá của đại gia nhưng nhờ uy tín với nhà nhập khẩu mới có thể tồn tại được. Họ không thể mua mắc bán rẻ để phá sản. Họ cũng là đối trọng để các đại gia không thể tự tung tự tác. Nếu họ bị gạt ra thì lại thêm một nấc trung gian nữa, nông dân càng thêm mệt.
Xuất khẩu cafe có điều kiện, một đề xuất của nhóm lợi ích. Lâu nay ta cứ lo sợ các DNNN thao túng thị trường cafe Việt nam. Nhưng thực chất các DNTN cũng tìm mọi cách đề loại trừ nhau ra khỏi sân chơi cafe.Thương trường muôn đời vẫn thế, vấn đề là sự quyết định sáng suốt của các cấp có thẩm quyền. Theo tôi, đề xuất trên đã quá coi thường trình độ quản lý của cấp nhà nước. Ta thử nghĩ xem, nếu có một sinh viên mới ra trường với tấm bằng tốt nghiệp xuất sắc, không xin được việc làm vì không hội đủ điều kiện có 2 năm kinh nghiệm, thì còn gì là chính sách trọng dụng nhân tài. Trong khi các DNNN đầu tư cho những sinh viên giỏi từ khi còn ngồi trong ghế nhà trường để sau này về làm việc cho họ.
– Vậy là kịch bản của vụ án thâm cung bí sử “Chạy Quota hàng dệt may” lại sắp được tái hiện…
– Thay vì bóp cổ các “đàn em” tại sao chúng ta không đề xuất một phương án khả thi hơn ví dụ như cho giải thể các công ty liên tục thua lỗ, làm ăn bết bát, cho sát nhập những công ty có năng lưc trung bình … tạo nguồn tổng lực mạnh để chiếm vị thế cao trong lĩnh vực xuất khẩu.
– Có lẽ những “Đao phủ” giấu mặt họ cũng có những lý lẽ riêng của họ, phải chăng đây là lúc chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận lại bản thân mình thay vì hô hào hay tát nước theo mưa như trước đây… từ khâu quy hoạch, kiểm định chặt chẽ chất lượng, xử phạt …. một cách sòng phẳng.
– Còn bà con nông dân chúng tôi; chúng tôi sẽ được gì, mất gì khi họ tung chiêu, mà đó có phải là chiêu cuối cùng không?, hay là chúng tôi đang thua trên thế thắng?
Các doanh nghiệp lớn xù hàng thì theo lập luận của một quan chức của ngành là “postpone, not default” tức là trễ hàng chứ ko xù hàng. Nhưng cà phê mà giao trễ thì xem như xù rồi. Mỗi tháng mỗi khác. Tháng trước giá cao, tháng sau giá thấp. Các cty nước ngoài thì luôn giao đúng hàng cho khách. Giao trễ là nhà rang xay họ phạt cực cao nên ko ai dám giao trễ, xuất khẩu giao trễ cho cty nước ngoài thì cty nước ngoài cũng phải cắn răng đi mua bù thiếu chỗ khác để giao cho đúng hạn. Ôi, lập luận lạ lùng của các ngài.
Tôi ủng hộ ý kiến của tác giả Kinh Vu, tôi muốn đề cập thêm một vài vấn đề nữa, mong được thảo luận cùng tác giả và người đọc
– Việc đưa ra điều kiện để DN được xuất khẩu cà phê đã trở thành rào cản không cho các DN mới và đang chuẩn bị thành lập có cơ hội làm ăn, đồng thời các DN vừa và nhỏ hiện đang KDXK cà phê phải ” theo chồng bỏ cuộc chơi”, như thế gọi là sắp xếp cũng cố hay là thu hẹp sân chơi?
– Nếu điều kiện KDXK cà phê được áp dụng, thì trên sân chơi chắc còn ” các cầu thủ của G20″ mang áo có ” logo của VICOFA” và họ đá bóng bằng quyết tâm chính trị chăng? mục tiêu chiến thắng là lợi ích nhóm chăng?
– Chuyện như thế thì ai cũng hiểu các “cầu thủ” không sống bằng tiền mua vé của khán giả, mà bằng “bầu sữa ngân sách” hằng năm chỉ chảy một lần dưới hình thức cho vay ưu đãi thu mua tạm trữ , một cụm từ hoa mỹ nhưng thật chất là đầu cơ mà thôi. Phải chăng đây mới mục đích của CV 290?
Cảm ơn bác Kinh Vu vì bài viết khá sâu sắc và dễ hiểu !
Tôi mong sẽ có nhiều bài viết bổ ích như thế, và sẽ có nhiều người cùng thảo luận hơn nữa.
Các bộ ngành cũng nên lắng nghe những ý kiến đóng góp của dân mà điều chỉnh các văn bản, chính sách cho phù hợp. Không thì sẽ chả còn là xã hội của dân, do dân và vì dân nữa.
Lại dùng biện pháp hành chính để điều hành thị trường, một việc làm không hay!
Vấn đề xem xét hiện nay là những quy định trong công văn 290 có vi phạm Luật Kinh Doanh và Xuất Nhập Khẩu hay không?
Không nên để cho các Bộ muốn làm gì thì làm, chẳng quan tâm gì đến quyền lợi của nông dân và nhiều DN xuất khẩu khác nữa!
Nếu mà công văn 290 mà ra đời cho bằng được thì nông dân chúng tôi yêu cầu Thủ tướng Chính phủ và bộ Tài Chính cho thanh tra ngay Tổng Công ty Cà phê Việt Nam và các công ty thành viên của Tổng Công ty cùng các công ty xuất nhập khẩu cà phê lớn của nhà nước xem mỗi công ty có nợ ngân hàng có đến vài ngàn tỷ đồng, không có khả năng trả nợ không?
mà cứ yêu sách này yêu sách khác… Đoạn sau bị kiểm duyệt do không phù hợp với nội quy
Cộng it trừ nhiều đó là kiểu giữ chân cho giá cafe hiện nay của hai sàn giao dịch. Hãy quay về với sàn giao dịch trong nước, chủ động phát giá bán tìm đối tác mua hàng thật. Mình cũng rất muốn BQT Y5 có thêm một chút xíu thời giàn dành cho giá cafe trong nước tý chút. Thân
Tôi làm trong ngành XK cafe hơn 20 năm, làm kinh doanh cafe đâu có dễ, mau già và nhanh bạc tóc. Tôi thấy mấy người trong ngành này khi có thời gian ngồi lại với nhau là lúc có thể hỏi thăm nhau nhiều chuyện, nhưng chuyện cafe thì không cần nói mà nhiều người biết : Biết ai khó khăn, ai thuận lợi, ai gặp chuyện chẳng lành… Cafe là mặt hàng kinh doanh mà Luật pháp đâu có cấm, có được người còn say mê kinh doanh cafe là quý lắm rồi, việc gì các ông có chức có quyền nghe ai này nọ mà phải luật này pháp kia cản trở. Những DN kinh doanh cafe có thể họ không cần phải to đùng như công ty này công ty nọ miễn sao DN họ làm ăn hiệu qủa, ngân hàng tin họ tài trợ cho họ, khách ngoại thích mua hàng của họ thì hà cớ gì trong nước lại cứ phải triệt nhau vậy ?
Cũng có thời kỳ 1 ông to đùng trong ngành cafe cứ muốn nhiều người phải chế biến thế này, chế biến thế nọ… cho cafe Việt Nam có chất lượng cao. Nhưng mấy ông khách nước ngoài lại nói : Các ông bán cái các ông có hay các ông bán cái chúng tôi cần – Quy luật thị trường thì cứ bán cái người mua cần chứ đâu bán cái người bán có – phải chăng hiện nay các bộ nghĩ rằng quyền hành trong tay thì bất cần kiến thức kinh tế và quy luật thị trường : Thích hạn chế là hạn chế .
Bài viết của Kinh Vu tổng hợp nhiều thông tin hay, có lẻ nhiều người làm caphe đều biết và các bác lãnh đạo cũng biết nhưng vấn đề là các bộ liên quan có chịu nhìn thẳng sự thật và đưa ra giải pháp đúng thực chất vấn đề không thôi. Hiện nay, cứ thanh tra kĩ mấy ông XK thuộc Tổng cty và một số ông lớn đang xk nhiều về tình trạng sức khỏe của họ thì biết liền, nếu làm đúng chắc nhiều ông phải phá sản!
Nhất trí với ý kiến anh Kinh Vũ. Thấy chính sách nâng cao năng lực cạnh tranh như đề xuất trên của mấy bác nhà mình đơn giản, hồn nhiên và áp đặt quá. Mình liên tưởng như việc cắt cành cà phê vậy, cành nào nhỏ hơn ngón tay trỏ, cành nào 2 năm không ra trái là cắt hết. Úi giời ơi. Thế có mà cắt hết cả vườn cà phê chưa kịp bói. Nếu đơn giản thế ai cũng làm cà phê được. Nếu đơn giản như các bác trên đề xuất thì chẳng cần trình độ gì cũng làm nhà hoạch định chính sách, quyền sinh quyền sát hàng trăm doanh nghiệp, định hướng phát triển ngành cà phê liên quan đến cả triệu người trên đất nước này. Xin các bác. Mà mình sợ đề xuất này được thông qua nhanh lắm. Lĩnh vực cà phê khả năng phản biện của xã hội còn hạn chế. Lợi ích cục bộ lại rất lớn. Sợ quá!
Nếu chính sách này sớm được thông qua thì nông dân trồng cà phê là… chết chắc.
Khi chỉ còn lại một nhóm các nhà được quyền xuất khẩu thu mua cà phê thì ai cấm được họ tự tung tự tác, muốn mua giá bao nhiêu thì mua vì không còn đối trọng. Chính các nhà KDXK cũng đã nhiều lần thừa nhận là nông dân thường bị ép giá ngay cả khi “trăm người bán vạn người mua”, huống gì bây giờ “trăm người bán chỉ vài người mua”.
Bà con nông dân cà phê phải lên tiếng nhiều hơn nữa!
Nên sửa lại Công văn số 290/BNN-CB của Bộ NN&PTNT gửi cho Bộ Công Thương là đề xuất cấm cho mở thêm đại lý thu mua và xuất khẩu cafe là chính xác hơn. Họ đưa ra công văn này khác nào triệt tiêu sự phát triển cạnh tranh lành mạnh của những nhà xuất khẩu tương lai nhỉ?
Nếu họ ra được cái văn bản đề xuất cho bộ Công Thương áp đặt cho giá cafe VN khi xuất khẩu phải được mức giá thấp nhất là…? thì có lẽ đáng trân trọng hơn là cố tình tìm cách trục lợi qua mồ hôi của người nông dân.